Tháp cổ Bình Thạnh
Đền tháp Bình Thạnh được xác định ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VIII-IX, thuộc văn hóa Óc Eo. Tháp Bình Thạnh được phát hiện chính thức cùng Tháp Chóp Mạt - Tây Ninh đầu thế kỷ XX qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của thư viện nghiên cứu khảo cổ Đông Dương.
Tọa lạc trên khu đất cao và bằng phẳng, tháp Bình Thạnh ẩn mình dưới tán lá sum suê của những cây đại thụ tạo nên khung cảnh thơ mộng nhưng không kém phần trang nghiêm. Xung quanh ngôi tháp là những thửa ruộng san sát. Toàn cảnh ngôi tháp như ẩn hiện giữa ruộng lúa bao la và những hàng cây rợp bóng. Để đến được với tháp cổ, du khách phải trải qua quá trình tìm kiếm gian nan, dọc theo Quốc lộ 22B đến trung tâm huyện Gò Dầu, tìm đường tới ngã ba ấp Voi - huyện Bến Cầu rồi xuôi theo huyện lộ 784 không có một bảng chỉ dẫn, chỉ đến khi tìm đến gần sát khu tháp mới thấy được tấm bảng công nhận Di tích lịch sử văn hóa.
Về giá trị lịch sử: Đây là ngôi tháp duy nhất còn tường đá nguyên vẹn (kể từ khi phát hiện năm 1886). Do vậy, kiến trúc đền tháp Bình Thạnh đã trở thành cực kỳ hiếm hoi và quý giá trong di sản kiến trúc dân tộc.
Đền Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng bằng gạch với kỹ thuật tương tự như ở các đền Tháp Chăm nổi tiếng ở miền Trung nước ta. Kỹ thuật xây dựng này đã bị thất truyền từ lâu và vẫn là một thách đố đối với khoa học. Các viên gạch được liên kết với nhau không bởi một chất kết dính nào hiện biết. Chúng liền khít với nhau đến mức cho đến nay vẫn có người nghĩ rằng người xưa đã xếp gạch mọc rồi nung cả khối tháp. Tất nhiên là do quan niệm sai lầm, ngộ nhận, nhưng rõ ràng phương pháp - kỹ thuật xây dựng ấy thật độc đáo, vô tiền khoáng hậu, đã khiến cả thế giới khâm phục.
Tháp Bình Thạnh (Ảnh: TL)
Tháp có nền hình vuông, cao 10m, mỗi cạnh 5m, được xây dựng đúng bốn hướng, cửa chính mở về hướng Đông, trước mặt là một bàu “hình vuông”, ba mặt Tây - Nam - Bắc đều có cửa “giả” được đắp nổi các hoa văn, trang trí tinh xảo. Cửa chính Đông được xây nhô hẳn ra ngoài khung cửa là bốn phiến đá nguyên được đục, đẽo, mài nhẵn các cạnh, một tấm đặt ngang phía dưới, hai bên khoét hai lỗ tròn để gắn con quay cánh cửa, tấm thứ tư đặt ngang phía trên tạo thành một khung cửa đá vững chắc, rộng 1m, cao 2m.
Về điêu khắc, trang trí đền Tháp Bình Thạnh là những tác phẩm tuyệt mỹ. Các họa tiết phù điêu không chỉ đẹp về tạo hình, tỉ mỉ đến trau chuốt trong tạo tác mà còn mang tính biểu tượng cao.
Mặt ngoài tháp trên cửa chính phía Đông gắn trên “mi cửa” là một phiến đá lớn, hình chữ nhật 0,80m x 2m chạm nổi hình hoa cúc cách điệu, hai vách bên cửa chính cũng chạm nổi hai mảng phù điêu. Các mô típ trang trí được xây lặp lại ở các phần thu nhỏ dần lên đỉnh tháp, tạo cho toàn bộ ngôi tháp có nhiều góc, cạnh, cộng thêm vào các bức phù điêu được đắp nổi quanh ngôi tháp nên đã tạo cho toàn bộ công trình tháp là một kiến trúc vững chắc và công phu. Các họa tiết phù điêu này không chỉ đẹp và tỉ mỉ về tạo hình mà còn mang tính biểu tượng cao. Từ đền Tháp cổ Bình Thạnh và các phế tích đền tháp đương đại, chúng ta có thể tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh người xưa cũng như phong tục tập quán và đời sống văn hóa. Do vậy, kiến trúc Tháp cổ Bình Thạnh mang giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật có sức cuốn hút về mặt tham quan du lịch nghiên cứu khoa học rất lớn đối với khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Một góc tháp cổ đã không còn nguyên vẹn qua thời gian (Ảnh: TL)
Tổng thể kiến trúc gồm ba tháp chính. Rất tiếc, hầu như toàn bộ công trình chỉ còn lại những mảng chắp vá và dường như là một đống đổ nát. Ngôi tháp giữa với phần nền còn sót lại tuy đã được lợp một mái che nhưng ngổn ngang gạch bụi và những tấm mi cửa bằng đá sa thạch. Tháp phía Bắc thì hầu như mất dạng, chỉ còn xác định được một cái nền vuông thông qua thám sát năm 1994. May mắn hơn hết là tháp phía Nam được trùng tu vào năm 1998, bên trong là những gian thờ chật chội, vỏn vẹn chỉ có một bát nhang và mặt tường bị ám khói loang lổ, dưới sàn vương vãi cát bụi và phân dơi. Hầu hết những hiện vật bên trong di tích đã được mang về Bảo tàng tỉnh Tây Ninh hoặc đã bị lấy cắp trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc. Duy chỉ có một tượng Linga bằng đá (được làm mới) đứng chơ vơ giữa lòng ngôi tháp.
Tháp được Hội Nghiên cứu Đông Dương phát hiện năm 1886 và được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993. Năm 1999 Tháp cổ Bình Thạnh đã được trùng tu. Tháp Bình Thạnh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa năm 1993.
Nguyễn Chính