Di sản Phú Thọ trong tiến trình hội nhập và phát triển

Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam, Phú Thọ luôn được coi là cái nôi của nền văn hóa cổ truyền với hệ thống di sản vô cùng phong phú và đa dạng. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, với chủ trương hội nhập quốc tế đa phương hóa, đa dạng hóa, vấn đề bảo tồn, gìn giữ hệ thống di sản ở Phú Thọ lại càng được chú trọng và đặc biệt quan tâm.

Từ nhiều đời nay, các thế hệ dân Việt Nam luôn hướng đến một điểm tựa tâm linh. Điểm tựa đó trở thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc: thờ tự Vua Hùng. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay, các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là nơi tiến hành tín ngưỡng truyền thống độc đáo đó. Núi Hùng cao nhất trong các ngọn núi ở nơi đây, tạo nên vùng đất thiêng “tam sơn cấm địa”. Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch. Sự ra đời và tồn tại lâu đời của truyền thuyết Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng cùng tín ngưỡng giỗ tổ là sự khẳng định niềm tin cùng truyền thống dựng nước và giữ nước muôn đời của dân tộc Việt Nam. Đây là lễ hội mang tính chất tâm linh lớn nhất. Con cháu trên khắp mọi miền  Tổ quốc trở về với lòng thành kính dâng lên tổ tiên lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng. Tín ngưỡng này xuất phát từ đạo lý và truyền thống của dân tộc: lòng yêu nước, kiên cường bất khuất hướng về cội nguồn. Lễ hội Đền Hùng đã tái hiện một phần nào đó trong truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng luôn được coi là trung tâm văn hóa tâm linh của người Việt từ xưa cho đến nay.

Trong hành trình tìm về miền di sản Phú Thọ, bên cạnh Đền Hùng và Lễ hội Đền Hùng, chúng ta không thể không nhắc đến hệ thống các di sản vật thể và phi vật thể. Nơi đây còn lưu giữ và bảo tồn một khối lượng lớn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc.

Lễ hội Đền Hùng – nét văn hóa nổi tiếng của Phú Thọ. (Ảnh: TL)

Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay còn 1.372 di tích và các điểm đến liên quan đến di tích. Có 291 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng, 72 di tích cấp quốc gia, 281 di tích cấp tỉnh. Số lượng di tích được xếp hạng tăng lên đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng là cơ sở để bảo tồn không gian văn hóa, gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể.

Hệ thống các di tích khảo cổ cũng là một trong những điểm nhấn trong hệ thống di sản của miền đất tổ. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 161 di tích khảo cổ học thuộc các giai đoạn văn hóa từ thời kỳ đồ đã cũ (văn hóa Sơn Vi cách ngày nay 30.000 đến 10.000 năm) tới thời kỳ đồng thau sắt sớm, tương ứng với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang: văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay 4.000 đến 3.500 năm), văn hóa Đồng Đậu (cách ngày nay 3.000 đến 3.500 năm), văn hóa Gò Mun (cách ngày nay 3.000 đến 2300 năm), văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2.000 đến 2.700 năm). Các di tích khảo cổ trên phản ánh quá trình phát triển của người Việt cổ từ thời kỳ dựng nước, đồng thời hệ thống các di tích khảo cổ trên là minh chứng cho sự tồn tại của Nhà nước Văn Lang - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của người Việt cổ.

Hội Bơi chải Bạch Hạc trên sông Lô (Ảnh: TL)

Cùng với hệ thống di sản văn hoá vật thể như các di tích, đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Phú Thọ còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, hèm tục, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực... mang đậm nét sắc thái văn hóa cổ truyền. Trong đó, hệ thống các lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đậm nét, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân miền Đất Tổ từ nhiều đời nay. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay Phú Thọ có khoảng 260 lễ hội, trong đó có có 223 lễ hội dân gian, có 92 lễ hội được bảo tồn, lưu giữ hoàn chỉnh cả phần lễ - hội - trò diễn ở các địa phương, 43 lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm và trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ. Có rất nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Hội Trò Trám Tứ Xã, Hội Phết Hiền Quan, Hội Bơi chải Bạch Hạc, Hội Xoan Kim Đức - Phượng Lâu, Hội Rước voi Đào Xá, Hội Giã bánh giầy Mộ Chu Hạ, Hội Nấu cơm thi Gia Dụ.... Bên cạnh các lễ hội là các trò chơi, trò diễn dân gian đa dạng, đặc sắc, phản ánh cuộc sống sinh hoạt cũng như đời sống văn hóa của cư dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Phú Thọ còn có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như: Dân ca Xoan, Ghẹo, Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Chàm thau, Đâm đuống, Múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Chuông, múa chim Gâu xúc tép... của đồng bào các dân tộc, truyện kể dân gian như truyền thuyết Hùng Vương, truyện cười Văn Lang. Về ẩm thực, trên địa bàn tỉnh có các món ăn đặc sắc của các dân tộc như: xôi ngũ sắc, lợn thui, cá đốt, bánh tai, bánh chưng bánh giầy... đã khẳng định thêm một lần nữa những dấu tích, văn hóa, tín ngưỡng, cuộc sống cũng như phong tục tập quán đa dạng và phong phú của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Hát Trống quân (Ảnh: TL)

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phú Thọ là địa phương đã và đang sở hữu hệ thống di sản phong phú và đa dạng. Hệ thống di sản trên địa bàn tỉnh không chỉ là tài sản vô giá, là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung. Đặc biệt, có hai di sản của tỉnh Phú Thọ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (viết tắt là UNESCO) công nhận và vinh danh:

Ngày 24-11-2011, UNESCO đã công nhận Hát Xoan - Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình hay Ca môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng Đất Tổ Hùng Vương - Phú Thọ. Với sự vinh danh của Tổ chức UNESCO, Hát Xoan đã vượt qua không gian văn hóa Phú Thọ để đến với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cả nhân loại trên toàn thế giới. Sự kiện này chứng tỏ rằng Hát Xoan - Phú Thọ qua ngàn đời vẫn tiềm tàng sức sống.

UNESCO đã công nhận Hát Xoan - Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. (Ảnh: TL)

Tiếp theo đó, ngày 6-12-2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ. Đây là hiện tượng văn hóa mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được.

Ngày nay, khi đất nước đang trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, hơn lúc nào hết, dân tộc ta cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu. Thực hiện chủ trương “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng, Phú Thọ - miền đất với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và mang đậm những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc đã và đang có những biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy và gìn giữ hệ thống di sản vô cùng quý giá đó.

Hà Kế San

Top