Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa

Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 gồm 7 chương, 36 điều, có hiệu lực từ ngày 6-11-2010, thay thế Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11-11-2002 của Chính phủ.

Chương I: Những quy định chung;

Chương II: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

Chương III: Bảo vệ và phát huy giá trị di tích;

Chương IV: Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

Chương V: Tổ chức và hoạt động của bảo tàng;

Chương VI: Khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

Chương VII: Điều khoản thi hành.

Nghị định quy định 3 nhóm hành vi vi phạm di sản văn hoá:

- Nhóm 1: hành vi làm sai lệch di tích là làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành của di tích, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích, làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích;

- Nhóm 2: hành vi gây nguy cơ huỷ hoại hoặc làm giảm giá trị di sản văn hoá phi vật thể là phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hoá phi vật thể, tuỳ tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hoá phi vật thể, lợi dụng việc phổ biến, trình diễn di sản văn hoá phi vật thể để trục lợi;

- Nhóm 3: hành vi đào bới trái phép địa điểm khảo cổ: Tự ý đào bới, tìm kiến di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm quy hoạch khảo cổ, tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước.

Chỉ các tổ chức sau được thăm dò, khai quật khảo cổ: cơ quan nghiên cứu khảo cổ học của Nhà nước, trường đại học có bộ môn khảo cổ học, bảo tàng và ban quản lý di tích của Nhà nước có chức năng nghiên cứu khảo cổ, Hội có chức năng nghiên cứu khảo cổ ở Trung ương. Di sản văn hoá phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hoá và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Nhà nước khuyến khích duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng vật liệu truyền thống, có chính sách hỗ trợ việc sử dụng các phương pháp thủ công truyền thống. Nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước: được hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi về không gian, mặt bằng để tổ chức các hoạt động truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; được giảm hoặc miễn thuế đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể theo quy định của pháp luật về thuế; được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi khác nếu có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu, bảo quản phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hoá, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các quy định khác. Người hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

P.V

Top