Giải mã các biểu tượng trong Hội Gióng
Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm liên tục. Sự hoà quện, đan xen các yếu tố sinh hoạt, tinh thần trong lễ hội nông nghiệp là điều tất yếu. Các lễ hội nông nghiệp được phủ lên một lớp văn hoá mới phù hợp với lịch sử dân tộc cũng là điều tất yếu, vì lễ hội luôn phản ánh hiện thực cuộc sống, phản ánh những ước mơ, quan điểm sống của con người và do con người đương thời tổ chức.
Mặt khác, trong quá trình tồn tại và phát triển, lễ hội cũng luôn phải biến đổi để phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Rất nhiều lễ hội nông nghiệp đã được bồi phủ những yếu tố lịch sử để trở thành lễ hội lịch sử. Và Hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) là một lễ hội như thế, một ví dụ cho sự biến đổi từ lễ hội nông nghiệp thờ phồn thực sang lễ hội lịch sử thờ anh hùng dân tộc.
Để kỷ niệm vị Anh hùng dân tộc Phù Đổng Thiên Vương, từ bao đời nay, người ta tổ chức Lễ hội Gióng ở nhiều địa danh gắn với truyền thuyết Thánh Gióng như Lễ hội đền Phù Đổng ở làng Phù Đổng, nơi sinh ra Thánh Gióng, Lễ hội đền Sóc ở Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng bay lên trời.
Lễ hội Gióng hay còn gọi là Lễ hội đền Sóc được tổ chức từ ngày 6 đến ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm tại Khu Di tích lịch sử – văn hóa đền Sóc trên núi Vệ Linh ở Sóc Sơn, nơi gắn với đoạn cuối của thiên thần thoại Phù Đổng Thiên Vương. Tiến trình của Lễ hội đền Sóc đầy đủ các bước của một lễ hội kỷ niệm anh hùng lịch sử như tế lễ, rước sách, diễn trò. Tuy nhiên, phần hội chính không thể thiếu nghi lễ chém tướng và tục cướp hoa tre (hay còn gọi là roi ngựa của Gióng).
Lễ hội đền Sóc được tổ chức từ ngày 6 đến ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm tại Khu Di tích lịch sử – văn hóa đền Sóc trên núi Vệ Linh ở Sóc Sơn. (Ảnh: TL)
Lễ cướp hoa tre diễn ra vào sáng ngày 6 tháng Giêng, sau khi được rước từ đình làng Vệ vào đền Thượng (thờ Thánh Gióng). Sáng ngày 7 tháng Giêng, người ta làm lễ chém tướng ở đồi Yên Ngựa (quả đồi gần ngã ba khu vực đền) như một nghi thức chứng minh chiến thắng hùng hồn của Thánh Gióng khi xưa.
Toàn bộ nghi thức, trò chơi và trò diễn trong Lễ hội đền Sóc Sơn ngày nay với nghi thức Lễ Thánh thiêng liêng gắn liền với truyền thuyết lịch sử cho thấy đây là một lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc đã có công diệt giặc cứu nước. Tuy nhiên, nếu xem xét và nghiên cứu kỹ lại các chi tiết trong huyền thoại Gióng, việc thực hành các nghi thức và tục hèm của lễ hội cũng như lần lượt giải mã các biểu tượng trong Lễ hội Gióng đền Sóc chúng ta nhận thấy tính nguyên khởi của Hội Gióng có liên quan nhiều đến lễ hội nông nghiệp cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến trong hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ ngày trước - tín ngưỡng phồn thực.
Trước hết, cần dành sự quan sát cần thiết cho “vật thiêng” roi ngựa và tục cướp dò hoa tre. Roi ngựa được làm từ hoa tre là một hiện vật mang tính biểu tượng và được giải thích một cách hữu thức muộn màng là chiếc roi Thánh Gióng dùng để điều khiển ngựa. Hoa tre thực chất là những thanh tre dài khoảng 50cm, rộng 1cm, đầu tre vót xơ bông và nhuộm các màu, chủ yếu là màu vàng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam lại cho rằng hoa tre cũng giống như chiếc đũa bông cúng cắm vào bát cơm đặt trên quan tài người chết. Đó cũng là biểu tượng của Linga như chiếc nõ của cặp đôi nõ nường như cách điệu của thanh tre hình sinh thực khí trong nhiều hội làng có tục rước sinh thực khí trước đây và khi hoa tre được cắm lên thành dò cũng gợi sự liên tưởng tới bó lúa vàng óng ngày mùa của cư dân nông nghiệp nước ta.
Sau khi lễ thánh, chủ tế hô “Lễ tất tranh lộc”, hoa tre được tung lên trước sân đền thì tất cả mọi người có mặt đồng loạt tranh cướp, giành giật, dù chỉ là một mảnh nhỏ của cây dò với niềm tin rằng nếu giành được hoa thì cả năm đó họ sẽ gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, ăn nên làm ra. Tục cướp hoa tre ở đây thực chất không khác gì lệ cướp sinh thực khí mà dân gian vẫn gọi là cướp nõ nường trong rất nhiều lễ hội của người Việt ở Bắc Bộ dưới hình thức cướp cây bông, cướp kén, cướp dò.
“Lễ tất tranh lộc” thực hiện trong một không khí ồn ã, mất trật tự, “tả tơi chơi hội” rất đời thường. Theo PGS. TS Trần Lâm Biền thì hiện tượng “mất trật tự” trong các nghi lễ này thật ra chính là nghi thức bắt buộc trong các lễ thức phồn thực, một hành động nhằm diễn lại thời kỳ hỗn mang xưa gợi cho ta thấy thấp thoáng sự đồng nhất của hiện tượng mất trật tự ở “thời gian chiêm bao” thuộc thuở hồng hoang, giai đoạn hỗn mang của loài người. Đặc điểm chung của các lễ thức này là bao giờ cũng gây ra một sự lộn xộn mà con người không thể kiểm soát được. Chính điều này lại càng củng cố cho một nghi lễ phồn thực bởi sự đụng chạm, chen lấn lẫn nhau của người đi dự hội. Việc này cũng chính là để nhắc nhở thần linh rằng hãy theo cách ấy mà thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình để cho con người một mùa bội thu và cuộc sống phồn thịnh.
Phần hội chính trong Lễ Hội Thánh Gióng chính là nghi lễ chém tướng và tục cướp hoa tre (hay còn gọi là roi ngựa của Gióng)(Ảnh: TL)
Trong cuộc rước hoa tre bao giờ cũng có cỏ voi và trầu cau đi cùng. Cỏ voi là cây chuối lá cao không dưới 2m. Cây trầu cau quấn trên giàn tre đan cao 3m. Những vật này đều do một đoàn các thanh nữ rước. Cỏ voi và trầu cau ngày nay được hiểu như những vật phẩm phục vụ cho Đức Thánh Gióng một cách rất đời thường. Thực chất đây lại gợi sự liên tưởng đến một tín ngưỡng từ rất xa thờ cây vũ trụ - cây nối trời và đất, biểu tượng cho sự giao hoà âm dương, những biểu tượng thường thấy trong tín ngưỡng phồn thực.
Tục chém tướng cũng bắt nguồn từ một nghi lễ nông nghiệp với các quan niệm lưỡng phân, lưỡng hợp của người Việt cổ. Nếu ông Gióng khổng lồ và ngựa sắt, cờ lệnh tượng trưng cho thế giới dương, vật đực thì 28 nữ tướng của giặc Ân tượng trưng cho thần đêm u ám, cho thế giới âm, vật cái. 28 nữ tướng giặc còn tượng trưng cho 28 vị tinh tú, 28 vì sao trên trời nên người ta chém tướng giặc đồng nghĩa với việc triệt đi các vị tinh tú. Sao lặn và mưa sẽ rơi mang nước tưới cho đồng ruộng. Cũng có một cách lý giải khác về tục chém tướng liên quan đến nghi lễ phồn thực vì sau khi bị chém, nữ tướng của giặc được cõng tắt qua đồng về làng. Hành động này làm người ta liên tưởng đến di tích mờ nhạt còn lại của tục hiến sinh khi máu của cô gái bị chém rỏ khắp cánh đồng và người ta tin rằng sức mạnh tình dục của cô gái sẽ truyền thẳng cho đất đai với một mong muốn sinh sôi trên đồng ruộng.
Trước đây, trong Lễ hội Gióng còn có tục “rước trải” thực hiện vào đêm mùng 6, rạng ngày mùng 7 tháng Giêng. Tục rước trải hình thuyền đầu rồng, đuôi én với hai hàng người trong tư thế bơi trải trong Hội Gióng gợi hình ảnh ngày hội bơi thuyền cầu mưa, là biểu tượng của niềm ao ước mưa thuận, gió hòa muôn thuở của nhà nông vốn có ở các cư dân trồng lúa nước, trong đó có người Việt cổ.
Về tên gọi Gióng cũng có những lý giải mà chúng ta thấy liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Gióng (trong Thánh Gióng) hay Dóng được các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, Trần Quốc Vượng, cho rằng có cội nguồn từ giông, cơn giông. Chi tiết Gióng dùng gậy sắt, ngựa sắt, mặc áo giáp sắt... đi đánh giặc trong truyện Thánh Gióng gợi sự liên quan đến những trận giông bão phát sinh ra sấm sét tạo thành những cơn mưa hạ rất cần cho đồng ruộng.
Tên gọi Phù Đổng (trong Phù Đổng Thiên Vương) được nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh giải thích có nguồn gốc từ ông Đùng. Tín ngưỡng thờ thần Giông bão, thần Mưa, được đồng nghĩa với khái niệm Ông Khổng Lồ mà dân gian thường gọi là Ông Đùng. Khái niệm Ông Đổng khổng lồ làm giông bão sấm sét và khái niệm Ông Đùng có sự gần gũi ở chỗ cả hai đều khổng lồ. Rất có thể là Ông Đổng xuất phát từ Ông Đùng (danh từ Đổng xuất phát từ danh từ Đùng) tức là Ông Khổng Lồ trong Ông Đùng bà Đà - một cặp đôi khá điển hình, tượng trưng cho các vị thần phồn thực trong tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam.
Chi tiết Gióng dùng gậy sắt, ngựa sắt, mặc áo giáp sắt... đi đánh giặc trong truyện Thánh Gióng gợi sự liên quan đến những trận giông bão phát sinh ra sấm sét tạo thành những cơn mưa hạ rất cần cho đồng ruộng.(Ảnh: TL)
Huyền tích Gióng với việc Ông Đổng về hái cà, bà mẹ nghèo ướm chân mình vào vết chân Ông Khổng Lồ kia ở vườn cà, về mang thai sinh ra Gióng, thức ăn nuôi Gióng lớn đi đánh giặc là cơm cà... cũng liên quan đến phồn thực với việc đề cao nguồn lương thực chính của người Việt lúc bấy giờ là cây lúa và rau màu. Việc Gióng từ một cậu bé ba tuổi sau khi ăn hết “bảy nong cơm, ba nong cà/ uống một hơi nước cạn đà khúc sông” bỗng vươn mình trở thành một chàng trai lực lưỡng phải chăng cũng chính là niềm mong ước của con người nông nghiệp thời bấy giờ về sự no đủ về lương thực, về sự tràn trề của nước sông được gửi gắm trong huyền tích Gióng.
Những di tích vật chất có liên quan đến câu chuyện ông Gióng một lần nữa khẳng định sự liên quan của huyền tích đến tín ngưỡng phồn thực trong thời kỳ xa xưa được xạ ảnh trong huyền thoại Gióng.
Những di tích về dấu chân ngựa Gióng rải khắp từ chân núi Sóc đến chân núi Châu Cầu mà ngày nay chúng ta thấy thực chất là những ao chuôm trữ nước, điều hòa nước cho những cánh đồng quanh vùng trong những lúc chờ mưa hay hạn hán. Điều này lại dẫn chúng ta về nền văn minh lúa nước với sự coi trọng và đề cao nước cho việc thực hành nông nghiệp trồng lúa. Và tín ngưỡng phồn thực cũng không gì khác chính là việc cầu trời mưa nắng phải thì, mọi sự sinh sôi nảy nở và phát triển.
Cọc buộc ngựa trên sườn dải núi Vũ Ninh thực chất là “một trụ đá nhân tạo, cao trên dưới 4m, trên nhỏ có ngoẵng, dưới to có ngẵng cắm xuống một phiến đá hình bánh dày”. Có thể nói đây chính là hình tượng Linga (dương vật) và Yoni (âm vật), biểu tượng của sự sống, của sức mạnh trần tục, sức mạnh vĩnh hằng di truyền và bảo tồn nòi giống.
Sau này từ đầu đời Lê, khi hình thành cụm Đền Hùng trên núi Hy Cương thì xuất hiện đền Thượng thờ Thánh Gióng. Đây là điểm đáng chú ý và ta có sự liên tưởng với Đền Hạ thờ mẹ Gióng ở Phù Đổng. Có thể thấy, đền Hạ hay đền Mẫu thờ mẹ là tượng trưng thế giới bên dưới, thế giới nước. Còn các đền thờ Gióng bao giờ cũng được gọi là đền Thượng, tượng trưng cho thế giới bên trên. Rõ ràng trong xạ ảnh về bố cục và tên gọi đền, dù muộn màng (tên Hán - Việt), đền Gióng vẫn là tượng trưng của thế giới bên trên: mây - giông - trời (ông Đùng).
Xem xét không gian phân bố các di tích có liên quan đến huyền tích Gióng được khoanh lại trong vùng tam giác (Sóc Sơn - Châu Cầu - Kẻ Đổng) thuộc không gian của bộ Tây Vu trong phức thể gồm 15 bộ họp thành “nước” Văn Lang của các Vua Hùng - hay vùng chân núi giáp đồng bằng, cái nôi của văn hoá Việt cổ. Đây chính là vùng đất được con người sống quần tụ và hình thành nên nền văn minh lúa nước ở Việt Nam xưa. Với những cư dân lúa nước và tâm thức phồn thực thì phải chăng huyền tích về Gióng cũng được xuất phát từ những yếu tố phồn thực.
Thêm một yếu tố nữa để khẳng định Hội đền Sóc Sơn mà người ta vẫn gọi là Hội Gióng đền Sóc chính là một lễ hội thờ tín ngưỡng phồn thực xưa - đó là việc lễ hội diễn ra vào mùa xuân, một loại hình hội mùa nông nghiệp của Việt Nam được quan niệm là hội vào mùa sinh sôi của giống loài mà biểu tượng chủ yếu gắn với tín ngưỡng phồn thực.
Như vậy, hầu hết các tục trong Hội đền Sóc là vết tích xa xưa phản ánh những quan niệm của người Việt cổ từ thuở dựng nước. Nó có ý nghĩa nhất định về bảo tồn văn hoá cho dù thời gian đã phủ lên nó những lớp nghĩa khác như sự tích hợp của nhiều yếu tố văn hoá - lịch sử. Chính vì lẽ đó, giờ đây Hội Gióng vốn từ một tín ngưỡng về nghi lễ nông nghiệp cổ truyền cầu mùa được thời gian lịch sử đắp nối đã biến hoá dần để trở thành tín ngưỡng thờ anh hùng chống giặc và một diễn xướng anh hùng ca. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, Lễ hội Gióng đã vỡ thành từng mảnh để rồi hoà trộn, đan xen những lớp nghĩa mới tạo thành một lễ hội hỗn hợp, đa nghĩa rất khó minh định rạch ròi. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự hoà quện, đan xen ở đây là sự đan xen giữa lễ hội nông nghiệp và lễ hội lịch sử.
Giải mã các biểu tượng trong Lễ hội Gióng đền Sóc ngày nay như một ví dụ điển hình chứng minh rằng sự hoà quện, đan xen của các lớp bồi văn hóa trong lễ hội dân gian người Việt ở Bắc Bộ là một thực tế phổ biến cần được ghi nhận và phân biệt các cơ tầng của nó trong quá trình khảo sát, nghiên cứu.
PV (Tổng hợp)