Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lễ hội

Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là sản phẩm văn hóa do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Nghiên cứu lễ hội truyền thống dân tộc Việt Nam chúng ta thấy: Từ xa xưa tuyệt đại bộ phận người Việt sống ở làng và hầu như làng nào cũng có hội. Hội là của làng, dân làng định ra lễ hội và là người tổ chức nên toàn bộ lễ hội. Lễ hội là trung tâm thể hiện ý thức cộng đồng làng xóm và là trung tâm tích tụ văn hóa nghệ thuật của cộng đồng làng xã, xuất phát từ nhu cầu sống, từ sự tồn tại và phát triển của làng. Với cộng đồng làng xã, lễ hội không chỉ là môi trường cộng cảm văn hóa mà còn là môi trường nhập thân và trao truyền văn hóa giữa các thế hệ để không những đảm bảo sự cộng cảm văn hóa của các thành viên mà còn là đảm bảo sự thống nhất văn hóa cộng đồng giữa thế hệ này và thế hệ khác.

Hội làng là dịp tập trung phô diễn những sinh hoạt văn hoá cộng đồng từ múa hát giao duyên, ca trù, sân khấu chèo,  tuồng, hát dân ca, cải lương..., các hội thi đua tài, đua sức qua các trò võ, vật, đua thuyền, kéo co, đẩy gậy, chọi gà, đấu cờ... vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho lễ hội, từ đó hun đúc nên tài năng, trí thông minh, tài khéo léo, sức khoẻ. Trong dịp lễ hội như vậy, mọi người đều có ý thức tự giác vừa tham gia, vừa trình diễn, sáng tạo, lại vừa thưởng thức và hưởng thụ.

Từ một vài nét khái quát về hội làng truyền thống nêu trên, chúng ta có thể thấy tính cộng đồng (hay còn gọi là tính chất xã hội hoá) trong lễ hội được phát huy tối đa. Lễ hội do dân làng định ra, do dân làng tổ chức và chính họ tham gia vào tất cả các quá trình của lễ hội. Do cơ chế đó cho nên lễ hội dân gian truyền thống có sức lan toả mãnh liệt. Trong một thời gian dài, trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, xã hội. Các lễ hội truyền thống ở Việt Nam nói chung, ở Quỳnh Lưu nói riêng đã bị mai một dần do nhiều nguyên nhân như: chiến tranh, nhận thức, khó khăn về kinh phí; sự tác động của quá trình giao lưu văn hóa và kinh tế trong cơ chế thị trường...

Lễ hội Kỳ phúc (Quỳnh Ðôi). Ảnh: internet

Từ Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VI, vấn đề văn hóa ngày càng được quan tâm. Ðến các kỳ Ðại hội toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X đã đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế- xã hội. Ðảng đã khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội”, đồng thời xác định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với việc đổi mới tư duy về văn hóa và hưởng ứng chủ trương của UNESSCO, Ðảng và Nhà nước ta đã có các chủ trương để xây dựng và phát triển nền văn hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều lễ hội dân gian truyền thống được khôi phục như: Lễ hội Kỳ phúc (Quỳnh Ðôi), Lễ hội đền Thượng (Quỳnh Nghĩa), Lễ hội đền Cồng (Quỳnh Hưng)...; và nhiều lễ hội mới được hình thành như: Lễ đón nhận Bằng đơn vị văn hoá, làng văn hóa, Lễ hội Làng Sen, Lễ hội đón nhận Bằng di tích lịch sử- văn hóa,...các hoạt động lễ hội đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi và yên bình, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội.

Ðể làm tốt công tác xã hoá hoạt động lễ hội thì trước hết cần phải xã hội hoá nhận thức về nội dung “xã hội hoá”. Tức là chúng ta phải làm cho tất cả các cấp, các ngành và từng thành viên trong cộng đồng hiểu thế nào là xã hội hoá hoạt động lễ hội. Như vậy, xã hội hoá các hoạt động thực chất là xã hội hoá quyền tổ chức, điều hành, tham gia hoạt động lễ hội theo hướng đa dạng hoá chủ thể quản lý, nhằm thu hút đông đảo các lực lượng xã hội, các tập thể, cá nhân đứng ra, tham gia tổ chức các hoạt động lễ hội theo sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước.

Từ nhận thức trên, thực tế công tác xã hội hoá ở Quỳnh Lưu thể hiện nổi bật nhất là vai trò và sự chủ động tham gia của người dân. Người dân đến với lễ hội, tham gia vào lễ hội như là một nhu cầu tự thân và công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động lễ hội ở Quỳnh Lưu diễn ra nghiêm túc theo đúng Quy chế của Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Các loại hình lễ hội: lịch sử cách mạng, dân gian truyền thống địa bàn đều hoạt động đúng quy định của cấp trên. Lễ hội thực sự là sân chơi bổ ích làm cho tâm hồn mọi người thanh thản, tạo dựng niềm tin vào nghị lực và ý chí của mình, tạo cho mình thấm nhuần hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội đã thu hút được nhiều tầng lớp, mọi giới tham gia, vừa tự giác, vừa thành tâm, không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan. Ðiểm nổi bật ở lễ hội truyền thống tại Quỳnh Lưu đã đạt mức xã hội hoá cao. Nhân dân đã đóng góp công đức hàng trăm triệu đồng để tu bổ di tích, mua sắm, khôi phục đồ tế khí, hàng ngàn ngày công để luyện tập, tham gia lễ hội; công tác quản lý nhà nước về lễ hội được quan tâm đúng mức.

Lễ hội đền Cồng (Quỳnh Hưng). Ảnh: internet

Thông qua lễ hội, nhân dân phấn khởi, tích cực hăng hái thi đua lao động sản xuất, làm giàu chình đáng; an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Lễ hội đã thực sự là thành luỹ đề kháng không để các tệ nạn xã hội xâm nhập, lây lan. Nét nổi bật trong lễ hội là tập tục cổ truyền tốt đẹp được lưu giữ, hoạt động văn hoá truyền thống được khơi dậy, các trò chơi thể thao truyền thống được phục hồi, là nơi giao lưu tình cảm, giao lưu văn hoá - thể thao của cộng đồng, thu hút được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia, Họ tâm niệm rằng, đến với lễ hội, là đến với cội nguồn...Sự thành công của công tác xã hội hoá trong hoạt động lễ hội, trước hết phải nghĩ đến tính tích cực, chủ động, tự giác của người dân, của cả cộng đồng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời ngành VHTT-DL chủ động vào cuộc sớm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong ban tổ chức, các tiểu ban, làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo... kết thúc các đợt lễ hội đều có tổ chức họp tổng kết đúc rút kinh nghiệm, khen thưởng động viên kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác tổ chức quản lý lễ hội còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục đó là: chưa định hình được bản sắc riêng, chưa khai thác hết tiềm năng những giá trị văn hoá dân tộc trong nhân dân như các trò chơi dân gian, các tích diễn dựa vào truyền thuyết. Phần hội chưa thực sự đổi mới, chưa hấp dẫn, hình thức và nội dung chậm cải tiến, cơ sở hạ tầng của các điểm lễ hội chưa đầu tư đúng mức, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, việc tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa lịch sử của các di tích và nhân vật thờ đối với nhân dân, khách thập phương chưa nhiều.

Lễ hội Làng Sen. Ảnh: internet

Từ thực trạng trên, chúng tôi nghĩ rằng, để lễ hội ở Việt Nam nói chung, ở Quỳnh Lưu nói riêng phát triển đúng theo quy luật khách quan thì cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội. Ðể làm được việc này cần phải:

1/  Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho nhân dân nhận thức đúng về ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội và công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội. Nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức, hướng dẫn hoạt động lễ hội cho đội ngũ cán bộ chuyên môn các cấp.

2/  Những lễ hội có tính chất dân gian nên để cho nhân dân trong vùng, địa phương tổ chức, điều hành. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ một số khâu về chuyên môn và kinh phí tổ chức lễ hội.

3/  Nhà nước cần đầu tư vào việc nghiên cứu, tìm hiểu đặc trưng văn hóa, truyền thống, phong tục của nhân dân trong vùng để lựa chọn phục hồi một số nghi lễ, các trò chơi dân gian, dân ca- dân nhạc- dân vũ của các vùng miền, địa phương đó và đưa những đặc trưng đó trở thành các trò chơi, cuộc đấu trong lễ hội.

Thanh Khương

Top