Công tác đào tạo cán bộ tuyên truyền - giáo dục tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Từ kết quả thực tế của công tác tuyên truyền tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những năm qua, chúng ta có thể rút ra một số nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất là, những hiểu biết chung về công tác hướng dẫn tham quan hay còn được gọi là công tác giáo dục.
Tổ chức và hướng dẫn các cuộc tham quan hay còn gọi là hướng dẫn tham quan là một trong những hình thức hoạt động truyền thống của công tác quần chúng ở các bảo tàng. Đây là một hình thức hoạt động được phát triển từ cuối thế kỷ XIX và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thuyết minh, giới thiệu trưng bày là biện pháp quan trọng của bảo tàng nhằm hỗ trợ khách tham quan, giúp họ hiểu sâu thêm về hiện vật trưng bày, nắm được nội dung, ý tưởng, qua đó làm cho khách tham quan tăng thêm hứng thú, mở rộng tầm nhìn và thu nhận thêm thông tin tri thức.
Các hình thức tham quan bảo tàng được phân loại địa điểm tham quan và đối tượng trưng bày. Để chuẩn bị cho cuộc tham quan, cán bộ thuyết minh phải xác định chủ đề, nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu trưng bày hiện vật, lựa chọn nội dung để giới thiệu và sắp xếp tuyến tham quan. Nghiên cứu và hình thành phương pháp hướng dẫn tham quan là một công việc chuyên môn được các bảo tàng coi trọng để ngày càng hoàn thiện chức năng phục vụ công chúng của mình.
(Ảnh: TTXVN)
Những thay đổi đang diễn ra trên toàn thế giới, sự phát triển của khoa học giáo dục được phản ánh trong mô hình giao tiếp mới của bảo tàng, các cuộc tham quan đã trở thành giao tiếp có đối thoại, trong đó khách tham quan không nghe sự giảng giải của của cán bộ hướng dẫn một cách thụ động, mà tham gia tích cực vào cuộc hội thoại do hướng dẫn viên tổ chức. Phương pháp mới tạo ra sự tương tác, phát huy tính sáng tạo và tích cực của khách tham quan. Công tác thuyết minh cần được tiến hành với từng đối tượng khác nhau. Điều này làm cho nhiệm vụ thuyết minh không rơi vào hình thức, đó là điều mấu chốt để thu được hiệu quả thiết thực.
Muốn làm tốt công việc thuyết minh theo từng đối tượng khác nhau, yêu cầu đặt ra đối với hướng dẫn viên là phải hiểu rõ về đối tượng tham quan, phải am hiểu nội dung trưng bày, những hiện vật trưng bày và những kiến thức chuyên môn có liên quan; đồng thời hướng dẫn viên còn cần phải không ngừng trau dồi kiến thức, mở rộng phông văn hoá, hiểu biết về khoa học xã hội, đảm bảo đầy đủ năng lực tương tác để có thể đáp ứng yêu cầu của khách tham quan. Ngoài ra, năng lực biểu đạt ngôn ngữ, năng lực tổ chức cũng như phong cách nhã nhặn, lịch sự, cởi mở, lòng nhiệt tình phục vụ khách tham quan cũng là một yếu tố hết sức quan trọng và cần phải có đối với người làm công tác hướng dẫn, tuyên truyền.
Thứ hai là, công tác tuyên truyền của Bảo tàng Hồ Chí Minh lồng ghép với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Do Bảo tàng Hồ Chí Minh là trung tâm lưu trữ và nghiên cứu tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên nơi đây đã trở thành một trường học về Hồ Chí Minh đối với rất nhiều trường đại học, học viện quân đội, các trường học phổ thông các cấp ở trong và ngoài nước. Để phục vụ tốt khách tham quan cần phải có một đội ngũ cán bộ hướng dẫn tham quan có trình độ chuyên môn giỏi, có tấm lòng yêu nghề, nhiệt huyết với công tác hướng dẫn. Để trở thành một cán bộ tuyên truyền giỏi cần phải học tập phương pháp tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thực tế công tác, người cán bộ tuyên truyền phải luôn tự hỏi: tuyên truyền cho ai? tuyên truyền cái gì? tuyên truyền bằng cách nào?
(Ảnh: TL)
Để đổi mới phương pháp tuyên truyền của cán bộ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh học tập theo phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh thì ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng tầm hiểu biết, trau dồi vốn thực tế phong phú, còn phải nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ. Năng lực nghề nghiệp không đơn thuần chỉ là một phẩm chất, mà còn là tiềm năng để phát triển, vận dụng sáng tạo tri thức, vốn hiểu biết vào thực tiễn tuyên truyền và sáng tạo ra những phương pháp tuyên truyền mới
Ngày 27-11-2006, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị 06 - CT/TƯ về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, phòng tuyên truyền giáo dục đã phục vụ rất nhiều đoàn khách đến tham quan. Trong đợt thi kể chuyện Bác Hồ được diễn ra trong toàn quốc, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giúp cho rất nhiều cơ sở về nội dung câu chuyện kể, tài liệu, phim ảnh hỗ trợ cho câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bảo tàng, công tác tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ thực hiện thông qua nội dung trưng bày tại bảo tàng, mà còn được tổ chức bằng nhiều hình thức khác như: viết bài đăng báo, tổ chức triển lãm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Để tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam: Chương trình theo dòng lịch sử, chương trình học đường, các chương trình thời sự, phóng sự nhân ngày lễ lớn… Tinh thần đổi mới cách tuyên truyền đó đã được nhân dân trong và ngoài nước yêu thích. Đặc biệt, chương trình “Theo dòng lịch sử” được bà con Việt kiều rất mong đợi khi phát trên Đài truyền hình VTV4.
(Ảnh: TL)
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh là công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Những người làm công tác tuyên truyền không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, học tập chuyên môn, học ngoại ngữ để làm tốt công việc, giúp khách tham quan hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để mỗi cán bộ hướng dẫn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh xứng đáng là cán bộ truyền thông trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Phạm Thị Thắng