Khánh thành Nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung tỉnh Bình Định

Sau ngày miền Nam được giải phóng, tại tỉnh Bình Định, nơi sản sinh ra phong trào Tây Sơn, Đảng bộ và nhân dân đã góp công, góp sức xây dựng nhà Bảo tàng Quang Trung để tôn vinh và lưu giữ những di vật lịch sử của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, những người anh hùng áo vải từng đánh đổ các thế lực phong kiến thống trị trong nước, quét sạch quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, tạo dựng một vương triều độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 1979. Trải qua 40 năm hoạt động, nhận được sự quan tâm đầu tư của nhân dân tỉnh Bình Định và các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ trong truy tập và nghiên cứu hiện vật, hồ sơ của của các nhà khoa học và tổ chức xã hội, nhà Bảo tàng Quang Trung ngày càng hoàn thiện và được coi là một trong những nhà bảo tàng Danh Nhân lớn và thu hút khách tham quan đông đảo bậc nhất ở Việt Nam.

Để tương xứng với vị thế của người anh hùng dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của bảo tàng, thoả mãn nhu cầu thụ hưởng văn hoá của nhân dân trong nước cũng như khách tham quan nước ngoài, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định đầu tư, thực hiện dự án cải tạo, mở rộng và nâng cấp nhà Bảo tàng Quang Trung. Theo đó, hình thành một quần thể di tích và cảnh quan hoàn chỉnh, rộng hơn 16 ha, bao gồm cả khu vực nhà Bảo tàng ra tới di tích bến Trường Trầu bên bờ sông Kôn. Năm 2016, nhiều hạng mục cải tạo và xây dựng trong khuôn viên nhà Bảo tàng đã hoàn thành. Riêng nhà trưng bày chỉ mới hoàn thành phần xây dựng cơ bản, diện tích được mở rộng từ 830 m2 lên 1.750 m2, nhưng phần trưng bày bên trong, cho tới giữa năm 2018 tỉnh mới chọn được đơn vị thực hiện thích hợp (tư vấn, thiết kế và thi công). Được biết, đơn vị này đã từng thực hiện thành công Dự án dựng tượng “Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành” ở thành phố Quy Nhơn và nhiều công trình văn hoá tên tuổi. Đó là Công ty TNHH MTV Bảo tồn Di sản Việt Nam, thuộc Hội Di sản Văn hoá Việt Nam.

Cụm tượng "Tây Sơn Tam Kiệt" trưng bày trang trọng tại Phòng Khánh tiết Nhà bảo tàng

Bảo tàng Quang Trung hiện có hơn 11 ngàn hiện vật và tài liệu khoa học liên quan. Nhưng không chỉ thế, phong trào Tây Sơn và sự nghiệp của ba anh em họ Nguyễn còn lưu lại bởi vô số các câu chuyện tương truyền trong dân gian không sử sách nào ghi lại. Nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ - Quang Trung cũng là một kho báu mang tính huyền thoại phải được gìn giữ muôn đời. Từ suy nghĩ đó, đơn vị thực hiện trưng bày đã đưa ra quan điểm: Với Bảo tàng Quang Trung, ngoài việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị vật thể còn phải cố gắng lựa chọn, lưu giữ và bảo tồn các giá trị phi vật thể liên quan. Trình bày hài hoà hai giá trị đó sẽ đem lại cho Bảo tàng Quang Trung một diện mạo mới hoàn toàn.

Với quan điểm đó, ngoài việc trưng bày theo phương pháp cổ điển, đơn vị thực hiện đã sử dụng một số phương pháp mới nhằm tiếp cận ngôn ngữ Bảo tàng hiện đại, như đưa panorama vào thể hiện các sự kiện lịch sử trong không gian rộng, đưa công nghệ 3D vào diễn đạt các trận đánh lịch sử, sử dụng phần mềm nhận dạng trên smatphone để truy xuất nội dung của hiện vật trưng bày, để kết nối bảo tàng với các điểm tham quan du lịch trên địa bàn…

Một gian trưng bày của Bảo tàng

Trong suy nghĩ của những người thực hiện, Bảo tàng Quang Trung phải là nơi kể câu chuyện về Tây Sơn một cách trung thực, hoàn hảo, hấp dẫn, có thắt, có mở, kể từ khi bắt đầu tụ nghĩa ở rừng núi Tây Sơn (1771) cho đến khi vào Thăng Long nắm giữ cả giang sơn nước Việt (1789). Ngoại trừ Phòng Khánh tiết ở tiền sảnh và Phòng Tra cứu tài liệu ở cuối cùng, toàn bộ nội dung được trưng bày liên hoàn theo 10 phân đoạn (tạm gọi là 10 phòng), mỗi phân đoạn là một sự kiện hoàn chỉnh, đầy đủ cả về diễn biến và ý nghĩa lịch sử. Có thể điểm qua như sau:

Cuối thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến suy vong, đất nước trong tình trạng Vua Lê - Chúa Trịnh thống trị Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn cát cứ Đàng Trong. Vì thế, những cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tiếp nổ ra. (Phòng 1, Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII).

Ba anh em họ Nguyễn có nguồn gốc họ Hồ ở Nghệ An. Ông tổ bốn đời của họ bị quân Nguyễn đưa vào khai hoang ở vùng núi phía Tây phủ Quy Nhơn. Đến đời bố của họ lấy vợ ở thôn Phú Lạc, ấp Kiên Thành sau về làng Kiên Mỹ ven sông Kôn, sống bằng nghề buôn bán trầu. Ba anh em Tây Sơn sinh ra, lớn lên ở đây và cũng theo nghề của gia đình. (Phòng 2, Quê hương và Gia tộc).

Năm 1771, dưới khẩu hiệu "lấy của kẻ giàu, giúp người nghèo", ba anh em Tây Sơn kêu gọi nông dân phất cờ khởi nghĩa. Họ dành gần 3 năm lập căn cứ để xây dựng lực lượng ngay tại vùng đất sinh ra và nuôi họ trưởng thành. Đến năm 1773, lực lượng khởi nghĩa bắt đầu sự nghiệp bằng trận đánh đã thành huyền thoại của Tây Sơn, trận lấy thành phủ Quy Nhơn. (Phòng 3, Tây Sơn tụ nghĩa).

Năm 1774, Chúa Trịnh đằng ngoài đánh vào, Chúa Nguyễn đằng trong đánh ra, Tây Sơn bị dồn vào giữa. Đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, Nguyễn Nhạc hoà hoãn với quân Trịnh, sau đó cử Nguyễn Huệ đánh chiếm lại thành Phú Yên, từ đó Tây Sơn thoát khỏi thế bị bao vây, Nguyễn Huệ trở thành nỗi kinh hoàng của hai thế lực phong kiến Trịnh Nguyễn. Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương, đóng đô ở thành Đồ Bàn. (Phòng 4, Phá thế bị bao vây)

Năm 1777, nhận thấy nội bộ nhà Nguyễn đang chia rẽ, Nguyễn Huệ đem quân đánh chiếm thành Gia Định, lật đổ Chúa Trịnh, chấm dứt gần 200 năm cát cứ phương Nam của nhà Nguyễn. Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, lập Triều đại Tây Sơn, lấy niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ là Long Nhương Tướng quân, đóng đô ở thành Hoàng Đế. (Phòng 5, Lật đổ chúa Nguyễn)

Năm 1784, quân Xiêm xâm lược miền đất cực Nam nước ta. Năm 1785 Nguyễn Huệ chỉ huy 2 vạn quân bất ngờ thực hiện cuôc phản công chiến lược, đánh đắm và phá vỡ 300 thuyền chiến, tiêu diệt và đánh đuổi 5 vạn quân Xiêm ra khỏi bờ cõi. Đây là trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ (Phòng 6, Trận thuỷ chiến Rạch Gầm - Xoài Mút)

Năm 1786 Nguyễn Huệ đánh chiếm Thuận Hoá rồi tiến ra sông Gianh, từ đây tập hợp thêm binh mã đánh thẳng ra Thăng Long, lật đổ Chúa Trịnh, chấm dứt hơn 200 năm thống trị ở phương Bắc của nhà Trịnh. (Phòng 7, Lật đổ Chúa Trịnh)

Năm 1788, ở phương Bắc, nhà Thanh đưa 29 vạn quân vào xâm chiếm nước ta, cùng lúc, ở phương Nam, tàn quân Nguyễn Ánh nổi lên đánh chiếm Gia Định. Khi hai đầu đất nước đều có biến, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, chọn phương Bắc để đưa quân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Mùng 5 Tết Kỷ Dậu, với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Quang Trung chiếm lại Thăng Long, bắt đầu một triều đại mới - triều đại Quang Trung. (Phòng 8, Đại phá quân Thanh)

Bắt đầu vương triều mới, Hoàng đế Quang Trung nhanh chóng đề ra một loạt chủ trương, biện pháp quản lý và xây dựng lại đất nước. Tuy nhiên, Quang Trung đột ngột qua đời. Sự nghiệp đành dở dang… (Phòng 9, Triều đại Quang Trung)

Nhiều thời đại đi qua nhưng nhân dân vẫn luôn ghi nhớ công lao người anh hùng Dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung. (Phòng 10, “Nguyễn Huệ - Quang Trung mãi mãi trong lòng dân tộc”).

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng thăm Nhà trưng bày Bảo tàng trong ngày khánh thành

Đi hết từ đầu đến cuối, có thể thấy, việc trưng bày được thực hiện theo từng sự kiện, có điểm nhấn, kết nối với nhau thành chuỗi, được dẫn dắt bởi mốc thời gian làm cho người xem không ngừng bị cuốn hút. Và, đó chính là thành công trong phong cách trưng bày mới của Bảo tàng Quang Trung.

*

Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Bình Định cùng với sự hỗ trợ của Sở Văn hoá và Thể thao và các Ban Ngành trong tỉnh, sự hợp tác của Ban Quản lý dự án, Cty TNHH MTV Bảo tồn Di sản Việt Nam đã dốc toàn bộ nhân lực, vật lực hoàn thành trưng bày Bảo tàng Quang Trung trong vòng 105 ngày đêm để kịp tổ chức kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Mùng Năm Tết Kỷ Hợi).

Toàn cảnh Lễ khánh thành Nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung ngày 26-01-2019

Ngày 26-1-2018 UBND và Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức “Lễ khánh thành nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung” trong sự vui mừng đón đợi của nhân dân địa phương và khách tham quan trong và ngoài nước.

Hải Lăng

 

Có thể bạn quan tâm

Top