Dũa Đại Phu và nỗi lo giữ nghề

Làng Đại Phu, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là một trong những làng nghề làm dũa sắt thủ công hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam, từng xuất khẩu số lượng dũa lớn nhất trên thế giới.

Từ một làng được mệnh danh là "mài sắt thành vàng" từ xa xưa đã góp phần không nhỏ giúp vùng quê này thay da đổi thịt, tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, câu chuyện giữ nghề, phát triển nghề không chỉ là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương mà của cả những người đã gắn bó với nghề.

Nghề “mài sắt thành vàng”

Nghề dũa Đại Phu được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước. Ông Tổ của nghề dũa là cụ Vũ Khánh, từng là thợ mộc gốc làng Đại Phu. Sau thời gian đi làm ăn xa, thấy thợ mộc người Nhật có con dũa để mài cưa, cụ Khánh mày mò nghiên cứu, tìm tòi làm ra chiếc dũa từ thanh sắt. Lại thấy ở Việt Nam chưa có ai làm ra con dũa nên cụ về làng hô hào mọi người làm nghề. Ban đầu chỉ có những con dũa 3 cạnh thô sơ được sản xuất từ những cây sắt bỏ đi, sau khi bắt được mối hàng thì nghề dũa phát triển.

Phụ nữ và trẻ em cũng có thể tham gia canh coi lò bễ nung sắt. Ảnh: Kienthuc.net.vn

Nguyên liệu làm dũa có 2 nguồn: Một là thép cây đặc chủng Y12A của Liên Xô (cũ), hai là các loại vòng bi đã hết hạn sử dụng. Dụng cụ để làm dũa khá đơn giản, gồm đe, búa, khuôn, dao băm, lò luyện, bễ rèn, đôi càng nạo (nay được thay bằng máy mài chạy điện), axít và dung dịch xút để tẩy rửa.

Để làm ra mỗi chiếc dũa phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là dùng lò rèn để xẻ nguyên liệu, tạo phôi bằng khuôn, tạo phôi xong phải mài mặt phẳng, mài xong đến công đoạn băm răng dũa. Công đoạn này cũng phải làm thủ công, bởi lẽ băm dũa bằng tay thì gai sắc và gợn hơn băm bằng máy. Khâu cuối cùng trong sản xuất dũa là tôi luyện tạo độ cứng của dũa. Đây thực sự là bí quyết nghề nghiệp. Những người thợ lành nghề hoàn toàn tôi luyện dũa bằng sự từng trải, kinh nghiệm thông qua con mắt nhà nghề khi nhìn dũa chuyển màu để biết tôi luyện thế nào cho dũa cứng đủ độ, không non quá mà cũng không già quá. Công đoạn này cần hết sức cẩn thận bởi nếu tạo độ cứng non quá thì dũa không đạt yêu cầu, kém chất lượng, không dũa được lâu còn nếu già quá thì dũa lại hay sứt, gãy.

Theo thời gian và nhu cầu thực tế nên nghề làm dũa ở đây đã đi vào chuyên môn hóa theo 6 khâu cơ bản: tạo phôi, tạo mặt phẳng, tạo răng, tôi luyện, kiểm hóa và đóng gói. Đồng thời, mỗi gia đình làm dũa ở đây đều tự chuyên sâu vào một công đoạn sản xuất, nhờ vậy sản phẩm làm ra chất lượng tốt hơn. Các loại dũa được làm ra rất đa dạng theo yêu cầu của khách hàng cũng như công dụng của chúng trong những lĩnh vực khác nhau với đủ hình thù, kích cỡ như dũa tam giác, dũa bán nguyệt, dũa vuông, dũa tròn, dũa chữ nhật, dũa dẹt... và hàng trăm chủng loại từ cỡ 1 - 350mm.

Một hộ gia đình làm dũa. Ảnh: Kienthuc.net.vn

Từ năm 1957, làng dũa nơi đây bắt đầu thịnh vượng và làm việc như một công xưởng khổng lồ với cả trăm hộ dân trong làng đều làm nghề dũa. Khi đó, làng dũa Đại Phu đã hoàn toàn phục vụ công nghiệp, trong khi cả nước còn đang trung thành với nông nghiệp lúa nước. Ngoài việc xuất hàng đi các tỉnh thành trong nước, nhiều đầu mối thu mua nước ngoài cũng đặt hàng với Đại Phu.

Nhờ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 1982, HTX cơ khí dũa Đại Phu được thành lập, không chỉ có con em trong làng, trong xã mà nhiều xã lân cận cũng tìm sang học nghề. Trải qua những bước thăng trầm khác nhau nhưng nghề dũa đã tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân Đại Phu, người dân An Đổ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và làm thay đổi diện mạo quê hương.

Nỗi lo giữ nghề

Được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004, số lượng dũa từ ngôi làng nhỏ bé này vẫn tăng hằng năm khi tới con số 11 triệu năm 2013. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nghề làm dũa bắt đầu gặp khó khăn, không còn hưng thịnh như trước. Mặc dù sản phẩm dũa không bị cạnh tranh bởi những nơi khác nhưng vẫn bị ép giá do những nghệ nhân làng nghề chưa trực tiếp tìm được đầu ra cho sản phẩm, phải thông qua trung gian nên lợi nhuận thấp.

Nghề làm dũa đang dần mai một. Ảnh: Kienthuc.net.vn.

Hơn nữa, các yếu tố như giá thành nguyên liệu, đầu vào cho sản phẩm như: giá than, điện, xăng dầu,… đều tăng trong khi giá bán dũa không cao. Chính điều này đã làm cho nghề dũa ngày càng bị thu hẹp và ít người làm nghề hơn. Từ hơn 270 hộ dân, trên 800 nhân khẩu, thì có khoảng 700 người làm nghề làm dũa lúc hưng thịnh, đến nay cả làng chỉ còn khoảng 70-80 hộ làm nghề, người làm nghề cũng ngày một ít đi, phần lớn là người trung tuổi.

Ngoài những yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng đến làng nghề thì cũng có không ít những yếu tố khách quan khác tác động đến nghề làm dũa nơi đây như giá thành nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm, nghề làm dũa phải sử dụng một nguồn điện lớn nên việc cung cấp điện cho người dân nơi đây luôn ở trong tình trạng quá tải... Cách đây vài năm, giá thép mà làng nghề Đại Phu nhập vào chỉ có 7.000 đồng/1kg, còn hiện nay đã tăng lên tới 15.000 đồng/1kg. Thêm vào đó, giá điện, than, xăng dầu ngày càng tăng lên trong khi giá bán dũa vẫn không thay đổi. Đó là những thách thức đối với nghề làm dũa ở Đại Phu trong cơn “bão giá” như hiện nay.

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp và người làm dũa nơi đây cần có những bước cải tiến phù hợp, nhằm giữ vững vị thế dũa Đại Phu trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài, gìn giữ, bảo bồn và phát huy làng nghề truyền thống một thời “hưng thịnh” này.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Top