Bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống cộng đồng hiện nay

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là sản phẩm đại diện, tiêu biểu cho gia tài văn hoá của vùng đất xứ Nghệ, là một loại hình dân ca độc đáo, tạo nên bản sắc văn hóa của người dân xứ Nghệ.

Bắt nguồn từ lao động, được hình thành, sáng tạo trong lao động, hát Ví, Giặm xứ Nghệ là phương tiện sinh hoạt văn nghệ tự túc của nhân dân để vui chơi, giải trí; là một tài sản tinh thần vô giá để thể hiện các quan niệm về cuộc sống, về đấu tranh, thể hiện các mối quan hệ xã hội - tự nhiên, thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Hát Ví, Giặm không chỉ có sức hấp dẫn với tầng lớp nhân dân lao động mà còn hấp dẫn, lôi cuốn nhiều danh sỹ, chí sỹ, nho sỹ, các nhà khoa bảng tham gia. Dân ca Ví, Giặm còn được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, những kiến thức khoa học thường thức về đời sống một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Chính vì thế, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến hôm nay, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại và khẳng định sức sống của nó trong đời sống đương đại.

Nếu như trước đây, Ví, Giặm là thể hát dân ca được diễn xướng trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt đời sống thì đến nay, Ví, Giặm lại sống trong lòng cộng đồng nhân dân xứ Nghệ thông qua nhiều hình thức, từ hát trong sinh hoạt đến tái hiện trên sân khấu, sàn diễn. Mỗi người dân xứ Nghệ hôm nay vẫn yêu mến và cố gắng gìn giữ những câu dân ca Ví, Giặm sâu lắng nghĩa tình. Các cá nhân, gia đình, cộng đồng ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. 

Trong bối cảnh đương đại do tác động của thời kỳ hiện đại hóa, khi nhịp sống đã trở nên khẩn trương nhanh, mạnh theo tác phong công nghiệp, các bài hát dân ca truyền thống có phần bị mai một, môi trường diễn xướng có những thay đổi nhưng, với sức sống mạnh mẽ, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có số lượng người thực hành còn rất nhiều. Hiện nay, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ở đâu cũng có người biết thực hành Ví, Giặm. Kết quả kiểm kê cho thấy, hát Ví, Giặm có ở 104 xã, phường, thị trấn, 259 làng của 26 huyện, thành phố, thị xã.

Tỉnh Nghệ An: có 71 xã, phường, thị trấn thuộc 14 huyện, thành, thị (trừ các huyện miền núi) trong đó tập trung và có truyền thống lâu đời như các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu... toàn tỉnh đã có 60 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm được chính quyền địa phương cấp cơ sở thành lập với khoảng gần 1.500 thành viên. Tiêu biểu như CLB Hồng Sơn (huyện Quỳnh Lưu), CLB Nghi Trung (huyện Nghi Lộc), CLB Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương). Toàn tỉnh hiện thống kê được 415 nghệ nhân trong đó có 42 người được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vinh danh là Nghệ nhân Dân gian.

Tỉnh Hà Tĩnh có 33 xã thuộc 12 huyện, thành, thị có thực hành Ví, Giặm, trong đó có 12 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm có quyết định thành lập chính thức của chính quyền cơ sở. Tiêu biểu là CLB hát Ví sông La xã Tùng Ảnh (huyện Đức Thọ), CLB hát Ví o Nhẫn xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh), CLB Dân ca Ví, Giặm xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà)... với 388 nghệ nhân, trong đó có 28 nghệ nhân đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam vinh danh là Nghệ nhân Dân gian.

Hệ thống các câu lạc bộ đàn và hát dân ca ở cơ sở được thành lập đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở, trở thành một trong những “cái nôi” lưu giữ hồn Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Hầu hết các CLB sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình, say mê. nhiều nghệ nhân đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tham gia CLB, truyền dạy hát dân ca cho các thế hệ trẻ và tham gia biểu diễn phục vụ dân ca cho các hoạt động văn hoá văn nghệ trên địa bàn dân cư. Các nghệ nhân dân gian là những hạt nhân của các câu lạc bộ, thực sự là những “báu vật nhân văn sống”. Ngày nay, các nghệ nhân dân gian giữ vai trò chủ chốt trong việc truyền dạy và diễn xướng tại các câu lạc bộ và trong cộng đồng, gia đình.Có một số gia đình hiện nay có bốn hoặc ba thế hệ đều biết hát Ví, Giặm, tiêu biểu như gia đình Nghệ nhân Lê Thị Vinh (xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Các cá nhân, tiêu biểu như Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng (xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, Nghệ An); Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm (xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), họ đã rất tích cực trong việc sưu tầm các làn điệu Ví, Giặm và thành lập Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm, tập hợp những người yêu thích dân ca, dạy hát ngay tại nhà, trong trường học. 

Việc tổ chức truyền dạy trong cộng đồng thông qua Chương trình Dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh - Truyền hình, đưa Dân ca Ví, Giặm vào trường học, nhất là các trường phổ thông cơ sở được quan tâm và ngày càng phát triển. Năm 1985, Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã tổ chức biên soạn giáo trình giảng dạy dân ca Nghệ Tĩnh và một số làn điệu dân ca các miền. Năm 1996, ngành Văn hóa đã phối hợp Đài Phát thanh  - Truyền hình 2 tỉnh hàng tháng mở chuyên mục Dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh - Truyền hình (chủ yếu là Ví, Giặm) với sự tham gia giảng dạy của nhiều nghệ sỹ, nhạc sỹ, nghệ nhân như: Thanh Lưu, Danh Cách, Phan Thành, Đình Bảo, Lệ Thanh, Tiến Dũng, Hồng Lựu. Từ  năm 1999, ngành Văn hóa đã phối hợp ngành Giáo dục - Đào tạo, Đài Phát thanh - Truyền hình 2 tỉnh tổ chức phong trào  “Thi tìm hiểu và hát dân ca trong trường học”. Tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường. Biên tập và xuất bản 2 tập sách “Dân ca đặt lời mới” và” Đưa dân ca vào trường học“, cung cấp nhiều băng đĩa hát dân ca để làm tài liệu cho các trường, để đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi học hát dân ca, thi hát dân ca giữa các lớp, các trường trong  huyện và trong  tỉnh.

Ví, Giặm còn được đưa vào nội dung sinh hoạt lễ hội, lồng ghép trong Liên hoan Tiếng hát làng Sen hàng năm, các chương trình văn hóa, văn nghệ trong các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước; biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước các chương trình Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ; tổ chức các hội diễn, hội thi, liên hoan Ví, Giặm theo định kỳ với nhiều chủ đề; Tổ chức giao lưu đàn và hát dân ca giữa các vùng, miền... Đặc biệt, Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh lần thứ nhất 2012 tại thành phố Vinh với chủ đề “Ví, Giặm lung linh hồn quê xứ Nghệ” đã để lại những dấu ấn vô cùng sâu sắc.

Việc thành lập hệ thống câu lạc bộ hát dân ca cũng như việc đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên Đài Phát thanh - Truyền hình, tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca đã tạo ra không gian văn hóa mới cho Ví, Giặm thực hành. Vì thế, phong trào hát dân ca ngày càng được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Ví, Giặm không chỉ được bảo lưu, phát huy trong câu lạc bộ, trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân và các hình thức nêu trên mà còn được đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung ương và thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh phối hợp cùng với các nghệ nhân thực hiện dưới nhiều hình thức: sưu tầm, nghiên cứu, ghi âm, ghi hình, sản xuất CD, VCD, DVD về chương trình Dân ca Ví, Giặm tiêu biểu như: “Dân ca xứ Nghệ”, ”Tình quê xứ Nghệ”, “Ân tình xứ Nghệ”, “Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Quê mình quê thơ”..., phim video, phim tài liệu ”Tìm về câu hát Ví”, “Tục hát phường Vải”...; in sách sưu tầm, sách nhạc và chuyên khảo về Ví, Giặm, phục vụ truyền dạy, tư liệu hóa, bảo vệ, phát huy, phục hồi và quảng bá, mở các trại sáng tác. Một hình thức rất được quan tâm thực hiện là sân khấu hóa, đó là sự chuyển hóa từ hình thức hát dân ca đến ca nhạc chuyên nghiệp, thể nghiệm đưa dân ca Nghệ Tĩnh thành một bộ môn kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Trong những năm qua, hàng chục vở diễn với đủ các thể loại, nhiều vở tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và đã đạt được nhiều giải thưởng cao, nhiều tác phẩm xuất sắc mang âm hưởng Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được ra đời như: “Nhớ về Hà Tĩnh” của Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, “Hà Tĩnh mình thương” của Nhạc sĩ An Thuyên, “Mời anh về Hà Tĩnh” của Nhạc sĩ Trần Hoàn, “Câu đợi câu chờ” của Nhạc sĩ  Ngọc Thịnh...

Trên phương diện nghiên cứu, sưu tầm: Thấy rõ giá trị và sức sống của Dân ca Ví Giặm, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhạc sỹ đã dày công nghiên cứu, sưu tầm biên soạn những công trình về hát Ví Giặm như: Hát Giặm Nghệ Tĩnh  của GS Nguyễn Đổng Chi, Hát Ví Nghệ Tĩnh của Nguyễn Chung Anh, Hát phường Vải của PGS Ninh Viết Giao; Âm nhạc dân gian xứ Nghệ của Lê Hàm, Hoàng Thọ, Thanh Lưu; Các làn điệu dân ca xứ Nghệ của các Nhạc sỹ: Thanh Lưu, Lê Hàm, Vi Phong; Hát phường Vải ở Trường Lưu của Nhạc sĩ Vi Phong và Phan Thư Hiền... và nhiều công trình nghiên cứu, bài viết của GS.TS Nguyễn Nhã Bản, PGS.TS Phan Mậu Cảnh, PGS.TS Hoàng Trọng Canh, TS Nguyễn Hoài Nguyên, Lê Văn Hảo, Đào Việt Hưng... Nhiều chương trình, dự án cấp Bộ, cấp tỉnh được xây dựng và thực hiện như: Dự án “Bảo tồn và Phát huy các hình thức sinh hoạt dân ca ở huyện Can Lộc” của tác giả Bùi Quang Thắng và Phan Thư Hiền; “Điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy hát Giặm Thạch Hà” của tác giả Hoàng Vinh; “Điều tra, sưu tầm, bảo tồn và phát huy hát Ví sông La” của Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh...

Nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức như: Hội thảo về định hướng thể nghiệm âm nhạc của sân khấu dân ca theo hướng kịch hát truyền thống của dân tộc (năm1976, 1984, 1987); Năm 2002, Sở VHTT Nghệ An phối hợp với Viện Sân khấu tổ chức Hội thảo 30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh nhằm tổng kết lại quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, đề ra những giải pháp đưa sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển. Năm 2011, Sở VHTTDL Nghệ An phối hợp với Sở VHTTDL Hà Tĩnh, Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn và Phát huy Dân ca Hò, Ví, Giặm xứ Nghệ.

Không chỉ đi vào đời sống cộng đồng trên chính quê hương mà Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ còn được bảo lưu, gìn giữ và phát huy bởi cả cộng đồng người Nghệ xa quê và những người không sinh ra trên quê hương xứ Nghệ. Dân ca Ví, Giặm là cảm hứng, chất liệu để nhiều nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác nên những áng thơ, ca khúc đậm chất trữ tình, làm say đắm lòng người.

Điều đó khẳng định rằng dù có nguy cơ mai một, môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, nhưng với sức sống mãnh liệt được tạo dựng, bồi đắp qua nhiều thế kỷ, Dân ca Ví, Giặm vẫn luôn trường tồn  và phát huy trong đời sống cộng đồng cư dân xứ Nghệ, làm cho đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú, đa dạng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đỗ Thị Nụ

Top