Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
Khu Di sản bao gồm Di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội đã tạo thành một quần thể thống nhất, là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long - Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Đây là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành - nơi ở, làm việc của Vua và Hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và lịch sử thăng trầm của Kinh đô Thăng Long. Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, nhưng những di tích và dấu tích còn nằm sâu trong lòng đất vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa vô giá, minh chứng cho sự phát triển liên tục của Kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những giá trị đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, dân tộc mà còn mang ý nghĩa và giá trị nổi bật toàn cầu. Bởi nơi đây đã diễn ra sự giao thoa các giá trị văn hóa của phương Đông và thế giới; là trung tâm chính trị, văn hóa, trung tâm quyền lực quốc gia trong suốt thời kỳ dài từ đầu thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, đồng thời liên quan chặt chẽ với những sự kiện quan trọng, các giá trị biểu đạt văn hóa, nghệ thuật của quá trình hình thành, phát triển quốc gia độc lập trong gần một thiên niên kỷ.
Hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng Cung điện lầu gác cùng số lượng lớn, phong phú các loại hình di vật độc đáo được khảo cổ học phát hiện dưới lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam và đã trở thành tài sản chung của nhân loại.
Một góc của Hoàng thành ngày nay (Ảnh: TL)
Trong thời gian này, Trung tâm Bảo tồn Khu Di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các hoạt động chào mừng Đại kễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Khu Di tích. Trong đó tập trung hoàn thành công tác chỉnh trang toàn bộ Khu Di tích, tổ chức trưng bày chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, lịch sử ngàn năm từ lòng đất”, giới thiệu gần 900 hiện vật tiêu biểu khai quật tại 18 Hoàng Diệu và nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm khác như: trưng bày cây cảnh nghệ thuật, hoa Đà Lạt, tranh thêu truyền thống..., sẵn sàng phục vụ đón khách tham quan.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Di sản Văn hóa thế giới (Ảnh: TL)
Tuy vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài, di sản rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn. Trước hết, cần thực hiện tốt các khuyến nghị của ICOMOS mà Chính phủ ta đã cam kết như: tiếp tục mở rộng nghiên cứu khảo cổ học, nhất là tại Khu Thành cổ Hà Nội, tăng cường nghiên cứu làm sáng rõ giá trị các di tích kiến trúc trước thời Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long; thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía Bắc, Đông và Nam Khu Di sản; tăng cường quản lý di sản trước áp lực phát triển đô thị và du lịch; tập trung đào tạo nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Đồng thời, xây dựng quy hoạch bảo tồn tổng thể Khu Di tích với chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản lâu dài; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn di sản, triển khai thực hiện có hiệu quả dự án bảo tồn di sản từ quỹ tín thác Nhật Bản/UNESCO.
PV (Tổng hợp)