Bảo tàng với việc trưng bày Di sản Văn hóa phi vật thể

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xây dựng trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm- Đẹp- Vui”, thứ tín ngưỡng dân gian nhạy cảm bởi ranh giới giữa những yếu tố văn hoá giá trị và phản giá trị là rất mong manh, trưng bày chuyên đề hiện diện trong bảo tàng - thiết chế văn hoá có chức năng giáo dục như là sự khẳng định giá trị văn hoá đích thực của tín ngưỡng. Từ đó thấy được vai trò của bảo tàng trong việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể.

1. Tín ngưỡng thờ Mẫu – một di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam

Tín ngưỡng thờ Mẫu tôn vinh các vị nữ thần với sức mạnh và khả năng siêu phàm, có thể điều chỉnh được tự nhiên vốn dĩ có quy luật. Trong hành trình tìm kiếm sự mưu sinh, một trong những yếu tố tiên quyết là hiện tượng tự nhiên, để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt và che chở cho sự sống trước muôn vàn tai hoạ luôn rình rập con người.

Việc thờ tam tòa thánh Mẫu hay thờ Tứ Phủ trong dân gian là có nguồn gốc xuất xứ với những nguyên nhân sâu xa được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm trong trong quan niệm của con người về vũ trụ quan, nhân sinh quan. Ðiều đó vừa thể hiện tư duy, niềm khao khát về mặt tinh thần đối với Mẫu, trước hết là người sinh ra, nuôi dưỡng, bảo lưu các thế hệ giống nòi, là điểm tựa về mặt vật chất và tinh thần cho mỗi cá nhân, là sự ấp ôm che chở bao la trước mọi sự khó khăn, và mẹ là tất cả. Trước những hiện tượng siêu nhiên, mọi môi trường sống dần được gắn với mẹ, từ người mẹ cụ thể đến mẹ siêu trần, mẹ siêu phàm. Mẹ trong bao quát khái niệm tư duy và được thần tượng hóa trong đời sống con người, mà việc thờ Mẹ thì cũng tự nhiên và cũng là điều đáng tự hào về tính nhân văn nói riêng, rất đẹp ở người Việt Nam, mà chẳng nơi nào trên thế giới có được.

Trong hành trình phát triển của mình, Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển khá sâu rộng và phổ biến khắp mọi địa phương trong cả nước, mỗi vùng miền có sắc thái văn hoá khác nhau nên cũng có sự ảnh hưởng và chi phối tạo nên diện mạo đa sắc của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Thờ Mẫu không chỉ là hiện tượng phổ biến đa dạng về nội dung và ý nghĩa mà còn thể hiện tính chất linh thiêng về phương diện triết lý nhân sinh và nhận thức. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thần, Phật thì Tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại cùng với một vị trí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam.

2. Trưng bày Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Ðẹp - Vui tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Sau gần 2 năm chuẩn bị, Trưng bày chuyên đề: “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Ðẹp - Vui” được khai trương vào tháng 2 năm 2012. Trưng bày được thực hiện dưới sự tư vấn của nhóm chuyên gia Mỹ là Tiến sĩ Laurel Kendall - Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ và Kiến trúc sư, hoạ sĩ thiết kế nội thất James Hick cùng các cán bộ của A&C.

Nội dung trưng bày được xác định đây là cuộc diễn giải của bảo tàng với công chúng về những gì mà Tín ngưỡng thờ Mẫu đang diễn ra trong cuộc sống, những gì mà người trong cuộc vẫn đang làm để thực hiện nghi lễ, ở đây đó chính là những người theo Mẫu, những người được coi là ghế để các vị Thánh ngự mỗi lần giáng đồng. Cho nên nội dung trưng bày được định hướng theo cách suy nghĩ, cách làm của những người trong cuộc chứ không phải đưa nội dung một cuốn sách hay một công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu nào lên trưng bày.           

Không gian trưng bày "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui". Ảnh: internet

Ðể thực hiện trưng bày này, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện hàng trăm phỏng vấn những người dân theo Mẫu hiện đang sinh sống ở Hà Nội và một số tính phía Bắc như Lào Cai, Thanh Hoá, Nam Ðịnh, Hưng Yên, Bắc Ninh…; vừa sưu tầm hiện vật, vừa chụp hàng ngàn bức ảnh và quay gần một trăm băng video. Ban đầu, trưng bày chuyên đề mang tên “Sức sống lâu bền của Tín ngưỡng thờ Mẫu”, nhưng qua quá trình nghiên cứu điền dã, nhóm nghiên cứu thấy rằng trong mỗi lời tâm sự của những người trong cuộc thì đều có điểm chung là: đến với Mẫu là Tâm phải trong sáng; đến với Mẫu là chìm đắm trong một không gian rực rỡ sắc màu của điện thờ và sắc phục của Ông/Bà đồng trong mỗi lần hầu Thánh; và đến với Mẫu người ta có cảm giác thanh thản, phấn khích, vui sướng đến kỳ lạ. Từ kết quả thực địa trên, những ý tưởng của các thành viên nhóm được nêu lên, lựa chọn và rồi tên trưng bày được hình thành từ đó “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm- Ðẹp- Vui”.

Ðây là lần đầu tiên Bảo tàng Phụ nữ sử dụng phong cách thiết kế của Mỹ, thiết kế sử dụng các tấm vách ngăn để tạo tuyến tham quan cho người xem, trưng bày có chỗ trầm nhưng cũng có chỗ cao trào, có cả lớp màn che mỏng tạo cảm giác tò mò cho người xem. Ngoài ra, trưng bày còn sử dụng màu sắc đặc trưng của Tín ngưỡng thờ Mẫu: màu đỏ của Mẫu thượng Thiên ứng với phần chủ đề Mẫu; màu trắng của Mẫu Thoải Phủ ứng với phần chủ đề Tâm; màu vàng của Ðịa Phủ ứng với chủ đề Ðẹp; màu xanh của Mẫu Thượng Ngàn ứng với chủ đề Vui.

3. Suy nghĩ về khả năng của bảo tàng trong việc trưng bày di sản văn hoá phi vật thể (từ thực tế trưng bày Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bảo tàng là cơ quan nghiên cứu và giáo dục khoa học có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị của di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể, đây là những chức năng quan trọng nhất không thể thiếu mà xã hội đã giao cho bảo tàng.

Trước đây, bảo tàng thiên về chức năng là nơi lưu giữ những hiện vật phản ánh về một sự kiện, hiện tượng liên quan đến sự tồn tại và phát triển của con người. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhận thức chính xác về di sản văn hoá phi vật thể (thể hiện ở Luật Di sản văn hoá 2001 và được sửa đổi bổ sung năm 2009) thì việc trưng bày giới thiệu các di sản văn hoá phi vật thể trong bảo tàng ngày càng được chú ý và hoàn thiện hơn. Trong xã hội, những giá trị văn hoá hiện đại tác động đến những giá trị văn hoá truyền thống, có thể nó sẽ hoà nhập với nhau cùng phát triển nhưng cũng có thể những giá trị văn hoá truyền thống sẽ phai mờ và bị thay thế bằng những giá trị văn hoá mới mà nó tiếp xúc. Bảo tàng lúc này đóng vai trò là một thiết chế văn hoá có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống để chuyển giao cho thế hệ mai sau dưới dạng hoàn thiện gần với nguyên gốc nhất.

Trưng bày chuyên đề ra đời đánh dấu vai trò bảo tàng trong việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể vì thông qua trưng bày, công chúng không những có cái nhìn đầy đủ hơn về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc có sức sống lâu bền như Tín ngưỡng thờ Mẫu, mà còn có được những khám phá, trải nghiệm thú vị về một phong cách trưng bày mới, sáng tạo, hấp dẫn và sinh động. Khách tham quan được trực tiếp tương tác với nội dung trưng bày như được nghe hát chầu văn, xem trình diễn hầu đồng, biết thêm những nghề phục vụ cho tín ngưỡng đó là nghề làm tượng, nghề làm mã, nghề làm trang phục.

- Ðánh giá nhận xét của giới chuyên môn, cộng đồng.

Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, Tín ngưỡng thờ Mẫu và những nghi lễ, nghi thức của nó đã là một bảo tàng sống động, người Việt đã triển lãm nền văn hoá Việt cho người Việt và cả người nước ngoài. Thế hệ tương sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hoá Việt Nam mà chúng đang dần bị nhạt nhoà đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu.

Với một di sản văn hoá phi vật thể là Tín ngưỡng thờ Mẫu còn nhiều tranh cãi về giá trị đích thực cũng như những nhận định nhầm lẫn lệch lạc làm cho Tín ngưỡng thờ Mẫu với đặc trưng là Nghi lễ Hầu đồng bị coi là hoạt động mê tín dị đoan. Lúc này, trưng bày ra đời là một sự táo bạo, đưa Tín ngưỡng thờ Mẫu ra ngoài Ðền, Phủ để hiện diện trong một thiết chế văn hoá là bảo tàng. Quan trọng hơn, trưng bày có thể coi là bước khởi đầu cho một quá trình vận động nhận thức, giúp công chúng hiểu biết đúng về Tín ngưỡng thờ Mẫu, loại hình tín ngưỡng dân gian tồn tại lâu đời và có những biến động thăng trầm qua các giai đoạn.

Ngoài phần trưng bày thường xuyên của bảo tàng, trưng bày chuyên đề Tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời là sự bổ khuyết cho phần văn hoá tâm linh trong nội dung trưng bày của bảo tàng. Những gì mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã làm được để giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể bằng các phương tiện Bảo tàng hiện đại như một “cuộc chơi”, sự thể nghiệm và trải nghiệm thú vị không chỉ cho các cán bộ bảo tàng mà còn hấp dẫn đối với các chủ thể văn hoá và đông đảo công chúng trong xã hội.

- Kinh nghiệm trong trưng bày yếu tố phi vật thể có thể áp dụng cho ngành Bảo tàng Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ là một trong những bảo tàng đi tiên phong cho một hình thức trưng bày mới: trưng bày dựa vào cộng đồng – đây là phương pháp tiếp cận dựa trên lăng kính của người trong cuộc – của chính chủ thể văn hoá. Theo cách tiến hành này, bảo tàng là người đồng hành cùng cộng đồng đưa ra một trưng bày chứ không phải do các nhà nghiên cứu, các chuyên gia bảo tàng thực hiện. Cụ thể hơn trong trưng bày này những chủ đề Mẫu - Tâm - Ðẹp - Vui được giới thiệu với công chúng bằng cách đưa chính tiếng nói của chủ thể bằng các câu trích, đoạn phỏng vấn hay bằng chính những video của những người theo Mẫu, những ý kiến trái chiều tồn tại ngay trong nội dung đó, nhưng đây lại là một lời khẳng định tính chất phức tạp của tín ngưỡng trong đời sống.

Do những yếu tố trưng bày là phi vật thể nên khi trưng bày phải cho khách tham quan được xem, được nhìn và được trải nghiệm hơn là bắt họ phải đọc những bài viết đưa lên trưng bày. Ðây là việc không hề đơn giản bởi làm sao cân đối được thông tin ở độ vừa đủ, không quá nhiều mà cũng không quá ít.

Làm ra một triển lãm hay đẹp là một việc làm khó nhưng để triển lãm đến với nhiều người là việc làm khó khăn hơn - khi trưng bày chuyên đề Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ra đời đã thu hút được bộ phận lớn khách người Việt đến tham quan, đó là một dấu hiệu tốt. Khi người dân hiểu được những giá trị văn hoá truyền thống thì lúc đó họ sẽ tự hào về đất nước mình, lúc đó bảo tàng cũng sẽ tự hào là một cầu nối giữa công chúng và tri thức. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó với đề tài hay, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng, vì vậy bảo tàng nên đưa trưng bày đi triển lãm lưu động ở các địa phương khác trên đất nước. Hơn nữa, Tín ngưỡng thờ Mẫu có 3 dạng thức khác nhau tồn tại ở 3 miền Bắc- Trung- Nam, triển lãm lưu động nếu được thực hiện sẽ là sự giao lưu văn hoá giữa các vùng miền. Ngoài ra việc liên kết có thể mở rộng ra nước ngoài, ví dụ mối quan hệ tốt đẹp giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương ở Ba Lan, Bảo tàng Quốc gia Úc,… bảo tàng có thể hợp tác để đưa trưng bày chuyên đề Tín ngưỡng thờ Mẫu đặc sắc này trưng bày lưu động ở nước ngoài để đưa di sản văn hoá của dân tộc quảng bá với bạn bè quốc tế.

Ðể kết cho bài viết của tôi, tôi xin trích dẫn lời nhận xét của Giáo sư Ngô Ðức Thịnh: “Lâu nay, Mẫu chỉ mới đóng khung trong thế giới tâm linh ở các đền phủ, có thể coi như đây là lần đầu tiên, Mẫu hiện diện trong một thiết chế văn hoá của Nhà nước. Ðó có thể coi là sự thắng lợi của văn hoá dân tộc, Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt đầu được xã hội thừa nhận, đó là cả một sự vận động, nhận thức, là công sức của rất nhiều người, trong đó có các nhà khoa học, để công chúng nhận thức đúng về tín ngưỡng, tôn giáo này. Từ nhận thức đúng, trong tương lai chúng ta mới có thể bảo vệ và phát huy nó”.

Lý Thị Ngọc Dung

Top