Chùa Một cột

Chùa Một Cột (Nhất trụ tháp) còn gọi là : Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất CHÂU Á. Một danh thắng nổi tiếng trên vùng đất làng hoa NGỌC HÀ. Một huyệt mạch quan trọng của LONG THÀNH.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 1 (1049 ) đời Lý Thánh Tông. Truyền  thuyết  kể  rằng, Vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy mình được Đức Phật Quan  Âm  đưa tay dắt lên tòa sen, trầm hương nghi ngút, lấp lánh hào quang. Tỉnh dậy, Nhà Vua kể lại chuyện trên cho cận thần nghe. Sư Thiên Tuế tâu lời khuyên Nhà Vua nên xây một ngôi chùa trên cột đá giữa hồ làm tòa sen như đã thấy trong mộng.

Thực hiện ý tưởng đó, tháng mười năm Kỷ Sửu (11-1049) Nhà Vua cho tu sửa lại ao Bích Từ thuộc xã Thanh Bảo, tổng Yên Thành, huyên Vĩnh Thuận (tên cũ giữa thế  kỷ thứ mười) thành một cái hồ, đặt tên là hồ Linh Chiểu, cạnh  hồ xây một ngôi chùa gọi là chùa Diên Hựu (Diên Hựu Tự), có hai ngọn tháp Lưu Ly. Tháp  chuông xây  trên  đất ruộng nơi có nhiều rùa sinh sống nên ruộng có tên tên là Quy Điền (ruộng rùa), tháp cũng được gọi là tháp Quy Điền. Tháp cao 8 trượng (24m ). Hồ Linh Chiểu hình vuông, trồng  sen, giữa hồ dựng cột đá, trên cột xây Đài Liên Hoa hình dáng như một bông sen tỏa rộng nhiều cánh, đài là điện thờ Đức Phật Quan Âm. Trong điện đặt một pho tượng lấp lánh vàng đang ngồi trên tòa tâm niệm. Quanh hồ có đường hành lang thoáng rộng để các nhà sư khi làm lễ đi vòng quanh chùa niệm phật cầu phúc cho vua sống lâu. Chùa xây hai năm mới xong. Từ khi xây xong, hàng  năm cứ đến  ngày mồng 8 tháng 4 Âm lịch, vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật, các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng về dự lễ. Sau lễ tắm phật, vua đứng trên đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, nhân dân cũng tung chim bay theo trong tiếng reo vui phấn chấn của ngày lễ hội.

Tháng Hai năm Canh Thân (1080 ) thì đúc chuông,  quả chuông rất lớn, nặng một vạn hai nghìn cân. Do quá nặng không treo lên được, nên chuông để ở chân tháp quy điền, gọi là chuông Quy Điền. Chuông Quy Điền được xếp là một trong bốn công trình đồ sộ của  nước ta hồi ấy (An Nam Tứ Khí)  gồm: Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc chùa Phổ Minh và tượng Phật chùa  Quỳnh Lâm.

Đầu thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược chiếm thành Đông Quan (Hà Nội). Năm 1426 Lê Lợi đem nghĩa quân Lam Sơn thần tốc ra đánh, vây thành Đông Quan rất gấp, tướng Minh là Vương Thông thiếu thốn vũ khí đạn dược đã sai người phá chuông Quy Điền lấy đồng đúc đạn. Khi thành Đông Quan được giải phóng, quân  Minh bại  trận  rút chạy, chuông Quy Điền đã bị giặc phá không còn nữa.

Chùa Một Cột (Ảnh: TL)

Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân Pháp muốn  phá hoại công trình văn hóa độc đáo của ta, đã đặt mìn phá chùa Một Cột. Báo Tia Sáng ở Hà Nội ra ngày 10-9-1954 đưa tin “Chùa  Một  Cột, di tích liệt hạng của Hà thành đã sụp đổ sau một tiến nổ long trời”.

Trải qua bao cuộc thăng trầm, Chùa đã được tu  sửa  tôn tạo  nhiều lần vào các năm: 1249, 1850, 1292 qua các đời vua. Sau khi tiếp quản Thủ đô, dù còn bận bộn bề công việc trong những ngày đầu giải phóng, nhưng Bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Công hòa và nhân dân Hà Nội  đã tiến hành trùng tu lớn Diên Hựu Tự, xây dựng lại Đài Liên Hoa trong quần thể chùa Một Cột theo kiến trúc cũ vào năm 1955 do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm. Cảnh chùa hiện nay bề thế, hài hòa. Đài Liên Hoa kết cấu  hình vuông, lợp ngói ta, mỗi chiều dài 3 mét, bốn mái cong, bốn đầu đao đắp hình rồng. Trong đài tôn chí tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Nhìn toàn bộ Đài Liên Hoa như một đóa  sen lớn vươn cao khỏi mặt nước, Đài đặt trên trụ đá có đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chôn sâu  dưới đất). Trụ đá gồm hai khói gắn kết chồng khít lên nhau như một cột đá liền. Cột đá có một hệ thống dầm và xà chống đỡ “Liên Hoa Đài” bằng gỗ tứ thiết quý, chịu lực cao, chống mối mọt. Xung quanh chùa có lan can bằng gạch, và  có cầu thang xây từng bậc dẫn lên cửa chùa. Diên Hựu Tự có cổng tam quan phía trên có  bức hoành phi đề ba chữ “Diên Hựu Tự“ . Chùa Một Cột được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử  kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đầu  tiên vào  năm 1962. Chùa còn được đặt tên phố, phố “Chùa Một Cột“ dài khoảng 450m nối từ đường Điện Biên Phủ qua phố Ông  Ích  Khiêm đến phố Ngọc Hà.

Chùa Một Cột cũng đươc chọn là một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội cùng với Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử  Giám và tháp Rùa Hồ Hoàn Kiếm. Biểu tượng Chùa Một Cột đã được dập trên tiền kim loại, in trên tem bưu điện với nhiều mệnh giá khác nhau từ thời kỳ thuộc Pháp, sau này bưu điện ta cũng in, và còn hợp tác dùng tem thư chùa Một Cột  giao lưu văn hóa với Hàn Quốc.

Năm 2006, chùa Một Cột được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập  chùa là “Kỷ lục Việt Nam“, và được đề cử lên Tổ chức Kỷ lục châu Á.  

Sau một thời gian thẩm định, ngày17-10-1012 tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức KỶ LỤC CHÂU Á đã xác lập Kỷ lục châu Á cho  chùa  Một  Cột  là  “ Ngôi chùa có kiến trúc  độc đáo nhất châu Á“.

Chùa Một Cột (Ảnh: TL)

Hiện nay, tại chùa Đọi thuộc tỉnh Hà Nam còn có văn bia viết chi tiết về chùa Diên Hựu ở phía Tây cấm thành Thăng Long. Người Thăng Long xa xưa truyền tụng rằng, ở phía Tây Hoàng thành từng bị Cao Biền trấn yểm. Mạch núi đất kéo dài từ núi Nùng (Khu vực điện Kính Thiên) đến công viên Thủ Lệ ngày nay bị cắt đoạn đứt nối ở khu vực này. Biết có huyệt mạch bị trấn yểm, khi định đô ở Thăng Long, Nhà Lý đã hóa giải khai thông nên mới đổi tên ao Bích Từ  thành hồ Linh Chiểu (hồ thiêng), và sau này Nhà Vua đã sinh được con trai Thiền sư Huyền Quang  (1254 - 1334 ) có bài  thơ “Diên Hựu Tự“ ca ngợi sự bình yên linh nghiệm của Chùa. Trong vườn chùa hiện có một cây bồ đề cành lá xum xuê, bốn mùa xanh tốt, cây từ đất phật, do Tổng thống Rạjendra Prasad tặng Hồ Chủ tịch khi Người qua thăm Ấn Độ năm 1958.

Vào thời tiền Lê, ở Ninh Bình cạnh đình Yên Trạch,  gần đền thờ Công chúa Phát Kim và đền  thờ Vua Lê Đại  Hành cũng có chùa “Nhất Trụ“ cũng là “chùa Một Cột”. Cột  đá của chùa cao hơn 3m, có 8 mặt, được dựng vào  khoảng năm 995 trên cột  có  các chữ  “Đệ Tử Thăng Bình hoàng đế tả đạo“ (Hoàng đế Thăng Bình tức Vua Lê Hoàn). Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng có chùa “Nam Thiên Nhất Trụ” tọa lạc trên đường Phạm Văn Bí, thuộc quận Thủ Đức do Hòa thượng Thích Trí Dũng dựng ngày 8-4-1958 phỏng theo  chùa  Một Cột  ngoài Hà Nội. Như vậy, chùa Một Cột là sáng tạo riêng của người Việt Nam vừa là nơi thắng cảnh, vừa là nơi gửi gắm tâm linh chiêm ngưỡng lễ Phật của nhân dân Kinh thành Thăng Long và cả nước.

Vào những năm xây dựng quần thể các công trình  của khu vực Quảng trường Ba Đình với một không gian hoành tráng, quy mô hiện đại thì chùa Một Cột quá nhỏ nhoi không tương xứng với toàn cảnh nên có ý kiến cho rằng phải đập bỏ. Dưới góc nhìn  của  nhà xây dựng, trân trọng và thừa kế di sản vốn  quý của cha ông xưa để lại, các kỹ sư xây dựng và  kiến trúc  sư, điển hình là Kiến trúc sư Trần Thanh Vân đã tìm mọi cách bảo vệ và giữ lại nên chúng ta mới còn chùa Một Cột như ngày hôm nay.

Lý Văn Thắng    

Top