Các phế tích liên quan đến Hoàng Hậu Bạch Ngọc ở Đức Thọ - Hà Tĩnh

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược (1418-1429) trong những năm đầu thế kỷ XV do Lê Lợi lãnh đạo đã quy tụ và tập hợp nhiều lực lượng tham gia. Biết bao anh hùng hào kiệt, những người con yêu nước từ nhiều phương trời đã về tụ nghĩa góp công sức và xương máu góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Trong đó phải kể đến sự tham gia của Hoàng hậu Bạch Ngọc.

Truyền thuyết kể rằng, thời con gái Bà là người nổi tiếng nết na xinh đẹp, có tài đối đáp. Trong một lần du sơn phía Nam vùng Đỗ Gia (huyện Hương Sơn), Vua Trần Duệ Tông bắt gặp và cảm mến. Nhà vua đưa nàng về cung và phong cho nàng làm Hoàng hậu - Hoàng hậu Bạch Ngọc. Sách “Địa dư tỉnh Hà Tĩnh” chép: “... Về cuối đời nhà Trần, Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377) lấy một người con gái ở làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, tên là Trần Thị Ngọc Hào (con ông Trần Công Thiện), tài sắc đoan trang, Vua phong làm Bạch Ngọc Hoàng hậu...”.

Trước những biến động lịch sử của xã hội phong kiến Việt Nam cuối những năm của thế kỷ XIV, triều đại nhà Trần trên bước đường suy vong, Hồ Quý Ly (1400 - 1407) lật đổ nhà Trần, nhà Minh viện cớ đem quân xâm lược quốc gia Đại Việt. Hoàng hậu Bạch Ngọc cùng con gái là Công chúa Huy Chân và gia nhân, tôi tớ trốn khỏi Kinh thành Thăng Long về quê hương để lánh nạn trong đó có hai cận thần là Trần Quốc Trung và Nguyễn Thời Kính, phải mất 50 ngày đêm đoàn người mới vào tới phủ Đức Thọ và ẩn náu dưới chân núi Trà, núi Cốc (vùng đất Đức Thọ ngày nay). Do thiếu lương thực, thuốc men, bệnh tật, trước tình thế khó khăn đó, Hoàng hậu Bạch Ngọc đã cùng đoàn tuỳ tùng dừng lại quyết định chiêu dân lập ấp khai khẩn đất hoang xây dựng trang trại. Vào thời đó, vùng đất này là nơi heo hút, cây rừng um tùm rậm rạp, nhiều thú dữ... nhưng lại là một vùng đất màu mỡ, tươi tốt. Vùng đất mà Hoàng hậu Bạch Ngọc đã khai khẩn bao gồm một vùng rộng lớn từ miền hạ của huyện Hương Sơn, Đức Thọ và Can Lộc ngày nay. Để ngăn chặn thú dữ chống nạn cướp bóc và sự lùng soát của quân Minh, Bà đã chủ trương huy động lực lượng trai tráng trong làng thành lập các nhóm dân binh có trang bị giáo mác. Bà đã có trách nhiệm với các trung thần như Nguyễn Thời Kính, Trần Quốc Trung... và giao cho họ những phần việc quan trọng. Để ổn định và mở rộng sản xuất, Bà đã tiến hành những việc cần thiết như lập thành vùng sản xuất, lập làng, lập xóm và những cụm dân cư lớn hơn được gọi là trang trại.

Năm 1425 khi Lê Lợi kéo quân vào Nghệ An lấy vùng Đỗ Gia (Hương Sơn) lập căn cứ kháng chiến và xây dựng phòng tuyến dưới chân núi Thiên Nhẫn để chống Giặc Minh, tướng Bùi Bị được giao chỉ huy một cánh quân thị sát và phát hiện trang trại rộng lớn của Hoàng hậu Bạch Ngọc. Bà cùng con gái là Công chúa Huy Chân được tướng Bùi Bị đưa về yết kiến Vua Lê. Thông cảm trước hoàn cảnh và cảm phục tinh thần chí khí của Bà, Lê Lợi và các tướng lĩnh nghĩa quân lấy trang trại của Bà làm hậu cứ và lập Công chúa Huy Chân làm Cung phi. Trang trại của Hoàng hậu Bạch Ngọc đã thành nơi tích luỹ cung cấp quân lương và là hậu cứ vững chắc của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Một số trung thần của Bà đã tự nguyện gia nhập vào hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn giúp Lê Lợi trong công việc triều chính. Mặt khác, Bà còn huy động nhân dân trong vùng tích cực sản xuất, lập các điểm thu gom lương thực, động viên thanh niên, trai tráng gia nhập nghĩa quân. Vùng đất khai hoang của Hoàng hậu Bạch Ngọc ngày càng được mở rộng và trở thành hậu cứ vững chắc giúp nghĩa quân Lam Sơn phát triển lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược cho đến ngày toàn thắng. Sau khi sự nghiệp Bình Ngô thắng lợi, Hoàng hậu Bạch Ngọc xin lập 2 chùa: Chùa Tiên Lữ ở Mỹ Xuyên (xóm Trung Phạm xưa, nay thuộc xã Đức Lập, huyện Đức Thọ) và chùa Am (Diên Quang tự) thuộc xã  Phụng Công, nay là xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và Bà cùng các Công chúa Huy Chân và Công chúa Trang Từ về tu ở đó.

Chùa Am. Ảnh: internet

Đánh giá về công lao đóng góp của Hoàng hậu Bạch Ngọc đối với quê hương đất nước, sử ghi nhận: “... Vua Lê (tức Lê Lợi) mới đem quân từ Ai Lao (Lào) về đóng ở thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn (núi này ở chỗ giáp giới tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh). Ông Bị (tức Bùi Bị) mới dẫn bà Hoàng hậu và Công chúa Huy Chân ra yết kiến Vua Lê. Vua thấy Công chúa có sắc đẹp, lấy làm cung phi và lập điện Phượng Hoàng ở làng Kinh Kỵ cho bà Hoàng hậu ở, bà Hoàng hậu xin hiến những tiền, lúa đã tích trữ được để làm lương thực cho quân sỹ và những trang trai bà lập ra cho Vua Lê. Sau lúc Bình Ngô đại cáo rồi, Bà xin phép Vua lập 2 chùa, một chùa tên là Tiên Lữ ở làng Mỹ Xuyên và một chùa tên là Diên Quang tức chùa ở núi Am Sơn thuộc xã Phụng Công và bà tu hành ở đó...”

 Qua quá trình khảo sát, điền dã và các thư tịch cổ để lại thì vùng đất Đức Thọ và một số huyện như: Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc là một trong số những vùng đất được Hoàng hậu Bạch Ngọc gây dựng. Hiện nay có rất nhiều nơi thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc làm Thành hoàng làng và gọi Bà với tên gọi tôn kính như: Thánh mẫu, Hoàng Thái hậu, Đức Mẹ, tôn bà làm Mẫu nghi thiên hạ. Cho tới nay vẫn còn những địa danh như xóm Trại, vùng trong xóm Điếm, làng Canh.v.v... là những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai để tỏ lòng kính trọng đối với những người tiên phong mở mang bờ cõi chiêu dân, lập ấp giữ yên sự hưng thịnh thái bình cho muôn dân trăm họ.

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử nghiên cứu và ghi chép về Hoàng hậu Bạch Ngọc và các di tích và phế tích liên quan đến Bà trong các sách như: Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Hà Tĩnh, Khởi nghĩa Lam Sơn của tác giả Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nghệ An Ký của Bùi Dương Lịch, An Tĩnh cổ lục, của học giả người Pháp HIPPOLYTE BRETON, Địa dư tỉnh Hà Tĩnh, của tác giả Trần Kinh xuất bản năm 1938 và qua khảo sát nghiên cứu thực địa ở Đức Thọ ngoài một số di tích thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc như: Chùa Am (xã Đức Hòa), đền Liên Minh (xã Liên Minh), chùa Tiên Lữ (xã Đức Lập), chùa Vền (xã Đức Tùng)... còn có một số phế tích liên quan đến Hoàng hậu Bạch Ngọc mà trải qua quá trình lịch sử đã bị hủy hoại nay cần được khảo sát nghiên cứu để có cơ sở phục hồi tôn tạo nhằm trả lại giá trị văn hóa và tâm linh cho đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương và cũng là nén nhang tri ân đối với công lao đóng góp của Bà đối với lịch sử dân tộc.

Toàn cảnh chùa Am. Ảnh: internet

Sau đây là một số phế tích liên quan đến Hoàng hậu Bạch Ngọc ở huyện Đức Thọ cần được phục hồi và nghiên cứu:

Đền Ngũ Long (hay còn gọi là đền Thánh mẫu)

Thời Nguyễn thuộc địa phận làng Hòa Yên, tổng Đồng Công, phủ Đức Thọ, nay thuộc thôn Quyết Thắng, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ. Đền thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc Trần Thị Ngọc Hào và Hoàng hậu Trịnh Thục, tên thật là Trần Thị Ngọc Hiền, con gái Hoàng hậu Bạch Ngọc Trần Thị Ngọc Hào, vợ Vua Lê Lợi, biệt hiệu là Huy Chân Công chúa. Và Công chúa Trang Từ, con gái của Vua Lê Lợi và Công chúa Huy Chân, tên thật là Lê Thị Ngọc Châu, tước vị Trang Từ Công chúa. Theo tư liệu khảo cứu của học giả người Pháp HIPPOLYTE LE BRETON trong những năm đầu của thế kỷ XX trong cuốn sách: “ An Tĩnh cổ lục (LE VIEUX AN-TINH-An Tĩnh xưa)” được công bố và xuất bản ở Huế năm 1936 và cũng đồng quan điểm về tư liệu khảo sát của chúng tôi, ông cho rằng: Đời Vua Lê Thánh Tông (1460-1498) niên hiệu Hồng Đức, Bạch Ngọc và Huy Chân qua đời và về sau Công chúa Trang Từ mất dưới triều Vua Lê Hiến Tông (1498-1505), niên hiệu Cảnh Thống. Hoàng hậu Bạch Ngọc được an táng tại Bản Bị còn Công chúa Huy Chân cùng với con gái thì chôn ở giữa khu rừng thiêng bao quanh ngọn núi Phúc Sơn, nơi đây người ta đã dựng đền Ngũ Long, ngày nay (thời thuộc Pháp) vẫn thờ vong linh những người này và cũng chính từ đó trở đi Phúc Sơn đã được mang tên là núi Vua và cả vùng thì được gọi là xứ mộ vua. Ngày nay, không còn dấu vết gì của các mộ ấy nữa. Đặc biệt trong cuốn sách này còn lưu được hình ảnh về núi Vua và đền Ngũ Long thời bấy giờ.

Điện Phượng Hoàng (sau này nhân dân địa phương còn goi là đền Phượng Hoàng)

Điện Phượng Hoàng được Lê Lợi cho xây dựng cho hai mẹ con Hoàng hậu Bạch Ngọc ở sau khi lấy Công chúa Huy Chân làm Cung phi. Địa điểm này thời Lê, Nguyễn thuộc làng Kính Kỵ hay Cận Kỵ là để nhớ công lao hai vị trung thần của Hoàng hậu Bạch Ngọc là: Nguyễn Thời Kính và Trần Quốc Trung. Làng Kính Kỵ ngày nay thuộc xã Đức Long, làng Trung Phạm thuộc xã Đức Lập. Điện Phượng Hoàng được xây dựng trên ngọn đồi thoai thoải có tên gọi là núi Phượng Hoàng thuộc làng Cận Kỵ hay Kính Kỵ xưa, nay thuộc địa phận xóm 1, xã Đức Long. Hiện nay qua khảo sát phát hiện còn dấu vết nền móng bằng đất và đá núi ghép thành từng bậc trên một khuôn viên rộng bằng phằng theo sườn đồi hướng về phía Tây Nam. Địa điểm đặt điện Phượng Hoàng hướng ra phía trước dưới chân núi là Hồ Phượng Thành và cách chùa Am trên núi Am khoảng 200m về hướng Nam. Theo nhân dân địa phương cho biết: Trước đây còn có hai cột nanh to lớn đồ sộ và nền móng của ngôi điện xây bằng vật liệu đá ong và đá núi, sau này bị phá hủy, hiện nay trên mặt bằng tòa điện xưa, nhân dân địa phương trồng màu và cây lấy gỗ.

Đền Cả (còn có tên gọi là đền thờ Thánh mẫu)

Đền được xây dựng tại làng Mỹ Xuyên, thuộc xã Đức Lập, dưới chân núi Dị Lĩnh hay còn gọi là núi Dẻ vì trước đây có rừng dẻ mọc ở núi đó. Phía sau lưng chừng núi có Di tích chùa Tiên Lữ. Đền Cả thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc Trần Thị Ngọc Hào và hai vợ chồng Trần Quốc Trung và vợ là bà Phạm Thị Nương, là hai cận thần trung tín của Hoàng hậu Bạch Ngọc có công tổ chức khai hoang, tích trữ lương thực, tổ chức hậu cần giúp cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Hiện nay, qua khảo sát, đây là một vùng rộng lớn dân cư ở, còn lại dấu tích của một số vật liệu xây dựng đền như đá ong, vôi vữa và nền chính của ngôi nhà thượng điện. Theo các bậc cao niên ở địa phương, trước đây, đền Cả có quy mô to lớn bao gồm cổng cột nanh, tắc môn, nhà hạ điện, trung điện và thượng điện, phía trước đền là một dãy hành cung có cột cờ, sân bãi nguy nga tráng lệ. Hàng năm, nhân ngày giỗ Hoàng hậu Bạch Ngọc (22-6 Âm lịch), nhân dân địa phương đưa hương án, long ngai, bài vị của Bà để thắp hương tế lễ trên nền đất cũ, tương truyền là ngôi nhà chính thượng điện đền Cả trước khi bị phế tích.

Ảnh: internet

Đền Tứ Phi (hay còn gọi là đền làng Thịnh Quả)

Đền được xây dựng ở Thượng thôn, xã Thịnh Quả (tên xưa là Bất Ngốc hay Phi Cảo), nay thuộc làng Diên Phúc, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ. Đền thờ 4 bà phi thời Lê, nên thường gọi là đền Tứ Phi. Trong đó có hai mẹ con Hoàng hậu Bạch Ngọc. Về sau thờ thêm hai bà hậu của Vua Lê Thánh Tông là Trần Thị Ngọc Dương và Trần Thị Ngọc Hoa là cháu gái của Khai quốc công thần Triều Lê, Trần Duy. Theo thần tích và gia phả họ Trần (Diên Phúc), làng Thịnh Quả vùng đất đền Tứ Phi còn dấu tích của các lăng tẩm thời Lê, với tên gọi như: lăng Từ Lan, lăng Từ Hợp và lăng Địa Tầng, tương truyền là phần mộ của các bà Hậu thời Lê. Trước đây, đền Tứ Phi là một ngôi đền lớn, có nhiều di vật đồ thờ cổ, như: Kiệu rồng, hương án, hoành phi, câu đối cùng nhiều đồ tự khí khác sơn son thếp vàng. Phía trước đền có cột nanh, cổng tam quan đồ sộ, có hồ bán nguyệt đẹp. Là một trong những ngôi đền cổ kính và linh thiêng nhất của tổng Thịnh Quả trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau này, đền bị phá hủy chỉ còn lại hai cột nanh và một phần tam quan. Hiện nay, đền đã được phục hồi tôn tạo và đã được xếp hạng Di tích quốc gia với tên gọi là đền thờ Trần Duy.

Đền Cả xã Liên Minh

Trước năm 1945, thuộc thôn Yên Mỹ, nay thuộc địa phận thôn Đại Minh, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ. Đền thờ Bạch Ngọc Hoàng Thái hậu nên nhân dân địa phương thường gọi là đền thờ Thánh mẫu. Hiện nay, toàn bộ mặt bằng ngôi đền Cả và đền Văn Thánh là đất canh tác của nhân dân địa phương.

Ngoài một số phế tích trên, vùng đất Đức Thọ còn lưu danh một số địa điểm liên quan đến Hoàng hậu Bạch Ngọc như: Địa điểm Trại Côốc, hiện nay thuộc xã Tân Hương, tương truyền là nơi bà cùng các gia nhân trốn tránh trước cuộc săn đuổi, vây ráp, ráo riết của quân Minh; đền Rú Mượu thuộc xã Đức Lạc là địa điểm đồn trú hậu cần, quân lương của Hoàng hậu Bạch Ngọc để cung cấp lương thảo cho nghĩa quân Lam Sơn đánh quân Minh xâm lược...

Việc tìm hiểu các di tích và phế tích liên quan đến Hoàng hậu Bạch Ngọc trên vùng đất Đức Thọ góp phần nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện và có hệ thống về một nhân vật lịch sử và những đóng góp đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được nhân dân kính trọng thờ làm Thành hoàng, người có công trong sự nghiệp khai cơ lập ấp, đánh giặc giữ nước ở những năm đầu thế kỷ XV. Bà là một nhân vật lịch sử sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, là vợ Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377) và nhạc mẫu của Vua Lê Lợi, thường được gọi là Hoàng Thái hậu Trần Thị Ngọc Hào. Bà đã có những cống hiến đáng kể đối với Vương triều Lê, đặc biệt cùng với con gái là Công chúa Huy Chân (tức Trần Thị Ngọc Hiên) và cháu ngoại là Công chúa Trang Từ ( tức Lê Thị Ngọc Châu), đã tích cực ủng hộ quân lương, cùng nhiều của cải vật chất góp phần vào thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống quân Mimh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỷ XV. Bà là một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu mang cốt cách của tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc sâu sắc ý chí quật cường chống ngoại xâm giành lấy chủ quyền cho quốc gia Đại Việt trước hoạ xâm lăng của ngoại bang, giữ yên sự hưng thịnh thái bình cho muôn dân trăm họ. Là người phụ nữ đoan trang, tài sắc vẹn toàn, sống vào những năm đầu thế kỷ XV, vào thời mà những bậc nữ lưu quý phái không rời khỏi phòng hoa khuê các, mà có một người về cung yếu, vốn quen sống một cuộc đời êm đềm nhàn hạ, dám dấn thân vào nơi lam sơn chướng khí, ra sức phấn đấu với rừng xanh, khai khẩn hàng ngàn mẫu đất hoang vu biến thành đồng ruộng, làng xóm, thì kể là một công việc lạ lùng hiếm thấy. Nhất là khi biết rằng, công cuộc đó không những để nuôi sống hàng mấy ngàn người dân nghèo khổ, mà lại còn giúp một phần vào sự nghiệp “Bình Ngô” của Bình Định vương Lê Lợi trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV, thì chúng ta càng khâm phục về tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc sâu sắc của Hoàng hậu Bạch ngọc.

Ngày nay, đi qua những làng mạc thôn xóm, ruộng đồng màu mỡ tốt tươi của những vùng đất ven sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố của huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc…trông lại những nếp chùa những mái đền xưa rêu phong cổ kính, những phế tích, những địa điểm liên quan đến Hoàng hậu Bạch Ngọc được lồng trong khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, ai là người nhớ rằng, cách đây gần 600 năm về trước có một bậc kỳ nữ đã dừng chân lưu lại nơi đây khi về chiều, để rũ sạch bụi trần sau những năm tháng đầy biến động của lịch sử...

Lê Bá Hạnh

Top