Di tích Lịch sử - Văn hóa Thăng Long Hà Nội

Không thể hình dung về một “Hà Nội ngàn năm văn hiến” với bao giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như thế mà thiếu vắng những di tích lịch sử - văn hóa, vì đó vừa là những tảng đá nền kê chân cột để tạo dựng, vừa là những bằng sắc để minh chứng, vừa là những nét vàng son của phẩm chất đặc trưng, vừa là hồn cốt của những giá trị thiêng liêng của mảnh đất “ngàn năm văn vật”.

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử - văn hóa lớn nhất trong toàn quốc. Theo kết quả kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn 29 quận huyện của Hà Nội hiện nay, Hà Nội có trên 5.000 di tích các loại. Đó là những di chỉ cư trú thời tiền sử đến những khu mộ địa, mộ táng ở thời đại đầu Công nguyên, bao gồm những kiến trúc quân sự, thành trì, hào lũy, pháo đài… từ thời An Dương Vương đến thời kháng chiến chống thực dân Pháp; những kiến trúc cung đình và đô thị từ thời Lý, thời Trần qua thời Lê, thời Nguyễn đến thời cận đại; những di tích tín ngưỡng tôn giáo có từ thời Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân đến thời Lý Thái Tổ dựng đô Thăng Long, qua thời Lê, Nguyễn… những di tích chôn giấu tài sản kho tàng từ thời nhà Hán xâm lược và cai trị đến thời Trần, Lê mở Giảng Võ đường; những căn cứ và cơ sở cách mạng từ ngày chuẩn bị thành lập Đảng đến Tổng Khởi nghĩa tháng Tám, Thủ đô kháng chiến oai hùng; những nơi ghi dấu tội ác của quân xâm lược kề bên những nơi ghi dấu chiến công đánh thắng oanh liệt các loại kẻ thù từ xưa đến nay trên đất Thăng Long - Hà Nội…

Bên cạnh những di tích và cùng với những di tích như đền, chùa, đình, miếu…, di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội còn được chắt lọc qua những truyền thuyết, giai thoại, lời kể, những phong tục tập quán, nghi thức, lễ hội… ở các địa phương; qua nguồn sử liệu thể hiện ở các công trình thổ mộc với những nghệ thuật chạm khắc còn ít nhiều giữ lại được qua thời gian; những vật thể như bia đá, chuông, khánh… có cấu trúc và kiến trúc được lưu giữ lại trong các di tích của Thăng Long - Hà Nội.

Nghiên cứu về các di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội cần chú ý về ý nghĩa, giá trị của các di tích đó. Cùng với những ý nghĩa tín ngưỡng, thờ cúng bình thường, chúng ta có thể thấy những di tích kỷ niệm các nhân vật có công với dân, với làng, với nước đã trở thành những “pho sử lộ thiên” có tác dụng thường xuyên nhắc nhở, giáo dục tinh thần yêu nước của dân tộc ta từ thế này qua thế hệ khác. Có thể nói, đó là cách làm xuất sắc mà cha ông ta đã gắn bó hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian với việc giáo dục truyền thống lịch sử của cha ông, nhằm khích lệ mọi truyền thống lịch sử tạo nên sức mạnh của dân tộc để giữ vững chủ quyền của quốc gia và phát triển đất nước. Cũng liên quan đến các di tích đền, miếu, một đặc điểm chung đáng lưu ý là trong những sự tích, truyền thuyết liên quan đến di tích, bao quanh “cái lõi hiện thực”, thường phủ một lớp huyền thoại, tức những yếu tố “phi hiện thực”. Đó là sản phẩm tồn tại dưới xã hội phong kiến. Trong thời đại hiện nay, các tập tục mê tín cần phải bài trừ, còn những yếu tố huyền thoại đã ngưng đọng trong ký ức dân gian, trở thành kho tàng thần thoại, truyền thuyết của Thủ đô và của dân tộc cần phải được nghiên cứu kỹ. Nếu tách rời các huyền thoại, truyền thuyết với những di tích đó đã sản sinh hoặc gắn bó thì di tích đó sẽ bị trơ trụi, khô cứng, mất vẻ hấp dẫn và cổ kính. Cho nên, ở đây chúng ta phải hiểu rõ cả yếu tố hiện thực và yếu tố “phi hiện thực” thì mới thấy đầy đủ giá trị của di tích.

Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: TL)

Qua các trang sử với những di tồn và chứng tích vật thể của lịch sử có thể thấy rõ thêm được không ít khía cạnh của lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội bị thiếu vắng trong một số nguồn sử liệu có thể xác minh hoặc đính chính được những thông tin chưa rõ ràng hoặc sai sót từ các nguồn sử liệu khác. Giá trị đặc biệt của nguồn sử liệu di tích lịch sử - văn hóa là ở chỗ nó có tính trực quan, trực cảm, trực giác, tức là cung cấp cho ta những dữ kiện để trở lại với lịch sử. Mặt khác, còn là tính thiêng liêng và sự trân trọng đối với các giá trị được bảo tồn qua thời gian. Chính đó là những điều mà chỉ nguồn sử liệu của những di tích này mới cung cấp được.

Những di tích lịch sử - văn hoá Thăng Long - Hà Nội đã góp phần lưu giữ và phản ánh lịch sử, có giá trị to lớn trong việc bảo vệ, giữ gìn truyền thống văn hoá của Thủ đô. Giá trị và vẻ đẹp của những di tích ấy thể hiện trước hết ở tính thẩm mỹ cao của cảnh quan kiến trúc với những yếu tố: đắc địa trong sự toạ lạc; vị trí tự nhiên và nhân văn; kiểu dáng, kiểu cách của kiến trúc độc đáo; nét đặc thù của nguyên vật liệu; đường nét, màu sắc, cách bài trí trong thi công và bảo trì v.v...

Một yếu tố không kém phần quan trọng góp phần tạo nên vẻ đẹp và giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hoá Thăng Long - Hà Nội là sự cổ kính, tính lâu đời được đảm bảo và thể hiện trên nhiều phương diện cả về nội dung và hình thức của từng di tích. Ở nhiều di tích, ngoài những giá trị nêu trên, là những tảng đá kê chân cột; là những hàng cột gỗ bố trí cân đối, hài hoà; là những vì kèo, chồng rường, chồng diêm; là những mái cong, mái vẩy; là những đầu đao uốn cong, những viên ngói mũi hài; là những họa tiết trang trí trên khung gỗ của các di tích v.v... để tạo thành những nhà chữ tam, chữ nhị, chữ đinh, chữ công... đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cổ kính, nâng giá trị của di tích lên rất nhiều.

Như trên đã nêu, Hà Nội là một địa chỉ văn hoá đặc biệt, có nhiều di tích nhất so với cả nước. Di tích lịch sử - văn hoá Hà Nội đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, có niên đại trải dài từ thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn qua các thời Bắc thuộc, Lý, Trần, Lê đến thời kỳ cách mạng kháng chiến sau này. Những di sản này được sinh ra và nuôi dưỡng bằng tín ngưỡng, đạo lý và phong tục truyền thống của dân tộc, nên có sức sống mãnh liệt và lâu bền. Tuy phải trải qua thời gian, giặc ngoại xâm và thiên nhiên khắc nghiệt... nhưng cha ông ta đã làm được những việc có ý nghĩa, nhằm lưu giữ các di tích, lưu giữ di sản truyền thống của dân tộc.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: TL)

Nếu chỉ tính từ mùa thu năm Canh Tuất (1010), khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, thật khó biết chính xác có bao nhiêu đình, đền, miếu, chùa, quán, bao nhiêu di tích lịch sử - văn hoá có mặt đã bị tàn phế qua thời gian trên mảnh đất “Rồng bay” này. Nếu như mỗi một di tích đều có sẵn một chuyên khảo, một bản ghi tóm tắt để giới thiệu về niên đại và sự kiện liên quan đến việc hưng tạo, trùng tu, đặc điểm kiến trúc, điêu khắc, hành trạng, sự tích của các đối tượng được tôn thờ, tiểu sử các vị chủ trì, cũng như truyền thuyết lễ hội, phong tục tập quán dân gian có liên quan... thì sẽ không chỉ thuận lợi cho những người làm công tác quản lý di tích, mà còn đáp ứng yêu cầu của đông đảo những người quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá Thủ đô.

Trên các sách báo từ trước đến nay đã có các bài viết của nhiều tác giả giới thiệu về di tích lịch sử  - văn hóa Hà Nội. Một số nhà nghiên cứu về Hà Nội rất tâm huyết với việc nghiên cứu và giới thiệu một số di tích và lễ hội các địa phương của Hà Nội, phản ánh được những nét riêng biệt của các di tích. Tuy nhiên, việc giới thiệu đó còn rải rác, chưa thành hệ thống, nên chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu một cách toàn diện và kỹ lưỡng hệ thống di tích đồ sộ của Hà Nội. Mặt khác, hiện nay cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, thì nhu cầu hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hoá thông qua hệ thống di tích trên đất Hà Nội của nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước cũng tăng lên, đang trở thành đòi hỏi cấp thiết.

Hiện nay, việc kiểm kê và xếp hạng di tích trên địa bàn Hà Nội được tiến hành có quy củ, nhằm bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích; đồng thời thông qua đó giáo dục truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần của Thủ đô lành mạnh, văn minh, tiến bộ, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học của cả nước.

Được sự quan tâm của UBND thành phố và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, trong những năm qua, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng, tiến hành kiểm kê, phân loại các di tích, bao gồm đền, đình, chùa, miếu, văn chỉ, lăng tẩm, di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến... một cách khoa học, thu về lưu giữ tại kho tư liệu hàng vạn bản in dập văn bia, câu đối, hoành phi, sắc phong, thần phả... để tránh sự mất mát. Với trên 5.000 di tích lịch sử - văn hoá đã kiểm kê được phân bố ở hầu hết các địa bàn nội, ngoại thành Hà Nội, trong đó có hơn 2.000 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp thành phố, đã làm hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Chùa Một Cột (Ảnh: TL)

Những năm gần dây, do có chương trình chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hoá của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội, nên đã cứu vãn được một số di tích khỏi sập đổ. Kinh phí dành cho công việc này không nhiều, nhưng cũng nhờ đó mà một số di tích được phục hồi. Nhân dân các địa phương của Hà Nội đón nhận chương trình này với niềm phấn khởi và qua đó cũng huy động được nguồn xã hội hoá tương đối lớn. Cũng trong những năm qua, công tác bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá của Hà Nội đã làm được nhiều việc đáng ghi nhận. Ngoài việc tổng kiểm kê di tích, đánh giá phân loại, lập hồ sơ xếp hạng di tích, đã phối hợp với chính quyền và nhân dân một số địa phương lập dự án tu bổ được một số di tích trọng điểm, di tích bị hư hỏng nặng. Số di tích còn vững chãi, nguyên vẹn không nhiều. Vì vậy, chương trình chống xuống cấp các di tích được Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội thực hiện một cách tích cực, chủ động và sáng tạo đối với công tác bảo tồn các di tích của Thủ đô Hà Nội.

Năm 2010, Thủ đô Hà Nội của chúng ta tròn 1000 tuổi, mặc dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng Hà Nội vẫn còn lưu giữ được rất nhiều di tích lịch sử - văn hoá. Đó là những tài sản vô giá gắn liền với lịch sử oai hùng cũng như truyền thống văn hoá của dân tộc ta. Việc phục hồi, tôn tạo, giữ gìn những di sản đó cho hôm nay và mai sau là thể hiện lòng tri ân của chúng ta đối với các bậc tiền nhân. Chính từ ý nghĩa cao cả đó, thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW ngày 4-5-1998 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước; là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; động viên toàn Đảng, toàn dân phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đây cũng là dịp để giới thiệu và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và thế giới, nên việc tái tạo diện mạo lịch sử của Hà Nội thông qua các di tích lịch sử - văn hoá qua các thời đại, khẳng định những thành tựu về mọi mặt của Thủ đô ngàn năm văn hiến là việc làm cần thiết và có nhiều ý nghĩa. Chính vì thế, trong Chương trình chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngoài những nội dung phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại và nhiều nội dung hoạt động phong phú chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này, chương trình tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử - văn hoá tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội được coi là một phần nội dung rất quan trọng thậm chí là phần hồn cốt của sự im lặng và tĩnh mịch từ trong quá khứ mà hôm nay chúng ta đang đánh thức để tiếp thêm sức mạnh phi thường cho thành phố “Rồng bay”.

Cầu Thê Húc - Đền Ngọc Sơn (Ảnh: TL)

Với truyền thống “hướng về cội nguồn”, chúng ta hy vọng rằng không chỉ năm 2010 này mà những năm tiếp theo, Thủ đô Hà Nội sẽ có những di tích lịch sử - văn hoá được tu bổ tôn tạo bên cạnh những công trình văn hoá, thể thao được xây dựng với sự đóng góp to lớn của nhân dân, các tổ chức trong và ngoài nước để Hà Nội - trái tim của cả nước mãi mãi xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học của đất nước, là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thủ đô vì hoà bình, Thủ đô 1000 năm tuổi. 

TS Nguyễn Doãn Tuân

Top