Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời

Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận (nay là xếp hạng) là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 26-1-1999.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có văn bản giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Kim Mã (Trảng Bàng, Tây Ninh) lập dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời tọa lạc tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Đây thật sự là một tín hiệu vui cho tỉnh Tây Ninh bởi lẽ hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều di tích đã được khoanh vùng bảo vệ nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo; trong đó có Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời - Trảng Bàng.

Đường vào Khu Di tích Bời Lời - Tây Ninh.

Theo Dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình UBND tỉnh xem xét quy mô đầu tư bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 có các hạng mục: Phục dựng nhà truyền thống, đền thờ các anh hùng liệt sỹ, nhà trưng bày, nhà khách, các hầm hào công sự chiến đấu, cây xanh cảnh quan toàn khu và các công trình phụ trợ khác. Giai đoạn 2 bao gồm các khu vui chơi giải trí (nhà hàng – khách sạn – mua sắm) và hồ cảnh quan hình móng ngựa. Giai đoạn 3 gồm có: Quảng trường và công viên ngựa. Đây là ý tưởng mới của nhà đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khách đến với di tích thông qua các phương tiện bằng việc cưỡi ngựa và tham quan di tích bằng xe ngựa. Dự án có tổng vốn đầu tư là 400 tỷ đồng phân kỳ cho 3 giai đoạn, với quy mô diện tích 146ha, trong đó 82 ha là đất di tích.

Nếu được phê duyệt, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Kim Mã sẽ tập trung triển khai Dự án vào cuối năm 2017 cho đến năm 2022 (5 năm) sẽ hoàn tất Dự án. Đánh giá về tác động hiệu quả kinh tế xã hội, Dự án nêu rõ: “Tác động quan trọng nhất của Dự án là mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương, là tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và tăng nguồn ngân sách đáng kể cho địa phương thông qua hoạt động dịch vụ và du lịch gắn với di sản văn hóa . Ngoài ra Dự án còn đem lại giá trị và ý nghĩa to lớn nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông ta cho thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh…  

Chiến khu Bời Lời những năm kháng chiến.

Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận (nay là xếp hạng) là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 26-1-1999. “Chiến khu Bời Lời” trước đây là Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh được hình thành và xây dựng từ một hệ thống chiến đấu vững chắc của quân và dân ta bao gồm hàng chục km địa đạo, giao thông hào kiên cố bố trí đầy đủ các ngõ ngách, mô ụ chiến đấu, đồng thời có cả nguồn lương thực, nước uống dự trữ phục vụ yêu cầu chiến đấu. Đây là cửa ngõ của vùng nội đô Sài Gòn - Gia Định và các chiến trường miền Tây, miền Đông Nam Bộ và cả Trung Bộ vào Căn cứ Dương Minh Châu và Chiến khu Bắc Tây Ninh để về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam “R”.

Nằm trong khu vực được mệnh danh là vùng “Tam giác sắt”, nơi đây nối liền với “Củ Chi đất thép” đã trở thành điểm tựa “Vành đai thép” của khu Sài Gòn - Gia Định. Chính tại địa danh lịch sử này, quân ta đã chọn làm điểm xuất phát là bàn đạp tiến công vào nội thành Sài Gòn trong trận tập kích Mậu Thân 1968 và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975.

Một trong những nhà ở của các đồng chí lãnh đạo cấp cao tại Căn cứ.

Theo lãnh đạo Sở VHTTDL, Tây Ninh hiện còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đã được xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ nhưng chưa được đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo nhằm phát huy giá trị của di tích. Trong đó có một số di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia như: Địa điểm lưu niệm vành đai diệt Mỹ - Trảng Lớn ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành; Di tích lịch sử  Căn cứ Dương Minh Châu thuộc xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu; Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy Nam Bộ (X40 Đồng Rùm) và Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời v..v…

Việc kêu gọi các nhà đầu tư chung tay đóng góp trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh nhà là rất đáng trân trọng và cần thiết nên có cơ chế khuyến khích thích đáng. Ngày 26-4-2017 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng đã có biên bản báo cáo kết quả buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và đã “kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Du lịch Kim Mã đề nghị đầu tư Dự án tái hiện Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh và Khu công viên giải trí phức hợp tại Bời Lời thuộc xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng.

VÕ HOÀ MINH

Top