Di sản văn hóa Đất Tổ: bảo tồn và phát huy giá trị

Lễ hội Đền Hùng là lễ hội đứng đầu hàng dọc trong phức hệ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ hàng ngàn năm nay ngày Giỗ Tổ đã trở thành quốc lễ. Hội Đền Hùng thực sự là hội dân, hội nước; ngày Giỗ Tổ chung để đồng bào Việt Nam hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên và tiếp nhận sức mạnh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Văn hóa là sản phẩm trong quá trình hoạt động sáng tạo của con người nhằm vươn tới những đỉnh cao giá trị Chân- Thiện- Mỹ. Các sản phẩm sáng tạo văn hóa bao giờ cũng chứa đựng sự kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần. Chính các sản phẩm kết tinh giá trị ấy được gọi là di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hoá nêu rõ: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa chính là cội nguồn của bản sắc văn hóa dân tộc; là một bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người trong đó di tích lịch sử văn hóa là phần biểu hiện mang giá trị tiêu biểu nhất của kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới; điều quan trọng là cộng đồng phải hiểu biết pháp luật, nhận biết được di sản, xác định được vai trò của di sản trong đời sống đương đại và có ý thức đối xử tốt với di sản văn hóa. Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Cổng đền Hùng (Ảnh: TL)

Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học, bao gồm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết; được truyền dạy bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn,  diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, về trang phục truyền thống và những tri thức dân gian khác.

Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản vì lợi ích của toàn xã hội, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc; góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm giàu kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 Đảng và Nhà nước ta đã giành sự quan tâm đặc biệt tới việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Vấn đề huy động rộng rãi lực lượng xã hội tham gia bảo vệ , phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc luôn là nội dung quan trọng trong các chủ trương của Đảng về văn hóa như : “Xây dựng một nền văn hóa theo hướng dân tộc- khoa học- đại chúng”; “Xây dựng một nền văn hóa với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc”; “ Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng về di sản văn hóa, ngay sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 23-11-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL quy định việc bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Năm 1957 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 519/TTg quy định về bảo tồn cổ tích. Năm 1984  Nhà nước ban hành Pháp lệnh bảo vệ và phát huy di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; năm 2001 ban hành Luật Di sản văn hóa, năm 2009 ban hành Nghị quyết sửa đổi một số điều Luật Di sản văn hóa...Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Đảng và nhà nước ta càng quan tâm hơn và đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Đền Hạ (Ảnh: TL)

Ngày 24-2-2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg lấy ngày 23-11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Từ đó, ngày này đã trở thành ngày hội tôn vinh di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam .

2. Di sản văn hóa Đất Tổ là một chỉnh thể thống nhất không thể tách rời giữa di tích bất động sản và di tích động sản (di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể); giữa môi trường nhân văn và môi trường thiên nhiên (di sản thiên nhiên).

Theo hồ sơ quản lý của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tới đầu năm 2012 tỉnh Phú Thọ đã kiểm kê được 1.372 di tích lịch sử văn hóa gồm 161 di tích khảo cổ học, 262 chùa, còn lại là di tích kiến trúc hoặc dấu vết kiến trúc và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Trong số đó có di tích Đền Hùng được xếp hạng quốc gia đặc biệt và 73 di tích được xếp hạng quốc gia; 12 di tích lịch sử, 207 di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng cấp tỉnh. Có 260 lễ hội, gồm 223 lễ hội dân gian, 5 lễ hội tôn giáo, 32 lễ hội cách mạng; hiện còn 47 lễ hội đang được duy trì hoạt động thường niên. Hát Xoan Phú Thọ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tháng 11 năm 2011. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác đang được nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến và truyền dạy nhằm trao truyền di sản cho các thế hệ mai sau.

Di sản Văn hóa Đất Tổ được nhận biết ở các cấp độ khác nhau: cá nhân, gia đình, làng xã, quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế....Song vai trò làng xã và cộng đồng dân cư là không gian và môi trường quan trọng nhất để hình thành, phát triển, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: “Làng xã là một trong ba trụ cột của văn hóa Việt: Gia đình- Làng- Nước”. Đó là địa bàn để nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa, nơi để những người dân tự do sáng tạo, duy trì và phổ biến truyền dạy các giá trị văn hóa từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định và khuyến nghị: Di sản văn hóa là cái gốc của văn hóa dân tộc, nếu đánh mất di sản văn hóa thì dân tộc đó sẽ mất gốc.

Chùa Thiên Quang với cây vạn tuế 700 tuổi (Ảnh: TL)

Hiện nay cả nước có 7.966 lễ hội (trong đó 7.039 lễ hội dân gian; 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội có nguồn gốc nước ngoài du nhập đến, còn lại là các lễ hội khác.  Với hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội đang hiện hữu trên quê hương Đất Tổ đã góp phần khẳng định di sản văn hóa Việt Nam là điểm hội tụ và là sự kết tinh của văn hóa cộng đồng, không chỉ là tài sản văn hóa đặc biệt của nhân loại, mà còn là một tài nguyên du lịch độc đáo.

Năm 1977 khi thăm Đền Hùng, Tổng Bí thư Lê Duẩn mong muốn “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và để cả nước hướng về Đền Hùng”. Đó là định hướng lớn để chúng ta ngày nay đầu tư, tôn tạo và xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh; điểm tựa tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam và là điểm đến trong chương trình du lịch quốc gia thiên niên kỷ.

Lễ hội Đền Hùng là lễ hội đứng đầu hàng dọc trong phức hệ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ hàng ngàn năm nay ngày Giỗ Tổ đã trở thành quốc lễ. Hội Đền Hùng thực sự là hội dân, hội nước; ngày Giỗ Tổ chung để đồng bào Việt Nam hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên và tiếp nhận sức mạnh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân Việt Nam về Đền Hùng thắp hương viếng Tổ ngày càng tăng nhiều hơn, năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2012 có khoảng gần 6 triệu lượt người đến với Lễ hội Đền Hùng và chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Có thể nói, Lễ hội Đền Hùng là điểm nổi nét trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Niềm tin có thể bị đẩy lùi, song Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn mãi thiêng liêng trang trọng và thành kính trong ký ức của mỗi người, từ cá nhân riêng biệt. Đó là điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết- điểm nút của sự cấu kết cộng đồng, có tác dụng giáo dục truyền thống sâu sắc, tôn vinh giá trị di sản văn hóa, cân bằng đời sống tinh thần- tâm linh và tín ngưỡng; đáp ứng nhu cầu hướng về cội nguồn; sáng tạo văn hóa và cao hơn cả là điểm tựa tinh thần của dân tộc Việt nam.

Đền Trung (Ảnh: TL)

Tâm thức nguồn cội, nghĩa “Đồng bào ”được con cháu các Vua Hùng dùng làm chất keo đặc biệt gắn kết mọi thành phần xã hội; từ người dân lao động, các bậc trí thức tới các đồng chí lãnh đạo chính quyền các cấp, các địa phương, dân tộc khắp mọi miền đất nước. Tâm thức ấy chính là cội nguồn của lòng yêu nước, thương nòi; là sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam:

“Đã công cả, mở mang trời đất

Lại ân sâu, chứa chất giống nòi

Non cao, sông rộng đời đời

Cháu con đội đức, người người thấm ân”

Ngày 11-7-2007, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố luật sửa đổi bổ sung điều 73 của Bộ Luật Lao động nước CHXHCNVN. Theo đó người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hàng năm.

 Di sản văn hoá Đền Hùng là biểu tượng văn hóa cội nguồn của dân tộc, đã thấm sâu vào tâm thức người Việt và trở thành cái “trác tuyệt” trong văn hóa tâm linh Việt:

-  “Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ về giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

-“Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà vẫn quay về Đất Tổ

Văn minh đương buổi mới,con Hồng,cháu Lạc, giống nòi còn biết khấn mồ ông”.

3. Di sản văn hóa không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Di sản văn hóa là một lĩnh vực được quan tâm đặc biệt, huy động được nhiều sự đóng góp của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị. Nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương đã ban hành các văn bản về quản lý di sản. Nhiều đề tài khoa học, nhiều dự án quy hoạch được thực hiện; nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian được khôi phục, bảo tồn, khai thác và phát huy; một số di sản văn hóa phi vật thể nằm ở tầng sâu của văn hóa dân gian đã được nghiên cứu, khôi phục và trở thành di sản văn hóa thế giới như: hát Xoan Phú Thọ và hát Ca trù Việt Nam…

Đền Thượng (Ảnh: TL)

Hiện nay,  công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn nhiều bất cập. Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích lịch sử vẫn còn ở mức báo động; việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả; sự hạn hẹp về kinh phí để bổ sung hiện vật cho bảo tàng; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng lấn chiếm di tích, danh lam, thắng cảnh vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời; hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời…

Vẫn biết rằng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhiệm vụ của toàn dân, toàn xã hội song ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Di sản văn hóa các cấp sẽ có vai trò to lớn trong việc phổ biến, giáo dục khoa học nâng cao trách nhiệm của nhân dân và huy động nguồn lực trong cộng đồng tham gia sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Bằng các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ như: kiểm kê phổ thông di sản văn hóa, lựa chọn, lập hồ sơ xếp hạng di sản văn hóa (cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh); khai quật các di tích khảo cổ học; trùng tu, tôn tạo, khôi phục di tích lịch sử; nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các sưu tập hiện vật trưng bày trong bảo tàng; nghiên cứu giá trị khoa học các di sản; tổ chức lễ hội truyền thống; tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa; nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, truyền dạy và phổ biến; lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử... nhằm đưa tài nguyên di sản văn hóa thành những sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo của nhân dân; đồng thời đưa tiềm năng giá trị di sản văn hóa thành những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng thực sự hấp dẫn du khách, làm cho những di sản văn hóa không những chỉ là tài sản vô giá của dân tộc mà còn trở thành tài nguyên để phát triển du lịch đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế xã hội; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Lăng Hùng Vương (Ảnh: TL)

Đền tổ mẫu Âu Cơ (Ảnh: TL)

Di sản văn hóa là một bộ phận cực kỳ quan trọng của nền văn hóa dân tộc; là chứng tích cho sự phát triển của cộng đồng. Nhân dân lao động vừa là chủ nhân, vừa là lực lượng nòng cốt để xây dựng nên kho tàng di sản văn hóa ấy. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn dân và của cả xã hội.

Phạm Thị Nga

Top