Xã hội hóa hoạt động lễ hội ở Quỳnh Lưu- Nghệ An
Là một huyện hình thành khá sớm trong lịch sử, nhân dân Quỳnh Lưu có truyền thống văn hoá và cách mạng, cần cù, thông minh và quả cảm, tiếp cận nhanh nhạy với cái mới, có ý chí vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, phát triển và du nhập nhiều ngành nghề mới. Toàn huyện có 29 di tích được xếp hạng (trong đó 17 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh), nhiều đình, đền chùa, lăng mộ còn lưu giữ những giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật như đền Cờn (Quỳnh Phương), đền Bình An - Chùa Bảo Minh (TT. Hoàng Mai), đền Vưu (Quỳnh Vinh), đền Xuân Úc (Quỳnh Liên), đền Phùng Hưng (Quỳnh Xuân), đền Cửa Gan (Quỳnh Hoa)…, đặc biệt là di chỉ văn hoá Quỳnh Văn (thời kỳ đồ đá mới), có niên đại hơn sáu nghìn năm, đã minh chứng cho người Việt cổ trên đất Quỳnh Lưu, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hoá của dân tộc.
Văn hoá Quỳnh Lưu là sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá Xứ Nghệ và tiếp thu chọn lọc văn hoá các miền, cũng như chịu ảnh hưởng giao thoa giữa miền Trung và miền Bắc. Do đó, đã tạo nên một bản sắc riêng, rõ nét trong văn hoá phi vật thể bằng chất liệu dân ca, hò vè, ví giặm, hát chèo, hát tuồng, hát cải lương, là món ăn tinh thần của nhân dân trong đời sống văn hoá làng xã xưa và nay.
Hàng nghìn người dân tham gia lễ hội Cầu ngư tại cảng Lạch Quèn - xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh Ngọc Toàn
Xuất phát từ truyền thống đó mà các tập tục, vật hiến tế, lễ nghi dâng cúng, hội hè, đình đám của một cộng đồng làng xã đã hình thành và phát triển thành lễ hội ở Quỳnh Lưu. Lễ hội trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là sản phẩm văn hoá của người Quỳnh Lưu trong quá trình lao động sáng tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Từ xưa, tuyệt đại bộ phận người Việt sống ở làng và hầu như làng nào ở Quỳnh Lưu cũng có hội. Hội của làng, dân làng định ra lễ hội và tổ chức nên toàn bộ lễ hội. Lễ hội là trung tâm thể hiện ý thức cộng đồng làng xóm và là trung tâm tích tụ văn hoá nghệ thuật của cộng đồng làng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ sự trường tồn và phát triển của làng. Với cộng đồng làng xã, lễ hội không chỉ là môi trường cộng cảm văn hoá mà còn là môi trường nhập thân và trao truyền văn hoá giữa thế hệ này đến thế hệ khác. Hội làng là dịp tập trung phô diễn những sinh hoạt văn hoá cộng đồng từ múa hát giao duyên, ca trù, hát chèo, hát tuồng, hát dân ca, cải lương..., các hội thi đua tài, đua sức qua các trò võ, vật, hội đua thuyền, kéo co, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá, đấu cờ... vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cho lễ hội, từ đó hun đúc nên tài năng, trí thông minh, tài khéo léo, sức khoẻ. Trong dịp lễ hội như vậy, mọi người đều có ý thức tự giác vừa tham gia, vừa trình diễn, sáng tạo lại vừa thưởng thức và hưởng thụ.
Từ một vài nét khái quát về hội làng truyền thống nêu trên, chúng ta có thể thấy tính cộng đồng (hay còn gọi là tính chất xã hội hoá) trong lễ hội được phát huy tối đa. Lễ hội do dân làng định ra, do dân làng tổ chức và chính họ tham gia vào tất cả các quá trình của lễ hội. Do cơ chế đó cho nên lễ hội dân gian truyền thống có sức lan toả mãnh liệt.
Trong thời gian dài, trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, xã hội, chiến tranh..., các lễ hội truyền thống ở Việt Nam nói chung, ở Quỳnh Lưu nói riêng đã bị mai một dần do những bước thăng trầm, thịnh suy và phát triển. Nhưng dù ở thời kỳ nào thì lễ hội ở Quỳnh Lưu cũng là một hình thức sinh hoạt văn hoá lành mạnh, mang đậm bản sắc truyền thống và có tính phổ biến trong đời sống xã hội, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều lễ hội dân gian truyền thống được khôi phục, phát huy có hiệu quả như: Lễ hội đền Cờn (Quỳnh Phương), Lễ Kỳ Phúc (Quỳnh Đôi), Lễ hội đền Thượng (Quỳnh Nghĩa), đền Xuân Hoà, đền Phùng Hưng (Quỳnh Xuân), đền Chính (Tiến Thủy), đền Kim Lung (Mai Hùng)...; Lễ hội lịch sử - cách mạng, lễ hội mới được hình thành và phát triển trong cuộc sống hiện đại như: Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT, lễ đón nhận Bằng đơn vị văn hoá, làng văn hóa, lễ hội Làng Sen, liên hoan gia đình văn hoá tiêu biểu,...Các hoạt động lễ hội đã tạo không khí vui tươi, phấn khởí, sôi nổi và yên bình, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đảm bảo an ninh trật tự an toàn kể cả người và tài sản.
Nghi lễ rước Hội đền Cờn ở Làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Để làm tốt công tác xã hoá hoạt động lễ hội thì trước hết cần phải xã hội hoá nhận thức về nội dung “xã hội hoá”. Tức là chúng ta phải làm cho tất cả các cấp, các ngành và từng thành viên trong cộng đồng hiểu thế nào là xã hội hoá hoạt động lễ hội. Như vậy, xã hội hoá các hoạt động thực chất là xã hội hoá quyền tổ chức, điều hành, tham gia hoạt động lễ hội theo hướng đa dạng hoá chủ thể quản lý, nhằm thu hút đông đảo các lực lượng xã hội, các tập thể, cá nhân đứng ra, tham gia tổ chức các hoạt động lễ hội theo sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước.
Từ nhận thức trên, thực tế vấn đề xã hội hoá ở Quỳnh Lưu thể hiện nổi bật nhất là vai trò và sự chủ động tham gia của người dân. Người dân đến với lễ hội, tham gia vào lễ hội như là một nhu cầu tự thân và công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo các hoạt động lễ hội ở Quỳnh Lưu diễn ra kịp thời và nghiêm túc. Các loại hình lễ hội: lịch sử cách mạng, dân gian truyền thống, tôn giáo trên địa bàn đều hoạt động đúng hướng, đúng quy định của pháp luật. Lễ hội thực sự là sân chơi bổ ích làm cho tâm hồn mọi người thanh thản, tạo dựng niềm tin vào nghị lực và ý chí của mình, tạo cho mình thấm nhuần hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thu hút được nhiều tầng lớp, mọi giới tham gia, vừa tự giác, vừa thành tâm, không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan. Điểm nổi bật ở lễ hội truyền thống Quỳnh Lưu đã đạt mức xã hội hoá cao. Nhân dân đã đóng góp công đức hàng chục tỷ đồng để tu bổ di tích, mua sắm, khôi phục đồ tế khí, hàng trăm ngày công để luyện tập, tham gia lễ hội. Công tác quản lý nhà nước về lễ hội được quan tâm đúng mức, trật tự an toàn trong lễ hội được đảm bảo, không có hoạt động mê tín dị đoan… Đặc biệt, Lễ hội đền Cờn đã được khôi phục từ năm 1999, từ đó đến nay vẫn giữ được vị thế: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Mã, tứ Trưng”. Và Lễ hội được tổ chức vào các ngày 20, 21 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, đã huy động được nhiều công, của do nhân dân địa phương, khách thập phương và các nhà hảo tâm đóng góp để tu bổ, phục hồi đền Cờn, gắn với Khu công nghiệp Hoàng Mai, đã mở một tiềm năng lớn cho việc phát triển kinh tế, văn hóa tâm linh và du lịch. Cái nổi bật nhất của Lễ hội đền Cờn là nhân dân địa phương và nhân dân trong vùng được phân công đều tự giác tham gia hội lễ; đặc biệt, trong 4 năm gần đây, huyện đã chỉ đạo tổ chức lễ hội gắn với khai trương du lịch.
Thông qua lễ hội nhân dân phấn khởi, tích cực hăng hái thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng; an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Lễ hội đã thực sự là thành luỹ đề kháng không để các tệ nạn xã hội xâm nhập, lây lan. Điểm nổi bật trong lễ hội là tập tục cổ truyền tốt đẹp được lưu giữ, hoạt động văn hoá truyền thống được khơi dậy, các trò chơi thể thao truyền thống được phục hồi, là nơi giao lưu tình cảm, giao lưu văn hoá - thể thao của cộng đồng, thu hút được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia, họ tâm niệm rằng đến với lễ hội là đến với cội nguồn...
Lễ hội đền Cồng xã Quỳnh Hưng & xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Sự thành công của công tác xã hội hoá trong hoạt động lễ hội, trước hết phải nghĩ đến tính tích cực, chủ động, tự giác của người dân, của cả cộng đồng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời ngành VHTT chủ động xây dựng kế hoạch sớm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban tổ chức, các tiểu ban, làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo... Sau các cuộc lễ hội tổ chức họp tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, khen thưởng động viên kịp thời.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác tổ chức quản lý lễ hội còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục đó là: Chưa định hình được bản sắc riêng, chưa khai thác hết tiềm năng những giá trị văn hoá dân tộc trong nhân dân như các trò chơi dân gian, các tích diễn dựa vào truyền thuyết. Phần hội chưa thực sự đổi mới, chưa hấp dẫn, hình thức và nội dung chậm cải tiến, cơ sở hạ tầng của các điểm lễ hội chưa đầu tư đúng mức, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, việc tuyên truyền quảng bá chưa được nhiều.
Để khắc phục những tình trạng trên, thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Quy chế tổ chức hoạt động lễ hội, triển khai Đề án xây dựng thiết chế VHTT-TT đạt chuẩn, hoạt động lễ hội gắn liền các di tích lịch sử - văn hoá sẽ được từng bước tu bổ, nâng cấp gắn với phát triển du lịch. Nội dung và các hình thức tổ chức lễ hội được ngành Văn hoá - Thông tin và các cấp, các ngành liên quan trao đổi thông qua hội thảo rút ra các mô hình, điển hình để học tập, rút kinh nghiệm tổ chức tốt hơn, đáp ứng nhu cầu tâm linh và giao lưu văn hoá, thể thao góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân huyện nhà trong công cuộc đổi mới và hội nhập.
Hồ Thanh Khương