Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam
Trong tiến trình hình thành, tồn tại và phát triển của quốc gia dân tộc, biển giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của người Việt từ bao đời nay. Không chỉ mang lại nguồn sống, biển còn ảnh hưởng đến diễn trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, đến đời sống văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của người Việt. Chính vì vậy, các di sản văn hóa tại khu vực biển và ven biển Việt Nam đã và đang là một bộ phận hết sức quan yếu của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Cần khẳng định rằng, do những đặc diểm về địa lý tự nhiện, địa lý nhân văn và địa lý chính trị, các tỉnh khu vực ven biển Việt Nam là địa bàn quan yếu trong lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam, nơi ngưng đọng và quần tụ những dấu ấn quan trọng, thể hiện truyền thống và bản sắc văn hoá Việt Nam. Đồng thời, là khu vực có nhiều tài nguyên du lịch độc đáo và hấp dẫn.
I. Sự phong phú, đa dạng của các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở khu vực biển, đảo Việt Nam
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay, đã có 1.013 di tích, danh thắng tại 28 tỉnh thành phố ven biển trên tổng số gần 3.500 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh là di sản cấp quốc gia ở Việt Nam.Trong số này, tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 592 di tích, danh thắng; từ Quảng Bình đến Quảng Nam có 195; tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, con số này là 223. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.
Nhìn chung, kho tàng di sản văn hóa biển, đảo là cực kỳ phong phú đa dạng, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể lẫn di sản văn hóa phi vật thể, cùng các di sản thiện nhiên còn gọi là các danh lam thắng cảnh.
1.1. Về di sản văn hóa vật thể, các tỉnh, thành phố ven biển và các đảo đang chứa đựng các loại di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh với sự hiện diện của đủ loại hình. Bao gồm:
1.1.1. Hệ thống các di tích khảo cổ gồm các di tích khảo cổ thời Tiền sử như: văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Thạch Lạc, văn hóa Hạ Long… với những di chỉ “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp” , với các loại công cụ đá nổi tiếng như rìu đá Hạ Long. Những phát hiện khảo cổ học tại các di tích Tiền - Sơ sử duyên hải Việt Nam như Cài Bèo, Hạ Long, Xóm Cồn, Bình Châu, Hoà Diêm, Giồng Cá Vồ… và một số đảo, quần đảo như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu… là những chứng tích về con người thời tiền sử.
Vùng biển, đảo thuộc khu vực Trung Bộ cũng là địa bàn chứa đựng những di tích khảo cổ quý giá, minh chứng vật chất của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm ở những thời kỳ tiếp nối - trải dài từ Quảng Bình cho đến Bình Thuận.
Hiện tại quần thể di tích Ốc Eo thuộc tỉnh An Giang nằm sâu trong đất liền hơn 20 km nhưng theo các nhà địa chất, thì vào thời kỳ đầu Công nguyên, Óc Eo là một cửa biển thông qua vịnh Thái Lan. Từ một di chỉ đầu tiên được nghiên cứu khai quật tại làng Ốc Eo, cho đến nay, các kết quả nghiên cứu về khảo cổ học đã chứng minh rằng, địa bàn chủ yếu của văn hóa Óc Eo là khu vực châu thổ sông Cửu Long bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau thuộc các tỉnh An Giang (Óc Eo - Ba Thê), Kiên Giang (Đá Nổi, Nền Chùa, Tân Long), Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười), vùng ven biển Tây Nam (U Minh, Năm Căn) kéo đến vùng rừng Sác duyên hải (Cần Giờ, Giồng Am...) và vươn ra tận Biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau). Cho đến nay, đã có hàng trăm di tích thuộc nền văn hoá này đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện, hàng loạt các cuộc khai quật với quy mô khác nhau đã được tiến hành tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Ngoài ra, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, một phần Long An, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh) . Kết quả khai quật đã đem về cho các bảo tàng ở Nam Bộ hàng vạn hiện vật có giá trị lịch sử và văn hoá, đa dạng về chất liệu cũng như nguồn gốc. Những hiện vật được tìm thấy cho ta thấy trình độ kỹ thuật khéo léo cũng như độ tinh xảo trong nhiều nghề thủ công của cư dân Óc Eo. Cùng với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Ốc Eo ở Nam bộ là những tiền đề quan trọng và là cơ sở hình thành của văn hóa Việt Nam.
1.1.2. Các di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu: Tại các tỉnh ven biển có không ít di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của quá khứ như: đình, đền, chùa, miếu..., các đền, tháp Chăm tiêu biểu ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… các khu đô thị cổ, mà tiêu biểu nhất là Khu Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.
Hội An từ lâu đã nổi tiếng là một đô thị thương cảng và được nhắc đến ở nhiều tài liệu trong, ngoài nước, với những tên gọi như: Fayfo, Faifo, Haifoo, Faicfo, Hoài Phổ, Hội An... Khu phố cổ Hội An nằm ở vị trí trung tâm của thị xã, bên bờ Bắc của hạ lưu sông Thu Bồn, cách Cửa Đại (Hội An) 6km về phía Tây, Cửa Hàn (Đà Nẵng) 30km về phía Nam, có diện tích tổng cộng 0,3km2, nơi rộng nhất khoảng 300m và dài nhất khoảng 1000m.
Trước thế kỷ XV, nơi đây là một cửa cảng trọng yếu của Chămpa và sau đó, từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, với sự kết hợp của nhiều yếu tố, Hội An trở thành một trung tâm giao lưu kinh tế - văn hoá của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Thuyền buôn và thương nhân của nhiều nước Á - Âu đã đến đây buôn bán, lập thương điếm và xây dựng phố phường. Trong quá trình giao thương, cảng thị Hội An luôn mở rộng cửa giao thoa, giao tiếp và hội nhập, tạo nên một sắc thái văn hoá riêng, đa dạng và phong phú trên cả hai phương diện văn hoá vật thể và phi vật thể. Sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An có ý nghĩa quyết định đến diện mạo di tích, kiến trúc ở đây.
Ở Hội An, các công trình di tích khảo cổ, kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo, làng nghề truyền thống ... khá phong phú về số lượng, loại hình; được phân bố đều khắp địa bàn. Đồng thời, đây cũng là nơi hình thành chữ quốc ngữ và hội nhập của Thiên chúa giáo, Phật giáo ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII.
Khu Di tích Hội An là phố cổ duy nhất ở Việt Nam, là điển hình đặc biệt về một cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn. Phố cổ Hội An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá thế giới vào năm 1999.
1.1.3. Các di tích về lịch sử sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc
Ngoài các thương cảng cổ như Vân Đồn (Quảng Ninh), Hội An, Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Thị Nại (Bình Định) và Óc Eo (An Giang) từng là những trung tâm cảng thị sầm uất, quan trọng và nổi tiếng trong hải trình thương mại cổ đại ở ba miền Bắc, Trung, Nam, các tỉnh ven biển còn có những di tích lịch sử điển hình của sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc như Khu Di tích Bạch Đằng (Quảng Ninh), Bến tàu Không số (Hải Phòng), khu địa đạoVĩnh Mốc (Quảng Trị), đường Hồ Chí Minh trên biển, khu Rạch Gầm - Xoài Mút, căn cứ Năm Căn tại Cà Mau, khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tại Hoa Mai, U Minh Thượng, Kiên Giang), các khu di tích Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Phú Quốc... Trong số này, có các di tích được xếp loại Di tích quốc gia đặc biệt như Khu Di tích Bạch Đằng, khu Nhà tù Côn Đảo.
Bến tầu không số (Hải Phòng)
1.1.4. Các di sản thiên nhiên - những danh lam thắng cảnh đặc sắc
Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa phong phú, đa dạng, khu vực biển, đảo Việt Nam còn có không ít các di sản thiên nhiên, được gọi là các thắng cảnh, với những nội dung giá trị đặc sắc của mình, đã được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới như vịnh Hạ Long và các khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Nằm về phía Đông Bắc của Tổ quốc, với hàng nghìn hòn đảo nhấp nhô giữa biển nước mênh mông, Hạ Long như một kho báu khổng lồ, vĩ đại, mang nhiều giá trị khác nhau: Đa dạng sinh học, lịch sử - văn hóa, khảo cổ, kinh tế…
Với diện tích 1553km2,bao gồm 1969 hòn đảo chạy dài theo bờ biển Quảng Ninh,vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều giá trị toàn cầu, trong đó nổi bật là các giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất đã hai lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới (lần thứ nhất vào năm 1994, lần thứ 2 vào năm 2000). Khu vực Di sản được UNESCO công nhận là nơi tập trung nhiều đảo đá, hang động, bãi tắm với diện tích 434km2 gồm 775 hòn đảo, trong đó 441 hòn có tên.
1.1.5. Ngoài Di sản Thiên nhiên Thế giới Hạ Long, vùng biển Việt Nam còn có 6 trong tổng số 9 Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam là:
Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà
Quần đảo Cát Bà có rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rặng san hô, thảm rong - cỏ biển, hệ thống hang động, tùng áng, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO. Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ngày 02 tháng 12 năm 2004.
Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng
Là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận ngày 2 tháng 12 năm 2004 cho 2 phần đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ nằm ở 2 cửa sông Hồng và sông Đáy. Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Khu dự trữ sinh quyển này chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, đồng quê và tắm biển.
Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm
Cù lao Chàm là một cụm đảo của xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15km, đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009.
Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm. Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.
Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, công nhận năm 2009
Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao. Vùng Mũi Cà Mau có 4 đặc trưng sinh thái chính: Hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thuỷ hải sản cho cả vùng biển rộng lớn.
Khu Dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, công nhận năm 2006
Với diện tích hơn 1,1 triệu ha, Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái. Ta có thể thấy ở đây từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá - núi đá vôi đến hệ sinh thái biển mà trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển... Khu DTSQ Kiên Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải.
Đáng lưu ý là, ngoài các khu dự trữ sinh quyển nói trên, trong tổng số 30 vườn quốc gia ở Việt Nam hiện nay, có không ít vườn quốc gia tại khu vực biển, đảo, bao gồm: Bái Tử Long, Cát Bà, Xuân Thủy, Bạch Mã, Bến En, Côn Đảo, Mũi Cà Mau, Núi Chúa, Phú Quốc, Phước Bình, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng.
1.2. Kho tàng các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc
Đồng thời với các di sản văn hoá là vật thể, kho tàng di sản văn hóa Việt Nam tại khu vực biển, đảo còn gồm các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, các ngành nghề thủ công truyền thống, những giá trị nổi trội về y, dược cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống... của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá trình sử dụng, khai thác biển (mà nước mắm là một trong những “thành tựu” vĩ đại nhất mà người Việt đã phát minh).
Lễ hội là một hoạt động văn hóa thu hút đông đảo quần chúng tham gia với tư cách vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người hưởng thụ những thành quả do hoạt động văn hóa đó mang lại. Lễ hội xuất hiện khắp mọi nơi trên cả nước nhưng lễ hội ở các địa phương vùng biển Việt Nam vừa độc đáo, đặc sắc vừa mang đậm hơi thở cuộc sống của người dân vùng biển. Có thể kể đến các lễ hội tiêu biểu là: Hội Đức Thánh Trần, Hội lễ Bạch Đằng, Lễ hội Đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Hội Chọi trâu, Hội Đền Bà (Đồ Sơn, Hải Phòng), Hội đua thuyền (Cát Hải, Hải Phòng), Hội Đền Độc cước, Đền Bà Triệu (Sầm Sơn, Thanh Hóa), Lễ hội đền Cuông, đền Cờn, Lễ hội Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, Hội lễ Khai Canh (huyện Yên Thành, Nghệ An); Lễ hội Cầu ngư của ngư dân (Nghệ An); Hội lễ Nhượng Bạn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); Hội lễ Cầu ngư (Đồng Hới, Quảng Bình); Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi); Hội lễ Hò khoan, Lễ hội đua thuyền truyền thống (Quảng Bình); Lễ hội đua thuyền, Lễ hội rước hến làng Mai Xá (Quảng Trị); Hội lễ Quán Thế âm (Đà Nẵng); Hội lễ Bà Thu Bồn (Quảng Nam), Hội lễ Long Chu (Hội An, Quảng Nam); Hội lễ Đổ Giàn (Bình Định); Hội lễ Pô Nagar, Hội lễ Yến Sào (Nha Trang, Khánh Hòa); Hội lễ Dinh Thầy (Ninh Thuận); Hội lễ Dinh Cố, Hội lễ đình Thần Thắng Tam (Bà Rịa - Vũng Tàu); Hội lễ Nghinh Ông (Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu); Lễ Cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, Sóc Trăng); Lễ hội Vía Bà (Cà Mau); Lễ hội Ooc-om-bok và Lễ hội Nghinh Ông - Kiên Hải (Kiên Giang)... Bên cạnh các lễ hội đặc thù của từng địa phương thì hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển thường có tục lệ tổ chức lễ hội cầu ngư hoặc Lễ hội Nghinh Ông là loại hình lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho ngư dân làm ăn trên biển thuận lợi, an toàn.
Lễ hội Cầu ngư (Khánh Hòa)
Kho tàng các di sản văn hoá phong phú, đa dạng và đặc sắc, bao gồm di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể - lại phân bố tập trung thành những cụm ở đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Cửu Long, ở dọc theo vùng ven biển, trên trục lộ xuyên Việt gần các đô thị lớn, các cửa khẩu quốc tế quan trọng, tạo những điều kiên hết sức thuận lợi cho việc hình thành và tổ chức khai thác các trung tâm du lịch của Việt Nam.
1.3. Các khu di tích và thắng cảnh tiêu biểu là hạt nhân của các khu du lịch quốc gia
Trên thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, các di sản văn hoá Việt Nam nói chung đều đã và đang trở thành một trong những tài nguyên du lịch quan trọng, được ngành Du lịch chú ý khai thác. Việt Nam hiện có 10 khu du lịch tại khu vực biển, đảo trong tổng số 21 khu du lịch quốc gia, là những trọng điểm để đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch. Đó là: Khu du lịch vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng), Khu du lịch Lăng Cô - Hải Vân - Non Nước (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng), Khu du lịch phố cổ Hội An (Quảng Nam), Khu du lịch vịnh Vân Phong - mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa), Khu du lịch biển Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận), Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Khu du lịch sinh thái - lịch sử Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu du lịch biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu du lịch sinh thái biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (Cà Mau).
2. Những ảnh hưởng và tác động đối với kho tàng di sản văn hóa tại khu vực biển, đảo Việt Nam
Nhìn chung, kho tàng di sản văn hóa biển, đảoViệt Nam, bao gồm cả di sản văn hóa phi vật thể lẫn di sản văn hóa vật thể, thường xuyên chịu những tác động làm tổn thương, làm biến dạng hoặc bị hủy hoại của thiên nhiên và con người.
Cũng như các di sản văn hóa và thiên nhiên khác, kho tàng di sản tại khu vực biển đảo đã và đang chịu những tác động to lớn của con người qua sự tàn phá khủng khiếp của các cuộc chiến tranh, do hậu quả của những nhận thức không chuẩn và những tổn hại từ các hoạt động khai thác kinh tế thiếu bài bản, thiếu sự kiểm soát trong các lĩnh vực thủy lợi, khai thác du lịch, thuỷ điện, giao thông…. Tuy nhiên, trong phần dưới đây, chúng tôi chỉ tập trung phân tích về những tác động của các yếu tố tự nhiên đối với các di sản văn hóa, thiên nhiên tại khu vực biển đảo Việt Nam do những đặc thù về địa lý tự nhiên là những nơi dễ bị tác động, bị hủy hoại bởi những hiểm họa thiên tai như bão, lụt, nước biển xâm thực do những tác động của biến đổi khí hậu.
Theo thống kê của ngành Khí tượng thủy văn, từ nhiều thập kỷ đã qua, hàng năm Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của 10 hoặc trên 10 cơn bão. Ví dụ như: năm 1964 có 18 cơn bão, năm 1973 có 12 cơn bão, năm 1978 có 12 cơn bão, năm 1989 có 10 cơn bão. Tính từ năm 1954 đến nay, đã có 212 cơn bão đổ bộ hoặc có ảnh hưởng tới Việt Nam. Tính trung bình, hàng năm có khoảng 30 trận bão hình thành ở biển Thái Bình dương, trong đó xấp xỉ 10 trận là hình thành từ biển Đông.
Những vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bão là các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, các cơn bão ở miền Nam, mặc dù có tần suất xuất hiện nhỏ, nhưng có thể gây ra những thiệt hại to lớn. Trước đây, đồng bằng sông Cửu Long vài chục năm mới phải chịu một cơn bão mạnh thì nay chu kỳ khoảng 5 năm. Trong khi đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần cơn bão cấp độ vừa đã để lại hậu quả ghê gớm.
Mưa lớn xuất hiện cùng với bão, trong tình trạng mực nước trong sông đang ở mức cao dễ gây ra lũ lớn và ngập lụt. Lũ lụt khiến nhiều thành phố, làng mạc, trong đó có không ít các khu di tích lịch sử và văn hóa như Huế, Hội An, các khu du lịch ven biển và hầu hết các khu di tích khảo cổ bị ngập nước trong nhiều ngày.
Mặt khác, bão thường kết hợp với hiện tượng nước dâng do bão, tạo thành gió và sóng do gió. Gió bão mạnh sẽ tạo ra sóng lớn và sóng này làm tăng cao mực nước biển nhiều hơn tác dụng của gió tại vùng ven bờ. Theo quá trình này, gió cuốn đường mặt nước từ biển vào trong bờ và làm nâng cao mực nước biển. Ở một số vùng ven biển, nguồn cung cấp bùn cát thông thường bị chắn lại, và hệ quả là, bão thường tạo nên sóng và làm cho đường bờ biển hạ thấp đi một cách nhanh chóng, làm cho nước dâng do bão gây ra xâm nhập sâu hơn vào đất liền.
Trong thời gian 30 năm qua, ngành Khí tượng thủy văn đã ghi nhận được có một nửa số trong số các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam đã làm dâng cao mực nước trên 1 mét và có 11% số cơn bão làm dâng cao mực nước biển trên 2 mét. Một số trường hợp rất đặc biệt, bão có thể tạo thành nước dâng cao đến vài mét, tàn phá mọi công trình xây dựng ven biển, điển hình là hệ thống đường bao bờ biển thành phố Đà Nẵng bị hủy hoại bởi một cơn bão lớn năm 2009.
Những năm gần đây, cũng như tại các quốc gia khác, các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam thể hiện những dấu hiệu bất thường của thời tiết mà nhân loại coi là mối hiểm họa khôn lường đó là những tác động của biến đổi khí hậu.
Từ hàng nghìn năm qua, Việt Nam đã từng là lãnh thổ chịu tác động của BĐKH, cụ thể là hiện tượng biến tiến - biển lùi mà những dấu tích cụ thể vãn nhận thấy được tại khu Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long ở phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam.
Ngày nay, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới - WB, thì các nước trong khu vực Đông Nam Á, đứng đầu là Việt Nam, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng, theo đó 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động với mực nước biển dâng 1m; và con số tương ứng trong trường hợp mực nước biển dâng 5m sẽ là 16% và 35%. Phần lớn những tác động này sẽ xảy ra ở vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến đời sống đa số người dân và hoạt động phát triển kinh tế. Đây là tỷ lệ dân số lớn nhất bị tác động trong 84 nước được nghiên cứu.
Nhìn chung, những nguy cơ và tác động này thể hiện ở các nội dung sau đây: các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, các di tích khảo cổ, bị xuống cấp và hư hỏng do bị ngập lâu trong nước hoặc tác động của nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài, bị sụp đổ hoặc mất hoàn toàn do tác động vật lý của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt trong trường hợp có sự kết hợp của một vài hiện tượng (ví dụ bão kết hợp thủy triều; lốc xoáy kết hợp mưa lớn v.v.)
Đáng lưu ý là, bên cạnh những di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật tọa lạc tại các vùng đất trũng hoặc ở không xa các cửa sông, ven biển như Huế, Hội An… cùng hàng nghìn công trình khác thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng Nam Bộ, còn phải tính đến sự hư hại hoặc sự mất đi của hàng trăm khu di tích khảo cổ học quý giá thuộc Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh kéo dài trên địa bàn các tỉnh Trung Bộ. Đáng chú ý là, những trung tâm chính của văn hoá Sa Huỳnh được tạo lập dựa trên điều kiện tự nhiên và sinh thái của những lưu vực sông lớn thuộc các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…. Đồng thời, các khu di tích thuộc văn hóa Ốc Eo tại khu vực Nam Bộ, do chủ yếu phân bố ở lưu vực các con sông ven biển và vùng đồng bằng trũng ven biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên rất dễ bị cuốn trôi, bị xáo trộn, bị bồi lấp nếu không kịp thời có những giải pháp bảo vệ hữu hiệu trước những nguy cơ của biến đổi khí hậu, đặc biệt l;à hiện tượng nước biển dâng.
Các di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam đồng thời là các tài nguyên du lịch. Những tài nguyên này phân bố trảỉ dài theo khu vực ven biển từ Móng Cái, Hạ Long đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho giá trị của nhiều dạng di sản thiên nhiên và đồng thời là tài nguyên du lịch như các khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, U Minh thượng Kiên Giang, hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới tại các vườn quốc gia v.v. thay đổi và trong nhiều trường hợp sẽ bị mất đi khi mực nước biển dâng cao nhấn chìm. Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên du lịch được thể hiện một cách rõ rệt nhất ở vùng ven biển và trên hệ thống gần 3.000 đảo ven bờ nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão/áp thấp nhiệt đới và mực nước biển dâng.
Đối với hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cùng một số thiết chế văn hóa có quan hệ hữu cơ với việc khai thác các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên như hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước và hệ thống cơ sở lưu trú,khách sạn, nhà hàng, các bảo tàng, nhà trưng bày nghệ thuật, nhà hát, rạp chiếu phim v.v ở các khu vực ven biển và trên các đảo còn bị ảnh hưởng của mực nước biển dâng với sự xuất hiện của hiện tượng xói lở đường bờ và tiến tới là bị nhấn chìm tùy thuộc vào đặc điểm địa hình cụ thể.
3. Thực trạng quản lý, bảo vệ và khai thác các di sản văn hoá và thiên nhiên tại các tỉnh, thành phố khu vực biển, đảo Việt Nam
Nhìn chung, những năm qua, việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá đã và đang được các tỉnh, thành phố quan tâm xúc tiến, thu hút sự quan tâm của các ngành, các tổ chức xã hội và đông đảo nhân dân. Nhiều di tích lịch sử văn hoá đã và đang được tu sửa, tôn tạo,nhiều ngành nghề thủ công truyền thống chẳng những được phục hồi mà còn đã và đang phát triển mạnh mẽ. Không ít lễ hội dân gian truyền thống được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc, những nhu cầu tinh thần không thể thiếu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những hiệu quả của các hoạt động kinh doanh phát triển du lịch.
Thực tiễn những năm qua cũng chứng minh rằng, các di sản văn hoá và thiên nhiên đã và đang trở thành những tài nguyên du lịch đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước và du khách quốc tế.
Ngoài những hiệu quả về kinh tế, những đóng góp không thể phủ nhận của du lịch Việt Nam nói chung là việc giới thiệu tuyên truyền với khách du lịch và nhân dân thế giới về đất nước và con người Việt Nam, về truyền thống lịch sử và những bản sắc văn hoá độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thông qua các hoạt động du lịch tại các di sản văn hoá theo định hướng du lịch văn hoá với sự phong phú đa dạng của nhiều loại hình hoạt động.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận một thực tế là, hiện nay có không ít di tích lịch sử, văn hoá kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đang bị xuống cấp, bị biến dạng nghiêm trọng do sự tác động thường xuyên của thiên nhiên và những sự tác động vô thức và hữu thức của con người. Trong những năm gần đây, nhiều di tích chưa khắc phục được những hậu quả do chiến tranh để lại, nhiều công trình đã và đang bị chiếm dụng trái phép, tình trạng xâm phạm tại nhiều di tích vẫn tồn tại trong một thời gian dài. Đồng thời, những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường với sự đầu tư ồ ạt của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cũng đã và đang tạo nên những vi phạm không nhỏ đến bản thân các di tích cùng môi trường cảnh quan của các di tích lịch sử và văn hoá.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến cho các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh nói riêng, các di sản văn hoá nói chung chưa được bảo vệ tốt là do sức ép mạnh mẽ của quá trình tăng dân số chưa được kiểm soát. Mặt khác, trong thời gian qua, tuy uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã có nhiều biện pháp khác nhau để gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị nhưng những chính sách và biện pháp này còn thiếu hệ thống và vì thế, tác dụng còn nhiều hạn chế. Những tồn tại này còn có nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ và kém hiệu lực nhằm thực thi chức năng quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành.
Bên cạnh những thành tựu và hiệu quả không thể phủ nhận của hoạt động du lịch như đã trình bày, tình trạng hoạt động du lịch hỗn tạp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, của nhiều đơn vị trong và ngoài ngành du lịch chưa được quản lý chặt chẽ, đồng thời, đã làm cho hiệu quả văn hoá của các hoạt động du lịch bị suy giảm.
4. Những giải pháp cơ bản để tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại khu vực biển, đảo ở Việt Nam
4.1. Tăng cường việc phối, kết hợp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong việc xây dựng các quy hoạch phát triển nhằm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cần tiếp tục nghiên cứu những hình thức và biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác có hiệu quả kho tàng di sản văn hoá và thiên nhiên - nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt tại khu vực biển, đảo.
Trên cơ sở khẳng định những vị trí vai trò quan yếu của các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các bảo tàng cùng sự đặc sắc, phong phú của các di sản văn hoá phi vật thể, trong thời gian tới, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực biển, đảo giao cho các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các địa phương tiếp tục việc tập trung kiểm kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng các di sản văn hoá và thiên nhiên, tạo cơ sở xây dựng và triển khai những dự án đầu tư, nâng cấp các di sản này bằng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có việc điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của các địa phương nói chung và quy hoạch các khu du lịch trọng điểm nói riêng.
Để có sự đồng bộ và thống nhất về định hướng và giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững, các quy hoạch về du lịch phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; mặt khác, các quy hoạch về bảo tồn di tích phải xuất phát từ nhu cầu tổ chức các hoạt động khai thác du lịch, đặc biệt là khai thác các hồ sơ di tích đang đợc lưu giữ để phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương.
4. 2. Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ và khai thác môi trường du lich biển
Cần đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp quản lý bảo vệ khai thác môi trường du lịch biển vì hiện nay hơn 70% các điểm du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam đều nằm ở vùng ven biển, hàng năm thu hút trên 80% lượng khách du lịch.
Đường bờ biển Việt Nam có nhiều bãi biển có giá trị cao cho phát triển du lịch. Những bãi biển này kết hợp với nhiều loại tài nguyên du lịch khác tạo cho vùng biển và ven biển Việt Nam những địa danh du lịch nổi tiếng.
Biển Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc sử dụng và khai thác, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các ngành kinh tế biển như khai thác than, dầu khí, vận tải biển, du lịch, đánh bắt và chế biến hải sản, xây dựng đô thị.. song việc khai thác và sử dụng vùng biển và ven biển chưa có quy hoạch đồng bộ và sự kiểm soát chặt chẽ nên đã gây ra những tổn thất đáng kể về môi trường của các khu vực này.
Môi trường du lịch biển là môi trờng mỏng manh rất dễ bị phá vỡ trước những tác động của thiên nhiên và con người. Cần chú ý đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường nước, bảo vệ đất đai và môi trường của các khu vực biển Chính vì vậy, cần có sự phối hợp liên ngành để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng biển và giải ven biển tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ... xuất phát từ những điều kiện địa lý, kinh tế, lịch sử , xã hội - nhân văn và những đặc trưng văn hoá của cư dân các địa phương.
3. Cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về biến đổi khí hậu cho toàn thể cán bộ công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan quản lý di sản và baỏ tàng để xác lập nhận thức và kế hoạch sẵn sàng ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Bổ sung điều chỉnh các Quy hoạch phát triển mạng lưới bảo tàng và Quy hoạch bảo tồn di tích ở Việt Nam với việc xác định cụ thể những nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu theo những kịch bản ứng phó chung của Chính phủ Việt Nam.
Khuyến khích việc nghiên cứu đề xuất những giải pháp sử dụng thiên tai thành sản phẩm khai thác di sản như các chương trình du lịch du lịch vùng nước nổi tại An Giang, các đề án thí điểm tổ chức các hoạt động du lịch trong mưa tại Huế và trong những ngày lũ lụt tại Hội An
Viện Bảo tồn Di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phát huy vai trò “đầu mối” để gắn kết hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ, gồm Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và Viện Khoa học Thể thao trong công tác nghiên cứu, xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu dựa theo các kịch bản chung của Nhà nước và sự hướng dẫn, phối hợp của Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu được thành lập theo Quyết định số 3320/QĐ-BVHTTDL ngày 20-9-2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
4.4. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ, sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức quốc tế và khu vực (UNESCO, SPAFA, Ủy ban hợp tác khu vực sông Mê kông,...) cùng các quốc gia có chung mối đe dọa và quan tâm đến nguy cơ có tính toàn cầu này.
Trên đây là sự xác định của chúng tôi về sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa biển đảo Việt Nam cùng những vấn đề bảo tồn những di sản này.
Hy vọng rằng, những nhận thức mới và kinh nghiệm quốc tế sẽ là những bài học thiết thực và bổ ích trong việc hợp tác nghiên cứu về nội dung giá trị cùng những giải pháp hữu hiệu để hợp tác bảo tồn các di sản khu vực biển đảo, những di sản văn hóa vô giá của quốc gia dân tọc Việt Nam và đồng thời là bộ phận hữu cơ của văn hóa nhân loại./.
GS.TS Trương Quốc Bình
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam
Tài liệu tham khảo chính
- Trương Quốc Bình “ Current situation and major chalenges in the preservation of world cultural heritage in Vietnam”, Country Report at “ UNESCO Regional Workshop for the Preparation of Periodic Peports on the State of Conservation of World Heritage Cultural Sites in Asia”, July 11-13, 2001, Gyeonju, Republic of Korea.
- Trương Quốc Bình, Di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các di sản ở khu vực hạ lưu sông Mê kông, trước những nguy cơ và tác động của biến đổi khí hậu. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Bảo tàng & Di sản văn hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, NXB Khoa học xã hội, HN, 2013, tr 31-47.
- Trương Quốc Bình, Nhận diện sự phong phú, đa dạng của các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở khu vực biển, đảo Việt Nam, Tham luận tại Hội thảo khoa học "Văn hóa biển đảo - Bảo vệ và phát huy giá trị" do Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/2014.
- Trương Quốc Bình (2014), "Bảo vệ & phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam”, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội
- Trương Quốc Bình (2016) “Bảo tồn kho tàng di sản văn hóa Việt Nam”, NXBVHDT, Hà Nội.
- Trương Quốc Bình (2016) “Bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam” (Tham luận tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2016
- Đặng Vũ Cảnh Linh, Văn hóa và con người vùng biển đảo Việt Nam, Nxb Chính trị – Hành chính, H., 2011.Nguyễn Khắc Sử (2005); Khảo cổ học vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Trần Ngọc Thêm, Văn hóa biển đảo và văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa – cái nhìn Nha Trang 2011, in trong “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa”, UBND tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang, 2012.
- Nguyễn Duy Thiệu (2007), Suy ngẫm về văn hóa biển ở Việt Nam, Tạp chí Di sản Văn hóa, tr.53-56
- Ngô Đức Thịnh, Truyền thống văn hóa biển cận duyên của người Việt, T/c VHNT, 2010, số 317 (tháng 11), tr.15-21.
- Trần Quốc Vượng (2000), Việt Nam và biển Đông, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3 (71), tr.20-27, Hà Nội.