Hội làng Rộc

Làng Rộc thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tổng dân số toàn làng khoảng 300 nhân khẩu phân bố ở bốn xóm: xóm Đền, xóm Giữa, xóm Đình và xóm Chùa. Theo các cụ cao niên trong làng cắt nghĩa, sở dĩ làng mang tên như vậy vì đây vốn là vùng đất bồi ven sông khá thấp và trũng “chiêm khê mùa thối” gọi là vùng đất rộc. Lúc đầu chỉ có một số người làm nghề chài lưới sinh sống không ổn định. Sau này, họ đào đất thành ao để vượt nền cao ráo, xây dựng nhà cửa kiên cố định cư lâu dài dần dần hình thành làng xóm đông đúc trù mật. Tên làng Rộc cũng hình thành từ đó. Sống trong môi cảnh xã hội nông thôn Bắc Bộ truyền thống, làng Rộc có một hệ thống các di sản lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán độc đáo, thuần phác trong đó phải kể đến tục thờ Đức Thánh Trần với lễ hội diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm.

Từ sự suy tôn công lao Đức Thánh Trần...

Cuộc đời và sự nghiệp của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gắn liền với chiến công hiển hách ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông (1258, 1285 và 1288). Với công lao và đức độ của một vị tướng tài ba ông được nhân dân cả nước suy tôn là bậc Thánh, thường gọi là Đức Thánh Trần hay Đức Thánh Cha. Theo đó đền thờ Ngài được lập ở nhiều vùng miền trên cả nước thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Di tích thờ Đức Thánh Trần rất phong phú bao gồm hệ thống đình, đền, phủ, miếu, điện... tuy thờ theo lối rước chân nhang song hầu hết các nơi đều có tôn tượng rất oai nghiêm, thành kính. Trong đó tỉnh Nam Định ngày nay - mảnh đất phát tích của vương nghiệp Nhà Trần là địa phương có số lượng Di tích liên quan đến Thánh Trần nhiều nhất và quan trọng nhất là di tích đền Cố Trạch - nơi thờ gia tộc và bộ tướng của Ngài; đền Bảo Lộc - trên khu thái ấp cũ của thân phụ Ngài là Trần Liễu hiện cũng đang thờ Hưng Đạo Đại vương.

Bên cạnh hai trung tâm thờ Thánh Trần ở trên, giống như nhiều làng quê khác thuộc Nam Định, làng Rộc cũng lập đền thờ Ngài và tôn làm Thành Hoàng làng thờ trong đình long trọng.

Đền thờ Thánh Trần của làng Rộc có tên là đền Cháy, tọa lạc trên trục đường liên xã và cách mép nước sông Rộc chưa đầy 50m. Sở dĩ Đền có tên như vậy bởi có liên quan đến một câu chuyện dân gian được các cụ bô lão kể lại như sau: Dọc con sông Rộc ở hai bên bờ vốn là hai làng khác nhau, bên này là làng Rộc, dân cư thuần nhất làm nông nghiệp với các tập tục thờ cúng tổ tiên, và theo đạo Phật; bên kia là làng Trình, dân cư không thuần nhất mà có sự đan xen với người Công giáo thuộc xứ đạo Trình Xuyên. Vùng đất giáp ranh của hai làng vốn có một ngôi đền thờ Thánh Trần mà cả hai bên đều cho đó là nơi sinh hoạt tâm linh của riêng làng mình. Sau một buổi lễ cầu đảo Đức Thánh, theo dấu hiệu thiêng là tàn tro giấy “tống thủy” bay về vùng đất làng nào thì làng đó được thờ Thánh. Vì tàn tro theo gió bay về hướng làng Rộc nên dân làng được lập đền thờ và đặt tên là đền Cháy từ đó. Vì có sự việc này nên ngôi đền được xây dựng lại (với ba gian nhà ngói và một gian hậu cung hình ống muống nối phía sau) tại ngay mép sông bên phía làng Rộc để nhân dân hai làng thường xuyên hương khói, có điều khi tế lễ chỉ có người làng Rộc được đứng ra lo liệu. Câu chuyện dã sử trên đây tuy không có kiểm chứng lịch sử chính thống nhưng đã nói lên phần nào tấm lòng cung kính và suy tôn Đức Thánh Trần – người anh hùng dân tộc, của nhân dân Nam Định nói chung, nhân dân làng Rộc nói riêng.

Từ một vị tướng có thật trong lịch sử chống giặc ngoại xâm đến một vị Thánh rồi trở thành Thành Hoàng làng là một quá trình thiêng liêng hóa, huyền thoại hóa thể hiện tấm lòng tôn kính tuyệt vời của dân tộc Việt Nam dành cho người có công với dân, với nước. Đối với nhân dân làng Rộc, không rõ truyền thống dòng họ có gốc gác như thế nào song tất cả mọi người đều mang một họ duy nhất là họ Trần (là địa phương duy nhất trong xã có hiện tượng nhất họ). Tự bao đời nay cả làng đều suy tôn Đức Thánh Trần là Thành Hoàng và cùng nhau đóng góp tiền của, công sức lập đình làng thờ linh vị, linh tượng và sắc phong của Ngài. Hàng năm, dân làng mở lễ hội trọng đại vào dịp đầu xuân để tưởng nhớ công lao và cầu mong Thành Hoàng phù hộ chở che cho cộng đồng được “người yên vật thịnh” làm ăn thuận buồm xuôi gió, mùa màng tươi tốt.

2... đến lễ hội làng Rộc

Hội làng Rộc trước đây tổ chức định kỳ mỗi năm một lần vào ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch. Từ cuối những năm 90 do đời sống nhân dân trong làng còn khó khăn, thêm vào đó hệ thống kiệu rước cổ lại hư hại phải tu sửa và gìn giữ nên dân làng đã họp nhau lại cùng cầu xin Thành Hoàng được hai năm mở hội một lần.

Trước lễ hội một ngày, vào sáng mồng 5 tháng Giêng, vị Tiên chỉ - (thường là người cao tuổi nhất làng, có nhiều hiểu biết về truyền thống văn hóa quê hương được nhân dân kính trọng cử làm chủ tế, chỉ đạo và cắt đặt mọi công việc) tập hợp các bậc cao niên, thủ nhang coi đình, ông Từ coi đền cùng trưởng các chi họ Trần trong làng lên kế hoạch lễ hội và xin Đức Thánh giờ tế, giờ rước kiệu và giờ hạ kiệu.

Chiều mồng 5, một người có kinh nghiệm trong Ban Tổ chức lễ hội loan báo danh sách phu kiệu rước Thánh là nam, nữ thanh niên chưa lập gia đình ra đình làng trình diện và tiến hành lắp kiệu gồm một kiệu Bát cống (kiệu hoa) và một kiệu Long đình. Kiệu được đặt trên tấm vải đỏ hoặc chiếu hoa trải trước sân đình.

Đội tế Thánh của làng cũng được lên danh sách để chuẩn bị y phục cùng sắp đặt các đồ tế lễ dọc hai bên kiệu.

Đội quân hầu Thánh mang các loại vũ khí đánh trận thờ trong đình gồm chắp, kích, đao... ra lau chùi và để uy nghiêm dọc hai bên sân.

Đại diện của bốn xóm Đình, xóm Giữa, xóm Đền, xóm Chùa cử người làm đồ lễ để dâng Thánh vào ngày mồng 6. Đồ lễ này không quy định cụ thể, thường là một mâm xôi thịt gà hoặc mâm xôi thủ lợn cùng hoa quả, tiền vàng...

Trước cổng đình, một lá cờ hội cỡ lớn được treo lên báo hiệu công tác chuẩn bị lễ hội đã hoàn thành.

Sáng sớm ngày mồng 6, tại đình làng, chiêng trống nổi lên báo hiệu cuộc tế Thánh bắt đầu. Trong đình, đèn hương nghi ngút. Ngoài sân đội tế đã ăn mặc chỉnh tề gồm quần ống sớ, áo thụng hồng và đỏ sặc sỡ, đầu đội khăn, tay chắp trước bụng và che bằng tấm vải điều đỏ, đứng dọc hai bên kiệu. Từ xưa tới nay, đội tế đình của làng Rộc là nữ giới thay vì nam giới như lẽ thường. Có năm làng mời cả những đội tế nữ quan của các vùng lân cận như Đại An, Cốc Thành... về tham dự trọng thể.

Hai vị cao niên đứng hai đầu hồi đình điều khiển chiêng và trống cái. Dàn nhạc lễ của địa phương gồm trống con, mõ và thanh la bắt đầu gõ điệu khúc mời Thánh. Một tấm chiếu hoa cỡ lớn trải dọc giữa sân đình phía sau hai kiệu lấy nơi làm lễ.

 Theo tiếng trống và chiêng điều khiển, vị trưởng tế lĩnh xướng đọc văn tế dõng dạc, âm sắc rất linh thiêng với nội dung ca ngợi thánh thần và xin dâng vật lễ gồm: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực.

Mỗi đợt dâng lễ vật, hai quan tế đứng ra khỏi hàng, trịnh trọng bước đến thau nước thiêng rửa tay, lau khô tay rồi nhận vật tế nâng cao trước ngực tiến vào chiếu hoa quỳ lạy. Mỗi lần quỳ, trưởng tế hô “bái”. Khi nào có tiếng hô “bình thân” thì làm động tác đứng dậy và đi dọc hai bên kiệu tiến vào trong đại đình đặt vật phẩm lên ban thờ. Lúc này, tiếng mõ vang lên theo nhịp bước đi. Lễ vật đặt lên ban cũng là lúc dàn nhạc đánh điệu chúc Thánh.

Khoảng 8 giờ sáng, nghi lễ tế Thánh kết thúc cũng là lúc đội tế nhường chỗ cho đội phu kiệu làm lễ trình diện trước sân đình chuẩn bị cho cuộc rước. Một tiếng loa vang lên từ cửa đình truyền lệnh Đức Thánh cho bắt đầu rước kiệu từ đình xuống đền Cháy để Thành Hoàng bắt đầu làm phép. Vị Tiên chỉ trang trọng đứng trước ngai thờ quỳ lạy rồi tiến vào khám thờ trong hậu cung kính cẩn nâng hòm sắc phong được phủ vải điều mang ra ngoài đặt lên kiệu Bát cống. Ở kiệu này có ngai và lọng che. Một vị khác lấy một mâm hoa quả trong ban thờ đi theo và đặt vào kiệu Long đình, cùng hai nắm hoa tươi cắm vào lộc bình trong kiệu.

Xong đâu đấy, người thổi loa hô lớn điều khiển cho đội quân hầu Thánh cầm các loại vũ khí và cờ ngũ sắc sắp thành hai hàng tiến ra khỏi cổng để cung nghinh kiệu Thánh. Phu kiệu nam khiêng kiệu Bát cống, phu kiệu nữ khiêng kiệu Long đình lần lượt sốc lên vai rước kiệu về đền Cháy. Cuộc rước này kéo dài cả cây số, đi theo hàng ngũ có chiêng trống tưng bừng.

Khi đoàn rước đến đền Cháy, một lần nữa hai kiệu được đặt trước sân đền. Ông Từ coi đền tay cầm ba nén hương quỳ trước kiệu và rước hòm sắc phong vào hậu cung làm lễ. Tiếng chuông được thỉnh liên hồi hòa lẫn khói hương nghi ngút báo hiệu Thánh đang ngự. Dứt hồi chuông, vị Tiên chỉ và ông Từ cùng rước hòm sắc phong ra đặt lại vào ngai thờ trên kiệu Bát cống, nhưng lần này hòm sắc phong được buộc lại vào ngai rất cẩn thận. Tiếng loa vang lên báo hiệu cho dân làng Đức Thánh bắt đầu làm phép. Hai kiệu được khiêng lên theo tiếng trống trận và bắt đầu quay. Đội phu kiệu vừa khiêng kiệu trên vai vừa chạy dọc đường làng. Kiệu quay và chạy đến đâu đội quân cầm chắp, kích, đao, kiếm đi theo đến đó.

Lúc này, tại sân đình tiếng nhạc Chầu văn ca ngợi tài cầm quân của Đức Thánh vang vọng khắp không gian làng Rộc. Trong khi đó nhân dân đứng hai bên đường thành tâm kính lạy. Năm nào cũng vậy, kiệu Thánh đều chạy đến bờ sông Rộc và lao nhào xuống sông. Rất lạ là, dù nước sông rất đầy, và trời rất lạnh nhưng đội phu kiệu không cảm thấy lạnh hay mệt, họ cứ bám vào thân kiệu nổi trên mặt nước mà bơi theo. Kiệu lên bờ rồi lại tiếp tục chạy về quay trên cánh đồng làng đã được cày ải cho vụ mùa sắp tới. Cứ như thế, hai kiệu Thánh chạy và quay đến tất cả những nơi sinh hoạt chung của cộng đồng như: cổng làng, cây đa làng, ao làng... Có điều lạ là dù hai kiệu có quay ngay cạnh nhau nhưng không mấy khi va vào nhau dẫn đến hỏng kiệu hoặc như cả phu kiệu nam và nữ không ai bị ngã.

Theo giờ thiêng định trước, đúng giờ ngọ hai kiệu chạy về sân đình quay rất nhiều vòng thể hiện sự uy phong của Đức Thánh. Ông Thủ nhang đứng trước cửa đình cầm hương và rượu vái lạy kính mời Đức Thánh vào ngự tại đình để nhân dân làm lễ bái tạ. Hai kiệu lần lượt hạ xuống đúng vị trí cũ, vị Tiên chỉ và Thủ nhang cung kính ra rước hòm sắc phong đặt lại vào trong khám thờ tận hậu cung. Đội phu kiệu cùng đội quân hầu Thánh đứng thành hàng trước sân đình làm lễ vái lạy. Tiếng loa truyền lệnh cuộc rước kiệu và làm phép của Đức Thánh kết thúc.

Hội làng Rộc là một lễ hội đặc sắc của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, Nam Định nói riêng. Trước hết đây là lễ hội tưởng nhớ công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với cuộc rước kiệu mang giá trị như một “tục hèm” tái hiện lại các cuộc chiến đấu với quân giặc dưới sự chỉ huy của vị tướng tài ba Nhà Trần trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong đó đặc biệt và ấn tượng nhất là cảnh “kiệu lội sông”, “kiệu lội ao làng” để tái hiện lại những trận thủy chiến nổi tiếng một thời mà có lẽ ít lễ hội nào có được. Thông qua cuộc rước kiệu này, thế hệ trẻ của làng Rộc cũng như cả cộng đồng không chỉ được ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông mà còn là dịp rèn luyện sức khỏe để tiếp tục xây dựng và bảo vệ quê hương.

Ngoài ra, lễ hội còn mang ý nghĩa cầu mùa bởi thời gian diễn ra lễ hội là dịp đầu xuân, lúc cộng đồng địa phương đang chuẩn bị xuống đồng gieo cấy vụ lúa mới. Cho nên, trong lúc rước kiệu, kiệu chạy và quay trên khắp cánh đồng làng mang một ý nghĩa cầu mong các bậc Thánh thần ban ơn mưa móc thấm nhuần vào đồng đất quê hương để mùa màng được tươi tốt, cây trồng không bị bệnh dịch đem lại vụ mùa bội thu và niềm vui ấm no hạnh phúc đến với muôn nhà.

Đối với dân tộc Việt Nam nói chung, mỗi lễ hội tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Trần không chỉ là dịp để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay mà còn là môi trường nuôi dưỡng truyền thống yêu nước hào hùng. Riêng với nhân dân làng Rộc, ngoài những ý nghĩa đó ra thì hội làng vào dịp đầu xuân còn mang ý nghĩa cầu mong Đức Thành Hoàng ban phát phúc lành cho cộng đồng được hưởng cuộc sống yên vui, mùa màng tươi tốt. Với tất cả những ý nghĩa tốt đẹp đó, hội làng Rộc xứng đáng là một lễ hội truyền thống đặc sắc cần được gìn giữ cho muôn đời sau!

Nguyễn Trọng Nghĩa

Top