Hội nghị Tổng kết hoạt động bảo vệ Tín ngưỡng thờ Mẫu: Kết nối tạo tường thành vững chắc

Ngày 23-12-2023, Trung tâm Nghiên cứu vào Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam và Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, lãnh đạo các ban ngành, các cấp chính quyền địa phương; đông đảo thủ nhang, đồng đền, thanh đồng đến từ các chi hội, câu lạc bộ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước... Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị

Tiếp nối các thế hệ đi trước

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Yên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vào Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đã trình bày Báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt động của Trung tâm. Theo đó, từ cuối tháng 3/2023, sau khi Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ra các quyết định bổ nhiệm Ban Giám đốc Trung tâm, kiện toàn Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 -2028, Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đã có nhiều hoạt đồng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng nói chung và Tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng.

PGS.TS Nguyễn Thị Yên trình bày Báo cáo tổng kết năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 của Trung tâm

Về hoạt động chuyên môn, Trung tâm đã tổ chức tọa đàm khoa học "Nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu" tại đền Tân Ninh, TP. Bắc Giang; Lãnh đạo Trung tâm viết các tham luận hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu khoa học về tín ngưỡng thờ Mẫu, tham gia các chương trình chia sẻ kiến thức về văn hóa tín ngưỡng và tín ngưỡng thờ Mẫu do các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức. Về hoạt động truyền thông, đẩy mạnh giới thiệu hoạt động của Trung tâm ra cộng đồng, qua đó chia sẻ thông tin, góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam nói chung, trong đó có di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng. Hoạt động văn phòng được vận hành theo phương thức gọn nhẹ, kiêm nhiệm. Công tác phát triển hội viên được đẩy mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên, Trung tâm có sự phát triển và gặt hái được những thành quả như hiện nay chính là nhờ sự tiếp nối công sức đóng góp của các thế hệ đi trước, đặc biệt là tâm huyết gây dựng Trung tâm của cố GS.TS Ngô Đức Thịnh ngay từ những ngày đầu, đồng thời là người tiên phong đặt nền tảng lý luận cho việc nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó là công lao đóng góp không ngừng nghỉ của biết bao thế hệ nghệ nhân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, phương hướng hoạt động năm 2024 của Trung tâm sẽ tập trung vào: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chú trọng quảng bá, phổ biến các kết quả nghiên cứu (chuyên sâu và phổ cập) thông qua các ấn phẩm theo hình thức xã hội hóa. Phối hợp với CLB Đạo Mẫu Việt Nam và các chi hội tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa tín ngưỡng nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản hành chính để hỗ trợ tốt hơn nữa hoạt động của Trung tâm và CLB Đạo Mẫu Việt Nam. Tiếp tục hỗ trợ Ban Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu Việt Nam phát triển hội viên, thành lập các chi hội cơ sở, tổ chức các sự kiện ở Trung ương và địa phương...

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa chia sẻ về hoạt động của CLB Đạo Mẫu Việt Nam

Chia sẻ về hoạt động của CLB Đạo Mẫu Việt Nam, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa cho biết, CLB được thành lập năm 2010, đến giai đoạn 2018 - 2021, hoạt động của Trung tâm và Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam bị gián đoạn do cố GS Ngô Đức Thịnh qua đời và dịch bệnh Covid xảy ra. Cuối năm 2022, nhân sự Ban Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu Việt Nam đã Ban Giám đốc Trung tâm được bổ sung, kiện toàn. Kể từ đó đến nay, các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu Việt Nam đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả, kiện toàn và thành lập mới nhiều chi hội, câu lạc bộ trực thuộc. Đến nay đã có 16 Chi hội, Câu lạc bộ trong đó có: 04 Chi hội kiện toàn lại BCH chi hội, 12 Chi hội mới thành lập. Kết nạp phát triển thêm được đông đảo hội viên tại các tỉnh, thành, đến nay đã có 723 hội viên. Được mời tham gia Ban tổ chức phối hợp với cơ quan quản lý địa phương tổ chức nhiều chương trình lễ hội tại các tỉnh như: Tuyên Quang, Bắc Giang, Lào Cai, Hà Nam, Phú Thọ. Trong năm 2023, Ban Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu Việt Nam tổ chức và tham gia trong Ban tổ chức tổ chức 15 chương trình, sự kiện, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hội viên.

Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Thị Vui trình bày kết quả các hoạt động của CLB

Bên cạnh hoạt động chuyên môn và phát triển hội viên, công tác quản lý tài chính và tổ chức cũng được CLB quan tâm. Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Thị Vui, Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB, cho biết: CLB Đạo Mẫu là tổ chức tự nguyện, tự trang trải kinh phí. Ngay từ đầu khi được kiện toàn, Ban Chủ nhiệm đã xác định mọi khoản thu chi đều công khai, minh bạch, đúng mục đích. Các chương trình, hoạt động thực hành nghi lễ thờ Mẫu đều được tổ chức trang trọng, chu đáo, đúng quy định, qua đó góp phần giúp cộng đồng thực hành tự điều chỉnh hoạt động của mình cho đúng với bản chất của di sản, loại bỏ những điểm thiếu sót làm sai lệch các giá trị lịch sử, văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Kết nối tạo tường thành vững chắc

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, khẳng định: Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có nhiều tổ chức, cở sở trực thuộc nhưng lãnh đạo Hội luôn dành nhiều sự quan tâm cho Trung tâm bởi đây là đơn vị đặc thù, thành viên, hội viên hoạt động trong một lĩnh vực đặc thù.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Trung tâm năm qua, Chủ tịch Hội cũng đề nghị: Cần luôn luôn có sự đoàn kết thống nhất giữa Ban lãnh đạo Trung tâm, Ban Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu Việt Nam trên nguyên tắc thống nhất từ trên xuống dưới, tuân thủ pháp luật và Điều lệ Hội cũng như Quy chế hoạt động của Trung tâm và CLB; cần nghiên cứu những tín ngưỡng khác để đảm bảo tính đa dạng và theo đúng chức năng, nhiệm vụ như tên gọi của Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nhìn từ Báo cáo kết quả hoạt động năm qua của Trung tâm và CLB, có thể thấy một sức sống mới. Con số gần 800 hội viên với 16 câu lạc bộ, chi hội là một kết quả đáng tự hào; nếu không có trí tuệ, tâm huyết, quan điểm công bằng và thấu hiểu, hỗ trợ và chia sẻ thì không thể phát triển được như vậy. 16 câu lạc bộ, chi hội đang là một cơ sở vững chắc, vấn đề cần làm trong thời gian tới là kết nối lại để tạo thành một tường thành vững chắc, góp phần nối dài cánh tay trong sự nghiệp bảo về và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.

TS Lê Thị Minh Lý phát biểu tại Hội nghị

TS Lê Thị Minh Lý cũng thông tin về quá trình một số thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tham gia vào quá trình góp ý sửa đổi Luật Di sản Văn hóa. Từ đó, đề nghị Trung tâm lấy ý kiến của cộng đồng thờ Mẫu về những điều khoản liên quan đến Tín ngưỡng thỡ Mẫu khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải trên website Bộ xin ý kiến góp ý Dự thảo Luật Di sản Văn hóa...

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu vào Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cũng trao Bằng khen cho một số hội viên Trung tâm; trao Quyết định thành lập 05 chi hội và câu lạc bộ mới; trao Quyết định bổ nhiệm BCH và Ban Chủ nhiệm các chi hội, câu lạc bộ mới.

Chương trình giao lưu Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại đền Lưu Phái

Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết hoạt động bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024, buổi chiều cùng ngày, các đại biểu được dự chương trình giao lưu Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại đền Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Bài và ảnh: Quỳnh Hương

Top