Chùa Hà
Lịch sử lâu đời của chùa Hà với rất nhiều thăng trầm gắn liền cùng những biến cố, những đổi thay của Thủ đô, của đất nước. Khí chất vững vàng và thâm nghiêm của một quá trình lịch sử dài lâu trải qua hàng mấy trăm năm, ai cũng đều cảm nhận thấy mỗi khi bước qua cổng Tam quan của ngôi chùa.
Chùa Hà có hai truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất: vào thời Lý vùng Dịch Vọng đã có nhiều danh thắng nổi tiếng. Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 - 1072) lúc 42 tuổi vẫn chưa có con nên đã cầu tự ở một ngôi chùa mà sinh ra Thái tử Càn Đức, do đó ngôi chùa này gọi là chùa Thánh Chúa để kỷ niệm sự kiện này. Trên đường đi Vua còn ghé qua một ngôi chùa khác và ban tiền bạc cho chùa để trùng tu lại, vì vậy chùa này còn có tên là Thánh Đức tự. Vua Lý Thánh Tông đột ngột mất năm 50 tuổi, Thái tử Càn Đức lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Nhân Tông.
Chùa Hà (Ảnh:TL)
Truyền thuyết thứ hai: Chùa Hà được xây dựng lên để Vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi Vua vào năm 1460.
Trải qua bao phen binh hỏa, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm 1680 chùa vẫn còn lợp lá gồi, tường xây bằng gạch vồ nên người dân gọi là chùa Vồi. Đến đời Vua Lê Hy Tông (1675-1705) có hai người quê làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà. Đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ và ngược lại. Diện mạo của chùa hiện nay chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó và những lần trùng tu sau này.
(Ảnh:TL)
Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian rộng thoáng. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn. Tầng hai Tam quan treo chuông đồng Thánh Đức tự chung Niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), một di vật thời Tây Sơn còn bảo quản nguyên vẹn. Chuông được đúc tinh tế, phần trên bốn múi chuông được khắc nội dung văn chuông, phần dưới được khắc tứ linh: long ly quy phượng cách điệu mà rất sống động. Phía trên là hai con bồ lao đầu nhìn về hai phía, bốn chân gắn chặt vào chuông. Sau cổng tam quan là vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, cây đa và sân chùa. Bên cạnh hồ nước là bia đá bốn mặt Thánh Đức tự bi mới được phục chế gần đây. Bia chùa tạo năm Chính Hòa thứ 16 (1695), Tri huyện Nguyễn Đình Trạch soạn văn bia. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa. Ngoài ra, chùa Hà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại... thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người Thổ Hà (xứ Kinh Bắc) xưa kia.
(Ảnh:TL)
Năm 1982, chùa đã được gắn biển “Di tích cách mạng”. Tháng 12 năm 1996, chùa được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng bảo tồn. Tháng 1 năm 2002, tại Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, khoá XII đã quyết định đặt tên cho đoạn đường từ đường Cầu Giấy qua cửa chùa Hà và Trường Tiểu học Dịch Vọng B đến phố Tô Hiệu dài 800m, rộng từ 6 đến 8m là phố Chùa Hà.
Vẻ đẹp đặc biệt của chùa Hà nằm ở sự giao hòa giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ cùng với những di vật có giá trị văn hóa và mang tính nghệ thuật cao. Đến với chùa Hà, ta có thể tìm về với những dấu mốc lịch sử khó quên của Thủ đô, tìm thấy sự thanh thản và bình yên trong khung cảnh tĩnh lặng.v
P.V (Tổng hợp)