Hội An - Ngã tư thương mại, văn hóa xưa

Cách đây trên 400 năm, cứ vào mùa xuân, là cảng thị Hội An xưa lại nhộn nhịp mùa buôn bán với người nước ngoài. Thời ấy đã qua, nhưng giá trị về lịch sử - văn hóa của đô thị cổ để lại là kho tàng vô giá cho Di sản văn hóa thế giới này.

Một trong những địa danh nổi tiếng của Quảng Nam là Hội An, một cảng thị cổ của các thế kỷ XVII, XVIII mà quần thể di tích còn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay. Vào thời kỳ trên, Đại Việt có 4 thành phố buôn bán lớn với người nước ngoài là Kẻ Chợ, Phố Hiến ở Đàng Ngoài và Tourane (Đà Nẵng), Faifo (Hội An) ở Đàng Trong. Trong bốn địa điểm ấy, Hội An nằm trên “con đường tơ lụa”, là nơi buôn bán sầm uất nhất, vẫn thường được các thương nhân Tây phương ca tụng như là một đầu mối giao thông, thương mại bằng đường biển quan trọng nhất của Đàng Trong.

Hội An nằm vùng cửa sông Thu Bồn, có con đường thủy thông thương dễ dàng với biển bằng cửa Đại và cửa Tiểu, có đầm rộng, sâu, để thuyền bè có thể neo đậu được.

Thời điểm ra đời thương cảng Hội An còn chưa được xác định rõ. Nhưng từ thế kỷ XVI, Hội An là nơi lui tới buôn bán của nhiều người nước ngoài, đáng kể là người Hoa, người Nhật và người Bồ Đào Nha. Thương cảng này, với tên gọi là Faifo đã được cha cố De Faria biết đến vào năm 1576 và khẳng định sự hiện diện của mình qua hồi ký của Christoforo Borri viết vào năm 1618: “Thành phố ấy gọi là Faifo, lớn đến nỗi mà người ta tưởng có đến hai thành phố, một là của người Trung Hoa, thứ đến là của người Nhật Bản”.

Từ thế kỷ XVI, Hội An là nơi lui tới buôn bán của nhiều người nước ngoài, đáng kể là người Hoa, người Nhật và người Bồ Đào Nha. (Ảnh: emdep.vn)

Như vậy, Hội An thời ấy đã phát triển và có đến hai thành phố riêng của người Hoa và người Nhật. Thời kỳ phồn thịnh của Hội An là vào thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII. Sự phồn thịnh ấy có thể chứng minh qua mô tả của Thích Đại Sán khi ghé thăm Hội An vào cuối thế kỷ XVII: “Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại cửa Hội An vậy... Hai bên bờ nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh người gồng, người ta đã đi chợ sáng”.

Trong thời kỳ hình thành và hưng thịnh, Hội An là nơi đến và định cư của nhiều thương nhân nước ngoài. Người Trung Hoa được nhà Minh mở cửa cho vượt biển đi buôn bán với nước ngoài kể từ năm 1567, họ đã đến Hội An giao dịch, một số lấy vợ người Việt và định cư tại đó, lập nên một tập thể đồng hương, sống quy tụ ở khu vực đầm Trà Nhiêu, Cẩm Hà và Cẩm Phô. Đặc biệt, họ lập nên một khu phố mang bản sắc riêng, thường được gọi là khu phố Khách. Địa điểm của khu phố này hiện nay chưa được xác định. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khu phố Khách nằm ở bờ Nam sông Cái , nhưng lại có ý kiến khẳng định thuộc làng Cẩm Phô và Thanh Hà. Với việc buôn bán phồn thịnh như thế, người Hoa đã cho xây dựng tại Hội An nhiều tín ngưỡng của họ như miếu Quan Công, chùa Kim Sơn, chùa Quan Âm.

Thương nhân Nhật Bản đến Hội An vào khoảng cuối thế kỷ XVI. Cũng như người Trung Hoa, một số thương nhân Nhật định cư, mua ruộng đất, và lấy vợ người Việt, lập nên khu phố Nhật. Họ sống theo phong tục, tập quán của mình và cũng có người quản lý riêng. Khu phố Nhật được xác định vị trí là trùng với đường Trần Phú hiện nay. Đó là một khu phố “dài chừng 320 mét gồm 2 dãy, gần một cái chợ bán đủ các mặt hàng họp thành “Đô thị Nhật Bản”.

Hội An rực rỡ với đèn lồng (Ảnh: TL)

Ngoài các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa, Hội An còn là điểm đến của các thương nhân phương Tây Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp... Trong đó, người Bồ Đào Nha là người Tây phương đầu tiên đến Hội An. Ngày chính xác của sự kiện này chưa được xác định. Có điều chắc chắn rằng, công việc buôn bán của người Bồ Đào Nha tại đây được tiến hành tích cực sau khi người Bồ đóng được tại Ma Cao (Áo Môn) vào năm 1557. Từ thành phố này, người Bồ đã cho tàu buôn đến Hội An trao đổi hàng hóa.

Qua đến thế kỷ XVII, XVIII Hội An càng trở nên đô hội với sự hiện diện của các tàu buôn Hà Lan, Anh, Pháp. Người Hà Lan lập thương điếm tại Hội An vào năm 1636. Đồng thời năm đó là thời điểm mà tàu buôn Nhật Bản không đến Hội An nữa do lệnh cấm người Nhật xuất dương của Nhà nước Nhật Bản. Một số người Nhật định cư luôn tại Hội An và dần dần Việt hóa. Công ty Đông Ấn thuộc Anh, vào năm 1695 có phái Thomas Bowyear, một mại biện đến gặp Chúa Nguyễn để xin lập thương điếm tại Hội An. Chúa Nguyễn tiếp đón phái đoàn rất niềm nở và chấp thuận đề nghị của họ. Nhưng sau đó, người Anh lại không lập thương điếm tại đây mà tại Côn Đảo, nơi họ có thể đón thuyền bè từ biển Đông đến Malacca, Java. Còn thương nhân Pháp mãi đến gần giữa thế kỷ XVIII mới xuất hiện và cũng chỉ thực hiện một vài chuyến buôn.

Mùa buôn bán với nước ngoài ở Hội An thường mở đầu cùng với năm mới Âm lịch. Đầu năm, tàu buôn cập bến Hội An, rộn ràng hoạt động trong vòng khoảng 6 tháng. Sau đó tàu nhổ neo, để lại người với nhiệm vụ đặt hàng cho vụ mậu dịch đến. Từ Hội An, họ thuê ghe bầu của người Việt bản địa để tỏa đi khắp nơi  mua hàng, và cũng từ khắp nơi trong nước, hàng hóa chảy về Hội An để đón tàu.

Ngoài vai trò là trung tâm nội thương và ngoại thương của Đàng Trong, Hội An còn là một trung tâm giao lưu văn hóa, là nơi du nhập của đạo Thiên Chúa và cũng là địa bàn phát sinh chữ Quốc ngữ.

Một cây cầu độc đáo do người Nhật xây dựng vào khoảng thời gian này, nổi tiếng với tên gọi là Chùa Cầu. (Ảnh: TL)

Vào năm 1615, một phái đoàn giáo sĩ dòng Tên được thương nhân người Bồ hướng dẫn đến Đàng Trong chầu Chúa Nguyễn. Và Hội An là nơi mà Chúa Nguyễn cho phép họ cư ngụ. Trong khoảng thời gian 10 năm đầu hoạt động, Giáo hội Bồ Đào Nha đã gửi đến Hội An khoảng hơn 10 giáo sĩ, trong đó có những người nổi tiếng như Chritoforo Borri, người đã viết tập hồi ký sử liệu và là tác phẩm đầu tiên viết về Đàng Trong History of Cochin  China, và Francisco de Pina, Alexandre de Rhode, những người có công lớn trong việc phiên tiếng Việt ra chữ Quốc ngữ. Công việc truyền đạo tại Hội An gặp nhiều thuận lợi. Đầu tiên, các giáo sĩ hoạt động trong giới thương nhân Bồ có vợ người Việt rồi phát triển dần sang người Việt. Đạo Thiên Chúa thâm nhập vào cuộc sống tâm linh của một bộ phận người Việt và trở thành một trong những tôn giáo quan trọng của Việt Nam.

Sự phồn thịnh, tính hội nhập văn hóa của Hội An là nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của nhiều công trình xây dựng kiến trúc nghệ thuật. Đó là kết quả lao động của người Hoa, người Nhật, người Tây phương và nhất là của cộng đồng người Việt ở Hội An. Tất cả đã để lại một quần thể di tích với nhiều công trình kiểu dáng kiến trúc mà nét mỹ thuật độc đáo là chỉ riêng có ở Hội An, gồm nhiều loại hình như chùa, đình, đền, hội quán, mộ táng, giếng cổ, cầu, nhà thờ tộc họ... Kiến trúc chùa tại Hội An rất phong phú vì Hội An cũng là một trong những trung tâm Phật giáo. Đa số chùa ở đây theo dòng Tiểu thừa.

Một cây cầu độc đáo do người Nhật xây dựng vào khoảng thời gian này, nổi tiếng với tên gọi là Chùa Cầu. Cầu được xây theo hướng Đông Tây, bắc ngang qua một con lạch nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Theo Đại Nam Nhất thống chí, Chùa Cầu vào thời ấy dài 18m7, cầu là một ngôi chùa lợp ngói, có tượng Bắc Đế cưỡi trên con cù. Dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng hiện nay chùa Chùa Cầu vẫn còn dáng dấp cổ kính, độc đáo ấy. Những lần trùng tu quan trọng được ghi lại bằng chữ vàng trên ba chiếc đà dọc chính giữa. Đó là vào các năm 1817, 1823, 1875. Mỗi đầu cầu có hai tượng chó và khỉ bằng gỗ đứng chầu.

Đặc điểm kiến trúc độc đáo khác của Hội An là kiểu nhà phố. (Ảnh: TL)

Đặc điểm kiến trúc độc đáo khác của Hội An là kiểu nhà phố. Nhà phố hình ống, mở hai phía trước và sau. Nhà có khung gỗ, mái ngói âm dương và tường bao quanh, không gian sử dụng được bố trí chặt chẽ và hợp lý. Hiện nay, những ngôi nhà phố cổ của Hội An vẫn còn tồn tại, hấp dẫn du khách với những mái ngói rêu phong trầm mặc với dáng dấp điển hình cho kiến trúc đô thị của một cảng thị phồn thịnh xa xưa.

Ngoài nhà phố, Hội An còn có kiến trúc nhà rường, một kiến trúc truyền thống của người Việt. Nhà có khung gỗ, hầu hết các cấu kiện bằng gỗ được chạm trổ những áng mây, dải lụa, quả bồng, con thú, có nơi chạm trổ cả những điển tích của người Việt cũng như người Hoa. Hiện nay, còn tồn tại nhiều nhà rường cổ mà vẻ lộng lẫy của kiến trúc này vẫn được bảo lưu, gìn giữ, đó là những ngôi nhà trên các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai.

Thời gian qua đi, vùng đầm phá cửa sông Thu Bồn bị bồi lấp mạnh mẽ. Hội An không còn là nơi qua lại của các tàu thuyền ngoại quốc nữa, không còn là một cảng thị mà là một quần thể di tích tương đối còn nguyên vẹn, không bị hủy hoại cải tạo như những đô thị cổ khác. Hội An ngày nay, mặc dù đã lên thành phố, nhưng vẫn còn chứa đựng những dấu ấn lịch sử của một trung tâm thương mại lớn của Châu Á.

Quỳnh Trân

Top