Hội đua thuyền trên dòng Cà Ty

Hằng năm, cứ mỗi dịp xuân về, vào mùng 2 Tết Nguyên đán hàng năm, trên sông Cà Ty thành phố Phan Thiết diễn ra hội đua thuyền. Từ lâu, ngày hội đua thuyền đã trở thành một sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống ở TP.Phan Thiết. Trong những ngày đầu năm, lễ hội đua thuyền giống như một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.

Lịch sử của đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết, theo nhiều người kể: có từ xa xưa, xuất phát từ chỗ nghề biển ở Phan Thiết khá phát đạt. Hàng năm, vào dịp giỗ ông Lụy, mừng lễ xuống nghề, các vạn mành đèn Nam Nghĩa, mành chà Thủy Tú, câu khơi Nam Hải, câu thúng Đức Long, rớ Phú Trinh… thường tổ chức cho các bạn nghề mặc đồng phục, cầm dầm đồng màu vừa chèo vừa hò, quanh một chiếc thuyền lớn bày hương án cúng thần biển cả. Bên cạnh đó, để bà con vạn chài vui chơi, một mặt rèn luyện sự dẻo dai, sự quyền biến trước bao thách thức bất thường của biển cả, các vạn chài đã tổ chức đua thuyền. Sinh hoạt này diễn ra một cách thường niên dần dần biến thành lễ hội, tạo nên một không khí sinh hoạt văn hóa dân gian  quy mô lớn của cư dân ven biển Bình Thuận. Cũng có ý kiến cho rằng, đua thuyền xuất xứ từ loại hình nghi thức lễ chèo Bả Trạo – loại hình văn hóa tín ngưỡng giữa thờ cá voi và tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thần Sông…

Sau năm 1975, lễ hội đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết được mở rộng và mang sắc khí mới. Đơn vị đua là các xã, phường ven biển trải dài từ Tiến Thành, Đức Long đến Phú Hài, Mũi Né… mừng những ngày hội lớn của dân tộc như: Tết Nguyên Đán,  Quốc khánh, ngày hội truyền thống nghề cá, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Có năm, các bạn nghề ở Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Phú Quý cũng cử những tay đua cừ khôi về Phan Thiết để đua tài.

Trong không khí tưng bừng náo nhiệt của những ngày đầu năm, hàng vạn người dân tập trung hai bên bờ sông để xem và cổ vũ cho những đội thuyền từ khắp các nơi về đua tài. Từ trên bờ sông nhìn xuống, những chiếc thuyền đua như những mũi tên xé nước lao trên dòng nước trong xanh, trong tiếng hò dô vang dội của các tay chèo, hòa cùng tiếng reo hò cổ vũ của người xem tạo thành một bản hòa tấu của ngày hội rộn ràng, sôi động mang đậm nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Đây không chỉ được xem là một trong những sự kiện văn hóa thể thao đặc sắc, niềm tự hào của cư dân địa phương mà còn thu hút sự mong đợi và cổ vũ nhiệt tình của đông đảo du khách đến với thành phố biển xinh đẹp. Từ trên cầu nhìn xuống, những chiếc thuyền đua như những mũi tên xé nước trên dòng nước trong xanh.

Đội hình đua gồm những tay trạo thiện nghề, cường tráng…  Chỉ huy thuyền đua là người dày dạn kinh nghiệm sông nước, cầm chèo dọc, làm nhiệm vụ lái, lượn, quay thuyền sau mỗi  vòng, cũng như biết  chọn thời điểm rướn, hoặc tăng tốc về đích… Một lão ngư sành điệu việc đua thuyền cho biết: Thuyền đua  là “ngựa chiến” trên sông, muốn thuyền  lướt nhanh, sức cản ít thì gỗ đóng thuyền phải là gỗ bằng lăng, mũi hao hao con thoi trên khung cửi, nước chảy, gió ngược không cản nổi... Những năm gần đây, vì điều kiện kinh tế và các lý do khách quan, hội đua thuyền chỉ diễn ra vào chiều mùng 2 Tết Nguyên Đán, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến không khí cuộc vui ngày tết. Lễ hội đua thuyền Phan Thiết cũng là nơi đào tạo nhiều tay đua cho đội đua thuyền cấp quốc gia và khu vực. Trước lúc đua chính thức, trên sông Cà Ty còn diễn ra đua thúng, lắc thúng. Dưới sông, các đội tranh tài từng gang tấc, trên bờ tiếng trống lân, trống ếch và tiếng reo hò của người xem vang dậy...

Những guồng tay rắn chắc của các vận động viên cũng là những ngư phủ thực thụ, nhịp nhàng đưa thuyền rẽ sóng phăng phăng về đích như là biểu trưng của một Phan Thiết, Bình Thuận đang nỗ lực vượt qua các lực cản, phấn đấu đưa rẻo đất ven biển cực Nam Trung Bộ này nhanh chóng vươn lên cùng cả nước.

Không những tổ chức đua thuyền mà còn có cả đua thúng. Ngoài ra, có nhiều vận động viên thi đấu ở nội dung đua thúng (chèo quấy thúng và lắc thúng). Tất cả những vận động viên tham gia đều là những ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới ở TP.Phan Thiết. Vận động viên đua thúng tranh tài ở cự ly 500m. Đua thuyền có hai cự ly: Đồng hàng 500m và quay vòng 1.700m. Ở cả hai nội dung, chín thuyền đại diện cho chín phường, xã ven biển Phan Thiết, được chia thành ba bảng thi đấu vòng lọai, chọn ba thuyền về nhất vào thi đấu chung kết.

Xen giữa các cuộc đua tài, đội tuyển Canoeing Bình Thuận đã chúc Tết người xem bằng các màn trình diễn đẹp mắt. Lễ hội đua thuyền trên dòng Cà Ty hiền hòa đã trở thành truyền thống và là nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán không thể thiếu trong đời sống của ngư dân Bình Thuận. Chính vì thế, nhiều người gốc Bình Thuận cho hay: “Đi đâu rồi cũng nhớ hội đua thuyền Phan Thiết!”. Đầu năm chúc nhau sức khỏe, lễ hội đua thuyền là lời chúc nhiều ý nghĩa nhất với người dân Phan Thiết. Điều đó cũng tạo thêm động lực để mỗi người hướng đến những vụ đi biển khấm khá, bội thu cho những ngày đầu năm ra khơi.

Thanh Mỹ

Top