“Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” - Bước từ hàn lâm ra với công chúng

Tháng 11 vừa rồi, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho ra mắt khách tham quan một phòng trưng bày chuyên đề, lần đầu tiên được thực hiện, qua một di tích cụ thể, với quá nhiều câu chuyện của khảo cổ học, tưởng đâu như rất hàn lâm và khô cứng, nhưng qua ý tưởng và bàn tay nhào luyện, những đồng nghiệp muốn phổ thông hóa những kiến thức hàm lâm để đưa tới người xem một sản phẩm dễ gần và dễ hiểu đối với mọi lúa tuổi, muốn tìm tòi, khám phá và trải nghiệm. Đó là Phòng Trưng bày chuyên đề "BÃI CỌI - NƠI GẶP GỠ CÁC NỀN VĂN HÓA".

Bãi cọi thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là một địa điểm khảo cổ học nổi tiếng, đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm của hầu hết những cơ quan nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam, và sau này, những nhà khảo cổ học của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc cũng tham gia, trong chương trình hợp tác giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh với hai bảo tàng hàng đầu của hai quốc gia: Việt Nam và Hàn Quốc.

Kể từ năm 1974 đến năm 2012, Bãi Cọi đã có lịch sử nghiên cứu gần 40 năm. Điều đó cho phép các nhà nghiên cứu có đủ độ lùi thời gian để suy ngẫm, có đủ số lượng hiện vật để trưng bày và có đủ tư liệu cập nhật để so sánh với sự nhận diện ra từng bước phát triển văn hóa ở vùng đất này, từ Hậu Kỳ Đá mới đến văn hóa Đông Sơn và cho đến hôm nay. Đó cũng là thời gian đủ dài, tư liệu đủ chín, nhận thức đủ đầy để các nhà nghiên cứu nhận ra sự gặp gỡ giữa Đông Sơn với Sa Huỳnh và xa hơn, với các nền văn hóa trong khu vực.

Với 150 hiện vật được huy động và với diện tích 150m2 được sử dụng, những người làm trưng bày không dùng diễn trình từng thời gian để thể hiện những lớp văn hóa nối tiếp nhau ở nơi này, nhằm tránh đi sự khô cứng và khiên cưỡng, mà dùng thủ pháp phân nhóm, để cung cấp cho người xem thấy một Bãi Cọi là vùng đất có lịch sử lâu đời, cách ngày nay 6.000-3.500 năm, đã có con người sinh sống, làm ăn, thông qua một bộ dụng cụ nạo, chày nghiền, bàn mài, cuốc rìu có vai bằng đá khá phong phú. Cách thể hiện sự khôn khéo như thế vừa cho thấy Hậu kỳ Đá mới, cách ngày nay 6.000-3.500 năm dù là ấn tượng qua một tên gọi khác gần Bãi Cọi - Bãi Phối Phối, nhưng còn xa lắm, mới tới Sa Huỳnh và Đông Sơn, mà thông điệp chủ yếu phòng trưng bày muốn gửi đến cho du khách. Sự đứt gãy vài nghìn năm của thời kỳ kim khí sớm ở Bãi Cọi chưa được tìm ra, do đó, cách trình bày theo nhóm hiện vật là hợp lý, đem lại sự dễ hiểu cho công chúng mọi lứa tuổi.

Mộ song táng ở Bãi Cọi

Để trả lại những gì của Seda, mở đầu trưng bày đã ghi công quá trình phát hiện và nghiên cứu Bãi Cọi của Viện Khảo cổ học và Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) từ gần nửa thế kỷ trước qua một tiêu đề "Hành trình khám phá". Tuy nhiên, những đồng nghiệp đã không sa đà vào sự kiện mà mượn những khám phá ấy để nói về một nhóm di vật gốm đặc biệt, có đáy nhọn ở bãi Phôi Phối, có niên đại Hậu kỳ Đá Mới. Đây là một phát hiện quan trọng ở nơi này mà qua gần năm thập niên còn bỏ ngỏ, nay được gợi mở qua so sánh hình ảnh và bối cảnh với những bình đáy nhọn ở Hy Lạp, ở Ngưỡng Thiều, ở Trung Bá thuộc Thiểm Tây và Trùng Khánh Trung Quốc, được dùng để đựng rượu, nước, làm muối. Đó là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, được con người sử dụng mà bãi Phôi Phối/Bãi Cọi như một nơi gặp gỡ, cũng có thể, do giao lưu, tiếp biến và đồng quy.

Phần trưng bày chính của Bãi Cọi là sự gặp gỡ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn. Tại đây, những người thiết kế đã biến 80m2 của phòng trưng bày thành một hố khai quật khảo cổ học với một gam màu nâu đất ấn tượng, qua những tổ hợp và hình ảnh tái hiện lại những ngôi mộ đất song táng, mộ vò đơn táng với bao câu chuyện về táng thức và nghi thức chôn cất của người Bãi Cọi, ví như tục đập vỡ đồ tùy táng, làm cho chúng cắt lìa với thế giới người sống, hay việc dùng những mảnh vỡ ấy để kè quan tài, tục dâng cúng thức ăn cho người chết mà dấu tích thực phẩm được các nhà khảo cổ học phát hiện khá nguyên vẹn, còn đựng trong bát gốm. Người xem cũng thấy ở đây tục chia của cho người chết qua đồ tùy táng, nay được thay bằng vàng, mã. Những đồ tùy táng thể hiện thân phận giàu, nghèo của người quá cố, phản ánh một xã hội đã có sự phân chia giai cấp sâu sắc, khi người xem thấy đồ trang sức bằng ngọc, bằng thủy tinh, bằng thạch anh, bằng đồng hay những công cụ, vũ khí bằng sắt - một thứ nguyên liệu hiếm quý, thể hiện đẳng cấp và thân phận của chủ nhân đương thời qua những ngôi mộ của họ.

Đồ gốm trong mộ Bãi Cọi

Ở phần trưng bày này, còn đặt ra bao giả thiết cần tìm tòi, khám phá và trải nghiệm. Có phải chăng, quan tài vò nhỏ là của trẻ em hay là tiểu gốm để đựng xương cải táng của người lớn? Có phải chăng, ở Bãi Cọi tập tục hung táng và hỏa táng đều song hành? Có phải chăng Bãi Cọi có cả mộ gió như những cư dân ven biển và hải đảo vẫn thực hành cho đến hôm nay, sau những chuyến đi biển của người thân bị bão tố nhấn chìm, không thể quay trở lại, nên người sống làm mộ để tưởng nhớ, Bãi Cọi gần biển, cư dân sống với biển, chuyện ấy rất có thể xảy ra. Tôi nghĩ rằng, thuyết minh viên sẽ có bao nhiêu câu hỏi tương tác với khách tham quan từ phòng trưng bầy, khiến cho tính hàn lâm không còn quá nặng nề với công chúng.

Để khách tham quan dễ tiếp cận, những người làm trưng bày đã không quá câu nệ vào địa tầng và lớp lang văn hóa, khi những nhà khảo cổ học gần đây đã nhận ra, trước khi người Đông Sơn đến lập nghiệp ở Bãi Cọi, cư dân Sa Huỳnh đã từng sinh sống. Như vậy, Sa Huỳnh phải có trước Đông Sơn trong sự gặp gỡ lịch sử của hai cộng đồng trên mảnh đất này. Đồ gốm đã phản ánh khá rõ, theo đó, trình bày diễn biến sau, trước của hai lớp cư dân là khoa học và hợp lý. Thế nhưng, mấy khi khách tham quan dành thời gian để tìm hiểu diễn tiến ấy, bởi vậy, phòng trưng bày đã thể hiện hai bộ sưu tập đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt trên hai mảng tường đối diện, để thấy những sự gặp gỡ đầy thân thiện, nhưng cũng đầy cá tính và bản sắc của hai nhóm cư dân thuộc hai nền văn hóa thời sở sử trên mảnh đất chữ S, mà người xem có thể nhận ra sự giao thoa giữa Sa Huỳnh và Đông Sơn qua kiểu dáng, qua hoa văn trang trí, qua chức năng đồ gốm, qua trang sức bằng đồng, bằng thủy tinh, bằng đá ngọc, đá thạch anh, qua công cụ sản xuất bằng đồng, bằng sắt v.v. Người hướng dẫn khách tham quan có thể dễ dàng chỉ ra những yếu tố Sa Huỳnh, Đông Sơn qua từng vật được trưng bày, với những câu chuyện gặp gỡ đầy thú vị khi nhận ra những thành tố của hai nền văn hóa lớn trên mỗi cổ vật.

Kết thúc trưng bày là câu chuyện phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, trong dự án khai quật Bãi Cọi, nằm trong chương trình hợp tác toàn diện giữa hai cơ quan từ hơn một thập niên trở lại đây. Kết quả khai quật được báo cáo qua trưng bày tại Seoul, được công bố thành ấn phẩm, được hỗ trợ thẩm định bằng các phương pháp của khoa học tự nhiên. Đặc biệt, những nhà khảo cổ học hai nước đã dầy công khôi phục hàng vạn những mảnh gốm vỡ thành những chiếc bình, chiếc vò, chiếc chõ đồ xôi… phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày ở hai quốc gia, nhằm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai cộng đồng dân tộc.

Câu chuyện Bãi Cọi bước từ hàn lâm ra với công chúng còn có nhiều tương tác, trải nghiệm và giao lưu trong suốt thời gian phòng trưng bày mở cửa đón khách tham quan. Như thế, với nội dung vừa được tóm lược giới thiệu cùng với những hoạt động bên lề, hẳn sẽ làm hài lòng du khách thập phương với những nhu cầu khác nhau.

Bài và ảnh: TS Phạm Quốc Quân

 

Top