Đưa dân ca vào trường học - chuyện của một thời để nhớ

Nghệ An là tỉnh đi đầu trong phong trào “Đưa dân ca vào trường học”, đến nay khoảng hơn 20 năm (1996-2017). Mục đích là muốn xây dựng một cộng đồng biết hát dân ca để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân ca Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại. Hiện nay, Nghệ An vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này nhưng có sự thay đổi như: Tên gọi cụ thể hơn; Nội dung chủ yếu tập trung vào dân ca Nghệ Tĩnh Ví, Giặm và hò. Để tiếp tục làm tốt chương trình này, xin phép được nhắc lại đôi nét về chuyện của một thời để nhớ.

1. Đôi nét về sự hình thành chương trình “Đưa dân ca vào trường học”

Đất nước ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải tập trung chống kẻ thù xâm lược, không đủ sức để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều di sản văn hóa dân tộc dường như bị lãng quên, trong đó có dân ca Nghệ Tĩnh. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước, ở Nghệ An bắt đầu có phong trào hát dân ca trở lại, do các đội văn nghệ quần chúng xã, phường, thị trấn thực hiện. Những làn điệu dân ca của ông cha để lại từng bước được phục dựng theo cách hát hiện nay: hát trên hội trường, sàn diễn, hát đối đáp, hoạt ca, hoạt cảnh dân ca, cao hơn nữa là đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu trong một số vở diễn nhỏ (kịch ngắn). Đặc biệt, trong hai thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ 20, Nghệ An tập trung triển khai việc bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ. Ngoài việc tổ chức các đoàn đi sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ những giá trị dân ca, tỉnh còn cho thành lập đoàn kịch hát dân ca chuyên làm nhiệm vụ thể nghiệm đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu (hay còn gọi là sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh). Đoàn Dân ca Nghệ An, sau này là Nhà hát Dân ca Nghệ An và hiện nay là Trung tâm Bảo tồn Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Đơn vị không những  đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị dân ca cổ mà còn phát huy, phát triển dân ca để phục vụ đời sống đương đại bằng các làn điệu cải biên trên sân khấu thể nghiệm. Bên cạnh đó, Nghệ An còn khuyến khích phong trào hát dân ca trong đời sống cộng đồng mà nòng cốt là các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

Học sinh tham gia hội thi hát múa dân ca. Ảnh: baoquangnam

Kết quả của hai thập kỷ nói trên đã đưa lại cho chúng ta những điều đáng mừng nhưng cũng có những vấn đề cần phải suy nghĩ:

Những điều đáng mừng là: Dân ca Nghệ Tĩnh đã được sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ tương đối đầy đủ, có bài bản. Dân ca Nghệ Tĩnh đã được bảo tồn và phát huy bằng hình thức sân khấu hóa, thành công tốt đẹp, đã được tỉnh, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam công nhận.

Những vấn đề cần phải suy nghĩ là: Nghệ nhân hát dân ca đã lần lượt ra đi do tuổi cao sức yếu, số còn lại chỉ đếm đầu ngón tay. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy dân ca nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng trong đời sống cộng đồng sẽ gặp không ít khó khăn.

Đứng trước tình hình đó, đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An) đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi đối tượng và cách làm tốt nhất để đưa dân ca về với cộng đồng. Vì ngày nay không còn tồn tại cách làm của ông cha ngày xưa: sáng tác ngẫu hứng và trao truyền từ người này sang người khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, phải chọn đối tượng trẻ nhất, số lượng đông nhất, luôn có mặt trong cộng đồng để làm việc này. Đó là học sinh phổ thông, từ mầm non đến phổ thông trung học mà nòng cốt là tiểu học và trung học cơ sở, vừa đủ lớn, vừa có nhiều thời gian ở nhà trường phổ thông để tham gia học hát dân ca, bảo tồn và phát huy những giá trị dân ca trong đời sống  đương đại, thay mặt ông cha nắm giữ và phổ biến những giá trị dân ca cho hôm nay và mai sau.

Sau khi quyết định chọn đối tượng là trường học, là học sinh phổ thông, Sở Văn hóa - Thông tin đã làm việc với Sở Giáo dục Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để thống nhất chủ trương, nội dung và kế hoạch tiến hành. Các ngành đã thống nhất thành lập ban chỉ đạo chung, mỗi ngành thành lập một ban tổ chức riêng để triển khai thực hiện công việc được phân công cho ngành mình. Sau khi hoàn thành đề án chương trình” Đưa dân ca vào trường học”, Ban chỉ đạo đã trình UBND tỉnh và đã được Ủy ban tỉnh phê duyệt, đồng ý cho triển khai chương trình “Đưa dân ca vào trường học”.

2. Quá trình thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học

Đầu tiên, ba ngành đã họp lại và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành:

- Ngành Văn hóa - Thông tin: Chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung gồm: chủ yếu những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca các dân tộc thiểu số Nghệ An. Còn lại, chọn một số ít làn điệu dân ca hay của các vùng miền trong cả nước và làn điệu dân ca cải biên đưa lên sân khấu thành công để tham khảo.

- Ngành Giáo dục Đào tạo: Chuẩn bị chương trình, giáo trình để đưa dân ca vào các cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học… trong đó, nòng cốt là tiểu học và trung học cơ sở. Riêng mầm non, chủ yếu cho các cháu làm quen với dân ca. Phổ thông trung học, tiếp xúc với dân ca những lúc có điều kiện vì còn phải dành thời gian để hoàn thiện cấp học phổ thông cuối cùng. Giờ dạy hát dân ca trong nhà trường chủ yếu giờ ngoại khóa vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa xây dựng và phê duyệt giờ chính khóa cho môn học này. Người dạy hát dân ca trong các trường phổ thông đều là giáo viên dạy nhạc  được đào tạo tại các Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và các trường nghệ thuật khác… Trong đó, có một số giáo viên công tác tại các nhà văn hóa quận, huyện, các câu lạc bộ hát dân ca ở các địa phương trong tỉnh, được các trường phổ thông mời về dạy hát dân ca.

- Ngành Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp với hai ngành Văn hóa Thông tin và Giáo dục và Đào tạo để triển khai chương trình” Đưa dân ca vào trường học” đạt hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá một số mô hình làm tốt chương trình này để các trường khác trong tỉnh cùng học tập.Truyền hình trực tiếp hoặc quay để phát lại các chương trình liên hoan hát dân ca của ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm để rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng năm sau cao hơn năm trước. Song song với chương trình “ Đưa dân ca vào trường học”, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng thực hiện chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh và truyền hình. Chương trình này cũng được nhiều người yêu thích và góp phần quan trọng trong việc đưa dân ca về với cộng đồng cho nhiều đối tượng yêu thích dân ca.

Học sinh biểu diễn văn nghệ dân ca. Ảnh: DULICHVN.ORG.VN

Các ngành sau khi được phân công đều tích cực chuẩn bị hết sức chu đáo: Ngành Văn hóa - Thông tin chuẩn bị nội dung các làn điệu dân ca đúng theo yêu cầu đã đề ra, cho in ấn thành sách để phát cho các trường. Ngành Giáo dục và Đào tạo, xây dựng kế hoạch dạy hát dân ca cho từng cấp học, số giờ dạy trong cả năm, từng học kỳ và giáo án giảng dạy cụ thể. Ngành Phát thanh và Truyền hình tỉnh chuẩn bị chương trình trình kế hoạch dạy hát dân ca hàng tuần trên sóng phát thanh và truyền hình, và các điều kiện cần thiết khác để phối hợp thực hiện chương trình “Đưa dân ca vào trường học”.

Sau khi các ngành hoàn thành công việc được phân công, bước đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo chọn một số trường tiểu học và trung học cơ sở ở thành phố Vinh và các huyện phụ cận để thí điểm thực hiện chương trình ”Đưa dân ca vào trường học”. Sau một thời gian thực hành thí điểm, các ngành đã phối hợp với các trường nhận thực hành thí điểm tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các trường trong toàn tỉnh. Kết quả, chương trình “Đưa dân ca vào trường học” tương đối phù hợp với các cấp học phổ thông, học sinh đến với dân ca cũng rất tự nguyện, coi dân ca như một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Sau khi có kết quả thực hành thí điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đồng loạt cho các trường phổ thông trong toàn tỉnh. Sở đã giao trách nhiệm cho Phòng Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh chỉ đạo thực hiện chương trình này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải có trách nhiệm thu thập ý kiến góp ý của các trường, gửi về Sở để từng bước điều chỉnh hợp lý.

Mười năm đầu thực hiện chương trình “Đưa dân ca vào trường học” (1996-2006), phong trào văn nghệ quần chúng hát dân ca của các trường phổ thông  trong ngành Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An phát triển rất mạnh. Trường nào cũng có đội văn nghệ của học sinh và giáo viên chuyên hát dân ca. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thường tổ chức liên hoan hát dân ca từ cơ sở cụm trường lên toàn huyện rồi toàn tỉnh. Liên hoan hát dân ca là một hình thức kiểm tra thực tế kết quả đưa dân ca vào trường học nên các trường rất quan tâm chọn tiết mục hay, người hát tốt để xây dựng chương trình tham gia. Ban chỉ đạo thực hiện chương trình Đưa dân ca vào trường học ngoài việc thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện tại các trường, còn kiểm tra qua các kỳ liên hoan hát dân ca từ tỉnh đến cơ sở.

Ba năm một lần, Ban chỉ đạo tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn cho những năm tiếp theo. Theo số liệu của các kỳ tổng kết, 10 năm đầu thực hiện chương trình Đưa dân ca vào trường học, toàn tỉnh đã đạt được 70-80% số trường thực hiện; 20-30% còn lại chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau: nhiều trường chưa có giáo viên dạy hát dân ca. Các trường miền núi, con em các dân tộc thiểu số tiếp thu dân ca miền xuôi cũng rất khó khăn…

Hơn 10 năm trở lại đây (từ 2006 đến nay), chương trình “Đưa dân ca vào trường học” vẫn tiếp tục thực hiện nhưng không sôi động như 10 năm trước. Năm 2012-2013, khi hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp với Viện Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  xây dựng Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phong trào hát dân ca trong trường học, trong đời sống  cộng đồng mới được quan tâm trở lại nhưng có sự thay đổi so với trước đây, nhiều câu lạc bộ hát dân ca của xã, phường, thị trấn đã lần lượt ra đời. Chương trình Đưa dân ca vào trường học cũng thay đổi tên gọi và nội dung cho phù hợp với giai đoạn Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh. Tên gọi mới là “Đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào nhà trường”. Nội dung mới, chủ yếu tập trung các làn điệu dân ca Ví, Giặm và hò. Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý giao cho Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An tham mưu xây dựng chương trình, giáo án “Đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào nhà trường” theo tinh thần mới và tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học về vấn đề này. Nhiều nhà khoa học, nhà quan lý tham gia hội thảo khoa học đều đồng ý, vì chúng ta đang thực hiện chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo.

3. Kết quả thực hiện chương trình Đưa dân ca vào trường học:     

Thứ nhất: Chúng ta đã có thêm lực lượng nắm giữ và phổ biến các giá trị dân ca, tài sản vô giá của ông cha để lại;

Trong xã hội đương đại, chỉ còn rất ít nghệ nhân nắm giữ và trao truyền các giá trị dân ca và họ cũng lần lượt ra đi vì tuổi cao sức yếu. Từ khi thực hiện chương trình “Đưa dân ca vào trường học”, chúng ta đã có thêm một lực lượng hùng hậu, trẻ trung nắm giữ và phổ biến các giá trị dân ca của ông cha để lại đến từng gia đình, làng quê, thôn xóm, các tổ chức trường học, đoàn, đội và các sinh hoạt văn hóa tinh thần khác.

Thứ hai: Đã làm thay đổi quan điểm: Lớp trẻ không chỉ hát nhạc trẻ mà còn hát dân ca và yêu thích dân ca như người đã sinh ra nó.

Thời gian đầu mới thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, có người nói rằng: Sợ các em không thích dân ca thì chương trình thực hiện sẽ không thành công. Nhưng càng thực hiện, các em càng được cuốn hút vào những giờ dạy hát dân ca của các thầy, cô giáo, các chương trình liên hoan hát dân ca của các cụm trường, huyện và tỉnh. Nhiều học sinh qua quá trình học hát dân ca đã trở thành ca sĩ không chuyên, được mời đi biểu diễn khắp nơi. Nhiều học sinh khác trở thành tác giả không chuyên, đặt lời mới cho các làn điệu dân ca có nội dung về nhà trường. Đặc biệt, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đã thi đậu vào các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo trở thành giáo viên dạy nhạc (dạy hát dân ca) của các trường phổ thông, các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, thành diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, thành cán bộ làm công tác văn hóa nghệ thuật của tỉnh, huyện và cơ sở. Nhiều nghệ sĩ ở Nghệ An đã trưởng thành từ phong trào hát dân ca của trường học, của văn nghệ quần chúng ở cơ sở và xa hơn nữa là của việc thể nghiệm đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu. Đó là những nghệ sĩ tiêu biểu như Sông Thao, Xuân Năm trước đây và sau này là NSND Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu, NSƯT Ngọc Hà, NSƯT Bích Ngọc, NSUT Phương Thảo, NSƯT Hồ Thủy Kiên, NSƯT Hồng Dương, Nghệ sĩ Huyền Trang sao mai, Nghệ sĩ Phương Thanh sao mai, Nghệ sĩ Đậu Thanh Tài sao mai… và nhiều nghệ sĩ khác.

Thứ ba: Đưa dân ca vào trường học đã góp phần quan trọng trong việc đưa dân ca về với cộng đồng.

Hiện nay có nhiều hình thức để đưa dân ca về với cộng đồng như: Xây dựng hệ thống câu lạc bộ hát dân ca ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Hàng ngày, những người yêu thích dân ca đều có thể đến câu lạc bộ để tham gia sinh hoạt hát dân ca, nghe nói chuyện về dân ca để có thêm hiểu biết cùng tham gia bảo tồn và phát huy . Đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu cũng là một hình thức bảo tồn và phát huy, đưa dân ca về với cộng đồng. Nhưng hình thức đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào nhà trường là một hình thức rộng lớn hơn, nhà nào cũng có con em đi học ở trường, các em được học hát dân ca ở trường, về nhà hát cho gia đình, bạn bè ở làng quê, thôn xóm cùng nghe. Như vậy, dân ca sẽ lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi trong đời sống cộng đồng.

 Tóm lại, “Đưa dân ca vào trường học”, hay tên gọi mới hiện nay là “Đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào nhà trường” là một hình thức phổ biến dân ca trong cộng đồng nhanh và mạnh nhất. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vốn dĩ đã có tính chất lan tỏa rộng lớn, chúng ta cần tiếp tục thực hiện chương trình “Đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào nhà trường” sẽ đạt được những yêu cầu như mong muốn.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới

Có thể bạn quan tâm

Top