Đền Lưu Ly: Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố
Đền Lưu Ly tọa lạc tại thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội, một vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều yếu tố thuận lợi về tự nhiên và con người. Nơi đây có vị trí được đánh giá là “Tọa sơn vọng thủy” - đầu gối núi Bạch Tuyết, chân thoải xuôi theo hướng sông Đáy. Giữa vùng đất phong thủy hữu tình ấy, Đền Lưu Ly hiện ra uy nghi, đẹp đẽ, tựa như chiếc cốc ngọc quý của tạo hóa, có lẽ chính bởi cái tứ sâu xa ấy mà đền có tên là Lưu Ly.
Nơi đây lưu giữ nhiều sự tích, giai thoại độc đáo về những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử. Trong số các giai thoại đó, không thể không nhắc đến câu chuyện về tướng công Lý Phục Man và bãi cát tắm voi thời Tiền Lý; đặc biệt là câu chuyện về Tứ bất tử trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Các câu chuyện đều hướng tới nội dung ca ngợi tinh thần nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn về hoàn cảnh, thử thách, chiến thắng cái ác, hướng vọng con người đến những giá trị nhân sinh quan tốt đẹp. Sự ra đời cũng như phát triển của Đền Lưu Ly là minh chứng, là biểu tượng tổng hòa cho các giá trị văn hóa và tinh thần tốt đẹp trên.
Ngoài giá trị lịch sử, Đền Lưu Ly còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo khác, điển hình là kiến trúc xây dựng và cách bài trí gian thờ tự theo yếu tố: Thiên, Địa, Nhân. 3 tầng Đền thờ đầy đủ các vị tinh quân trong văn hóa thờ tự và tín ngưỡng của người Việt. Các pho tượng ngự tọa trong Đền đều được làm bằng chất liệu đá cẩm thạch có giá trị cao, tượng sơn son thếp vàng do các nghệ nhân điêu khắc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tạo tác
Bên cạnh đó, Đền là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn xướng, khảo sát nghiên cứu Chầu văn. Đền đã nhiều lần tổ chức các Liên hoan Nghi lễ Chầu văn, góp phần chắt lọc những tinh hoa trong nghệ thuật Chầu văn, đồng thời loại bỏ những biến tướng của nghi lễ này.
P.V