Hồi sinh làng chiếu Định Yên
Chị Lê Hoàng Thắm, ngụ An Giang cho biết “…tui là bạn hàng của làng chiếu Định Yên nầy hơn 20 năm qua. Mấy năm trước tưởng đâu “tiêu” rồi, ai dè giờ “sung” trở lại…”.
Hỏi vì sao hồi xưa làng chiếu này có tên “chợ âm phủ”, chị nói luôn một mạch: “tại ban ngày lo dệt chiếu, ban đêm mới có thời gian mua bán nên có tên vậy đó. Bây giờ mua bán ban ngày không thôi”.
Nhiều nghệ nhân dệt chiếu tại đây trên 50 năm cho biết: làng nghề thủ công mỹ nghệ này đã có từ trăm năm trước và lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Có gia đình 3 đến 4 thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ nghề này. Nhớ lại khoảng thời gian trước, đại bộ phận lao động chỉ dệt chiếu bằng phương pháp thủ công. Muốn thực hiện phải cần đến hai người: một người bỏ lát, một người dệt chiếu. Nếu làm cật lực và có tay nghề cao thì hai người chỉ hoàn thành ba đến bốn chiếc mỗi ngày. Tiền công thu được đã ít ỏi lại không đáp ứng nhu cầu của các thương lái vào các đợt cao điểm. Đó là chưa kể dệt chiếu bằng tay độ tính xảo rất kém, giá bán không cao. Hiện nay do thực hiện bằng máy công đoạn dệt nên một người có thể tự hoàn thành đến 10 chiếc chiếu trong ngày, với kỹ thuật cao, chiếu đẹp sắc xảo, bắt mắt và được nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Người dân làng Định Yên đang phơi lát
Làng chiếu xã Định Yên đang thu hút hàng trăm lao động của 4 ấp, tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân địa phương. Bình quân mỗi lao động làm việc ở các khâu như: chẻ lát, phơi lát, dệt chiếu, giao hàng có thu nhâp từ 120 đến 150.000 đồng mỗi ngày. Con số thu nhập không nhiều nhưng thật có ý nghĩa với những lao động nông thôn, đặc biệt đối với những gia đình có nhiều lao động không có việc làm.
Thuận lợi trong nghề dệt chiếu là người dân có thể vừa canh tác ruộng vườn, vừa tranh thủ thời gian dệt chiếu tại nhà để tăng thêm thu nhập.
Chị Trần Thị Thủy, làm nghề dệt chiếu hơn 15 năm cho biết “…nhà có 3 lao động, thu nhập như hiện nay sống “ khỏe”, công việc làm không quá vất vả, chủ yếu là độ bền và phải tỉ mỉ…”
Công đoạn dệt chiếu
Điều đáng mừng là khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người làm chiếu thì đại đa số cơ sở sản xuất đều được vay vốn ưu đãi để mua sắm trang thiết bị hành nghề. Mỗi máy dệt chiếu hiện nay có giá từ 10 đến 15 triệu tùy thuộc phần thiết kế, địa chỉ cung cấp… Địa phương này còn mạnh dạn hình thành các hợp tác xã, các tổ sản xuất để thu hút các thành viên tham gia làm nghề với nhiều thuận lợi mang tính tập thể lẫn cá nhân. Đặc biệt, việc này còn góp phần bảo vệ thương hiệu Làng chiếu Định Yên, một làng nghề vốn nổi tiếng cả nước với sản phẩm độc đáo riêng biệt của mình. Bên cạnh đó chính quyền địa phương cũng đầu tư xây dựng chợ đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán chiếu thành phẩm cũng như nguyên vật liệu làm chiếu, xây dựng đường xá khang trang, tạo điều kiện vận chuyển chiếu bằng xe máy, xe tải... khá dễ dàng thay cho việc vận chuyển bằng xuồng ghe như trước. Thi trường tiêu thụ chiếu hiện nay gồm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc.
Chiếu thành phầm và công đoạn chuẩn bị giao hàng
Có thể nói, làng chiếu Định Yên ngày nay đã thực sự hồi sinh, nó vừa tạo được việc làm cho hàng trăm lao động, vừa bảo tồn được nét văn hóa độc đáo của một làng nghề đã có mặt hơn trăm năm qua.
Phan Thị Anh Thư