Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống ở Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội là vùng tập trung nhiều lễ hội nhất miền Bắc nước ta, lễ hội ở đây mang dấu ấn của cư dân Kinh đô.

Ngoài phong tục của nền nông nghiệp lúa nước còn có tính chất phường hội với hình thức hào hoa phong nhã, lối ứng xử thanh lịch và cách tổ chức tinh tế. Ngoài Quốc lễ do Nhà nước phong kiến tổ chức, còn chủ yếu là hội làng. Từ đó mở rộng ra có hội của một số làng gần nhau, cùng thờ chung một vị Thành hoàng làng, cùng có mối liên hệ lịch sử thông qua sự tích vị Thành hoàng mà họ tôn thờ. Lớn hơn là hội của một vùng hướng về cội nguồn, nhớ ơn một anh hùng cứu nước. Lễ hội mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hoà hợp đoàn kết vì một ước nguyện mong cầu sự phồn vinh cho cộng đồng. Lễ hội thể hiện đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng nhớ ơn tổ tiên đậm đà tinh thần dân chủ và nhân bản.

Lễ hội dân gian truyền thống ở Hà Nội thường diễn ra vào mùa xuân, chỉ có 2 hội mở muộn sang đầu mùa hè là Hội Gióng vào tháng 4 Âm lịch và Hội Chèm, xã Thuỵ Phương, huyện Từ Liêm vào Rằm tháng 5. Hội mùa xuân là sản phẩm gắn với văn minh nông nghiệp với những nghi thức, lễ tiết sinh ra từ văn hoá làng xã, đa dạng trong sắc thái biểu hiện, đối tượng thờ cúng; nhưng có một mẫu số chung là cầu được mùa, mừng được mùa, dâng lễ vật tạ trời đất, Thánh, Thần, tổ tiên đã phù hộ cho dân. Ở nhiều hội, nổi bật nhất là chủ thể tôn sùng anh hùng, danh nhân tiêu biểu như: Hội Gióng, xã Phù Đổng là một lễ hội lớn trong vùng Gia Lâm tái diễn lại lịch sử ông Gióng ra trận dẹp giặc Ân; hội đền Đông Nhân, hội đền Hai Bà ở Hát Môn Mê Linh gắn với Hai Bà Trưng; hội Nhội, Cổ Loa gắn với An Dương Vương; hội Gò Đống Đa gắn với Vua Quang Trung; hội đền Bà Tấm gắn với  Nguyên phi Ỷ Lan... Một chủ đề gốc xưa hơn được thể hiện trong lễ hội là tục rước nước, với những nghi thức riêng để tắm tượng và làm lễ cúng giàng, thực ra đó vẫn là tục thờ nước của cư dân nông nghiệp. Ở các hội rước lúa, thổi cơm thi, bơi chải của nhiều làng như: Thị Cấm, Nghĩa Đô, Lương Quy, Yên Duyên, Tây Tựu... cũng cho thấy hạt nhân của hội chính là nghi thức thờ nước và thờ lúa cùng sản phẩm của cây lúa.

Hội Gióng(Ảnh: TL)

Hội mùa xuân hè còn ấp ủ cả triết lý phồn thực, biểu hiện bằng sự gặp gỡ của trai gái. Hội ở Hà Nội trước đây không có Nõ Nường, không có múa mo, nhưng có bắt chạch trong chum ở làng Hồ Khẩu, có rước hoa tre ở hội đền Sóc, không phải của một làng mà của nhiều làng; Vệ Linh, Đông Đình, Xuân Bách, Hương Đình, các dò “hoa tre” ấy được rước từ làng đến đền Sóc chỉ lưu lại một dò ở đền để thờ, còn thì tung ra cho dân cướp. Nay dò “hoa tre” được giải thích là chiếc roi ngựa của Thánh Gióng.

Thăng Long - Hà Nội xưa là Kinh kỳ, nơi hội tụ tài hoa của bốn phương, nên đất này có cái chất: “nhất thanh nhì lịch”, và sự thanh lịch đó đã được biểu lộ qua lễ hội truyền thống. Một đặc điểm khác của Lễ hội Thăng Long - Hà Nội xưa là tính đồ sộ, quy mô. Sở dĩ có được như thế là do người Thăng Long biết khai thác, thu hút về lễ hội những điều kiện vật chất và tinh thần của đô thị Kinh thành. Các hội có quy mô lớn một vùng như: Hội Gióng, Hội Cổ Loa, Hội Láng. Quy mô tổng huyện như hội: năm làng Mọc (Nhân Chính, Thanh Xuân), hội bơi Đăm, Tây Tựu; Hội Chèm (Từ Liêm); Hội Nhội (Đông Anh). 

Để bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của dân tộc nói chung và nhất là của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, chúng ta không thể tách rời lễ hội với di tích. Bởi di tích và lễ hội là hai loại hình văn hoá sóng đôi, “tuy hai mà một”, mang đậm nét bản sắc văn hoá Việt Nam. Di tích càng đậm sự tích thì hội càng lớn. Nếu biết tôn trọng bản chất sâu sắc của lễ hội, kế thừa được những tinh hoa văn hoá truyền thống dân tộc, thì di tích ấy sẽ mang đậm dấu ấn của lịch sử. Di tích là dấu hiệu và truyền thống được kết tinh lại ở vật chất cụ thể, như: mái đình, cây đa, giếng nước… còn lễ hội ở di tích là cái hồn, nó chuyển tải tinh thần truyền thống đến cuộc đời bằng nghi lễ, trò diễn.

Người dân Việt từ đời này qua đời khác luôn sáng tạo ra những hình thức bảo vệ di tích, mở lễ hội một cách độc đáo, hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới. Mỗi năm, mọi người được đi trẩy hội vào lúc nông nhàn, để gặp gỡ, giao lưu giữa những thành viên trong cộng đồng, làng xóm. Một ví dụ có thể coi là điển hình như: Hội Gióng làng Phù Đổng cho tới nay giới nghiên cứu về văn hoá dân gian vẫn coi Hội Gióng là hội dân gian nhằm tái hiện chiến sự thời Hùng Vương; làng Gióng phá giặc Ân.

Hội Chèm(Ảnh: TL)

Có tác giả coi đây là một hội trận diễn xướng anh hùng ca, với cảnh hoành tráng, chiến đấu đầy hào hứng. Tham gia diễn xuất có tới vài trăm người, kéo dài trên con đê vài km còn người xem hội thì lên tới hàng nghìn người. Hội Gióng không nằm ngoài hệ thống lễ hội dân gian truyền thống Việt Nam, do đó, có cùng những đặc điểm, tính cách của lễ hội Việt Nam, chủ yếu là lễ hội vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lễ hội ở Hà Nội không vượt ra ngoài quy thức của văn hoá Việt cổ là nông nghiệp - nông thôn - nông dân, đặc biệt là tích hợp nhiều lớp tín ngưỡng nguyên thuỷ - ẩn tàng sâu xa đến những tín ngưỡng tôn thờ danh nhân, tín ngưỡng tôn giáo ngoại lai du nhập không mấy cổ xưa, lại được phong kiến hoá, lịch sử hoá, nhiều khi đi quá xa ý nghĩa khởi nguyên. Hội Gióng được coi là lễ hội tái hiện sự kiện lịch sử suy tôn anh hùng chống giặc ngoại xâm là Thánh Gióng. Nhưng đó chỉ là chủ thể được đắp vào, phủ lên một nhân lõi cổ xưa hơn, đó là nghi thức lấy nước, rước nước cử hành trang trọng ngay trong ngày đầu mở hội đã chỉ ra cái ý nghĩa khởi nguyên là tín ngưỡng cầu nước, cầu mưa đầu mùa hè. Nhưng, một số cụ cố lão của làng Phù Đổng lại cho rằng “các cụ ngày xưa” còn kể là đêm hội chính, trai gái được tự do hát đối đáp và đùa cợt trên bãi sông Đuống mênh mông, cha mẹ không hề quở mắng con cái về sự quá trớn trong đêm hôm đó. Như vậy thì lùi xa hơn tín ngưỡng thờ nước ở Hội Gióng cổ lại còn có một lớp tín ngưỡng phồn thực nữa. Một nhà nghiên cứu phát hiện ở Hội Gióng việc múa cờ lệnh ba ván thuận, ba ván nghịch rồi việc chọn tướng giặc Ân là 28 cô gái trẻ là phản ánh quan niệm âm dương giao hoà cũng như sự sùng bái mặt trời, mặt trăng vận hành trong vũ trụ, có người lại coi đây là hình ảnh thời ấu thơ của thời đại sắt.

Hội làng Nành là hội lớn gồm ba làng tham dự mở từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 6 tháng 2. Ngày mùng 4, dân làng trao cờ dựng phướn trước chùa. Ngày mùng 5, ba ông chủ hội đại diện ba thôn vào tế. Sau nghi thức tế lễ là cuộc rước kiệu bà Pháp Vân từ chùa Cả ra giường đá ở bãi Cây Vông. Ngày mùng 6, lễ tục cúng dâng 6 loại phẩm vật: hoa, đèn, che, hương, quả (bưởi phật thủ) thực (oản), rồi đến nghi thức dâng hai “cây hoa”, kỳ thực là hai gọng tre khum khum có đủ loại hoa. Song, đặc biệt nhất là trò nâng cây phan. Cây phan là một bó khoảng 60 cây tre để nguyên ngọn bó lại bằng vành đai. Trên ngọn treo một lá cờ đỏ. Cây phan đặt trong một hố đào sâu chừng 1m, đứng vòng quanh là vài chục trai đinh (gọi là phù giá) thuộc một thôn được đăng cai, quần trắng, áo thâm, đầu chít khăn đầu rìu, tay cầm gậy tre dài một sải tay, đầu gậy buộc một cái chạc ba. Cách vòng các trai đinh chừng 20m là vòng gồm 36 nữ tướng là các cô gái trẻ chưa chồng, quần áo đỏ, mũ vàng, mỗi nữ tướng ngồi trên một cỗ kiệu do 8 người khiêng. Đứng đầu đoàn nữ tướng là tướng Cả, tướng Hai đội mũ cao hơn. Vòng ngoài cùng là các vị chức sắc, quan viên giữ gìn trật tự cho hội lễ.

Hội làng Nành(Ảnh: TL)

Mở đầu trò nâng cây phan là cuộc rước các nữ tướng một vòng quanh cây phan. Sau ba hồi 9 tiếng trống của người chỉ huy (gọi là hiệu cán), những trai đinh nâng cây phan nhất loạt dơ gậy lên, đợi hết 9 tiếng trống điểm, tất cả reo hò và cùng lấy gậy nâng cây phan lên từ từ. Sau đó theo tiếng trống giục, những phù giá đảo cây phan. Cây phan được quay đảo ba vòng từ Đông sang Tây và từ phải sang trái. Khi đảo lá cờ trên không được cuốn lại và đặc biệt hơn là trong quá trình đảo cây phan, tuyệt đối không ai được để tay chạm vào cây phan. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm để cây phan luôn luôn đứng thẳng không bị đổ, có vậy mới được mùa, (nếu chẳng may bị đổ thì thôn đăng cai phải sửa lễ giải hung). Trò nâng cây phan được coi là trung tâm của hội Đại làng Nành, sự ấm no, yên vui và mùa màng tươi tốt của một năm dường như phụ thuộc vào cây phan trong lễ hội này. Như vậy, cây phan là biểu tượng gì? có nhà nghiên cứu cho rằng: đó là biểu tượng nhắc lại cây cổ thụ mà bà ma gửi vào lòng cây đứa bé sơ sinh. Có học giả lại cho rằng đó là  một thứ “cây vũ trụ”. Có người lại căn cứ vào hình ảnh cây phan bó tròn lại đặt trong một hố hình tròn đào giữa bãi Cây Vông mà cho rằng đó là biểu tượng cầu mong sự sinh sôi nảy nở, tức là tín ngưỡng phồn thực. Nghi lễ rước kiệu bà Pháp Vân ra rường đá giữa bãi Cây Vông, rồi cả việc 36 cô gái xinh đẹp diễu quanh cây phan và cả hai “cây hoa” cũng cần được giải mã xem ý nghĩa ẩn tàng trong hình tượng đó là gì?

Hội Đại làng Nành có ý nghĩa lớn về truyền thống đoàn kết cộng đồng, giáo dục thể chất và rèn luyện ý thức tập thể cho các thành viên của làng - một hình thức sinh hoạt văn hoá tâm linh mang tính đặc thù riêng. Để bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của vùng đất Gia Lâm, công việc trước tiên và cấp bách là việc di tu bảo dưỡng các công trình kiến trúc đình, đền, chùa cũng như không gian cảnh quan của di tích và đây chính là cơ sở vật chất để tổ chức được lễ hội theo đúng truyền thống.

Từ một số lễ hội mang tính tiêu biểu như trên, có thể suy rộng ra cho thấy, thực tế nhiều năm qua, ở Hà Nội hầu hết các lễ hội cổ truyền đã được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Kết quả mà các lễ hội lớn đem lại đã tạo điều kiện cho việc giáo dục đạo đức, nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân, đồng thời, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích hiệu quả hơn, tránh được tình trạng di tích bị hư hỏng; các lễ nghi, tập tục, trò diễn xướng dân gian truyền thống bị mai một, thất truyền. Qua đó, nhiều lễ thức đặc biệt mang đậm bản sắc văn hoá Việt được tái hiện, bảo tồn, tạo nên sắc thái riêng của Lễ hội Thăng Long - Hà Nội. Lễ hội truyền thống của Thăng Long - Hà Nội thực sự là những hoạt động văn hoá tinh thần bổ ích, lý thú. Người trẩy hội có dịp nhớ cội nguồn, hiểu thêm về vùng đất ngàn năm văn hiến, tự hào về truyền thống văn hoá của Thủ đô. Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống là góp phần bảo vệ tài sản văn hoá phi vật thể vô giá của đất nước.

Hương Giang

Top