Công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nhận thức rõ vấn đề trên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) ngay sau khi được thành lập (trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26-9-2011) nhanh chóng kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng khoa học (với 23 thành viên: 14 thành viên là cán bộ quản lý, có kinh nghiệm và chuyên môn sâu của BTLSQG và 09 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Sử học, Bảo tàng học, Văn hóa và Xã hội); tập trung chỉ đạo, xác định nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào các mặt công tác là yếu tố then chốt tạo thành công và hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Kế thừa truyền thống và thành tựu từ hai bảo tàng có bề dày lịch sử, vai trò, vị thế cũng như những đóng góp cho hệ thống bảo tàng Việt Nam, với nguồn nhân lực dồi dào, với gần 250 cán bộ viên chức hầu hết có trình độ đại học và trên đại học (với 03 Tiến sĩ, 41 Thạc sĩ, 07 Nghiên cứu sinh và hàng chục học viên Cao học), nhiều người có trình độ chuyên môn được đào tạo chính quy ở trong và ngoài nước, uy tín cao và là chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực hoạt động của bảo tàng - đây là nguồn lực và tiền đề quan trọng để Bảo tàng triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong các hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả.
Một góc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Một số kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật:
Để thống nhất về nhận thức, nâng cao hiểu biết chuyên môn, kỹ thuật, thực hiện tốt các khâu công tác, nâng cao chất lượng hoạt động, Bảo tàng đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học tập trung vào các nội dung chính: Các hiện vật, sưu tập hiện vật của Bảo tàng; Hệ thống lý luận và phương pháp hoạt động thực tiễn của các khâu nghiệp vụ bảo tàng và môn khoa học tương ứng với nội dung chủ đạo của Bảo tàng – khoa học lịch sử. Trong 5 năm qua, Bảo tàng đã tổ chức triển khai thực hiện, nghiệm thu 05 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hơn 20 đề tài cấp Viện (cơ sở); tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học; viết hàng trăm bài nghiên cứu chuyên sâu cho các hội thảo khoa học, tạp chí nghiên cứu ở trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đổi mới trưng bày và giới thiệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia”, “Giải mã minh văn trên các bảo vật Triều Nguyễn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia”...; Hội thảo khoa học: “Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong trưng bày Bảo tàng”, “Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu”, “Nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép hiện vật văn hóa: ngăn chặn, hợp tác và hoàn trả” (phối hợp với UNESCO), “Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội” (trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á lần thứ 4 (ANMA4) vào tháng 10-2013 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia (với tư cách Chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2013) đăng cai và tổ chức thành công, để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên quốc tế tham dự Hội nghị...
Bên cạnh đó, trong các hoạt động nghiên cứu phải kể tới việc Bảo tàng đã tiến hành thực hiện hàng loạt các đợt điều tra, khảo sát và khai quật các di tích khảo cổ học trên phạm vi cả nước, nghiên cứu và sưu tầm hàng ngàn hiện vật các thời kỳ Tiền - Sơ sử cho đến các thời kỳ lịch sử về bảo tàng phục vụ trưng bày, lưu giữ bảo quản và phát huy giá trị. Tiêu biểu như: Khai quật tàu đắm trên biển Bình Châu, Quảng Ngãi; Tiến hành điều tra, khảo sát, khai quật Di tích Chăm Pa ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng (Di tích Cấm Mít); một số di tích khảo cổ học tiền-sơ sử ở hai tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai; Cụm Di tích Đền Chùa Bà Tấm, Gia Lâm, Hà Nội; chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang; Di tích Thành cổ Sam Mứn, tỉnh Điện Biên; Di tích Thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh)...
Kết quả của các chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, sưu tầm trên đã giúp Bảo tàng có định hướng đúng, triển khai hiệu quả việc bổ sung, chỉnh lý trưng bày thường trực, tổ chức trưng bày chuyên đề, phát huy giá trị. Qua đó cung cấp tư liệu và bổ sung nhận thức mới, góp phần minh định, làm sáng tỏ nhiều vấn đề mang tính “thời sự” về lịch sử - văn hóa dân tộc.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đẩy mạnh nghiên cứu và từng bước ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong trưng bày của Bảo tàng. Việc đầu tư, lắp đặt những trang thiết bị trưng bày mới, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế (tủ, đèn led chiếu sáng trưng bày chuyên dụng, màn hình cảm ứng, tương tác 3D…) đã đem lại những hiệu quả thiết thực: làm phong phú và tăng tính hấp dẫn cho trưng bày của bảo tàng, được các nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Đặc biệt, Bảo tàng đã tập trung đẩy mạnh và tổ chức thành công hàng chục cuộc trưng bày chuyên đề có nội dung sâu sắc, hấp dẫn được công chúng ghi nhận, đánh giá cao và có hiệu ứng mạnh, tích cực trong xã hội, trong đó phải kể đến một số trưng bày tiêu biểu như:
+ Tại Bảo tàng: Các trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Biển Việt Nam”; “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”; “Văn hóa Đông Sơn”; “Linh vật Việt Nam; “Báu vật Việt Nam - Kim sách Triều Nguyễn”; “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc”...
+ Tại nước ngoài: Trưng bày “Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại” tại Bảo tàng quốc gia Kyushu (Nhật Bản); “Văn hóa Đông Sơn” tại Bảo tàng quốc gia Malaysia; “Buổi đầu nền văn hóa cổ Việt Nam” tại Hàn Quốc; “Rồng bay -Nghệ thuật cung đình Việt Nam” tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet, CH Pháp; “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Cộng hòa Liên bang Đức… Qua đó, Bảo tàng đã góp phần giới thiệu, quảng bá di sản lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.
Hoạt động quản lý, bảo quản và phục chế hiện vật luôn được quan tâm đặc biệt, ứng dụng kịp thời những kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc, để quản lý, phát huy tốt nhất giá trị của hơn 200 ngàn hiện vật, tài liệu - những di sản vô giá của dân tộc, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia. Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng hàng chục hồ sơ và được Nhà nước công nhận 16 bảo vật quốc gia.
Hiện nay, BTLSQG là một trong những bảo tàng đầu tiên trên cả nước ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực hiện chương trình số hóa hiện vật để phục vụ ngày càng tốt hơn công tác chuyên môn của Bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng chủ trì, phối hợp giúp các bảo tàng, các di tích, địa phương trong công tác nghiên cứu lập quy hoạch, tư vấn nghiệp vụ, bảo quản, phục chế hiện vật cũng như thực hiện tốt công tác gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bảo tàng đã quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng triệt để kết quả nghiên cứu và công nghệ hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, công chúng: đầu tư lắp đặt các hệ thống phương tiện nghe nhìn như các monitor, màn hình cảm ứng giới thiệu hình ảnh, phim tư liệu liên quan đến các nội dung trưng bày nhằm cung cấp thông tin cho khách tham quan; đưa hệ thống thuyết minh tự động (audioguide) vào lĩnh vực giới thiệu trưng bày bảo tàng phục vụ khách tham quan bằng 2 thứ tiếng Việt, Anh đã thực sự mang lại hiệu quả cao khi lượng khách tham quan ngày càng đông mà đội ngũ hướng dẫn viên không thể đáp ứng đủ, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng nước ngoài.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng là một trong 2 bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác 3D trong giới thiệu trưng bày bảo tàng. Năm 2013, 2 trưng bày chuyên đề có thời hạn đầu tiên được đưa vào ứng dụng đó là: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (disanvanhoaphatgiao.egal.vn) và Đèn cổ Việt Nam (denco.egal.vn). Tiếp theo đó, ứng dụng công nghệ này được tiếp tục triển khai từng bước để giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực, trong việc xây dựng không gian trải nghiệm, khám phá sáng tạo cho khách tham quan (đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên).
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng nội dung, hình thức không ngừng kiện toàn Trang Thông tin điện tử (website) cũng được Bảo tàng quan tâm, đẩy mạnh để trở thành một kênh quan trọng, hữu hiệu giúp Bảo tàng tiếp cận sâu rộng tới công chúng cũng như công tác quảng bá về lịch sử, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế hiệu quả hơn. Với những nỗ lực, đổi mới tích cực đó, website BTLSQG ngày càng hấp dẫn và thu hút lượng độc giả rất lớn, đến nay đã có hơn 27 triệu lượt độc giả truy cập vào trang Website tiếng nước ngoài (tiếng Anh, Pháp) chiếm khoảng 50% (trung bình trên 500.000 lượt người truy cập/tháng).
Kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu cũng là cơ sở để Bảo tàng tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế hết sức mạnh mẽ, hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác trưng bày, nghiên cứu khảo cổ học, đào tạo bảo quản,… Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực sự trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học, cầu nối giữa hệ thống bảo tàng Việt Nam với các bảo tàng, cơ quan quản lý, phát huy di sản của các nước trên thế giới.
Biên tập, xuất bản sách, ấn phẩm từ kết quả của những chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học là thế mạnh, dẫn đầu hệ thống bảo tàng cả nước của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Qua đó kết quả của các công trình nghiên cứu không chỉ phục vụ trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo tàng mà còn mở kênh mới để tiếp nhận và vận dụng kiến thức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ bảo tàng trên cả nước; công chúng, các nhà nghiên cứu có cơ hội tiếp cận trực tiếp và thuận lợi với các nguồn tư liệu lịch sử quý giá của Bảo tàng. Trong 5 năm qua, Bảo tàng đã tuyển chọn và công bố hơn 20 công trình có giá trị lý luận và thực tiễn cao, tiêu biểu như: “Tiền giấy Việt Nam”; “Gốm Thổ Hà”; “Bảo tàng, di tích - nơi khơi nguồn cảm hứng dạy và học lịch sử cho học sinh phổ thông”; “Văn hóa Đông Sơn - Sưu tập tài liệu, hiện vật BTLSQG”; “Trang sức cổ Việt Nam”; “Thuyền truyền thống Việt Nam”, “Bình minh trên sông Hồng” (Phối hợp với Viện Nghiên cứu Biển Hàn Quốc xuất bản); “Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam” (Phối hợp với Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet, CH Pháp xuất bản); “Văn hóa Nhật Bản”; “Việt Nam câu chuyện vĩ đại” (Phối hợp với Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản);... Cuốn Thông báo khoa học của Bảo tàng đều đặn ra 2 kỳ/năm (6 tháng/1số) với nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao.
Một góc nhỏ bên trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Một số định hướng thời gian tới
Bên cạnh những thuận lợi, thành tựu đạt được thì công tác nghiên cứu khoa học của BTLSQG vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại, hạn chế: kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ còn hạn hẹp nên nhiều nhiệm vụ đề ra còn chưa được đáp ứng, kết quả một số đề tài chưa được ứng dụng hiệu quả, đầy đủ, sự chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu của lực lượng cán bộ trẻ còn chưa cao.
Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, khó khăn, là một giai đoạn quan trọng, có tính bước ngoặt của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Với vị trí là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng Việt Nam, theo đó, công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ được Ban Lãnh đạo Bảo tàng định hướng với nội dung cơ bản sau:
- Khắc phục kịp thời tình trạng nghiên cứu bị động, thiếu tính hệ thống; Gắn chặt hơn nữa việc nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn, gắn nghiên cứu với trưng bày, phát huy, luôn hướng tới cộng đồng.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển toàn diện và đầy đủ trên mọi lĩnh vực hoạt động của Bảo tàng, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ, tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt những nhiệm vụ chính trị của Bảo tàng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
- Ưu tiên, đẩy mạnh các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về cương vực lãnh thổ, biển đảo Việt Nam nhằm sưu tầm bổ sung tư liệu, hiện vật – bằng chứng góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền cũng như phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ trẻ.
- Đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học (tập trung ưu tiên hợp tác với các nước trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á) trên tinh thần song phương, đa phương, đôi bên cùng có lợi nhằm tăng cường giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua các di sản văn hóa của dân tộc.
Với sự quan tâm, đầu tư, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Bộ và nhân dân, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan kế thừa những thành tựu đã đạt được, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao độ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Bảo tàng, chúng ta hoàn toàn tin tưởng BTLSQG sẽ không ngừng lớn mạnh, trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn, phát huy di sản và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp gìn giữ, phát huy di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
TS Nguyễn Văn Đoàn
Ths Nguyễn Hoài Nam