Điện Biên Phủ nhìn từ di tích

Đã hai lần đi và nhiều lần về trên tuyến đường huyết mạch để đến Điện Biên. Còn rất nhiều con đường khác, con đường tám thước, nhiều con đường mòn và những con đường trong lòng dân, tất cả đều hướng đến Mường Thanh, điểm đến của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lần trước, những năm 90 của thế kỷ XX, xe rời Sa Pa từ rất sớm để đến kịp Điện Biên trước khi trời tối. Vì người dân địa phương thấy biển số xe miền Nam nên khuyên các cô, chú đi sớm kẻo có con thú rừng trên đỉnh núi đụng phải, đá cuội to lăn xuống chắn luôn giữa lối đi. Xe tới cũng không được, lùi không xong, chịu sầu thôi. Có khi, phải nhịn đói nhiều ngày cũng nên.

Lần này xe không chạy theo hướng Hòa Bình – Sơn La mà đi từ Yên Bái – Quốc lộ 6 nên mọi người có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng phía Bắc mà còn có thêm thông tin để hình dung đầy đủ thế nào là dốc đứng, đèo cao và có cái nhìn thấu đáo về sự gian khó, chông gai, ác liệt, lòng quả cảm và sự hy sinh của quân đội và nhân dân ta nói chung và đồng bào Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ 59 năm về trước.

Ấn tượng Điện Biên

Nói không ngoa, chỉ khi đến thành phố Điện Biên, xem di tích và chứng tích chiến tranh, xem đất nước và con người nơi đây, nhìn những ngọn núi sừng sững vây quanh tròn lòng chảo Mường Thanh và hệ thống căn cứ quân sự dày đặc của địch nhằm bảo vệ Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương mới thấy hết được giá trị lịch sử to lớn, vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa.

Sử ghi, Tướng Nava nhận định: “Tại Điện Biên Phủ, với một lực lượng hùng mạnh, với một tổ chức phòng thủ hiện đại, Điện Biện Phủ nhất định sẽ trở thành pháo đài bất khả xâm phạm”. Nhưng chúng đâu ngờ rằng, quân dân ta luôn giữ thế chủ động tấn công, đẩy bọn chúng lâm vào thế bị động và bị tấn công dồn dập, bất ngờ và làm thất bại hoàn toàn.

Sở Chỉ huy chiến dịch chỉ cách Điện Biên Phủ

Đọc tấm bia ghi công tại trung tâm thành phố Điện Biên mà trong lòng mỗi người dân Việt luôn tự hào, xúc động:

“…54 ngày đêm, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt làm tù binh 16.000 tên địch; Trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm, bắt sống Tướng Đờ CátxTơri, 16 tên sĩ quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan. Gồm 17 tiểu đoàn bộ binh là lính Âu - Phi tinh nhuệ, 3 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn công binh bắn rơi 62 máy bay oanh tạc, chiến đấu và vận tải.”

Về gần đến trung tâm Điện Biên xem con đường kéo pháo vào các trận địa, ai cũng ngỡ ngàng. Đúng là không có khó khăn nào ngăn cản bước ta đi. Chỉ có tình yêu tổ quốc và tinh thần chống giặc ngoại xâm, họ mới vượt qua ngàn trùng hiểm nguy để giành thắng lợi.

Đến được Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên ở Mường Phăng phải đi quãng đường hơn 30km. Xe phải chạy xuyên qua đường rừng, một con đường nhựa nhỏ hẹp, nhiều đoạn khuất tầm nhìn, đèo dốc. Bây giờ, cây vẫn che phủ con đường. Trước đây, bọn thám báo bó tay là phải, không thể nào tìm ra lối mòn: “đi không vết, nói không tiếng, nấu không khói”.

“Đón” chúng tôi là những thiếu nhi người Tày, người Nùng. Nhiều em xin sự làm phước của các cô, chú. Còn một số em thì tự nhận làm người hướng dẫn viên. Các em đưa chúng tôi xem và kể về chủ nhân của các căn nhà, cái hầm, kể về sơ đồ dàn binh bố trận của chiến dịch.

Đến căn nhà lá nhỏ hẹp, nhìn bên trong có chiếc bàn to và chiếc giường tre chưa được một mét, đó là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thông liền với cửa nhà Đại tướng là miệng của căn hầm chữ nhật dài khoảng 70m, nằm men theo sườn đồi, khi ra khỏi miệng hầm và đi một đoạn dốc là nơi ở của Tướng Hoàng Văn Thái; Phía xa về hướng Đông là căn nhà của các cố vấn quân sự Trung Quốc. Các đơn vị Vô tuyến, Hậu cần… phục vụ Sở Chỉ huy được bố trí thuận tiện cho công tác chỉ đạo.

Tất cả những căn nhà, lối đi, nơi làm việc đều đơn sơ, gọn gàng, cẩn mật và an toàn. Điều bất ngờ là cứ tưởng đến được vọng gác bảo vệ Sở Chỉ huy là đến nơi, nhưng còn xa lắm, hình thức nghi binh, canh gác rất đáng nể. Từ đây, còn phải đi qua nhiều sườn đồi, khe suối, lên lên, xuống xuống mới tới được Trung tâm Chỉ huy chiến dịch.

Các hướng dẫn viên “nhí” giới thiệu về di tích rất hay, giống như các em học thuộc lòng bài kiểm tra: “Các em hãy kể về Sở Chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng”. Cách nói, lời văn của các em rất truyền cảm, “sành điệu”, như đưa chúng tôi về với thời chống Pháp, thời điểm đang lo chiến dịch Điên Biên

 Sở Chỉ huy chiến dịch chỉ cách Điện Biên Phủ 10 cây số theo đường chim bay, nhưng nơi Đại tướng làm việc vẫn bí mật và an tòan. Ngoài việc cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm túc nội quy doanh trại, còn phải kể đến tấm lòng của đồng bào dân tộc tại chỗ. Không có họ, thì không có chỗ dựa của lòng dân, thì cán bộ không thể biết địa hình phục vụ chiến dịch. Không có đồng bào Tây Bắc thì lấy gì đảm bảo lương thực tại chỗ và nguồn nhân lực phục vụ chiến trường.

Rời căn cứ, xa cánh rừng trên trăm tuổi, nhiều cây to vươn cao và có những cây đã già, khô và quỵ xuống. Rừng và người dân Mường Phăng rất vinh hạnh và tự hào đã được chứng kiến sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những con người dũng cảm, anh hùng, mưu lược để làm nên một lịch sử vẻ vang.

Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Đoàn đi về Nghĩa trang Độc Lập

Ai khéo đặt tên cho cái nghĩa trang hiện hữu. Đồi Độc lập và những người con của Tổ quốc nằm lại trên mảnh đất này, đã hy sinh vì độc lập và tự do.

Một nghĩa trang quá to, còn có người bảo là nhỏ. Nhỏ là không đủ chỗ nằm cho các liệt sĩ trong trận quyết chiến cuối cùng.

To, nhỏ không quan trọng. Mà cái chính là tấm lòng của những người đang sống. Nghĩa trang được trang trí bài bản, chu đáo và tràn hoa. Chỉ có một điều, nhiều ngôi mộ chưa có khắc tên anh. Mãi mãi họ và gia đình chưa bao giờ nói đúng chỗ anh đang nằm. Dẫu sao, nơi đây là một trong những địa điểm đẹp nhất để vinh danh - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Di tích Điện Biên Phủ - chưa xứng tầm

Ba trong nhiều di tích, văn hóa lịch sử xin được đề cập sau đây:

Đọc lịch sử chiến thắng Điện Biện Phủ với xem di tích và các công trình văn hóa Điện Biên là chưa xứng tầm. Nói cách khác, là cục diện chiến trường Điện Biên Phủ to lớn về quy mô và vĩ đại về ý nghĩa chiến lược quân sự của thời đại lịch sử dân tộc và thế giới. Không ai nói khác và đi ngược lại lịch sử.

Nhưng nếu nhìn trên mô hình thực địa chỉ riêng đồi A1 và vị trí đóng quân chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Mường Thanh thì như có ai đó đã nói: Nếu đúng thực địa mô phỏng như hai cứ điểm này thì ý nghĩa chiến lược quân sự của ta bình thường thôi. Tức là, nhìn mô hình, nhìn di tích thì chưa làm cho người xem thấy được ý nghĩa to lớn của từng trận đánh và chưa phản ánh đúng bản chất của cuộc chiến tranh nhân dân.

Tuy nhiên, chiến thắng Điện Biên Phủ đã gần 60 năm và dù gì chăng nữa thì di tích cũng không thể dựng lại nguyên bản của chiến dịch. Trong giới hạn và kinh nghiệm thực tiễn, tác giả đề nghị cần nâng cấp các di tích và các công trình lịch sử văn hóa Điên Biên đúng tầm:

1. Sa bàn Điện Biên Phủ

Cần xây dựng một Sa bàn chiến thắng Điện Biên Phủ có tầm cỡ quốc gia để thông qua mô hình và thuyết minh các trận đánh trên Sa bàn chiến thắng mới tải hết được chiến dịch giải phóng Điện Biên:

- Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Thực dân Pháp đô hộ Việt Nam nhiều thập kỷ và chúng có mặt ở khắp mọi nơi. Về mặt chiến lược, khi ta đánh thắng trên các chiến trường, kể cả ở nước bạn Lào, đã làm cho quân Pháp bị tiêu hao về sinh lực và khủng hoảng về tinh thần và địch âm mưu chọn Điện Biên Phủ là nơi phòng thủ. Chúng co, cụm, xây dựng phương án tác chiến phản công hòng dành lại chiến thắng.

 Vì vậy, có Sa bàn sẽ đưa người nghe, người xem có cái nhìn tổng quan trên tòan cục. Đồng thời, cũng ghi nhận chiến công chung trên toàn chiến trường.

-Xem các di tích ở Điện Biên Phủ mới thấy được trong số ít các trận đánh ở vài, ba cứ điểm ở Mường Thanh. Vì vậy, nên thông qua mô hình Sa bàn đưa người xem về với một chiến dịch sống động, phức tạp, đầy cam go và cũng rất vinh quang. Không có Sa bàn tầm cỡ Điện Biên, thì vô hình chung chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm phản ảnh đầy đủ lại lịch sử cho cháu con mai sau.

Xem Sa bàn Buôn Ma Thuột mất khoảng 45 phút, nhưng người xem khi rời Sa bàn cảm thấy phấn khích. Sa bàn Buôn Ma Thuột không thiếu một binh chủng nào và đăng tải đầy đủ về ý nghĩa thắng lợi của trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn  miền Nam, thống nhất đất nước.

- Nếu du khách ít có thời gian lưu lại Điện Biên thì Sa bàn là một công cụ hữu hiệu trong công tác tuyên truyền về các trận đánh và chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Sa bàn là công trình văn hóa lịch sử và văn hóa du lịch. Nơi đây sẽ là chặng dừng chân, điểm cuối trong các hoạt động du lịch văn hóa lịch sử Điện Biên.

Đồi Al nằm Ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

2. Cần xây dựng di tích Tập đoàn cứ điểm Mường Thanh đúng với cứ điểm hàng đầu của thực dân Pháp tại Đông Dương. Cần giữ di tích và xây dựng mô hình toàn cảnh cứ điểm (như ảnh tư liệu Điện Biên Phủ). Đừng để người ta hiểu nhầm, nếu hiện trạng Tập đoàn cứ điểm Mường Thanh như thế này thì ngày nay chỉ cần hai tổ đặc công của bộ đội chủ lực sẽ đánh sập hai miệng hầm của Tường Đờ CatxTờ ri là tiêu diệt xong.

Điều ít gặp tại di tích, là muốn cầm cờ trên nóc hầm Đờ Cát để quay phim, chụp hình lưu niệm thì phải thuê. Trả tiền nhiều hay ít không quan trọng, mà nên bán vé vào cổng hoặc cắm một cây cờ Tổ quốc để tạo điều kiện cho du khách được một lần thể hiện niềm kiêu hãnh của người Việt Nam chiến thắng quân xâm lược Pháp

3. Cũng như Đồi A1 chưa làm nổi bật tính ác liệt của nó. Từ chiếc xe tăng, hướng để xe tăng, hình thức bảo quản xe tăng…những dãy chiến hào, những hầm chiến đấu cá nhân, nơi tranh chấp thế trận cuối cùng. Nên làm cho người xem di tích hiểu và bày tỏ cảm xúc đối với lịch sử trong thế trận của một cứ điểm quyết tử, trước khi quân Pháp đầu hàng.

Cách đây 15 năm, tại đồi A1 chiếc xe tăng được trưng bày như mới tịch thu sau trận đánh, không có mái che, nòng súng gục xuống, hình ảnh đó thể hiện quân Pháp suy sụp, thất bại hoàn toàn của chế độ thực dân.

4. Hiện vật bảo tàng quân sự còn quá thiếu và rất sơ sài, kể cả của ta và địch. Cần sưu tầm, bổ sung cho đủ và đúng thực chất về từng trang bị quốc phòng để lưu giữ lâu dài. Có lẽ, nói về bảo tàng quân sự chống Pháp không ở đâu có điều kiện thu thập và trách nhiệm lưu giữ, trưng bày như ở Điện Biên. Nói cách khác Điện Biên chính là nơi cần sưu tầm và giới thiệu. Nói đến chống Pháp và nơi quyết định thắng lợi là Điện Biên. Điện Biên cần minh chứng cho thế giới biết một dân tộc nhỏ mà biết chống lại đế quốc to, cho con cháu chúng ta tự hào về quá khứ, về một thời đại hào hùng của cha ông ta.

 Người viết bài này, không ngoài một tình yêu và kính trọng Điện Biên Phủ. Đồng thời, mong muốn những người quản lý nhà nước của tỉnh Điện Biện và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm hơn nữa để đầu tư xây dựng nâng cấp các di tích đúng tầm vóc ý nghĩa của cuộc chiến tranh, biểu trưng của thời đại: “ Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biện Phủ”, nhằm tiến tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ( 7/5/1954 - 7/5/2014) phục vụ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài cho bạn bè trong nước và quốc tế.

Nguyễn Thành Chinh

Top