Phát triển du lịch góp phần bảo tồn Phố cổ Hà Nội

Hà Nội là một trong những địa bàn tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa của cả nước. Nơi đây cũng có rất nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Khi nói đến Hà Nội, chúng ta không thể không nhắc đến Phố cổ Hà Nội.

Hiện nay, trong Phố cổ Hà Nội, mật độ công trình di tích lịch sử văn - hóa cao nhất thành phố, khoảng 120 di tích gồm đình, đền, chùa, miếu, các công trình cách mạng… Ngoài giá trị vật thể còn có giá trị phi vật thể, yếu tố tạo nên cái hồn của Phố cổ Hà Nội, đó chính là các giá trị truyền thống, giá trị đạo đức, là lối sống, cách làm ăn, nói năng, giao tiếp…. Nguồn tài nguyên nhân văn quý báu đó chính là nội lực to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển du lịch của Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội ngày nay.

Những giá trị văn hóa của Phố cổ Hà Nội

- Giá trị di sản phi vật thể

Khu Phố cổ Hà Nội là một phần để nhận diện bản sắc văn hoá đô thị Hà Nội. Đây không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng với đời sống tinh thần phong phú giàu bản sắc đó là các lễ hội truyền thống trong các di tích lịch sử, văn hoá của người Hà Nội, cùng với sự hiện diện của nghề thủ công truyền thống bằng các tên phố, các di tích đình thờ tổ nghề, bằng các hoạt động buôn bán, sản xuất hiện hữu còn lưu giữ trên các con phố.

Khu Phố cổ Hà Nội là một bảo tàng sống về quá trình hình thành và phát triển. Người Hà Nội sinh sống trong không gian ấy, làm ăn buôn bán, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với các thói quen tập tục, nền nếp rất “văn hoá Hà Nội”.

- Giá trị di sản vật thể

Phố cổ Hà Nội là một đô thị di sản kiến trúc hết sức độc đáo. Phố cổ xưa là những phố dọc ngang kiểu bàn cờ với nhà, cửa hàng hai bên, giữa là mặt đường bằng đất có dải gạch ở giữa có cổng ngăn cách giữa các phố. Cổng mở thông ban này và đóng kín ban đêm tạo thành các phường nghề riêng.

 Khi lập nghiệp ở Thăng Long, mỗi nghề thủ công đều tập trung ở một khu vực nhất định và tạo nên những phường hoặc phố nghề. Khi cuộc sống của họ ổn định, điều kiện kinh tế cho phép, họ đã cho dựng các ngôi đình chung để đáp ứng nhu cầu tinh thần và tôn vinh các vị tổ nghề hoặc để tưởng nhớ đến một nhân vật lịch sử. Như vậy, đình vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, vừa để giải quyết các công việc tập thể có ý nghĩa hành chính, đồng thời là nơi có ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng.

Những công trình đình, đền, chùa ấy trước hết là nơi thờ của các làng, thôn, phường cũ như đình 38 Hàng Đường của làng Đức Môn hay phản ánh gốc gác của cư dân Kinh thành mà một bộ phận đáng kể là từ nhiều nơi khác, tỉnh khác di cư về đây làm ăn như đình Tú Đình Thị ở Ngõ Yên Thái là nơi thờ tổ nghề thêu do dân làng thêu Quất Động dựng nên.

Bên cạnh những công trình đình, đền, chùa, nét đặc trưng của Phổ cổ Hà Nội chính là những ngôi nhà ở truyền thống- nhà hình ống.

Khu Phố cổ Hà Nội giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành của Kinh đô Thăng Long xưa. Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, những thành tố đơn lẻ của Phố cổ bị thay đổi, mang dấu ấn của kiến trúc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhưng về tổng thể vẫn bảo lưu được cơ cấu không gian đô thị của một khu Phố cổ truyền thống. Đặc điểm dân gian thể hiện rất rõ trong cách tổ chức khu phố trên cơ sở đơn vị, phường nghề với phương thức sản xuất, tổ chức xã hội thể hiện văn hoá, tín ngưỡng, cách thức xây dựng có nguồn gốc từ nông thôn.

Thực trạng hoạt động du lịch tại Phố cổ Hà Nội

Hà Nội được coi là trung tâm văn hoá phong phú và đa dạng nhất của cả nước. Những người muốn đi tìm hiểu một nước Việt Nam “nghìn năm văn hiến” chắc chắn phải đến Hà Nội trước tiên. Mặc dù các thành quách, đền đài, cung điện được xây dựng từ triều đại này sang triều đại khác đã bị tàn phá nhiều, có khi không còn nữa, nhưng không có nơi nào trong cả nước còn giữ được nhiều di tích cổ xưa như Hà Nội. Đặc biệt là các công trình văn hoá - lịch sử nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, đền Hai Bà… là những công trình được xây dựng cách đây 9 - 10 thế kỷ rất có giá trị về mặt văn hoá, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật. Thành phố cũng là nơi tập trung nhiều bảo tàng, nhà hát, nhà triển lãm, thư viện.

Về văn hoá phi vật thể, Hà Nội cũng là nơi hội tụ nhiều phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục, nhiều lễ hội đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều vốn cổ được phục hồi, lưu giữ  và phát triển. Đây là một trong những thế mạnh của du lịch  Hà Nội.

Là một trong những điểm nhấn văn hóa đặc trưng của Hà Nội, Phố cổ Hà Nội trở thành một lợi thế để đem đến cho khách du lịch một cái nhìn toàn diện về Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Qua khảo sát hoạt động du lịch tại Phố cổ Hà Nội cho thấy lượng khách tham quan Phố cổ chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, họ tham gia tour của các công ty lữ hành hoạt động trên địa bàn khu phố trung tâm Hà Nội. Đối với các công ty lữ hành này, họ chỉ coi Phố cổ là một tour du lịch nhỏ trong nhiều tour du lịch hiện họ đang khai thác.

Hoạt động chủ yếu của các công ty lữ hành khi đưa khách vào tham quan Khu Phố cổ là đi dạo hoặc đi xích lô/xe điện tham quan một số phố nghề, cho khách mua sắm tại chợ Đồng Xuân, một số phố như Hàng Bông, Hàng Gai, đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, thăm đền Ngọc Sơn và xem múa rối nước.

Hiện nay, nhận thức được tính cấp thiết trong việc phát huy tiềm năng của Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý Phố cổ đã có đề xuất một số tour du lịch đặc trưng tại phố cổ như: tour kiến trúc, phố nghề và ẩm thực.

Tham gia trong thị trường nhằm khai thác kinh doanh du lịch có một số công ty lữ hành hiện đang thiết lập các tour du lịch trong phố cổ, cụ thể là Amica travel, Huong Giang Travel, Hanoi Toserco, Charme Asia Travel, Travel Authentic, Tonkin Travel, Luxury travel, Hanspan Travel và Công ty Cổ phần Đồng Xuân, đơn vị khai thác Tour Khám phá Phố cổ bằng xe điện.

Tác động của du lịch đối với việc bảo tồn Phố cổ Hà Nội

Điều đầu tiên không thể phủ nhận được đó là sự phát triển của du lịch có tác động trực tiếp vào việc chấn hưng và bảo tồn các di sản văn hóa. Vì để làm du lịch, để thỏa mãn nhu cầu du lịch của con người mà người ta phục hồi, tôn tạo lại các di tích. Du lịch góp phần làm cho các di tích sống lại vì du lịch tạo điều kiện đưa di sản văn hóa đến với công chúng, được khẳng định giá trị bởi công chúng. Khi di sản được khẳng định giá trị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch thì người ta sẽ đua nhau đến, đua nhau thực hiện nhu cầu du lịch

Điều thứ hai, ý thức được vai trò, tầm quan trọng của ngành kinh doanh du lịch trong sự phát triển kinh tế xã hội của Khu Phố cổ, các cơ quan ban ngành chức năng đã có một số chính sách trong quản lý du lịch tại phố cổ, tạo tiền đề cho việc khai thác các giá trị di sản, giúp cho các giá trị di sản được nhận diện, được biết đến bởi khách du lịch.

Để khai thác vào hoạt động du lịch, nhằm thu hút, hấp dẫn khách thì các di sản phi vật thể, các lễ hội đã được khôi phục lại, những di sản có cơ hội quay trở lại với đời sống thực tại của người dân.

Đối với một số điểm di tích hiện đã được bảo tồn như Nhà cổ Mã Mây, đình Đồng Lạc, đền Bạch Mã…, khi đưa vào chương trình du lịch thì nguồn ngân sách thu được trong hoạt động kinh doanh du lịch cũng góp thêm một phần vào ngân sách bảo tồn, tôn tạo các công trình đó trong thời gian hiện nay và về sau.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trong Khu Phố cổ tuy có nhiều cố gắng song chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.      

Đối với các khu phố nghề, tên phố là tên loại hàng được bán tại phố đó nhưng do chạy theo thị hiếu của khách du lịch mà người ta không còn buôn bán các mặt hàng theo từng tên phố nữa, các hàng hóa được bày bán lung tung, phần nhiều là hàng xuất xứ Trung Quốc, rất hiếm gặp các loại hàng hóa nội địa, bản địa.

Những nhiệm vụ đặt ra cho việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn Phố cổ Hà Nội

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan trong công tác quản lý, kiên quyết giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

- Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch trong Khu Phố cổ, từ đó nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch mang tính đặc thù, mới lạ với du khách trong và ngoài nước.

- Nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ thông tin trong công tác quản lý và phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hóa

- Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế chủ động đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, mở rộng liên doanh, liên kết… chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn vốn, mở rộng thị trường, coi trọng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu  của doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh…

- Cần có chiến lược, kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, quảng bá du lịch, tuyên truyền việc bảo tồn di sản văn hóa với quy mô lớn hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

- Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch...

- Tập trung và liên kết trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội, tổ chức các hoạt động du lịch, dịch vụ có sự kết nối giữa các di sản Khu Phố cổ với các khu vực di sản khác trong thành phố (Hoàng thành, các di tích lịch sử, các làng nghề xung quanh Hà Nội…) gắn việc bảo tồn Khu Phố cổ với việc phát triển Dịch vụ - Thương mại - Du lịch trong Khu Phố cổ Hà Nội.

Ths Lê Thị Thủy

Top