Giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của cụm Di tích Diêm Phố

Cụm Di tích nghè Diêm Phố tọa lạc trên địa bàn thôn Ninh Phú (xã Đa Lộc), Hậu Lộc; được xây dựng trong một quần thể kiến trúc rộng khoảng 2 sào Trung Bộ. Kiến trúc này hài hòa về mặt không gian cây cối và cảnh vật. Toàn bộ khu kiến trúc được bao bọc bởi hàng phi lao xanh, vừa là hàng rào bảo vệ vừa tạo cảnh quan và giữ cho bên trong sự tĩnh lặng cần thiết cho tín lễ.

Mặt của khu kiến trúc hướng ra biển, có cổng Tam quan đồ sộ. Từ cổng Tam Quan trở vào có con đường lớn chạy đến cửa đền, đồng thời chia đôi khu di tích này thành hai phần, có các đường xương cá để vào nghè, đề, chùa, miếu, phủ. Trong quần thể này có Nghè thờ Tứ vị Thánh Nương, chùa Liên Hoa, Đền thờ Đức Ông và Miếu thờ chung 344 người Diêm Phố tử nạn trong bão (1931).

Giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật

Nghè Thánh Cả và Bản thổ thần

Ngôi nghè cả được xây dựng từ khi mới thành lập đến nay đã qua 4 lần xây dựng lại, xây dựng gần đây nhất là vào năm 1946. Tuy vậy nghè vẫn giữ được kiểu kiến trúc xưa, mặt ngoảnh hướng Nam. Kiến trúc của nghè theo phép đối xứng rất cân đối giữa nghè chính, tam quan và hai dải vũ, ở giữa là một sân gạch hình chữ nhật. Nghè chính được xây dựng bằng gạch vồ, vôi hầu trộn với mật mía và giấy bản để xây tường, cột trụ, rui, mè đều là những thứ gỗ không bị mọt, các chuồng cửa đều bằng lim, mái nghè lợp bằng ngói. Nghè có kiến trúc vững chãi, đường nét uyển chuyển, bề thế. Gian trong cùng là chính tẩm dài 4m rộng 5m. Bệ thợ xây chính giữa sát tường hậu, trên mặt bệ đặt ngai, trong ngai là thánh thẻ, tất cả đều sơn son thiếp vàng. Trước ngai là bát hương Tứ vị. Trước bát hương là một mâm gỗ hình chữ nhật có bốn chân, dùng đặt lễ phẩm, trước mâm là hòm sắc cũng đều sơn son thiếp vàng. Phía trên trước cửa chính tẩm treo một bức đại tự bốn chữ: “Tứ vị Thánh Nương”. Tiền đường gồm ba gian chiều rộng 9m, chiều sâu 5m. Bệ thờ xây ở gian giữa sát cửa chính tẩm, trên bệ đặt bát hương lớn thờ hội đồng, một mâm bồng lớn đặt lễ phẩm, hai bên đặt hai cây sáp, đôi hạc thờ, ở giữa đặt một lư hương lớn bằng đồng. Trước bệ thờ đặt một trống đồng cao 0,60m, mặt trống có đường kính 0,50m. hai bên đặt các giá bát biểu và giá treo trống, chiêng. Trong tiền đường có treo ba đôi câu đối. Hai gian bên đặt kiệu bát cống và kiệu Long Đình và ở cửa ngoài tiền đương cũng có câu đối. Thềm tiền đường có bật đá lan giai, riêng thềm gian giữa có bật đá lan giai xuống đến sân gạch, lan can là hai con rồng chầu cao 1m dài 2,5m được đắp bằng vôi hầu, mật mía và giấy bảm. Nối với bậc thềm là một sân nhỏ lát gạch bát, rộng bằng chiều rộng tiền đường. Tiếp với sân nhỏ là trung đường gồm 5 gian, rộng 12m, dài 5m, trung đường là nơi hội họp của chức sắc và hương lão, có xây các bệ làm nơi ngồi. Thêm trung đường cũng lát bậc đá lan giai, nối với sân lát gạch bát rộng 9m. Hai bên sân là hai nhà dải vũ được cấu tạo bằng gỗ lim lợp ngói, mỗi dãy 5 gian úp mặt vào nhau theo hướng Đông và Tây. Nối với sân lát gạch là cửa Tam quan. Cửa cao 8m, dài 5m, rộng 4m. Bậc lan can lên xuống chạm một đôi rồng đá thời Lê dài 2,5m cao 1m. Nghè được xây tường bao chung quanh làm thành một khuôn viên riêng biệt.

Chùa Liên Hoa

Chùa được xây dựng theo kiểu hình chữ Đinh, nằm sát liền nghè hơi chếch về phía Tây Nam. Chùa ngoảnh hướng Đông, trước mặt có cửa tam quan có ba tầng gác, ở gác hai có treo một chiếc chuông đồng to đúc năm Mậu Dần 1938 tại Hà Nội. Trên chuông và đại tự điều ghi chùa Liên Hoa Tự. Chùa được kiến trúc xây dựng ba cung: Hạ đường, trung đường, tiền đường. Tiền đường gồm ba gian hai trái, chiều dài 8m, chiều sâu 10m. Phía trước sân có một tấm bia, hai bên gắn đôi câu đối bằng hồ si, ghi chữ quốc ngữ. Bên trong chùa có các bệ cao cho phật ngồi. Nhà ngoài là chỗ cho sư tụng kinh gõ mõ. Chùa lợp ngói bình thường, mái thấp, có diện tích là 80m2. Chùa có 18 pho tượng Phật bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Trong đó có nhiều câu đối, đại tự.

Chùa Liên Hoa trong Cụm Di tích nghè Diêm Phố tọa lạc trên địa bàn thôn Ninh Phú (xã Đa Lộc), Hậu Lộc. Ảnh: internet

Đền Đức Ông

Được xây dựng trong khuôn viên riêng biệt trong quần thể kiến trúc của nghè Diêm Phố. Ngôi đền có ba gian, phía trong cùng là chính tẩm, có bệ thờ đặt ở giữa, trên bệ thờ đặt ngai, trong ngai có bài vị đều sơn son thếp vàng, trước ngai là bát hương, hai bên bát hương đặt hai chân cây nến đồng, trước bát hương là hòm sắc sơn son thếp vàng. Tiếp theo với chính tẩm là tiền đường, giữa tiền đường giáp với cửa chính tẩm xây một bệ lớn, trên bệ đặt một bát hương Đức Ông, hai bên bát hương là hai cây gươm trước bát hương là một mâm lớn làm nơi bày lễ phẩm, hai bên là đôi hạt thờ bằng gỗ, trước mâm bài lễ là một bát hương lớn, hai cây chân nến bằng đồng đặt hai bên. Qua một bức tường trước bệ thờ, xây một hòm lớn, chiều cao bằng bệ thờ, chiều dài 2m, chiều rộng chừng 0,70m xây bằng gạch, phía trước mặt và hai bên đều yểm kính trắng, bên trong hòm đựng ngọc cốt Đức Ông. Phía trên bức tường sát mái treo bức đại tự sơn son thếp vàng có ba chữ Hán, ‘‘Vạn Cổ Hương’’ (Hương thơm muôn đời), phía dưới treo hai đạo sắc, cả hai đạo sắc đều đặt trong khung kính rất trang trọng. Trên mặt hòm một đầu đặt mũ của Đức Ông được thêu kim tuyến màu vàng, một đầu đặt một thuyền rồng nhỏ cũng màu vàng rực rỡ. Cạnh nơi đặt mũ cắm một biển gỗ sơn son thếp vàng, lòng biển có hai chữ Hán ‘‘Hoàng Triều’’, hai bên góc hòm phía trước, mỗi bên cắm một thanh đao. Trước hòm cốt là khoảng nền rộng lạt gạch bát là nơi hành lễ. Đền có ba cửa ra vào. Cửa chính ở giữa lớn hơn hai cửa bên. Phía trên cửa sát mái đền treo bức đại tự ‘‘Đức Ngư Ông Tôn Thần’’ Hai bên hè giáp với hai cửa phụ là hai tượng Ông Giám canh cửa. Trước hè là sân lát gạch bát. Phía phải ngôi đền có một gian nhà nhỏ là nơi của ông Từ, trước sân là cổng được xây bằng gạch, hai cánh cửa bằng gỗ.

Miếu 344 người

Nơi thờ vong hồn 344 người dân Diêm Phố đi biển bị bão cuốn chết vào ngày 18 tháng 8 năm 1931. Miếu ở cạnh phủ thờ cá ông về phía Đông mặt miếu ngoảnh hướng Bắc. Miếu có kiến trúc rất nhỏ, gồm một gian, bên trong có một bệ thờ, để bát hương, bài vị thờ, bên phải có mô hình bè mảng, bên trên đặt một số ngư cụ dùng trong nghề đi biển, phía bên trái của miếu có hình long châu cỡ nhỏ đặt trong tủ kính.

Điểm đến văn hóa tâm linh

Quần thể di tích chùa - nghè Diêm Phố trở thành địa điểm tâm linh được nhiều người dân vùng biển Hậu Lộc biết đến. Quần thể di tích chùa - nghè Diêm Phố với tất cả nét đẹp cổ truyền của văn hóa Việt tô thêm cho một vùng đất địa linh nhân kiệt, một vùng đất đầy những biến động lịch sử - xã hội, là một tiếng gọi về cội nguồn, một nhịp thở của tổ tiên về bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ hệ thống di tích phong phú, có giá trị tinh thần, vật chất to lớn mà quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa - nghè Diêm Phố được công nhận là DTLSVH cấp tỉnh - một điểm đến tâm linh của người dân các xã ven biển Hậu Lộc và du khách.Trải qua biến cố thời gian, lịch sử và xâm thực nước biển, cụm di tích nghè - chùa -  phủ - miếu Diêm Phố được di chuyển nhiều lần và hiện tại được đặt trên địa bàn thôn Ninh Phú (xã Đa Lộc). Vào những ngày rằm, mùng 1, dịp lễ, tết, người dân quanh vùng lại nô nức đến đây cầu mong biển lặng, sóng êm, mưa thuận, gió hòa để người dân ra khơi thu được nhiều tôm cá.

Đặc biệt, theo lời kể của các vị bô lão trong làng Lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ tên Lễ hội Cầu Mát của cư dân làng Diêm Phố có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Lê. Lễ hội Cầu Ngư của làng Diêm Phố được bắt đầu từ ngày 21 tháng 2 đến ngày 24 tháng Hai Âm lịch. Các vị thần được thờ ở lễ hội này là Tam Bảo Phật, Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân… Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã đồng thời cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất của khu vực ven biển tỉnh Thanh Hóa. Bởi vậy mà công tác chuẩn bị cho lễ hội hết sức cẩn thận và chu đáo. Hiện nay, Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kế hoạch để lập hồ sơ khoa học trình Hội đồng Di sản quốc gia công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vũ Thị Thường

Top