Đôi nét về kiến trúc Chùa Tây phương

Nếu nhắc tới những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam, có lẽ không thể không nhắc đến chùa Tây Phương. Không chỉ vì lịch sử của nó vào loại cổ nhất nước ta mà ngôi chùa này còn nổi tiếng là một công trình có kiểu dáng kiến trúc độc đáo, có bộ tượng Phật phong phú và được tạo tác mang đậm nét nghệ thuật truyền thống. Mặc dù chùa có tên chữ là Sùng Phúc Tự nhưng người xưa vẫn gọi là “chùa Tây Phương” - thế giới Phật, như ví cảnh chùa là nơi cõi Phật cao thanh, huyền thoại - cõi Tây Phương cực lạc.

Nếu như bạn là người yêu quý di sản, đã đến thăm hầu hết các ngôi chùa nổi tiếng thuộc vùng Hà Nội rồi thì ấn tượng về ngôi chùa Tây Phương chắc chắn sẽ theo bạn hết quãng đời còn lại bởi những giá trị di sản vật thể - phi vật thể quý giá hiện tồn của ngôi chùa do công sức của biết bao thế hệ cha ông đã tạo tác nên quả là quá lớn lao. Đã có nhiều áng văn, thi ca của bao người nổi tiếng ca ngợi các vẻ đẹp độc đáo này và thiết nghĩ, vài ý kiến nhỏ nhoi của bài viết này cũng chỉ nhằm tham góp vào việc giải mã thêm một phần những vẻ đẹp đó. 

Tam quan chùa Tây Phương

Nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km, cách thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất khoảng 5km; Chùa Tây Phương có tên chữ là Sùng Phúc Tự “崇福寺” nằm trên đỉnh núi Câu Lậu, ngày trước thuộc Chiền thôn, tổng Lủa Chùa, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây - Nay là thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Sở dĩ ngọn núi này có tên Câu Lậu (lưỡi câu) là do nó có hình thù cong như lưỡi câu. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “núi Tây Phương cách huyện Thạch Thất ba dặm về phía Nam, có tên là Câu Lậu sơn, huyện lỵ đóng ở chân núi. Núi Câu Lậu có giống trâu lặn ở dưới nước thường lên bờ chọi nhau khi nào sừng mềm lại xuống nước” phải chăng vì vậy núi còn có tên là núi Ngưu Lĩnh. Nếu nhìn từ trên cao, theo thuyết phong thủy ta thấy về phía Đông Nam của thềm dãy núi Ba Vì có dãy núi đất lô xô chạy cùng hướng xuống phía huyện Quốc Oai trông tựa như đàn trâu, có một quả núi như quay lại để đón nhận nước của dòng sông Tích phát nguyên từ các dòng suối núi rừng Ba Vì chảy xuống, quả núi đó được dân trong vùng gọi là “Ngưu Lĩnh sơn” tức núi Con Trâu hay núi Câu Lậu.

Chùa Tây Phương thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá nhìn theo hướng Đông, trông ra gò Rồng Sông và gò Kim Quy còn gọi là Nủ Rùa. Hướng Tây có dòng sông Tích. Hướng Nam có núi Con Voi thuộc xã Cần Kiệm. Hướng Đông Nam phía ngoài có núi Lý Ngư (Cá Chép). Xa xa về hướng Tây Bắc là rừng núi Ba Vì. 

Việc khởi dựng chùa được Hồ sơ xếp hạng di tích hiện lưu giữ tại Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chép lại sự tích trong sách Kiều Cao Vương ghi lại lời tâu của Cao Biền với Vua Đường: “Câu Lậu chi sơn, huyệt tại trung cấp thần dĩ tác tự dĩ yểm chi…”. Nghĩa là: Núi Câu Lậu có huyệt ở giữa, thần đã làm chùa (tại đó) yểm đi rồi… (Cao Biền thời nhà Đường sang ta làm Đô hộ sứ khoảng năm 864-868). Tuy nhiên, hình dáng kiến trúc ban đầu của chùa như thế nào thì chưa thấy sách nào ghi lại. 

Trong cuốn Di tích và Danh thắng tỉnh Sơn Tây do Ty Văn hóa Sơn Tây xuất bản năm 1958 trang 10 có ghi: “Năm Giáp Dần (1554) đời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) niên hiệu Quang Bảo năm thứ nhất chùa được làm quy mô như ngày nay.

Năm Canh Tý đời Vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 3 (1660) Chúa Tây Vương Trịnh Tạc (1657-1682) đã qua đây thấy cảnh chùa trang nghiêm đẹp đẽ nên cho tu sửa và làm Tam quan. Nay Tam quan đã đổ nát.

Kiến trúc cổ xưa của Chùa Tây Phương

Rất tiếc, việc kiểm chứng lại những tư liệu lịch sử này là rất khó, nhưng những ghi chép này cũng có phần thống nhất với các dòng chữ khắc trên các cấu kiện Thượng lương của chùa. Đó là các phát hiện trong đợt tu bổ di tích của Bộ Văn hóa năm 1957- 1958, khi tháo dỡ các cấu kiện kết cấu mái chùa, các cán bộ, công nhân đã phát hiện tại Thượng lương chùa Thượng ghi “Giáp Dần quý đông tạo” nghĩa là: Làm năm Giáp Dần tháng 12. Tại Thượng lương chùa Trung ghi: “Giáp Dần quý đông cát nhật tạo. Canh Tý mạnh thu cát nhật tu lý” nghĩa là: Làm năm Giáp Dần tháng 12 ngày tốt. Tu sửa năm Canh Tý tháng 7 ngày tốt. Tại Thượng lương chùa Hạ ghi: “Canh tý trọng thu cát nhật tu lý” nghĩa là: Tu sửa năm Canh Tý tháng 8 ngày tốt. Như vậy, kiến trúc chính của chùa với dạng mặt bằng chữ Tam “三” mà ngày nay chúng ta được chiêm ngưỡng có thể đã được tạo dựng vào năm Giáp Dần (1554) đời Mạc Phúc Nguyên.  

Những cứ liệu xác định thời điểm tu tạo của ngôi chùa ngày nay được ghi chép tương đối đầy đủ ở những văn tự đang lưu tại chùa, thể hiện trên tấm bia Tây Phương sơn, Sùng Phúc tự tạo thạch bi có ghi:

“Tây Phương sơn Sùng Phúc tự gia trí lục nghi thanh trai câu thất, đãn chí Nhâm Thân niên thập nhất nguyệt thập nhị nhật tái khởi công trung tu bản tự: thượng điện, thiêu hương hậu đường cập tân tạo tam quan, hành lang tiền hậu nhị thập nhị gian thổ mộc.”

Nghĩa là:Chùa Sùng Phúc trên núi Tây Phương làm tự cổ xưa, cảnh cũ để lại nay đã hỏng nhiều chỗ. Năm Nhâm Thân ngày 12 tháng 11 khởi công tu sửa thiêu hương, thượng điện, nhà hậu, làm mới tam quan, hành lang trước sau, hai mươi hai gian bằng gỗ lợp ngói.” Tấm bia còn ghi nội dung “... ngày 2 tháng 2 năm Ất Hợi đặt lễ (hội) an tượng, khai quang điểm nhãn.”

Theo đó, năm Nhâm Thân này là năm 1632 vì thời điểm tấm bia được dân làng lập này là “Đức Long thất niên tuế thứ, Ất Hợi niên nhị nguyệt sơ nhị nhật”. Tức năm Đức Long thứ 7, Ất Hợi ngày 2 tháng 2 (1635), như vậy, đồng thời với việc dựng chùa thì việc tạo tác tượng cũng được thực hiện.

Đồng thời, tấm bia niên hiệu Chính Hòa năm thứ 11 Canh Ngọ (1690) có ghi việc dựng lại hạng mục Tam quan chùa như sau: “Ngôi Tam quan chùa đổ nát. Ngày nay làm lại mới ngôi Tam quan xưa. Khởi công từ năm Kỷ Tỵ (1689) đến tháng ba năm Canh Ngọ (1690) ngày tốt hoàn thành.” Như vậy, lúc này hạng mục Tam quan mới dựng năm 1632 đã đổ nát, nên nhà chùa và dân làng đã hưng công dựng lại năm 1690.

Đến cuối thế kỷ XVIII, nhà ngoại giao tài giỏi dưới thời Tây Sơn - danh sĩ Phan Huy Ích đã ghi bài Minh trên chuông đồng của chùa được đúc năm Cảnh Thịnh thứ 6, Mậu Ngọ tháng 4 (1798) có nội dung như sau:

Khung cảnh yên bình của chùa

“Núi Tây Phương ở thôn Nguyễn Xá, huyện Thạch Thất là một quả núi đẹp, cây cỏ xanh tươi. Núi Câu Lậu xưa kia có nhiều chu sa (son đỏ) tức là chốn này. Trên đỉnh núi có ngôi chùa vắng vẻ nổi tiếng là một cảnh đẹp.

Niên hiệu Vĩnh Hựu (Triều Lê Hy Tông 1735-1739) có lệnh sai quan Trung sứ xuất của kho ra sửa chữa chùa, khắc tô tượng Phật quy chế rất là lớn, tiếng kệ kinh sang sảng nổi lên.

Đến khi thế vận đổi thay cảnh giới đều vắng, chuông đồng bị mất, đài phật hỏng dần, quả là vận số thịnh suy tùy theo vận hội của trời đất đó ư!

Năm Mậu Thân (1788) tôi tránh qua vùng này, bồi hồi thăm hỏi việc xưa. Đã có ý ngày sau dưới bóng tùng lâm nâng chén rượu.

Nay gặp thời bình, đạo Phật hưng thịnh, các thiện nam tín nữ chung lòng cùng nhau quyên tiền sửa lợp chùa cũ, lại đúc quả chuông hơn hai trăm cân.

Nhân dịp tôi xin tạm nghỉ về thăm tỉnh (Sơn) Tây lên núi viếng chùa, các kỳ lão trong thôn tới xin tôi viết bài ký kể lại công việc. Tôi hơi thông hiểu đạo giữ mình của nhà Phật, hay khuyên người ta làm điều phúc thiện nên mới cầm bút lược thuật đầu đuôi và chép thêm bài Minh rằng:

Câu Lậu chót vót

Nước chảy quanh vòng

Một ngọn cao ngút

Vụ trị khơi lòng

Đạo gửi ở không

Cội gốc khôn cùng

Lòng người bản thiện

Đời đời thủy chung

Nhất hội chủ dực vận công thần đặc tiến đại phu

Thị trung ngự sử thụy Nham hầu Phan Huy Ích”.

Như vậy, vào thời Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Hựu, thế kỷ XVIII, hệ thống tượng pháp tại chùa đã được tạo tác với quy mô như ngày nay. Đến đầu thế kỷ XIX, việc tạo tác tượng chùa còn được Phan Huy Ích ghi chép trong lời chú bài thơ: “Thu đăng Tây Phương sơn tự ký kiến” (nghĩa là: Mùa thu lên chùa núi Tây Phương ghi lại những cảnh nhìn thấy) trong đó đã nhấn mạnh rằng Chúa Uy vương Trịnh Giang đã sai sửa chùa và tạc “mười pho tượng cực kỳ khéo léo” điều này, có lẽ ông đã đề cập đến việc tạo tác bộ tượng “Bát bộ Kim cương” tức bộ tượng tám vị Kim cương, tượng Thái tử Kỳ Đà - những bức tượng được chạm khắc tinh vi, với các họa tiết rực rỡ, trang trí cân đối, đẹp đẽ dung dị trong bộ tượng thờ của di tích, thể hiện một sự quan sát tinh tế, huyền diệu thông qua hình thức “tả chân” giàu tính nghệ thuật nhất mà chúng ta được chiêm ngưỡng từ những tác phẩm nghệ thuật được tạo hình trong thế kỷ XVIII.

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Mặc dù hình thức kiến trúc thuở ban đầu của chùa do Cao Biền tạo dựng (thế kỷ IX) đến nay không còn được lưu giữ, ghi chép, nhưng các dấu tích kiến trúc chùa Tây Phương trải qua nhiều trăm năm từ những chứng tích đã nêu thuộc thế kỷ XVII (1632) đến nay tuy đã được “tu lý” nhiều lần, nhưng những dạng thức kiến trúc của chùa còn lại đến ngày nay vẫn cho chúng ta khá nhiều thông tin quý giá, từ cách sử dụng kết cấu gỗ điêu luyện, nội dung kết cấu thống nhất với hình thức kiến trúc, ngôn ngữ kiến trúc trong sáng, minh triết thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan truyền thống của người Việt là những điều chúng ta càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy rõ sự trác tuyệt của tác phẩm kiến trúc gỗ độc đáo của thế kỷ XVII này. 

Ngày nay, để tiếp cận được kiến trúc chính của chùa, khi chúng ta đến chân núi Câu Lậu xưa, sau khi được Ban Quản lý chùa Tây Phương đón tiếp, qua cổng Tam quan ngoại dưới chân núi, chúng ta sẽ bước lên từng bậc đá ong trên đường chính dẫn lên chùa. Con đường này, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp về thăm di tích ngày 19-5-1959 đúng ngày sinh nhật Bác. Câu chuyện này được Nguyệt san Người cao tuổi số 27 tháng 5-1999 thuật lại như sau: “Xe của Bác dừng lại sân chân dốc, Bác cùng mấy cán bộ thư thả đi lên. Bác không nghỉ mà leo thẳng một mạch lên chùa mặc dù lúc đó dốc chùa chưa xây bậc như hiện nay, đường lên chùa rất khó đi”. Như vậy, lúc này, có lẽ đường lên chùa vẫn hoang sơ như khi khởi dựng. Được sự giúp đỡ của Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản Văn hóa) khoảng cuối những năm 1970, đầu 1980, chính quyền huyện Thạch Thất mới thực hiện được lời căn dặn của Bác là “Di tích đẹp thế mà đường đi lại thế này là không xứng, các chú phải góp ý với địa phương sửa sang đường xá cho dân đi lại tham quan dễ dàng.” Bằng việc lát đường tạo bậc, tạo rãnh thoát nước bằng đá ong, trải qua gần 40 năm tồn tại, đến nay một số bậc đã bị mòn vẹt, nhiều đoạn đã rêu phong cổ kính. Bước qua cổng tam quan được phục dựng lại năm 1995 dựa theo những tàn tích còn lại của tam quan cũ xây cuối thế kỷ XVII, chúng ta đã vào tới sân chùa, từ tam quan, ở góc sân bên phải có tòa nhà nhỏ là Miếu thờ Sơn thần mà nhân dân địa phương còn gọi là đền Trình, trên Thượng lương của miếu có ghi dòng chữ Hán: “Quý Dậu niên xuân nhị nguyệt sơ thập nhật Ngọ thời trùng tu thiên cổ miếu” cho ta biết miếu này đã được sửa chữa lớn vào năm Quý Dậu (1935). Trong miếu, ngoài bức hoành phi Thiên cổ miếu “千  古  廟” như muốn khẳng định miếu thờ thần Núi đã có từ xa xưa, thì bức hoành phi Trạc quyết linh “濯  厥  靈” có ghi lạc khoản năm Đinh Mùi (phải chăng là năm 1907) đã xác định vị trí tối linh của thần quét sạch bụi trần, bên trên ban thờ có tượng 03 nhân vật, ở giữa là Sơn thần, hai bên “tả hữu” có 02 vị hầu cận… 

Đi hết khoảng sân phía trước, là tới chùa chính. Không biết cấu trúc chùa cũ khi khởi dựng nay còn lưu giữ được những gì tại đây, nhưng với cấu trúc hiện nay cho ta cảm nhận mặt bằng của chùa có dạng chữ Công “工”, được bao quanh bởi hệ tường gạch “Bát” dày khoảng 35cm, xây theo kiểu mặt ngoài để trần (không trát) có lối xây mạch chữ Công dày, mặt tường bên trong được trát nhẵn, quét vôi trắng, trên mặt tường điểm xuyết những cửa sổ tròn nhằm lấy ánh sáng, có trang trí kiểu “Âm - Dương” biểu tượng cho tư tưởng Nho giáo “trong âm có dương, trong dương có âm” nhưng mang đậm tính “sắc sắc - không không” của Phật giáo. Mặt bằng chữ Công này lại chứa đựng 03 tòa nhà độc lập, song song với nhau, mỗi tòa cách nhau khoảng 1,6m tạo nên dạng kiến trúc kiểu chữ Tam “三”. 

Để tìm hiểu thêm về nghệ thuật chạm khắc cổ truyền tại chùa Tây Phương, bạn đọc có thể tìm đọc ở nhiều tư liệu khác, trong nội dung bài tìm về kiến trúc chùa Tây Phương này, người viết xin cung cấp thêm thông tin liên quan, đó là căn cứ trên những giá trị nhiều mặt của Di tích chùa Tây Phương nên Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đang phối hợp với Ban Quản lý Di tích Danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ để đề nghị Chính phủ xem xét xếp hạng Di tích chùa Tây Phương là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt.

KTS Trường Thành

Top