Đi tìm gốc rễ của các lễ hội quanh Đền Hùng

Lễ hội là sự biểu đạt của lớp lớp con dân nước Việt nhớ về cội nguồn tổ tiên mà trong đó, xen lẫn cái phi thực, cái huyền ảo của truyền thuyết là một chút nào đó của hiện thực lịch sử. Bên cạnh đó, còn có một cách ghi nhớ công lao của các Vua Hùng ở chỗ nhiều di tích đền, miếu, đình thờ Vua Hùng, gia quyến hoàng tộc và các bộ tướng. Từ nhiều đời trôi qua, những di tích này tồn tại tự thân trong lòng dân tộc, đến thời Lê và Nguyễn, các vị vua nước Việt lại ban sắc phong, như một dấu ấn công nhận công lao của một thời Hùng Vương trong lịch sử dân tộc. Có thể nói rằng giữa lễ hội và truyền thuyết cũng như di tích tôn giáo thờ cúng là 3 khía cạnh liên quan khăng khít với nhau và biểu thị chiều sâu tâm linh của người Việt.

Không đâu trên đất nước ta có nhiều lễ hội tưởng nhớ các vua Hùng có công dựng nước như ở vùng Đất Tổ Phú Thọ mà vùng lõi của nó chính là thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao. Cũng tức là quanh khu vực Đền Hùng.

Từ trong tâm thức được biểu hiện qua các lễ hội, thời Hùng Vương thể hiện từ bao đời nay như một niềm tin mãnh liệt nhiều hơn là một sự thật lịch sử.

Chỉ đến khi có những thành quả nghiên cứu khoa học liên ngành, nhất là khảo cổ học, thì dường như các nhà khoa học mới nhận thấy rằng xuyên qua mây mù được bao bọc bởi lễ hội và truyền thuyết là một sự thật lịch sử, được chứng minh bằng nhiều bằng chứng khảo cổ học.

Bài viết này góp một phần nhỏ vào việc giải mã cái cốt lõi lịch sử của thời Hùng Vương dựa vào sự so sánh liên tưởng giữa các lễ hội quanh Đền Hùng với các tài liệu khảo cổ học để chứng minh một luận đề: Qua hàng ngàn năm, các lễ hội vẫn bảo tồn được nhiều nét phong tục, tập quán và đời sống vật chất và tinh thần của người Việt có từ thời Vua Hùng.

Lễ hội quan trọng nhất diễn ra quanh Đền Hùng

Không chỉ ngày nay Lễ hội Đền Hùng mới là Quốc lễ, là cái lễ chung của toàn người dân Việt Nam, mà trước đây nhà Nguyễn đã có công đầu chọn Lễ hội Đền Hùng là ngày Quốc lễ. Giở lại những trang sử nhà Nguyễn mới thấy quả là trong vài trăm năm “công tội” của mình, nhà Nguyễn cũng có sự sáng suốt khi tôn vinh Vua Hùng là Vua Tổ và miền Đất Tổ chính là vùng Phú Thọ ngày nay.

Niên đại Tự Đức thứ 27, tức năm 1874 theo Dương lịch, Vua Nguyễn đã cho dựng Lăng Hùng Vương, mở đầu cho một giai đoạn xây dựng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo ở đây mà nhiều di tích đến nay vẫn còn tồn tại. Bên cạnh di tích kiến trúc, nhiều văn thơ vịnh Đền Hùng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ thứ 20 cũng nở rộ. Nhiều câu đối và thơ chữ Nôm và chữ Hán cũng được cúng viếng tại Đền Hùng.

Bia Đền Thượng có tên gọi là “Hùng miếu điển lệ bi” ở đền Thượng, Đền Hùng, xã Hy Cương, được lập năm Khải Định thứ 8, tức năm 1923 còn ghi lại: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao của quý hạt có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải qua các năm tháng cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3, kết hợp với việc thờ thổ kỳ, làm lễ riêng. Từ nay về sau lấy ngày 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái. Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ chuẩn định ngày quốc tế tại Miếu tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3.

Tài liệu khảo sát tục lệ làng xã ngay tại Đền Hùng cũng cho thấy việc cúng lễ hàng năm giao cho hương Trung Nghĩa, nay là làng Hy Cương, Chu Hoá, chịu trách nhiệm gọi là dân Trưởng Tạo lệ. Nhà Vua thời Nguyễn chỉ gửi về 3 đấu gạo nếp thơm, khoảng 20 kg để đồ xôi cúng Tổ. Cứ năm năm tổ chức một hội chính vào năm chẵn thì do Triều đình chịu trách nhiệm. Ngày hội lễ Đền Hùng trước khi có quy định của nhà Nguyễn thì thường kéo dài từ ngày mùng 7, mùng 8 đến ngày 16, 17 tháng 3 Âm lịch. Còn trước đó nữa, như văn bia Đền Thượng ghi rõ là dân làng thường mở hội vào mùa thu.

Vậy là với công cuộc tìm về cội nguồn, định ngày Quốc lễ, định vùng đất linh thiêng đất nước là nơi có lăng mộ Vua Hùng, nhà Nguyễn đã khơi dậy đúng vào lòng tự tôn của toàn dân tộc và truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đã sinh thành ra cả một dân tộc.

Chọn Đền Hùng là lễ hội lớn nhất là một hành động chính xác của nhà Nguyễn dựa vào truyền thuyết ngàn đời, mà các lễ hội của vùng đất thiêng này vốn hàng năm dân tình tự tổ chức mặc dù ở quy mô rất nhỏ cỡ làng xã. Vì sao, đến thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhà nước phong kiến mới “hợp thức hóa” Lễ hội Đền Hùng ghi nhớ công lao tổ tiên? Đó chính là trong hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam bấy giờ đang phải cần sự quần tụ đoàn kết để tự khẳng định nền văn hóa bản sắc của mình trước những biến động thời cuộc do tác động của văn hóa phương Tây với nguy cơ tràn vào đất Việt với sự bành trướng của thực dân Pháp.

Nếu như giở thêm những thư tịch cổ xa xưa hơn, chúng ta cũng gặp lại một thời mà các vua Hùng được đề cao, được ghi chép lại mặc dù chỉ là tập hợp của các câu chuyện truyền đời trong Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh. Thời đó chính là thời Trần, cũng có một nhu cầu tập hợp sức mạnh toàn dân với hào khí Đông A chống quân Nguyên Mông. Khi đó, việc đề cập đến cội nguồn là nhu cầu chính đáng của một dân tộc đang cần khẳng định mình trước những sức mạnh đồng hóa và xâm lược ghê gớm từ phương Bắc.

Việc xác định Lễ hội Đền Hùng ở vùng đất địa linh nhân kiệt như vùng Việt Trì, Lâm Thao lại được sự ủng hộ của khảo cổ học. Thành tựu cập nhật cho đến nay cho thấy những dữ liệu quan trọng về miền đất này như sau:

- Chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn vào loại bậc nhất nước ta tìm được ngay trong lòng đất Đền Hùng, thuộc xã Hy Cương xưa, mà sở hữu trống đồng ắt hẳn phải là thủ lĩnh, mà trống to lại là thuộc thủ lĩnh lớn, nếu không phải là thủ lĩnh lớn nhất như Vua Hùng của truyền thuyết thì cũng phải là cỡ Lạc Hầu, Lạc Tướng.

- Quanh Đền Hùng còn có nhiều trống đồng Đông Sơn khác như các trống Thượng Nông, Sơn Hùng, Đào Xá và Tất Thắng ở địa bàn gần ngã ba sông Hồng-Đà-Lô. Những trống đồng Đông Sơn này từng là sở hữu của các thủ lĩnh địa phương. Chỉ có thủ lĩnh thời đó mới có trống, đúng như trong sử sách đã từng nói: Người Man (cách gọi miệt thị của Triều đình phương Bắc với các tộc người phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh, trong đó có người Việt cổ) có được trống đồng thì có thể xưng Vương.

- Làm nền tảng văn minh vật chất cho thời Hùng Vương là hàng chục làng xóm mà khảo cổ học đã phát hiện ra ở vùng Lâm Thao, Phú Thọ trong khoảng thời gian từ 4000 năm đến 2000 năm, những địa điểm này được xếp vào thời tiền Hùng Vương đến thời Hùng Vương. Có những địa điểm đánh dấu những mốc son của các văn hóa khảo cổ như Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ), Gò Mun (xã Tứ Xã) đều thuộc huyện Lâm Thao và đều tọa lạc ở những vị trí cách Đền Hùng không xa. Các làng cổ, khu mộ cổ ở Phú Thọ đều có mức độ dày đặc quanh Đền Hùng và ngã ba sông Hồng-Lô-Đà.

- Địa điểm khảo cổ học Làng Cả có mật độ mộ táng dày đặc, có tầng văn hóa rõ rệt, cho phép giả thiết một trung tâm kinh tế xã hội đương thời, tọa lạc ngay trung tâm Việt Trì và có thể là vị trí của Kinh đô Văn Lang trong sử sách, cách Đền Hùng có khoảng 10 km, cũng đã nói lên khu vực này là một trung tâm chính trị lớn của thời này, có Kinh đô, có lăng mộ, đền đài liên quan đến Vua Hùng.

Với tất cả những dữ liệu lịch sử vừa trình bày, chúng ta có thể thấy các vua Nguyễn cũng như ngày nay chúng ta chọn lễ hội trên Đền Hùng là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Đồng thời Lễ hội Đền Hùng phải được coi là một trong những Quốc lễ quan trọng nhất của đất nước.

Vùng đất Tổ Phú Thọ còn nhiều dấu tích lễ hội, di tích tôn giáo, truyền thuyết:

Ngoài lễ hội tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ cũng có nhiều lễ hội khác. Thường lễ hội được tổ chức theo cấp độ làng xã và thường đi kèm với các sự tích cũng như di tích thờ cúng.

Phú Thọ là địa bàn có hệ thống di tích tôn giáo thờ Vua Hùng, các tướng lĩnh và các nhân vật liên quan đậm đặc nhất và vùng thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao lại là vùng đậm đặc hơn cả, nơi mà truyền thuyết cho rằng nơi có Kinh đô Văn Lang. Các di tích thờ Hùng Vương, Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh là nhiều hơn các nhân vật khác. Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có đến hơn 300 di tích thờ Hùng Vương, mẹ, vợ con, các tướng lĩnh liên quan đến Hùng Vương. Tính riêng địa bàn Việt Trì đã có 31 di tích phân bố dọc theo sông Hồng và sông Lô. Một số di tích thờ Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh nằm dọc sông Đà. Dọc sông Lô thường thờ Cao Sơn và Quý Minh.

Có thể coi những di tích thờ Hùng Vương ở Phú Thọ là di tích thờ “gốc” nhất. Như một vệt dầu loang, nay thì cả nước đều có đền thờ Vua Hùng, có lẽ như một sự “thờ Vọng” thì hợp lý hơn.

Linh hồn của các lễ hội thường là các truyền thuyết. Truyền thuyết Hùng Vương phổ biến hơn cả trên địa bàn của hai tỉnh Phú Thọ và tỉnh lân cận Vĩnh Phúc, chủ yếu trên các huyện Thanh Hoà, Phú Thọ, Phong Châu, Việt Trì, Lập Thạch. Các truyền thuyết về thánh Tản Viên, một bộ tướng của Hùng Vương thì phổ biến ở các huyện Tam Thanh, Thanh Sơn, Sông Thao. Truyền thuyết về Thánh Gióng đánh giặc Ân thời Hùng Vương thì phổ biến ở hai huyện là Lâm Thao và Hạ Hoà. Theo thống kê, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được trên 200 truyền thuyết thời Hùng Vương và các dị bản. Nhiều truyền thuyết thời Hùng Vương lại được hiện thực hoá bằng các lễ hội lưu truyền nhiều đời trong các cộng đồng làng xóm.

Có thể kể ra một số truyền thuyết cũng như lễ hội thời Hùng Vương như sau:

- Quanh khu vực Đền Hùng lưu truyền khá nhiều câu chuyện về đám cưới Sơn Tinh và Ngọc Hoa Công chúa của Vua Hùng. Bên cạnh đó còn có dày đặc các truyền thuyết và cổ tích, thần tích về 18 đời Hùng Vương, về cuộc tranh chấp Hùng Vương và Thục Vương, về nước Âu Lạc, nỏ thần của An Dương Vương. Hội hè ở nhiều khu vực có truyền thuyết Hùng Vương cũng thể hiện ở những cuộc tế lễ, những diễn xướng dân gian xung quanh đến chủ đề dựng nước thời Hùng Vương. Có những hình thức như hát múa, lễ thức và phong tục gắn với cuộc sống thời xưa của cư dân Việt cổ như: múa Tùng Di, rước tiếng hú, tế nõ nường, rước ông Khiu, bà Khiu), tiệc bánh dày, tiệc bánh mật, hát Xoan, hát Trống quân và nhiều trò diễn như: trò Trám, trò Trình nghề. 

- Quanh khu vực có nhiều truyền thuyết về Tản Viên, truyền thuyết và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian cũng tập trung kể lại sự tích quanh Tản Viên như: Lễ hội bơi thi ở Đào Xá, bơi ở Thạch Đồng (huyện Tam Thanh) có cảnh nhân dân mang thuyền đi đón Tản Viên về Đền Hùng rồi lại rước người về Khê Thượng. Nhân dân ở Sơn Vi, Bản Nguyên (huyện Lâm Thao) và Trúc Phê, Cổ Tiết (Tam Thanh) có trò diễn lại sự tích Tản Viên giúp Vua Hùng dẹp Thục Phán. Các tục thi thổi cơm ở làng Đoan Hạ, xã Đồng Luận và Xuân Quang, huyện Tam Thanh có tục đập trâu để tế lễ thần Tản Viên.

Lễ hội tại vùng Đất Tổ cũng là những cuộc tế lễ, những diễn xướng dân gian xung quanh các sự tích liên quan đến chủ đề mà truyền thuyết đã gợi lên. Có nhiều hình thức hát, múa, lễ thức và phong tục gắn liền cuộc sống xa xưa nhất, có thể từ thời công xã nguyên thuỷ như múa Tùng Di, tục rước tiếng hú, tế nõ nường, rước ông Khiu bà Khiu, chém trâu, tiệc bánh dầy, bánh mật, hát Ví, hát Xoan, hát Trống quân... và những trò diễn nổi tiếng như trò Trám, trò Trình nghề... Tài liệu khảo cổ học cho thấy, cội nguồn của lễ hội nõ nường bắt nguồn từ tục phồn thực có từ thời Hùng Vương như ta thấy cảnh đôi trai gái giao hợp trên thạp đồng Đào Thịnh, hình ảnh thờ sinh thực khí thể hiện ở những họa tiết hoa văn cánh sao (yếu tố dương) và lông công (yếu tố âm) xen nhau nằm chính giữa mặt trống đồng. Lễ hội diễn tả cảnh chém trâu có lẽ bắt nguồn từ xa xưa và đã có mặt trên trống đồng: hoa văn các chiến binh cầm rìu đồng gót vuông đứng cạnh một cây cột thiêng có buộc một con bò chuẩn bị trong lễ hiến tế. Đôi khi trên trống đồng có hình bò đơn độc, chắc cũng biểu thị một phần đối tượng của lễ hiến tế vậy. Nhiều lễ hội lại diễn tả cảnh đi săn, mở cửa rừng, rước tiếng hú…có liên quan chặt chẽ đến các cuộc săn bắn thời Hùng Vương được thể hiện trên lưỡi rìu đồng gót vuông tìm được ở Gò De, Làng Cả: hoa văn tả cảnh chó săn đàn hươu. Ngoài hoa văn, một loạt vũ khí bằng đồng cũng có thể liên quan đến những cuộc săn bắn như giáo đồng được chôn trong mộ Làng Cả.

Một số lễ hội lại tập trung vào việc ca ngợi, suy tôn Tản Viên. Có những lễ hội bơi chải của Đào Xá, hội bơi Thạch Đồng (huyện Tam Thanh) với tích truyện dân địa phương mang thuyền đi đón Tản Viên về Đền Hùng rồi lại rước về Khê Thượng. Nhân dân Sơn Vi, Bản Nguyên (Phong Châu) và Trúc Phê, Cổ Tiết (huyện Tam Thanh) có trò diễn lại sự tích Tản Viên giúp Vua Hùng dẹp Thục Phán. Các tục thi thổi cơm ở làng Đoan Hạ, xã Đồng Luận và đập trâu ở Xuân Quang để tế lễ Tản Viên (Tam Thanh). Những lễ hội này bắt nguồn từ xa xưa, nếu như chúng ta thấy được hình ảnh của những chiếc thuyền đua, thường là một đoàn gồm 6 chiếc đã được khắc họa trên tang trống đồng Hy Cương và nhiều trống đồng khác.

Truyền thuyết thời Hùng Vương đã được cụ thể hoá bằng những sự tích, những địa danh có thật được các làng xóm truyền tụng như: nơi Vua Hùng khởi nghiệp, nơi Vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, nơi Thục Phán lập cột đá thề giữ gìn non sông và tôn miếu Hùng Vương, nơi Tản Viên Sơn Thánh chiến thắng Thuỷ Tinh, mối tình Tản Viên với Công chúa con Vua Hùng, các bộ tướng của Vua Hùng đánh giặc và trị thuỷ. Truyền thuyết còn chỉ ra nơi này Vua Hùng dạy dân cấy lúa, nơi kia có lầu son gác tía của Vua và Triều đình, kho lương thực, lầu kén rể… Không còn có thể biết được ai là những “tác giả” đầu tiên của những truyền thuyết truyền tụng ngàn đời như vậy...

Với những thành tựu nghiên cứu khoa học trong vài chục năm qua, nhiều lễ hội đã được giải mã cho thấy một cội nguồn sâu xa làm nền tảng, chính là nền văn minh vật chất thời Hùng Vương đã được khảo cổ học chứng minh ngay trên miền đất Tổ.

PGS.TS Trịnh Sinh

Top