Đền Trường Tạ trong tâm thức của người dân Thành phố Vinh
Theo gia phả họ Nguyễn ở Yên Trường thì Nguyễn Viết Nhung là hậu duệ đời thứ 4 của Phượng Quận công Nguyễn Địch Sầm, là cháu đời thứ 23 của Khởi tổ Nguyễn Bặc đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Quê gốc của Nguyễn Viết Nhung thuộc làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Ông sinh năm Mậu Dần (1578) vào đời Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng (1578 - 1599). Năm 1593, cuộc chiến tranh Trịnh Mạc đến hồi kết thúc, chiến thắng thuộc về chính quyền Lê Trịnh. Lúc này Vua Lê Thế Tông đã rời Yên Trường - kinh đô kháng chiến Vạn Lại, Thọ Xuân - Thanh Hóa về Thăng Long. Gia đình Nguyễn Viết Nhung cũng theo Vua xa giá về kinh. Mặc dù được sống với gia đình ở Thăng Long, có điều kiện theo nghiệp đèn sách, song ông không theo con đường hoan lộ, công danh như các thế hệ cha ông mà chọn lập nghiệp ở vùng đất mới nơi miền xa xôi của đất nước.
Rời kinh đô Thăng Long, Nguyễn Viết Nhung đã đi về phương Nam, đến vùng đất Nghệ An, ông phát hiện ra vùng đất Vĩnh Yên thực sự là mảnh đất có hình thế tươi sáng, rộng rãi, bằng phẳng,… nên Ông quyết dừng chân lưu lại nơi đây, chiêu dân lập ấp, khai phá đất đai, xây dựng xóm làng. Cũng theo Gia phả họ Nguyễn Yên Trường cho biết, lúc đầu Nguyễn Viết Nhung dừng chân ở vùng đất Mai Am một thời gian, sau đó ông di chuyển đến xứ Mã Hàn (nay thuộc phường Hồng Sơn và Vinh Tân, thành phố Vinh) và sinh sống ở đây hơn nửa thế kỷ. Bằng ý chí quyết tâm và trí tuệ, ông đã cùng nhân dân khai phá đất đai, xây dựng thành một khu vực dân cư, xóm làng đông vui, lấy tên là Yên Trường để tưởng nhớ mảnh đất Yên Trường - Kinh đô kháng chiến ở Thanh Hóa nơi gia đình ông từng sinh sống, gồm 5 làng: Nam Khang, Đông Yên, Trung Mỹ, Yên Thịnh, Phú Lộc.
Nguyễn Viết Nhung mất ngày 10-4-1658 đời Vua Thần Tông, niên hiệu Thịnh Đức (1653 - 1658), thọ 80 tuổi. Sau khi mất, dân làng vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ phụng, tôn ông làm Thành hoàng ở các thôn, làng mà ông có công khai phá như: làng Trung Mỹ, Nam Khang, Đông Yên… Các triều đại đều ban sắc phong cho ông là Bản cảnh thành hoàng, báo ứng tôn thần với mỹ tự: Đôn ngưng tôn thần.
Nguyễn Viết Phú hiệu Đa Văn là con trai thứ 2 của ông Nguyễn Viết Nhung và bà Đậu Thị Chức. Ông sinh vào đời Vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định (1601 - 1619). Lúc nhỏ là người thông minh, học giỏi, có chí hơn người. Hai mươi tuổi ông đỗ Hương cống. Năm Dương Hòa (1635 - 1643) đời Lê Thần Tông, ông dự kỳ thi Hội trúng Tam trường (tương đương với Phó bảng Thời Nguyễn). Sau khi đỗ Tam Trường ông được Triều đình bổ nhiệm làm quan ở đạo Kinh Bắc, giữ chức Hình phó Hiến sát sứ sau đó là Hiệp sát Phó sứ được phong tước nam (Quế Lĩnh nam). Đến năm 70 tuổi, ông nghỉ hưu và trở về quê hương an dưỡng tuổi già.
Trong thời gian an trí tuổi già ở quê hương, tiếp tục sự nghiệp của cha mình, ông đã củng cố mở mang quê hương ngày càng trở nên thịnh vượng, trù phú. Sau khi ông qua đời, vì có công với nước với dân, Nguyễn Viết Phú đã được nhân dân lập đền thờ phụng. Đời Vua Thành Thái có sắc phong ông: “Bản cảnh thành hoàng Lê triều Hương cống, án sát sứ hầu Quế Lĩnh nam, Nguyễn Quý công, dực bảo trung hưng linh phù chi thần”. Bên cạnh đó đền còn là nơi phối thờ các vị thần có công với đất nước, nhân dân.
Ngoài ra, đền Trường Tạ còn là địa điểm in đậm nhiều dấu ấn gắn với quá trình phát triển của địa phương cũng như đất nước. Trong những năm chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là những năm 1930 - 1931, đền Trường Tạ là nơi hội họp của Chi bộ Đảng Hàng Cá và cũng là nơi in ấn tài liệu bí mật của Xứ ủy Trung kỳ. Bước vào giai đoạn kháng chiến 1945 - 1954, “thực hiện tiêu thổ kháng chiến” lúc bấy giờ một số đền, miếu trong vùng đều bị tháo dỡ phục vụ kháng chiến nhưng do đền Trường Tạ là một ngôi đền có vị trí kín đáo, có lợi cho hoạt động cách mạng của Đảng. Vì vậy, Đền trở thành nơi hội họp, nơi mở học xóa nạn mù chữ và là nơi tiễn đưa con em lên đường nhập ngũ. Đặc biệt, vào những ngày đầu tháng 8 năm 1951, tại đền Trường Tạ, đã diễn ra sự kiện quan trọng, đó là Đại hội lần thứ II của Liên Chi bộ Đảng (Đảng Cộng sản) thị xã Vinh trực thuộc Tỉnh ủy Nghệ An. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền Trường Tạ là nơi đặt máy thông tin 15W của Tỉnh đội Nghệ An và là nơi đóng quân của bộ đội địa phương. Năm 1972, Đền đã bị máy bay Mỹ ném bom làm hư hỏng gần như hoàn toàn, song đến nay ngôi đền đã được phục hồi, tôn tạo lại và trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương. Với những giá trị ý nghĩa lịch sử đó đền Trường Tạ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử tại Quyết định số 1978/ QĐ. UBND. VX ngày 6-6-2012.
Nguyễn Trọng Cường