Chùa Tiêu

Tọa lạc trên lưng chừng núi, quanh năm cây cối u tịch, phía dưới chân núi là dấu tích dòng sông Tiêu Tương cổ thơ mộng, chùa Tiêu có tên chữ là “Thiên tâm tự” thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu nổi tiếng là danh lam cổ tự. Nơi đây còn có nhiều bí ẩn thú vị, có giá trị đối với việc nghiên cứu khảo cổ.

Căn cứ vào sử sách cổ và truyền thuyết dân gian thì chùa Tiêu đã có từ lâu đời. Đến thời Lý là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi trụ trì của Quốc sư Lý Vạn Hạnh. Tại ngôi chùa này, Thiền sư Lý Vạn Hạnh có công nuôi dạy Lý Công Uẩn lớn khôn, để sau trở thành bậc Minh Vương có công khai lập Vương triều nhà Lý và nền văn minh Đại Việt.

Hiện chùa Tiêu là kiến trúc của nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa gồm các tòa: Tam bảo, nhà tổ, nhà bia và các công trình phụ trợ. Tại nhà tổ có pho tượng cổ Thiền sư Lý Vạn Hạnh và ngai bài vị ghi rõ “Lý triều nhập nội Tể tướng Lý Vạn Hạnh Thiền sư thần vị”. Đặc biệt, chùa còn bảo lưu được một bia đá, có tên “Lý Gia Linh Thạch”, niên đại “Cảnh Thịnh nguyên niên” (1793), ghi chép sự tích về Lý Công Uẩn.

Chùa Tiêu, cùng với những cổ vật quý giá trên, còn đầy ắp những truyền thuyết, giai thoại kể những trang tuổi thơ huyền bí của Lý Công Uẩn và đã được một số thư tịch sử sách cổ ghi chép lại.

Tam quan chùa ​Tiêu

Các sách cổ như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí đều có ghi chép về chùa Tiêu và truyền thuyết về Lý Công Uẩn. Sách “Việt sử lược” cho biết: “Thái tổ họ Nguyễn (Lý). Người châu Cổ Pháp Lộ Bắc Giang. Mẹ là Phạm Thị, ngày 12 tháng 2 năm thứ 5 niên hiệu Thái Bình (974) sinh ra vua. Vua khi bé đã thông minh, khí độ, rộng rãi, du học ở chùa Lục Tổ, sư Vạn Hạnh trông thấy vua lấy làm lạ nói rằng: đây là người phi thường sau này lớn lên tất có thể cứu nước, yên dân làm chúa thiên hạ”.

Chùa Tiêu là di tích đặc biệt còn bảo lưu được rất nhiều tài liệu cổ vật và những truyền thuyết, giai thoại phản ánh sống động về sự tích lai lịch, công trạng của Lý Công Uẩn. Nơi đây, Quốc sư Lý Vạn Hạnh trụ trì và đã có công nuôi dưỡng giáo dục Lý Công Uẩn từ thơ ấu cho tới lớn khôn trưởng thành, sau trở thành bậc Minh Vương có công khai lập Vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt.

Đến chùa Tiêu, khách thập phương không chỉ chiêm bái pho tượng thiền sư Như Trí đầy bí ẩn và cực kỳ quý giá ở Việt Nam mà còn không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi chùa chưa bao giờ có hòm công đức. Điều đó trái với việc phổ biến hiện nay ở miền Bắc trong nhiều ngôi chùa, hầu như ban thờ nào cũng có hòm công đức lớn, nhỏ nhưng ở chùa Tiêu thì không. Các ban thờ khá đơn giản bởi hoa quả, bánh kẹo, đèn nhang... Riêng “văn hóa giọt dầu” được tôn nghiêm và đúng mực hơn khi trên ban thờ chỉ có mấy đồng tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng được đặt ngay ngắn trên đĩa nhựa.

Lối vào chùa​

Chung quanh ngôi chùa nổi tiếng và pho tượng độc đáo này có nhiều bí ẩn thú vị, có giá trị đối với việc nghiên cứu khảo cổ. Trong nhiều thế kỷ, chùa là nơi khắc ván in các bộ kinh lớn của nhà Phật. Vào năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi cổ tự bỗng chốc đã biến thành đống tro tàn. May thay ở sườn núi còn khá nguyên vẹn 14 ngọn tháp, là nơi yên nghỉ của các vị sư tổ. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, chùa Tiêu Sơn đã được dựng lại đơn sơ trên nền móng cũ. Năm 1992, nhân dân địa phương công đức tiền của dựng ngôi bảo tháp thờ vọng Lý Vạn Hạnh ở trước tòa tam bảo; lại dựng tượng vị thiền sư trên đỉnh núi Tiêu. Tượng Lý Vạn Hạnh tạo ở thế tọa thiền cao 8m, mặt hướng về phía Kinh thành Thăng Long. Năm 2001 dựng lầu Bồ Tát giữa hồ nước lớn trước chùa. Năm 2002 dựng nhà Tổ. Năm 2003 dựng tam bảo theo kiến trúc xưa. Điều đặc biệt là khi chùa Tiêu Sơn vừa hoàn thành việc tôn tạo thì các bô lão ở địa phương chợt nhớ đến lời của dân làng từ bảy tám mươi năm trước nói rằng ở ngôi tháp trước tòa tam bảo có cốt một nhà sư. Sau do chiến tranh và sợ bị động, nhà chùa đã xây bịt cửa tháp. Chắp nối lời kể và qua khảo sát thực tế, vị sư trụ trì đã xác định được vị trí của ngôi tháp đó. Tháp xây gạch cao hai tầng. Tầng một của tháp rộng 2,4m. Ở bốn mặt tầng hai của tháp có gắn các hoa văn trang trí bằng đất nung cỡ 30 x 30cm. Ở riềm bức họa gắn tại cửa chính có đắp nổi các chữ Hán viết theo lối chữ triện. Đọc các dòng chữ đã xác định được ngôi tháp này là của Hòa thượng Thích Như Trí, tên hiệu Tính Không và tháp được xây vào năm thứ tư niên hiệu Bảo Thái (1723).

Khung cảnh chùa​

Nhằm bảo quản lâu dài di cốt của một bậc cao tăng, ngày 5-3-2004, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, cửa tháp đã được mở. Ngày 11-3-2004, pho tượng được các phật tử rước tới chùa Duệ Khánh cách chùa Tiêu Sơn 3km để tiến hành tu sửa. Sau khi khử trùng, diệt nấm mốc đã tiến hành gắn chắp các phần xương bị gãy vỡ rồi sơn phủ nhiều lớp sơn ta ở bên ngoài. Khác với hai pho tượng chùa Đậu ở huyện Thường Tín, tượng chùa Tiêu Sơn không thếp vàng thếp bạc mà người phục chế phải tái hiện được da tượng như lúc mới phát hiện. Sau khi tu bổ, tượng được bảo quản trong hòm kính, có khí nitơ và đặt ở vị trí trang trọng tại chùa Tiêu Sơn để nhân dân và phật tử khắp nơi đến chiêm bái.

Trần Hồng Chinh

Top