Di tích Phủ Quảng Cung đón Bằng công nhận Di tích Quốc Gia

Ngày 11 tháng 4 năm 2013 (mồng 2 tháng 3 Âm lịch), Ủy ban nhân dân xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tổ chức đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia cho Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Quảng Cung.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Bùi Đức Long; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở VHTTDL tỉnh Nam Định; Huyện ủy-Ủy ban nhân dân huyện Ý Yên, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Phật học; Đông đảo đại biểu các cơ quan đoàn thể của Trung ương, Hà Nội, tỉnh, huyện, xã và đông đảo bà con, tín hữu địa phương và các tỉnh bạn đến dự Lễ trao nhận Bằng và dự lễ hội truyền thống hàng năm từ mùng 1 đến 10 tháng Ba.

      Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định trao Bằng công nhận Di tích quốc gia cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Yên Đồng và Thủ nhang Phủ Quảng Cung và giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân nhân đến thực hành  tín ngưỡng. Các đại biểu đều hoan nghênh sự quan tâm, chỉ đạo các cấp chính quyền và sự đóng góp to lớn của nhân dân trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Mọi người đều mong muốn sự liên kết, học hỏi kinh nghiệm giữa các di tích, mà trước hết là các di tích liên quan Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đến việc “Tam sinh, tam hóa” của Mẫu như truyền thống xưa kia của cha ông. Và với đặc điểm của xã Yên Đồng là sự đoàn kết Lương, Giáo trong việc thực hiện pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo.

      Các đại biểu đánh giá cao vai trò của lãnh đạo địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó còn phải kể đến công lao của Thủ nhang Trần Thị Vân hàng chục năm qua đã đứng ra kêu gọi quyên góp xây dựng Quần thể di tích Phủ Quảng Cung (gồm Đền Quảng Cung và  Thủy Phủ Đáy), vừa qua lại đúc tượng đồng Cha và Mẹ Thánh Mẫu an vị tại Phủ.

Địa bàn phát xuất của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ gắn liền với những nơi giáng sinh và hiển thánh của Mẫu Liễu Hạnh. Ba lần giáng sinh của Bà lần lượt ở Phủ Nấp (Phủ Quảng Cung-Vỉ Nhuế, Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định), Vân Cát (Phủ Dầy, Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) và Tây Mỗ (Nga Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa), nơi Thánh Mẫu hiển Thánh là Đền Sòng (Phố Cát, Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Riêng địa chỉ Phủ Nấp, nơi giáng sinh lần đầu tiên của Mẫu Liễu thì lâu nay chưa được làm rõ. Năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ý Yên tiến hành khảo sát, sưu tầm tư liệu và tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Quảng Cung trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam”. Hội thảo đã làm rõ giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu và Di tích Phủ Nấp. Qua hội thảo đã xác định được vấn đề liên quan đến “Tam thế luân hồi”- ba lần giáng sinh của Mẫu Liễu.

Nguồn: Phạm Tứ - Thu Hà (Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam)

Top