Di tích lịch sử - văn hóa Đền Chính

Đền Chính là ngôi đền linh thiêng tọa lạc trên một vùng đất có cảnh quan đẹp, được xây dựng từ thời Trần.

Dưới triều đại phong kiến (Lý, Trần, Lê…) nhân dân vùng bãi Ngang nói chung và nhân dân xã Tiến Thuỷ nói riêng đã có nhiều người tham gia chống giặc ngoại xâm, lúc bấy giờ, ở nơi đây dân cư còn thưa thớt, sông núi bao quanh, đất đai còn hoang hoá nhiều…Với ý chí quyết tâm và lòng quả cảm, nhân dân đã chú trọng khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi, đắp đập ngăn sông, lấn biển, dần hình thành nên làng, nên xã, tạo ra nhiều ngành nghề truyền thống như: nghề đóng thuyền, nghề chế biến nước mắm, nghề đánh bắt hải sản… Khi họ qua đời được nhân dân lập đền thờ phụng.

Đền Chính là ngôi đền linh thiêng tọa lạc trên một vùng đất có cảnh quan đẹp, được xây dựng từ thời Trần, nằm giữa trung tâm xã Tiến Thủy, là một công trình kiến trúc cổ đã tồn tại hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển của quê hương đất nước, diện tích khuôn viên hiện có 1.568m2, gồm 2 tòa (Bái đường, Hậu cung), bố cục theo kiểu Chuôi vồ, là nơi tôn thờ và tưởng niệm các vị phúc thần có công với dân với nước trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và trong cuộc sống như: Tứ vị Thánh nương và phối thờ Hoàng Tá Thốn, Mỹ Quận công Trương đắc Phủ.

Tứ vị Thánh nương là một trong những vị thần được cư dân vùng ven biển ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng lập nhiều đền thờ phụng. Riêng trên đất Nghệ An, hiện đã thống kê được trên 30 ngôi đền thờ Tứ vị Thánh nương, một trong số đó có đền Chính (xã Tiến Thủy).

Lễ Cầu Ngư ở Đền Chính xã Tiến Thủy, Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An.

Năm 1234, quân Nam Tống bị quân Mông Cổ tấn công, Kinh đô của Nam Tống ở Lâm An bị thất thủ. Triều đình nhà Tống phải bỏ chạy vào Nhai Sơn. Năm 1279, quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Vua Tống Bính đem gia quyến cùng hơn 800 quân lính bề tôi lên thuyền trốn ra biển. Thế cùng lực tận, lại bị quân giặc đuổi theo truy bức gấp rút, quan tả Thừa tướng Lục Tá Phù ôm Vua Tống Đế Bính nhảy xuống biển tự tử. Đoàn thuyền trên đường vượt biển, chẳng may gặp sóng to gió lớn đẩy thuyền chìm đắm, Đại tướng Trương Thế Kiệt cùng bao quân lính bị chết đuối, chỉ còn Hoàng hậu là Dương Nguyệt Quả và hai cô Công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương may sao ôm lấy đư­ợc một mảnh ván thoát chết và được vị sư cứu sống rồi đem ba mẹ con về chùa chăm sóc, nuôi dưỡng. Một thời gian sau, ba mẹ con họ đã phục hồi sức khỏe, lấy lại dung nhan vốn có của mình. Trước vẻ đẹp tuyệt trần của Hoàng hậu, sư gặp trắc trở nên đã gieo mình xuống biển tự tử.

Sau khi sư chết, Hoàng hậu khóc than rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư­ vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”. Hoàng hậu nói xong, bèn nhảy xuống biển tự tử. Mất mẹ, hai Công chúa khóc than thảm thiết, nghĩ rằng sống bơ vơ nơi đất khách quê người, không cha mẹ, không bà con thân thích, rồi cũng trắm mình xuống biển chết theo. Nhân dân đã lo liệu chôn cất ba mẹ con Hoàng hậu cùng vị sư rất chu đáo, rồi lập đền thờ phụng.

Đền ở Cửa Cờn (làng Phương Cần) thờ Tứ vị Thánh nương, đền ở dưới chân núi Quy Lĩnh (làng Phú Lương) thờ vị sư. Cả hai ngôi đền này nổi tiếng linh thiêng nên các vị minh quân dưới triều đại phong kiến Trần, Lê khi cầm quân đi chinh phạt giặc phương Nam đều ghé qua đền làm lễ cầu đảo và đều được linh nghiệm, giành thắng lợi. Cuối thời Trần, dân Phương Cần (Quỳnh Phương) rước bài vị của vị sư được thờ ở đền Quy lĩnh về hợp tế nên gọi là đền “Tứ vị”.

Năm Hưng Long thứ 20 (1312), Vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải, gặp sóng to gió lớn phải dừng lại, đêm ấy Nhà vua nằm mộng thấy thân nhân bảo rằng: “Thiếp là Cung phi nhà Tống, bị giặc bức bách, lênh đênh sóng gió, trôi dạt vào đây, Thượng đế phong cho làm thần Biển ở đây đã lâu, nay xin giáng công thánh thượng đi đánh giặc”. Sáng hôm sau, Vua Trần Anh Tông tỉnh dậy liền hỏi tả, hữu xung quanh; biết rõ sự tích, Nhà vua sắm sửa lễ vật vào đền kính tế, cầu xin âm thần phù trợ. Trận đánh ấy quân ta thắng to, trên đường về Vua Trần Anh Tông ghé thăm đền, phong sắc cho thần là “Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương” và đã ban cấp thêm vàng, bạc để sửa sang, nâng cấp xây dựng lại đền với quy mô lớn hơn. Sau khi đền được phong cấp và thần được phong sắc, nổi tiếng linh thiêng thì nhiều nơi xin rước “Tứ vị” về thờ vọng. Một trong những số đó, Trang nghĩa lộ xưa (nay là xã Tiến Thủy) cũng đã xây đền, rước chân hương, lập bài vị thờ Tứ vị Thánh Nương cho đến ngày nay.

Cùng với vị thần được thờ trên, đền Chính còn phối thờ các vị phúc thần, thành hoàng làng đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống như: Mỹ Quận công Trương Đắc Phủ, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và đang trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã về chiêm bái, thưởng ngoạn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền Chính là cơ sở che chở, tổ chức nhiều hội nghị bí mật của Chi bộ Đảng làng Phú Nghĩa Hạ thời kỳ 1930-1945, địa điểm in ấn tài liệu, truyền đơn chống Pháp, nơi làm kho dự trữ lương thực, vũ khí, trạm trung chuyển phục vụ kháng chiến; làm trụ sở Uỷ ban Kháng chiến xã Phú Sơn, làm trường học cấp 1, cấp 2 của làng Phú Nghĩa Thượng (Q.Nghĩa ngày nay) và làng Phú Nghĩa Hạ (nay là Tiến Thuỷ)…

Lễ hội Cầu ngư được tổ chức với phần lễ rước thần bằng kiệu bát cống từ Đền Chính rước qua các thôn và ra bến cảng Lạch Quèn, lên 8 chiếc tàu tiến ra cửa lạch để làm lễ cầu ngư. Đoàn rước kiệu gồm 8 thanh niên trai tráng khiêng. Ảnh: Báo Nghệ An.

Trước đây, cứ đến kỳ lễ trọng như: Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Rước Mã, Lễ hội Trò Lề, nhân dân trong và ngoài xã, những người con xa quê từ mọi miền Tổ quốc hội tụ về đền Chính thắp hương tế lễ, tổ chức lễ hội, nhằm tri ân thần thánh, ôn lại điển tích xưa và cầu mong mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh. Trải qua bao biến cố của lịch sử, chiến tranh, lễ hội của đền Chính bị gián đoạn theo năm tháng...Đến nay, khi nhu cầu văn hóa tâm linh của những người dân nơi đây ngày càng đòi hỏi cấp thiết thì Lễ hội đền Chính đã được phục hồi và phát triển, đặc biệt là lễ hội Cầu Ngư được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 – 15 tháng Giêng Âm lịch, gồm 2 phần chính: Phần lễ và Phần hội. Phần lễ gồm có: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội được tổ chức khá phong phú, đa dạng. Ngoài trò chơi, trò diễn mang tính dân gian truyền thống như đua thuyền, đánh cờ người, đu tiên, vật cù, chọi gà, còn có những sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ, thi đấu các môn thể thao...  Các hoạt động tưởng niệm như tế lễ, lễ hội diễn ra tại di tích không những thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam mà còn là những hình thức bảo lưu độc đáo bản sắc văn hóa của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống, khởi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Sự hiện diện của Đền cùng với các tài liệu lịch sử, hiện vật quý còn lưu giữ tại di tích, như: chuông đồng, bia đá, thần phả, long ngai, bài vị, câu đối, ... là những bằng chứng chân thực, có giá trị lớn về lịch sử, không những cho chúng ta hiểu biết thêm về thân thế, công lao, hành trạng của các nhân vật được thờ tại di tích, phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ phụng, truyền thống trọng đạo của nhân dân đối với người có công với dân, với nước mà còn cho chúng ta hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội, đời sống văn hóa, ý chí đấu tranh cách mạng của một vùng quê ven biển xã Tiến Thủy trên con đường xây dựng và phát triển.

Với những giá trị về lịch sử - văn hoá, về nhân vật thờ, công trình kiến trúc cổ kính, linh thiêng, đền Chính, xã Tiến Thủy xứng đáng được UBND tỉnh Nghệ An tôn vinh là Di tích Lịch sử -Văn hoá năm 2006.

Hồ Thanh Khương

Top