Đàu tư nâng cấp hệ thống trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia 2011 - 2016
Trước yêu cầu phải trưng bày giới thiệu một phần sưu tập bảo vật hoàng cung - một sưu tập vốn có yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh, an toàn cho hiện vật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đầu tư 06 tủ trưng bày hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có các tính năng bảo mật, an toàn, chiếu sáng sử dụng sợi quang. Trưng bày đã diễn ra thành công tốt đẹp, các hiện vật được đảm bảo tuyệt đối an toàn; Cũng từ đó, những sưu tập hiện vật quý, có giá trị kinh tế lớn của Bảo tàng lần lượt được giới thiệu tại Phòng Trưng bày chuyên đề như các trưng bày: Rồng trên cổ vật, Cổ ngọc Việt Nam, Tượng gốm cổ Việt Nam, Trầu cau, Trang sức cổ Việt Nam, Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu, Kim sách Việt Nam...
Văn hóa Óc Eo - một khoảng trống trong hệ thống trưng bày chính của BTLSQG, năm 2011 - 2012, Bảo tàng đã đầu tư cải tạo Phòng Trưng bày Văn hóa Óc Eo - Phù Nam, đồng thời đầu tư các trang thiết bị tủ trưng bày hiện đại, đạt tiêu chuẩn. Việc đầu tư này đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm phong phú và tăng tính hấp dẫn cho trưng bày của Bảo tàng, được các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây cũng là lần đầu tiên, một trưng bày của Bảo tàng được đầu tư với nguồn vốn tương đối thích hợp với quy mô, yêu cầu với các tủ trưng bày đảm bảo an toàn tuyệt đối, hệ thống chiếu sáng công nghệ cao sử dụng sợi quang, đóng mở bằng động cơ điện; Các hiện vật gỗ vốn nhạy cảm với môi trường nhiệt độ, độ ẩm được trưng bày trong các tủ kính có hệ thống điều hòa không khí, độ ẩm tuần hoàn hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
BTLSQG số 216 Trần Quang Khải.
Để phục vụ tốt cho yêu cầu tổ chức các trưng bày chuyên đề trước mắt cũng như lâu dài, mở ra khả năng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận các sưu tập hiện vật của nước ngoài, việc đầu tư những trang thiết bị trưng bày mới đạt tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đầu tư 09 tủ trưng bày dạng tủ dàn trưng bày lớn đạt chuẩn quốc tế cho phòng trưng bày chuyên đề 25 Tông Đản. Ngay sau khi có sự đầu tư, nâng cấp này, hàng loạt những trưng bày chuyên đề quan trọng đã được tổ chức tại địa điểm này: Di sản văn hóa Biển Việt Nam, Di sản Phật giáo Việt Nam, Châu Á - những sắc màu văn hóa, Tranh cổ động giai đoạn 1946 - 1954, Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viễn Đông Bác cổ, đặc biệt phối hợp với Bảo tàng Kyushu, Nhật Bản tổ chức thành công trưng bày chuyên đề Văn hóa Nhật Bản. Những phương tiện, thiết bị này đã được phía Nhật Bản đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp để trưng bày, bảo quản những cổ vật quý hiếm, trong đó có những bảo vật quốc gia của Nhật Bản.
Bên cạnh các tủ trưng bày đạt chuẩn, hệ thống bục bệ sử dụng trong các phần trưng bày cũng được dùng những vật liệu mới: thép hay gỗ bọc vải free acide, bục bệ bằng mica phun cát mờ, bằng chất liệu mica hay pha lê nguyên khối. Đặc biệt đối với những hiện vật nhỏ, tinh xảo như vàng, kim loại quý, đồ trang sức, các bục bệ thường được thiết kế, đặt hàng thi công cắt theo tạo hình bằng máy CNC, giúp cho các khối hình bục bệ trở lên chau chuốt, tinh xảo, khiến cho hiện vật khi được đặt lên những bục bệ này trở lên trang trọng gấp nhiều lần.
Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cũng được chú ý đầu tư nâng cấp. Hệ thống trưng bày tại cơ sở số 1 Tràng Tiền gồm có 2 bộ phận: Phần chiếu sáng trưng bày ngoài tủ và các hiện vật thể khối lớn được đầu tư đèn halogen của hãng Erco với các filter, kính lọc có khả năng chống tia UV, mặt khác được lắp trên hệ thống ray chạy sát trần, khoảng cách chiếu đến hiện vật tương đối xa, nên vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu về mỹ thuật cũng như bảo quản; Hệ thống chiếu sáng thứ 2 trong các tủ trưng bày bằng các công nghệ chiếu sáng truyền thống như bóng đèn chiếu rọi halogen sợi đốt, đèn huỳnh quang, đèn huỳnh quang compact. Hệ thống chiếu sáng này có tuổi thọ thấp, một mặt đang hỏng hóc xuống cấp, một mặt do công nghệ chiếu sáng cũ phát ánh sáng hồng ngoại nên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng của các hiện vật, thậm chí làm phai màu, cong vênh, phá hủy hiện vật. Trong năm 2016, một dự án thay thế các bóng đèn led trong các tủ trưng bày cũng đang được gấp rút triển khai thực hiện.
Hệ thống trưng bày tại cơ sở 25 Tông Đản, trước đây được chiếu sáng bằng các công nghệ chiếu sáng truyền thống, năm 2012, Bảo tàng đã thay thế bằng hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED có tuổi thọ cao hơn, tiết kiệm điện hơn, chất lượng ánh sáng tốt hơn và đặc biệt không phát ra tia tử ngoại, hồng ngoại đảm bảo an toàn cho hiện vật, đặc biệt với các hiện vật hữu cơ như giấy, vải.
Các trang thiết bị muntimedia phục vụ cho hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay cũng từng bước được đầu tư trang bị, bao gồm: Hệ thống TV LCD - Video được hãng Toshiba tài trợ (07 màn hình cảm ứng và hệ thống hướng dẫn tham quan tự động đa phương tiện). Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đầu tư mới 07 màn hình cảm ứng đa điểm LCD cùng hệ thống giá trưng bày chuyên dụng với hình cảm ứng Samsung 19” giúp cho không gian hiển thị nội dung rộng rãi, phong phú hơn, đồng thời với công nghệ LCD mới giúp cho màn hình mỏng, nhỏ gọn, tiết kiệm điện năng. Màn hình cảm ứng được đặt trong hệ thống giá trưng bày chuyên dụng: kết cấu bằng inox, thép sơn tĩnh điện, giúp cho màn hình được bảo vệ an toàn, các thiết bị điện tử được giấu gọn trong phần hộp kỹ thuật đằng sau; Tăng tính thẩm mỹ cho khu vực nhà trưng bày, màn hình cảm ứng còn được trang bị hệ thống loa trợ giúp các ứng dụng muntimedia, hình ảnh, video. Với hình ảnh phong phú, sinh động, những dữ liệu khoa học rộng mở, hỗ trợ đa ngôn ngữ và cách tiếp cận chủ động của khách tham quan nên đã có sức hấp dẫn nhất định đối với một số đối tượng công chúng.
Hệ thống hướng dẫn tham quan tự động Audioguide: Thiết bị này có hình thức giống như 1 chiếc điện thoại di động, khách tham quan khi đến bảo tàng được cho mượn (có trả phí) thiết bị này. Sau khi lựa chọn ngôn ngữ thích hợp và tiến vào các phần trưng bày trong tuyến tham quan, thiết bị thông qua bộ phận cảm ứng được đặt tại mỗi phần trưng bày hoặc các hiện vật sẽ phát ra âm thanh, hình ảnh tương ứng. Hướng tiếp cận tham quan mới này giúp cho khách có thể chủ động lựa chọn ngôn ngữ, tuyến tham quan, thời gian tham quan - làm tăng đáng kể sự thích thú đối với các phần trưng bày. Khách tham quan có thể chủ động nghe nội dung thuyết minh thông qua việc bấm các nút số tương ứng với các hiện vật đã được quy định trước. Tốc độ phát của các đoạn thuyết minh cũng có thể điều chỉnh nhanh, chậm phù hợp với từng đối tượng nghe. Khách tham quan có thể nghe âm thanh trực tiếp bằng loa trên máy hoặc thông qua hệ thống tai nghe. Màn hình TFT trên máy hiển thị lớn, có thể hiện thị phần nội dung chữ viết thuyết minh (giúp cho người khiếm thính) hoặc hiển thị hình ảnh, video của hiện vật tương ứng với nội dung được thuyết minh. Máy cũng có thể hiển thị được đối chiếu đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Toàn cảnh BTLSQG khu vực số 1 Tràng Tiền.
Trong 5 năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng bước đầu tư có hiệu quả cho hệ thống trưng bày. Việc trang bị những trang thiết bị trưng bày mới đạt tiêu chuẩn quốc tế đã đem lại những hiệu quả thiết thực: làm phong phú và tăng tính hấp dẫn cho trưng bày của bảo tàng, được các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước đánh giá cao; phục vụ tốt cho các yêu cầu tổ chức các cuộc trưng bày trước mắt cũng như lâu dài, mở ra khả năng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận các trưng bày cổ vật của nước ngoài.
Những trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế này dù giá thành đầu tư ban đầu có cao nhưng hiệu quả đem lại không gì có thể so sánh được: Đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh đối với hiện vật, sử dụng các vật liệu không gây hại đối với hiện vật, đảm bảo tính mỹ thuật, thẩm mỹ cao, có tính đồng bộ và khả năng nâng cấp trong tương lai, khả năng sử dụng linh hoạt đối với các loại hình hiện vật khác nhau. Đảm bảo sức bền cơ học, chịu được tải trọng đối với các hiện vật có thể khối lớn, nặng. Có khả năng phòng chống cháy nổ.
Hy vọng, hiệu quả của những dự án đầu tư cho trưng bày của BTLSQG trong 5 năm qua, cùng là những kinh nghiệm, giải pháp và kiến nghị cho những dự án sẽ được tiếp tục đầu tư cho công tác trưng bày trong tương lai sẽ là những thông tin chia sẻ có ích đối với các bảo tàng dự định chỉnh lý, nâng cấp, xây dựng mới các phần trưng bày của mình trong tương lai.
Nguyễn Quốc Bình