Chùa Hải Tạng
Nằm ở xóm Cốm thuộc Bãi Làng, xung quanh được bao bọc bởi những hòn núi, phía trước là thung lũng nhỏ yên bình với vài chục đám ruộng lúa luôn xanh mướt, chùa Hải Tạng là một ngôi cổ tự trên đảo Cù lao Chàm, Hội An, Quảng Nam. Chùa được xây dựng vào năm 1758 (năm Cảnh Hưng thứ 19). Chùa tọa lạc sát chân núi phía Tây của đảo Hòn Lao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra một thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất của Cù lao Chàm.
Có nhiều truyền thuyết nói về nhân duyên khởi dựng chùa Hải Tạng. Tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ 17, có chiếc thuyền đưa một số cột gỗ được làm từ ngoài Bắc vào Nam nhưng khi về đến Cù Lao Chàm vì trời tối nên phải neo thuyền nghỉ lại. Sáng ra, thuyền kéo neo đi tiếp, nhưng thật lạ lùng, biển tự dưng nổi sóng lớn, thuyền không đi tiếp được. Sau có người trong đoàn lên một ngôi miếu ở Cù Lao Chàm khấn nguyện và được các vị thổ địa thần linh cho biết giàn cột này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm không được đem đi. Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng.
Lịch sử Hội An có ghi: chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m về hướng Đông Bắc, sau vì do bão làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến hành lễ nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa dời về vị trí hiện nay. Ngay dưới chân là đồng ruộng, khu dân cư và mờ xa về đất liền là Đô thị cổ Hội An. Phía Nam có khoảng trống gió lùa trải dài qua Rừng Cấm (nay là Xóm Cấm) đưa hơi nước từ Hòn Nhờn lướt qua trước mặt thổi lên khu dốc Chùa.
Chùa Hải Tạng là một ngôi cổ tự trên đảo Cù lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Chùa Hải Tạng thờ Phật và thánh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trong vùng và cũng là nơi thương thuyền các nước tín ngưỡng Phật giáo ghé vào hành lễ, cầu nguyện. Đến thăm chùa Hải Tạng, điều đầu tiên khiến du khách ngỡ ngàng chính là bức tường thành bao quanh bằng đá được thiết kế trang nhã với những đường nét hoa văn gọn gàng. Lưu truyền, trước đây khu này rừng rậm có nhiều trăn, rắn độc. Vì thế, để an toàn, tường thành bao bọc xung quanh chùa được xây bằng đá, cổng tam quan phía trước gồm 3 lối vào, tạo dáng vòm, mái lợp ngói âm dương và đắp nhiều con giống.
Tam quan chùa cao 5m, rộng 1,5m , dài 6m. Bước vào cổng tam quan, qua một khoảng sân rộng là chùa chính. Tuy nhà Tây đã bị sập hoàn toàn, nhà Đông còn lại phần kiến trúc chính nhưng toàn bộ di tích vẫn toát lên vẻ hào sảng uy nghiêm hiếm thấy ở các di tích khác. Chính điện lợp ngói âm dương, tường xây bằng vôi vữa, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển tạo cảm giác nhẹ nhàng. Toàn bộ nếp nhà chính có hệ vì kèo kết cấu kiểu “chồng rường giả thủ” chia làm 3 gian. Bên trong chánh điện, gian giữa thờ 3 pho tượng Tam thế Phật. Gian bên trái (từ chùa nhìn ra) thờ Địa Tạng Vương Bồ tát. Gian bên phải thờ Tam thánh Quan Công, Lưu Bình và Châu Xương. Ngoài ra, hai bên chánh điện thờ Long thần, Hộ pháp và tấm bia đá khắc bằng chữ Hán. Phía sau chánh điện là bàn thờ Tổ sư Đạt Ma, với dáng ngồi bán già, tay cầm cuốn thư. Tất cả các pho tượng đều làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, có niên đại cùng với ngôi chùa. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một quả đại hồng chung lớn, trên chuông có điêu khắc “Song long triều dương”. Điều đáng chú ý là con rồng ở trên chuông chân chỉ có 4 ngón, dáng cong, có vẩy, đầu rồng uyển chuyển, râu rất dài. Đây là con rồng mang phong cách những năm đầu của thời Lê sơ, như vậy quả chuông này có thể còn có trước niên đại xây dựng chùa.
Tượng Bồ-tát Quán Thế Âm nhìn từ mặt trước ngôi chùa.
Tất cả các hoành phi, câu đối trang trí trong chánh điện đều được sơn son thếp vàng, uy nghiêm, hòa cùng hệ thống tượng thờ cổ kính tạo nên những mạch tiếp nối rất thiêng liêng, cho ta cảm giác mơ huyền như đang bước vào cõi Phật. Tuy nhiên, hiện nay người ta bài trí thêm 2 pho tượng mới hoàn toàn tại bàn thờ chính, đó là tượng Thích Ca Mâu Ni làm bằng thạch cao, sơn màu vàng rực và pho tượng Phật đản sanh, điều đó đã làm không gian nơi thờ tự của ngôi chùa mất đi vẻ cổ kính và huyền bí vốn có của nó.
Chùa Hải Tạng còn lưu giữ khá nguyên trạng kết cấu kiến trúc, mỹ thuật dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử; kèm theo đó chùa có cách bố trí tượng thờ của thời kỳ Tam giáo đồng nguyên nên nơi đây chính là nguồn cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử hình thành cộng đồng cư dân ở Cù Lao Chàm.
Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ một quả đại hồng chung, trên chuông có một con rồng mang phong cách những năm đầu thời Lê sơ, như vậy quả chuông này có thể có niên đại trước cả thời điểm xây dựng chùa. Hiện tại chùa không có sư trụ trì mà chỉ có một cặp vợ chồng già trông nom hương khói.
Cách bến đò Cù Lao Chàm khoảng 5km về hướng Tây, du khách có thể nhìn thấy bóng dáng của pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm màu trắng ẩn hiện trên nền trời xanh mây trắng, xung quanh là một đồng ruộng bát ngát màu xanh. Pho tượng này được tôn trí trước chùa Hải Tạng cách đây vài năm. Tượng cao khoảng 3m, lưng tựa vào vách núi, mặt nhìn về biển như luôn thấu hiểu nỗi lầm than, cơ cực của cư dân xứ đảo xa xôi này.
Chùa Hải Tạng còn là một điểm tham quan khi du lịch Cù lao Chàm.