“Khẩu dậu cá” ở Quan Lạn - Tập quán xã hội của cư dân Việt vùng biển đảo

Người Việt (Kinh) không chỉ thực hành nền văn hóa truyền thống của mình tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mà từ ngàn xưa, văn hóa Việt (Kinh) đã theo chân các chủ nhân văn hóa lan tỏa đến nhiều vùng miền khác, trong đó có vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc…

1. Đôi nét về làng Quan Lạn

Nằm ở vùng biển Đông - Bắc của Tổ quốc, làng Quan Lạn nay thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sách “Tên Làng xã Việt Nam” ghi đầu thế kỷ XIX, Quan Lạn là xã thuộc châu Vân Đồn, trấn An Quảng. Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) Quan Lạn thuộc huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên, thời Duy Tân thuộc huyện Hoành Bồ, thời Pháp Quan Lạn thuộc tổng Vân Hải, châu Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên. Xưa kia Quan Lạn có tên là Làng Cả. Trải dài trên một diện tích 3154ha Quan Lạn gồm có năm xóm chính đều đặt tên theo các hướng là Đông - Nam - Đoài - Bắc và xóm Ruộng (nay là Thái Hoà). Ngoài năm xóm chính, còn có ba xóm lẻ là Yến Hải, Sơn Hào và Tân Lập. Ngày nay, các xóm trên vẫn giữ được cơ bản tên cũ, chỉ có thay đổi đôi chút. Dân số là 3.945 khẩu, 745 hộ (theo tài liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009). Trong quá trình biến động của đất nước người Quan Lạn có mặt ở nhiều nơi. Thời gian khó khăn những năm cuối 70 đầu 80, nhiều người Quan Lạn đã chuyển ra nước ngoài như: Nhật, Úc, Pháp, Phần Lan, Canada… sinh sống. Ở Canada có một làng người Quan Lạn định cư ở đó, cư dân ở đây đã lấy tên làng cũ - Vân Hải - đặt tên làng ở nơi cư trú mới. Từ khi thị trấn Cái Rồng trở thành trung tâm của huyện Vân Đồn, một bộ phận cư dân Quan Lạn đã từ làng đảo chuyển vào đây sinh sống. Người Quan Lạn cũng chuyển cư tới sinh sống tại Hòn Gai và các nơi khác trong cả nước. Qua tìm hiểu gia phả của các dòng họ lớn, được biết, đa phần người dân Quan Lạn có gốc từ Thanh Hóa và Đồ Sơn ra đây lập nghiệp. Ngoài ra còn có các nhóm khác đến từ Hải Hưng, Hà Bắc cũ…Những dòng họ lớn ở Quan Lạn hiện nay là họ Vũ, Nguyễn, Phạm, Lưu, Châu… Đây cũng là những dòng họ đến đây định cư sớm. Tương truyền, nhiều dòng họ khi đến đây định cư yên ổn đã quay trở về quê cũ lấy trộm bát hương, cất bốc mồ mả đem ra đây để thờ. Lâu ngày, mối liên hệ với những vùng đất cũ đã mờ nhạt, nhưng trong tâm khảm mọi người hình ảnh quê cha đất tổ vẫn không hề phai mờ.

Quan Lạn còn lưu giữ được 14 Đạo sắc, mà các triều đại trước đây phong cho các vị có công lao trong việc tạo lập và gìn giữ  vùng biển đảo của Tổ quốc

Tương truyền, xưa kia chỗ làng ở hiện nay không phải là đất thổ cư chính. Đây chỉ là một dải đất dài nhô ra cuối đảo rất tiện lợi cho việc neo đậu thuyền khi đi đánh cá. Làng chính xưa ở Liễu Mai (còn gọi là Cái Làng) và Vân Sơn. Đây là một vùng biển kín, không sâu, rất thuận tiện cho thuyền bè. Chính vì vậy những người đầu tiên đặt chân đến đây đã dừng lại ở đó để làm ăn sinh sống. Khu vực ấy ngày nay là khoảng giữa núi Mang và phần đảo Vân Hải thuộc làng Quan Lạn tạo thành một vụng lớn có bãi cả rộng tới 2km. Những dấu tích tìm được cho thấy trên vùng đất này xưa kia đã từng có một cuộc sống nhộn nhịp và sầm uất. Điều này rất phù hợp với ký ức của các cụ già Quan Lạn ngày nay rằng đình xưa ở bên Liễu Mai (Cái Làng), đến đời nhà Nguyễn mới chuyển về vị trí bây giờ. Về sau này do áp lực dân số, do điều kiện làm ăn, dân Cái Làng chuyển về phía Nam đảo Vân Hải và dừng lại ở địa điểm ngày nay. Đất ở khu vực này có vị trí tiện lợi cho thuyền bè neo đậu phù hợp với việc đánh cá, buôn bán đường thủy và vận tải. Đồng thời những doi đất trong các thung lũng ven núi có thể gieo trồng một số cây lương thực phục vụ đời sống con người.

2. Sinh kế - nhìn về truyền thống

Một phần diện tích đất đai trên đảo cũng trồng được lúa, song diện tích trồng lúa khá chật hẹp và năng suất không cao. Đất ở đây chủ yếu phù hợp với trồng màu như khoai, lạc, cây thuốc lào… Đương nhiên, để bù lại cho tiềm năng nông nghiệp nghèo nàn ấy, khu vực này lại giàu các loại tài nguyên khác mà con người có thể khái thác để kiếm sống. Tiềm năng giao thông, buôn bán đường thủy và các nguồn lợi thủy/hải sản là các nguồn tài nguyên chính được dân địa phương khai thác nhằm buôn bán, vận tải biển và đánh bắt cá để sinh tồn.

Giao thông đường thủy có thể nói là một thế mạnh của các cư dân trên đảo. Vận tải đường thủy cả trong nội địa lẫn quốc tế đều phát triển, theo đó buôn bán đường thủy cũng khá phát triển trong cư dân ở đây. Với kinh nghiệm sông nước dày dặn, trước đây trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, một bộ phận ngư dân ở Quan Lạn đã tham gia vào các đội vận chuyển theo con “đường Hồ Chí Minh” trên biển, chuyên chở vũ khí, lương thực và thuốc men, quân trang, quân dụng... phục vụ chiến trường miền Nam. Trong xu thế hội nhập và pháp triển của đất nước ngày nay, thế mạnh về vận tải đường thủy của người Quan Lạn càng có cơ hội để phát triển nhanh và mạnh hơn.

Có thể nói trong truyền thống nghề đánh cá có một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân. Vùng biển xung quanh Quan Lạn đã có cảnh quan đẹp lại lắm tôm nhiều cá. Nói về sự giàu đẹp của quê hương, người Quan Lạn vẫn thường ngân nga:

 "Ở đây vui thú non tiên,

Sáng đi ra biển lấy tiền về tiêu".

Các lão ngư cho biết xưa kia (trước những năm 1960) cá nhiều lắm. Đàn ông trong làng chỉ cần chèo thuyền tới Nhàng (trước cửa Đình), Gốp, Thây, Giãi (tên địa phương những điểm có nhiều cá)... kéo một mẻ lưới về ăn hai ba ngày chẳng hết. Cho tới bây giờ thả lưới bén vài giờ cũng kiếm được vài ki lô gam cá. Còn phụ nữ trẻ em thì đào Sá Sùng (giun đất). Mỗi con nước có 14 ngày thì có khoảng 8 hoặc 9 ngày khai thác tốt. Bình quân mỗi buổi 2 - 3 giờ phụ nữ và trẻ em cũng có thể đào được cả trăm ngàn đồng. Ngoài ra người dân còn có thể bắt cù kỳ (một loại sinh vật biển na ná như con cua), khai thác hàu...

Khẩu dậu cá

Trong truyền thống tại làng Quan Lạn cũng đã từng tồn tại nhiều điểm có thể đánh bắt cá cố định, gọi là các “Khẩu dậu”. Vốn là, bãi ngập triều trước làng, có những doi cát nỗi lên tiếng địa phương gọi là các chương cát. Khi thuỷ triều lên ngập nước, theo đó cá ngoài biển theo nước mà vào sâu gần bờ. Khi thuỷ triều xuống cá trở ra biển gặp phải doi cát không vượt được nên phải lần theo những rạch nước mà trở ra. Ngư dân lợi dụng các điều kiện vừa nói để đánh bắt cá mà công cụ chính là những tấm dậu (tấm phên, tấm sáo). Những nơi có thể bố trí một bãi đánh bắt như thế gọi là một Khẩu dậu. Tại Quan Lạn có khoảng 25 khẩu dậu như thế.

Đao đình của người Việt ngạo nghễ ở vùng biển đảo Đông-Bắc (đình Quan Lạn). 

Nguyên tắc đánh cá bằng khẩu dậu từa tựa như kiểu đánh đăng. Một bãi như thế bao gồm 4 vòng dậu. Dậu có 2 phần chính: hàng cọc cắm để đỡ dậu và tấm đăng (cũng gọi là tấm dậu):

- Cọc: cao 4m đường kính cở 5cm. Cọc được cắm dày dần lên từ vòng miệng bãi dậu đến vòng đáy bãi dậu theo khoảng cách giữa các cọc như sau: 150cm- 100cm- 60cm- 40cm (xem trên sơ đồ Đ).

- Tấm đăng (hoặc tấm dậu): các thanh nứa được ken lại bằng dây cây mỏ vàng hoặc dây cây moi (các loại dây trên rừng chậm phân huỷ trong nước). Khoảng cách giữa các thanh nứa cũng khác nhau (mau dần lên) từ các tấm đăng ở vòng miệng đến tấm đăng ở vòng đáy như sau: 15cm --->4cm--->2--->3cm--->1,5cm (xem trên sơ đồ).

- Ngư dân dùng dây mây cạp (buộc) tấm đăng vào theo các hàng cọc, khi đã cạp các tấm đan vào hàng cọc thành các tấm vững chắc thì gọi là dậu.

Các vòng dậu như vừa mô tả được nối kín với nhau và thu hẹp dần. Ở vòng cuối cùng người ta bố trí một cửa ra và đặt vào cửa ra ấy mộ cái đó gọi là Nú ruốt. Cá theo dòng thuỷ triều xuống, trở ra, bị hạn chế trong các tấm đăng cuối cùng phải chui vào nú ruốt, ngư dân chỉ việc bắt cá trong Nú ruốt.

Ngày xưa cá nhiều, cá hay theo thuỷ triều vào bờ nên làm khẩu dậu được rất nhiều cá. Cụ ông Phạm Quang Dung cho biết, vào năm 1978, làm khẩu dậu có chiều thu được 500 con cá chim (thời đó không biết bán cá cho ai), có những chiều được 5-6 con cá Xủ (mỗi con khoảng 20kg), có chiều được 5-7 tạ cá Xạo, có những chiều những miếng dậu tốt thu được 6-8 tấn cá Húng. Ngày nay, cá không còn vào trong lộng như xưa nữa và từ 1980 tới nay (khi xung đột biên giới xảy ra) dân địa phương không còn làm dậu nữa.

Xây dựng một bãi khẩu dậu là công việc nặng nhọc và tốn kém, những ngư hộ có thuyền và có nhiều vốn thì mới làm được. Thông thường 3 ngư dân khoẻ mạnh làm liên tục trong vòng hơn một tháng thì mới xong một bãi dậu. Bởi vậy thường 3 hộ rũ nhau thầu một bãi dậu làm chung (gọi là làm chạ), những ngư hộ trường vốn thì có thể thầu một bãi dậu rồi thuê người làm. Khi bãi dậu đã hoàn thành, cứ chiều chiều khi nước rút người ta chỉ còn việc đi thu cá. Thu cá xong, những nơi dậu bị hỏng thì chủ đi kiểm tra tu sữa lại, khi thuỷ triều lên thì bỏ các Nú ruốt để cho cá vào. Khi triều đã khẳm nước, chuẩn bị xuống thì chủ ra đặt nú ruốt vào các miệng thoát để đơm cá...

Bởi việc làm khấu dậu thu được lợi nhuận lớn nên các khấu dậu do làng quản lý, thông thường khấu dậu tốt nhất (miếng dậu thuỷ triều ngập sớm nhất là miếng dậu tốt vì như vậy thì được làm sớm nhất thu cá trước...) hàng năm được làng dành để tặng các cụ ra lão của năm đó, các trưởng giáp cũng có thể được tặng khai thác. Những khấu dậu còn lại được làng bán đấu thầu ai trúng thầu thì khai thác cá và nộp thuế cho làng. 

Việc quản lý và khai thác các khấu dậu ở Quan Lạn được Hương ước của làng quy đinh vụ thể như sau:

1. Điều thứ 78 trong mục “Của công hàng xã, việc cắt phu thuyền đi dưa công văn và đi việc quan” quy định: Làng có 25 Khấu dậu cá (dài rộng độ 800m-500m) chia làm 4 hạng. Hạng nhất có 3 khu, hạng nhì có 7 khu, hạng 3 có 5 khu, hạng tư có 10 khu. Các Khấu dậu thì trừ 3 khu hạng ba và 4 khu hạng tư biếu thủ từ và các vị đáo lão, còn thời đem bán sung công, chiếu lệ như sau đây:

1. Hạng nhất .........4# 00

2. Hạng nhị ..........3#  50

3. Hạng ba ............2#  50

4. Hạng tư ............1#  50

2. Điều thứ 90 trong mục “Của công hàng xã, việc cắt phu thuyền đi dưa công văn và đi việc quan” quy định:  Lệ lão thì không phải nộp tiền lệ phí gì cả nhưng người nào muốn sữa lễ yết thần, cổ bàn mời thân bằng, cố hữu, kỳ lý cũng  mặc ý không bắt buộc.

Cứ hàng năm làng cấp chung cho các lão hạng 3, khu dậu

3. Điều thứ 95 trong mục “Của công hàng xã, việc cắt phu thuyền đi dưa công văn và đi việc quan” quy định: Làng không có ruộng công nên cấp cho thủ từ đình và miếu lớn hai khu dậu. Thủ từ 4 miếu lẽ một khu dậu và thủ tự chùa một khu dậu. Làng lại còn cấp cho thủ tự chùa một số tiền hàng năm là mười hai quan (12#00) để lấy tiền sắm hương đăng, giầu nước những ngày sóc, vọng...

Những gì như vừa nêu ở trên cho thấy trong truyền thống, các Khẩu dậu cá không chỉ là khu vực cung cấp cho dân Quan Lạn nguồn kinh tế rất quan trọng, mà chúng còn là nguồn tài sản công rất quan trọng của cộng đồng, giúp cho thể chế xã hội cấp cơ sở sử dụng cho các mục đích công khác.

3. Đời sống xã hội cổ truyền ở Quan Lạn

3.1. Cơ cấu hành chính Làng - Xóm và sự vận hành của nó

Quan Lạn, trước đây gọi là Làng Cả. Làng Cả lúc bấy giờ do 5 xóm họp thành  thành: xóm Đông; xóm Nam; xóm Đoài, xóm Bắc, xóm Ruộng.  

Trong thời đại ngày nay, cùng với nhiều sự thay đổi khác, cơ cấu xã hội ở Quan Lạn cũng được tổ chức lại. Từ 1961 Quan Lạn được phân chia lại theo 8 xóm như sau:

1. Xóm Thái Hòa ( tên cũ là xóm Ruộng)

2. Xóm Đông Nam (xóm Đông và Xóm Nam hợp vào)

3. Xóm Bắc

4. Xóm Đoài (xóm Đoài xưa nay được chia thành 2 xóm: xóm Đoài và  xóm Tân Phong)

5. Xóm Tân Phong

6. Xóm Dệc (xưa là Sơn Hào và Vân Sơn)

7. Xóm Gót (Yến Hải)

8. Xóm Tân Lập (đây là xóm mới - trước đây không có xóm Tân Lập)

Cơ cấu hành chính của Làng

         Như muôn làng cổ truyền khác ở khu vực Bắc Bộ, làng Cả trước đây cũng có một hội đồng điều hành, gọi là Hội đồng Kỳ mục. Hội đồng Kỳ mục có các chức sắc như sau: Lý trưởng, 2 phó lý, thủ bạ (hộ lại lo khai sinh, khai tử, cấp giấy kết hôn, lo trước bạ đất cát...), hương kiểm, chánh xã đoàn. Theo ngôn từ hiện đại có thể nói làng vừa là cơ quan lập pháp vừa là cơ quan hành pháp. “Pháp luật” để vận hành làng là bản hương ước. Bản Hương ước của làng Quan Lạn, thuộc tổng Hải Vân, châu Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên chưa rõ lập vào năm nào, bản dịch mà chúng tôi có được là bản sao vào năm 1942 do Chánh tổng Vân Hải và Hội đồng Kỳ mục lý dịch cùng ký tên. 

Bản hương ước của làng Quan Lạn có 105 điều, hai khoản phụ thêm bao gồm nhiều hạng mục, được chia thành 2 phần lớn.

Phần thứ nhất: Các điều tổng lục bao gồm các hạng mục như sau: Việc chính trị trong làng (1 điều); Sổ thu chi (1 điều); Tiền lộ phí (1 điều, 3 khoản); Bổ sưu thuế (11 điều); Mục đích tuần phòng (2 điều); Cắt cử Đoàn rõng và Tuần phiên (5 điều); Điếm canh (2 điều); Hiệu lệnh tuần phòng (1 điều);  Việc tuần phòng và trách nhiệm của Đoàn rõng và Tuần phiên (8 điều);  Việc canh phòng đê, đường, công sở và rừng xứ Mắm (3 điều);  Canh phòng về chính trị và an ninh (2 điều);  Cấp cứu (3 điều);  Lương tuần tráng (1 điều);  Ngăn cấm gian lậu và cờ bạc cùng các việc phi pháp khác (5 điều); Việc vệ sinh (6 điều); Việc kiện cáo (5 điều);

Phần thứ 2: Các tục lệ riêng bao gồm các hạng mục như sau: Hôn lễ (5 điều); Tang lễ (6 điều); Của công hàng xã, việc cắt phu thuyền đi đưa công văn và đi việc quan (5 điều); (tiếp đấy bản sao bị mất 5 điều: từ điều thứ 79 đến điều 82 không rõ nói về hạng mục công việc gì); Vị thứ, bán vị thứ và các lệ làng…(8 điều); Tế tự (11 điều); Điều khoản cuối cùng (4 điều);

Nội dung của bản Hương ước đã đề cập đầy đủ tới mọi mặt của đời sống xã hội ở làng quê; đặt ra những quy định rất rõ ràng về trách nghiệm, nghĩa vụ và  quyền lợi của dân hàng xã; xác định rõ ràng về công sản, tư sản và các quy định bảo vệ chúng; Hương ước cũng chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức hoặc cá nhân phải thực hiện và quy định rất rõ ràng về thưởng phạt nghiêm minh. Có nhiều quy định trong bản Hương ước về vấn đề an sinh xã hội và an ninh cho người dân. Với việc xây dựng được bản Hương ước đầy đủ và chặt chẽ như vừa nêu, Hội đồng Kỳ mục của làng Quan Lạn, để thực hành việc quản lý chỉ còn việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành Hương ước của người dân và của các tổ chức xã hội trực thuộc. Có thể nói, Xóm là các đơn vị sử dụng Hương ước nhiều nhất nhằm trực tiếp tổ chức công việc quản lý một cách cụ thể.

Tổ chức: Xóm

Là một phân thể của Làng, Xóm là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hành việc quản lý theo Hương ước của làng đến Hộ gia đình và trực tiếp đến các cá thể. Mỗi Xóm có trưởng xóm. Chức trưởng xóm 3 năm 1kỳ, cứ hết 3 năm thì bầu lại. Các ứng viên cho chức trưởng Xóm là người ăn nói tốt được lối xóm tín nhiệm. Theo tục lệ các Xóm thường bầu trưởng xóm vào ngày 6 tháng giêng. Đây là dịp xóm tế ở miếu xóm, những xóm không có miếu thì tế ở nhà trưởng xóm (tế ngoài sân).

Các hộ trong xóm góp tiền để sắm lễ vật. Lễ vật cho kỳ tế này đơn giản thường là xôi, chè, trầu, rượu. Chủ gia đình đến họp xóm và tham gia lễ tế. Sau khi xong việc lễ thì tổ chức họp Xóm bầu luôn trưởng Xóm. Thật là thú vị cách bầu trường xóm của các xóm ở làng Quan Lạn trước đây đều sử dụng trống. Trưởng xóm cũ chủ trì lễ bầu, người chủ trì sẽ xướng tên người được bầu, cụ già lớn tuổi nhất trong xóm là chủ đánh trống. Khi tên người sẽ bầu, được xướng lên, nếu người già (được đại diện bởi người nhiều tuổi nhất) đồng ý thì đánh 9 tiếng trống cho việc bầu chọn trưởng xóm và 6 tiếng cho việc bầu chọn phó xóm. Nếu không đồng ý thì không đánh trống. Thực chất chọn ai làm trưởng xóm và phó xóm đã được hiệp thương từ trước còn bầu giữa xóm chỉ là nghi thức trình diễn. Trong một số trường hợp việc hiệp thương không chọn ra được một ứng viên duy nhất cho chức trưởng xóm mà có nhiều người đều là ứng viên cho các chức trên thì tiếng trống của người già có ý nghĩa quyết định việc bầu chọn. Khi dứt tiếng trống nếu người được bầu đồng ý chấp nhận thì đứng lên xướng: "dạ". Nếu người được bầu không chấp nhận thì ngồi im, xóm sẽ tiếp tục bầu chọn người khác.

Một trong các công việc quan trọng của xóm là tổ chức lực lượng dân phòng nhằm bảo vệ tài sản công và tài sản cá nhân của các gia đình hoặc của cá nhân từng công dân, đảm bảo an ninh cho người dân. Thông thường mỗi xóm có một điếm canh. Điếm canh chủ yếu sử dụng để canh phòng các tháng "củ mật". Tháng củ mật là các tháng 10, 11,12, là những tháng giáp hạt, đói kém, rét đậm, về đêm ít người đi ra ngoài đường, trộm cướp hay hoạt động vào tháng này  để trộm các sản phẩm sắp thu hoạch ở ngoài đồng. Điếm canh được dựng ở đầu lối trên con đường độc đạo vào làng. Dân trong làng ở độ tuổi đinh tráng, ai không có chức sắc đều phải thay nhau đi canh (2 hoặc hơn 2 người cùng canh 1 đêm). Trong điếm canh có trống. Khi thấy trộm, cướp tuỳ theo tính chất cụ thể của từng sự việc cụ thể mà đánh trống hiệu thông báo cho làng (đã có quy định trước về nội dung thông tin của nhịp tống, số tiếng trống - xem trong Hương ước). Việc bắt trộm đánh cướp là việc của cả xóm làng, khi nghe tiếng trống báo động thì mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bắt cướp.

Tổ chức canh phòng là công việc của từng xóm, còn kiểm tra canh phòng thì lại là công việc của làng. Thông thường xã đoàn của làng (người phụ trách an ninh của làng - giống như xã đội bây giờ) đi kiểm tra việc các xóm tổ chức canh phòng trong các điếm. Nếu xóm nào trễ nả hoặc cá nhân nào đi canh mà lại ngủ thì bị phạt tiền. Giúp việc cho xã đoàn có lực lượng đoàn rỏng (giống như du kích bây giừ), lực lượng đoàn rỏng cùng xã đoàn thực hiên trách nhiệm đi kiểm tra việc tuần phòng, đương nhiên khi cần thì họ cũng là lực lượng được huy động để đuổi bắt trộm, đuổi cướp…

3.2. Cơ cấu phi hành chính Làng - Giáp và sự vận hành của nó

Song hành với cơ cấu hành chính của Làng - Xóm, trong làng xã cổ truyền còn  tồn tại  các dạng tổ chức xã hội mà về nguyên tắc được tập hợp dựa trên lòng tự nguyện của các thành viên như: phe, hội, phường, và một dạng tổ chức xã hội  rất đặc thù của xã hôi truyền thống Việt được tập hợp theo nguyên tắc lớp tuổi, đó là Giáp.

3.2.1.Phường hội

Có nhiều loại họ, phường, hội, điển hình ở Quan Lạn là hai hội có tổ có tổ chức độc lập, nhưng cùng hướng tới một mục đích  rất quan trọng có tác động tới toàn bộ dân trong xóm trong làng.

a).  Hội Nghĩa Hợp

Mục đích vào hội là đóng góp cùng nhau làm một cổ đòn (nhà táng) chuẩn bị để khi tứ thân phụ mẫu của các hội viên qua đời thì sử dụng cỗ đòn ấy đưa các cụ đi mai táng. Mỗi hội như vậy có một cỗ đòn và một ngôi nhà để cất giữ cỗ đòn. Trường hợp những người không vào hội thì khi có người thân chết phải đi thuê cỗ đòn để đưa tang. Hội Nghĩa Hợp là hội của những người bình dân không có chức sắc ở trong làng. Ai thích vào thì tự nguyện không bắt buộc.

b. Hội Quảng Tư Văn

Mục đích giống như hội trên. Điểm khác nhau ở chổ hội trên là hội của người bình dân còn hội này là hội của những người có chức sắc trong làng. Bao gồm: Xã Khán (là người đi bắt phu, bắt lính, đi trẩy quan: trong làng có 3 người lo chèo thuyền đưa Chánh tổng , Lý trưởng đến Châu, Huyện, Xã... để công việc - xã khán được miễn không phải đi phu), chánh, phó lý, chánh tổng, thủ bạ (lo khai sinh, khai tử, kết hôn - cheo, đất cát...)... Hội này cũng có một cỗ đòn, dĩ nhiên là đẹp và sang hơn của hội trên.

3.2.2. Giáp

Theo hương ước thì làng xưa có 5 giáp là: Đông, Nam, Bắc, Đoài và Vân. Còn các cụ già làng nói xưa kia làng có 6 giáp (ngoài 5 giáp trên còn có thêm giáp Võ). Đến năm 1961 được gộp lại thành hai giáp là Văn và Võ. Giáp Văn gồm chủ yếu những người buôn bán, dịch vụ, quan thuyền, còn giáp Võ là của những người lao động, đánh cá. Giáp Văn (mới) bao gồm các giáp (cũ): giáp Văn, giáp Đông, giáp Nam; Giáp Võ (mới) bao gồm các giáp (cũ): giáp Bắc, giáp Đoài.

Hàng giáp có vai trò chủ yếu của một tổ chức xã hội trong các công việc sự lệ, hội hè, tế lễ làng. Thiết chế này dựa vào nguyên lý lớp tuổi của những người đàn ông ở trong làng từ đứa trẻ mới sinh đến cụ già cao tuổi nhất. Làng có lệ đăng cai theo hàng giáp ai cũng phải làm cai đám một lần. Trong thời gian làm cai đám, người đăng cai phải chuyên biện mọi việc tại đình miếu khi đến ngày sự lệ. Sau khi góp đủ ba sự lệ sơ sinh, sự lệ thứ hai và sự lệ thứ ba, sau đó suốt đời không phải đóng góp gì cho hàng giáp nữa. Đứng đầu giáp là người trưởng giáp do hàng giáp cắt cử. Họ là những người có chữ, biết ăn nói, am hiểu phong tục, biết điều hành công việc trong giáp, biết xử lý các công việc ngoài làng… Giáp trưởng được bầu theo từng năm. Trưởng giáp không có quyền lợi gì lớn ngoài việc được ngồi cùng với các cụ mới lên lão và cùng được hưởng các quyền lợi với các cụ, trong đó có quyền được khai thác các Khẩu dậu tức là những nơi đánh cá thuận lợi nhất mà làng dành tặng các cụ khi ra lão. Tổ chức giáp đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cả làng. Ai cũng phải trải qua những lần đóng góp và hưởng thụ. Song sự đóng góp và hưởng thụ ấy khá công bằng thể hiện sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ của dân đảo.

Sinh hoạt hàng Giáp

Có thể nói Giáp là một loại hình tổ chức rất phổ biến trong mọi làng truyền thống của người Việt, nhưng điều lý thú là nếu như ở các làng quê khác sinh hoạt giáp chỉ còn tồn tại một cách mờ nhạt trong ký ức của người già, thì ở làng Quan Lạn sinh hoạt hàng giáp dù cho tới nay không còn tồn tại nữa nhưng các già làng còn nhớ rất rõ cách thức sinh hoạt của loại hình tổ chức này. Cụ Phạm Quang Dung - một người làng còn nhớ vào trước năm 1945, khi 10 tuổi cụ vẫn đi sinh hoạt hàng giáp, cụ kể rằng, ai sinh con trai phải làm các lễ sau:       

Một tuổi: trong thời gian từ khi sinh ra đến đầy 1 tuổi, bố anh ta phải  làm 1 ván xôi (4kg gạo nếp) trầu rượu, vào kỳ tháng 6 hoặc tháng giêng đưa ra đình cho làng làm lễ trình thần. Lễ thần xong tự hưởng, mọi người tham gia lễ: các kỳ dịch như hương trưởng, chánh phó lý, xã khán... và người thân của cậu bé (gia đình của cậu bé không nhất thiết phải tham dự) cùng ăn xôi.

Hai tuổi: Bắt buộc phải làm như trên.

Ba tuổi: 3 tuổi là tuổi đóng góp quan trọng nhất, ai đã qua tuổi này sau đó không bao giờ phải làm cai đám nữa. Theo quy định của làng xã (quy định cụ thể trong hương ước) tất cả con trai trong giáp trong năm lên 3 tuổi (bố anh ta) phải đóng 6 quan tiền gọi là tiền cai đám đễ làm cổ khao hàng giáp.

Cách tổ chức thực hiện: Trưởng giáp (do thư ký giúp) kiểm lại các chủ trong giáp có con trai lên 3 tuổi mời họp thảo luận việc giáp, bàn cách thức làm lễ khao hàng giáp theo quy định, chọn 1 nhà (trong các nhà có con trai lên 3) đễ giáp làm lễ tại đó.

Vào ngày 14 tháng 6 âm lịch, cả nhóm làm lễ nhận nhà: Các chức dịch và các bậc cao niên trong giáp cùng dăm, ba đại diện của những người có con trai lên 3, đến nhà được chọn để "kiểm tra" và bàn cách thức mua sắm đồ lễ. Gia chủ làm một mâm xôi chè mời các thành viên tham gia.

Ngày 15, 16, 17/6 âm lịch các thành viên cai đám lo sắm sửa các thức và chuẩn bị mọi thứ cần thiết.                                                                                       

Ngày 18-6 âm lịch, sáng sớm nấu thức ăn, buổi trưa hàng giáp (đàn ông từ 4 tuổi trở lên) kéo đến ăn khao (không cúng tế gì, chỉ ăn khao mà thôi). Cỗ hàng giáp được quy định, mỗi mâm cơm sử dụng 1,5kg thịt lợn để chế biến các món ăn, kèm theo rau, dưa... đủ xôi, cơm, trầu, ượu. Cứ 4 người ngồi 1mâm, sắp xếp theo lứa từ cao xuống thấp.

Sau khi ăn khao các cụ cử 5 hoặc 7 người ra chổ tập trung của làng (miếu thờ đức ông Phạm Công Chính - một chiến tướng đời nhà Trần đánh tan quân Nguyên được dân Quan Lạn thờ như là vị thành hoàng của làng) để tham dự đua thuyền. Điểm đua trước cửa đình. Dù chỉ là đua trên quảng đường ngắn (500m x 2 lượt) nhưng làng vẫn treo giải đàng hoàng.

Bầu Trưởng giáp: mặc dù các lễ ăn khao như vừa nêu không phải là lễ tế nhưng đây cũng là dịp để các giáp họp bàn giải quyết những việc quan trọng của hàng giáp và bầu trưởng giáp. Những người được đề cử bao gồm các dân hàng giáp từ 30 đến 49 tuổi. Phải là những người năng nổ, có uy tín. Bầu trưỏng giáp không theo thể thức đánh trống (như bầu trường xóm) mà chỉ thảo luận rồi biểu quyết bằng cách giao tay.

Người làm Trưởng giáp phải lo nhiều việc chủ yếu là thu tiền dân hàng giáp để sắm lễ theo các kỳ tế lễ. Trong các lễ khao trưởng giáp rất bận rộn, anh ta phải đôn đốc mua bán, chế biến thức ăn, bày mâm cỗ, lo tiếp đãi dân hàng giáp. Làm thế nào để không thất thố với các cụ bề trên, không bỏ sót một ai. Dân gian vẫn nói “một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp” theo đó, việc hàng giáp rất phức tạp, chuyên “phao câu, âu cánh” chẳng hạn... Tuy nhiên, dân hàng giáp của làng cá không có ruộng đất nên không được chia ruộng đất công đã đành về thứ hạng cũng đơn giản hơn dân nông nghiệp.

Về quyền lợi, trưởng giáp đương chức được cùng các vị ra lão (60 tuổi) khai thác cá ở các Khẩu dậu cá của làng. Một nhiệm kỳ của trưởng giáp là 1 năm. Vào dịp ăn khao như vừa nêu ở các giáp không tế lễ nhưng làng thì lại tế ở đình ở chùa và mở hội lễ.

Long Chu-thuyền tâm linh trong đình Quan Lạn

Ra lão và Khẩu dậu cá

Sau khi trải đã qua chặng đường dài tiến thân trong khuôn khổ của tổ chức giáp, các vị đến tuổi lão (xưa kia là 49, gần đây hơn là 60 tuổi) sẽ được làm lễ ra lão. Hàng năm các vị đến tuổi 60 thì được lên lão. Các vị chung tuổi này làm chung 1lễ: 1con gà, một ván xôi, chè, rượu... lên cúng thành hoàng làng (Trần Khánh Dư) ở đền thờ ngài vào ngày mồng 3 tháng giêng, gọi là lễ trình làng. Hương ước của làng (điều thứ 90) quy định: “Lệ lão thì không phải nộp tiền lệ phí gì cả nhưng người nào muốn sữa lễ yết thần, cổ bàn mời thân bằng, cố hữu, kỳ lý cũng mặc ý không bắt buộc”. Dù Hương ước là vậy, nhưng cuộc đời chỉ có một lần lên lão nên các cụ (con cháu các cụ), thường cố gắng thu xếp làm cỗ khao làng. Tại buổi lễ này, Lý trưởng thay mặt làng chính thức tuyên bố biếu các cụ lên lão khẩu dậu tốt nhất. Mỗi năm làng dành 3 khẩu dậu cá tặng các cụ ra lão.

Sau đó các cụ lên lão họp lại bàn cùng nhau làm hoặc dành cho 1 người trong nhóm có hoàn cảnh khai thác. Nếu người làm thu hoạch tốt thì khi thu hoạch sẽ biếu cá cho các anh em cùng tuổi. Các Khẩu dậu cá này được các cụ lên lão chung nhau khai thác trong vòng một hoặc vài năm, cho tới những năm tiếp theo khi có lứa ra lão khác thì Khẩu dậu cá được chuyển luân phiên cho các cụ mới ra khai thác…

4. Thay lời kết

 Cụ Từ Chi đã từng vận dụng lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” để nghiên cứu (cụ thể là cụ lên Mường để nghiên cứu Giáp, và nghiên cứu Giáp để hiểu hơn về xã hội Mường) và nhờ đó mà Cụ đã rất thành công trong việc nhận diện và định vị được tổ chức GIÁP trong cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ. Học theo Cụ, chúng tôi đã tới vùng biển đảo Đông - Bắc của Tổ quốc, để tìm kiếm “những hóa thạch trên đường biên”. Và, những tư liệu về đời sống làng xã Việt cổ truyền, xoay quanh vấn đề GIÁP mà chúng tôi thu thập được ở làng biển đảo Quan Lạn…có thể nói là đã vượt lên sự mong đợi của người đi điền dã. Theo đó, có thể nêu ra vài nhận xét bước đầu.

 Một là, người Việt (Kinh) không chỉ thực hành nền văn hóa truyền thống của mình tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mà từ ngàn xưa, văn hóa Việt (Kinh) đã theo chân các chủ nhân văn hóa lan tỏa đến nhiều vùng miền khác, trong đó có vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc…

Hai là, với cách thức sinh hoạt hàng Giáp, mà dấu ấn của nó là các thành viên ra lão (hoặc lên lão) sẽ được làng cấp cho quyền khai thác KHẨU DẬU CÁ, tương tự như truyền thống ở khu vực nội đồng, những người ra lão sẽ được làng cấp cho quyền khai thác RUỘNG CÔNG... đã có thể nói, người Việt đã rất năng động trong việc thích ứng với mọi loại hình của môi trường sống. Cũng có thể nói, quan niệm và cách thức thực hành “văn hóa Khẩu dậu cá” ở Quan Lạn đã làm cho đời sống xã hội làng xã Việt cổ truyền, mang tính “văn hóa biển đảo” rất đậm đặc./.

Bài và ảnh: PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu

Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Từ Chi (2020) “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ” trong: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb. Văn hóa Dân tộc

2.Dương Thị The - Phạm Thị Thoa (1981), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ thứ XIX (thuộc các tĩnh Nghệ-Tĩnh trở ra), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

3.Đỗ Văn Ninh (1997), Huyện đảo Vân Đồn, UBND huyện Vân Đồn.

4. Hương ước làng Quan Lạn, tổng Hải Vân, châu Cẩm phả, tỉnh Quảng Yên.  Quan Lạn le  

Dout 1942 (Tài liệu photo copy từ bản gốc chép tay, do ông Phạm Văn Duyệt, trưởng ban văn hoá xã Quan Lạn cung cấp)

5. Nguyễn Duy Thiệu (2008), Khẩu dậu cá nét đặc trưng của làng Việt cổ truyền ở vùng biển-đảo: Trường hợp làng Quan Lạn, Tạp chí Di sản, số 4 (25).

6.Nguyễn Duy Thiệu (2002), Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

 

 

 

 

Top