Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Vườn Quốc gia Xuân Thủy được nâng cấp từ Khu Bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy theo Quyết định số 01/2003/ QĐ - TTg ngày 2 - 1-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo Công ước Ramsar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.

Cách Hà Nội khoảng 150 km về hướng Đông Nam, chính là Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) vô cùng nổi tiếng bởi phù sa màu mỡ của sông Hồng và vùng ven biển. Cấu trúc địa lý đặc biệt đã biến khu vực này thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm.

Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lư và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn.

Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) (Ảnh: TL)

Tháng 01-1989, vùng bãi bồi ở cửa sông ven biển thuộc huyện Xuân Thuỷ được UNESCO chính thức công nhận gia nhập Công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi di trú của những loài chim nước). Đây là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới, điểm đầu tiên của Đông Nam Á, độc nhất của Việt Nam suốt 16 năm (tới năm 2005, Việt Nam mới có khu Ramsar thứ 2 là khu Bàu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên ở tỉnh Đồng Nai). Năm 1992, UBND huyện Xuân Thuỷ thành lập Trung tâm tài nguyên môi trường nhằm giúp Chính phủ thực hiện tốt cam kết quốc tế về quản lý bảo tồn khu Ramsar Xuân Thuỷ. Ngày 19-01-1995, được sự uỷ quyền của Chính phủ, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ, trực thuộc Chi cục Kiểm Lâm Nam Hà, nằm trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Ngày 02-01-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg Chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ thành Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ. Tháng 12-2004, UNESCO lại tiếp tục công nhận Khu Dự trữ sinh quyển Đồng bằng ven biển châu thổ sông Hồng, trong đó Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của khu dự trữ sinh quyển thế giới này.

Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ đã được UNESCO chính thức công nhận gia nhập Công ước Ramsar từ năm 1989 (Ảnh: TL)

Những khu vực rừng ngập mặn ở đây đã góp phần cố định phù sa để tạo nên các cồn bãi mới, làm vườn ươm cho các loài động thực vật thủy sinh và đóng vai trò cân bằng sinh thái trong khu vực. Nguyên nhân này đã giúp cho khu vực của Vườn Quốc gia có hệ động thực vật thủy sinh hết sức phong phú. Hiện nay, khu vực của Vườn Quốc gia có 116 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 99 chi, 12 họ, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước đã cấu thành nên khu rừng ngập mặn (khoảng 2.100 ha). Thực vật nổi được công bố có 64 loài, chỉ có 2 ngành thực vật là hạt kín và hạt trần. Thành phần thực vật của Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ tương đối nghèo so với nhiều Vườn Quốc gia khác trong cả nước, nhưng có ý nghĩa về bảo vệ đa dạng sinh học đối với vùng đất ngập nước; cố định bãi cát, bãi bồi, chắn sóng, phòng hộ cho các hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp. Trong các loài thực vật có 14 loài thân gỗ, trong đó có 6 loài tham gia vào rừng ngập mặn tập trung đó là mắm biển, sú, vẹt dù, trang, đước và phi lao. Thành phần đa dạng hơn là các loài thân gỗ nhỏ và các loài cỏ.

Hệ động vật ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy nghèo về thành phần loài thú, bò sát, lưỡng cư nhưng lại phong phú về chim, cá và các loài thủy sinh nói chung.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy có hệ sinh thái độc đáo, là điểm dừng chân của nhiều loài chim biển (Ảnh: TL)

Thành phần chủ yếu của lớp thú là các loài gặm nhấm, trong số 9 loài đã được điều tra và 2 loài chưa chắc chắn là cá heo và cá đầu ông sư, thường gặp từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm, trong đó loài rái cá được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Trong 28 loài bò sát đã được thống kê có 5 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam: đồi mồi dứa, rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn ráo, rắn ráo trâu.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy có hệ sinh thái độc đáo, là điểm dừng chân của nhiều loài chim biển, trong đó thường xuyên xuất hiện 9 loài có tên trong sách đỏ quốc tế như: rẽ mỏ thìa, cò thìa, choắt mỏ thìa, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông, choắt chân màng lớn, cò lạo Ấn Độ, choắt mỏ vàng, cò trắng Trung Quốc. Theo thống kê của các nhà khoa học, ở khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy có 219 loài chim thuộc 41 họ 13 bộ, nhiều loài gần như tuyệt chủng có tên trong sách đỏ thế giới như: rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò thìa, choi choi mỏ thìa, mòng biển, diệc đầu đỏ... Hàng năm, vào tháng 11-12,  tới khoảng 100 loài chim từ phương Bắc di cư xuống phía Nam tránh rét đã chọn Xuân Thủy làm điểm dừng chân, nghỉ ngơi, kiếm ăn để tiếp tục tích lũy năng lượng cho hành trình dài hàng ngàn cây số của mình trong đó có tới 1/5 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Vào lúc cao điểm, Vườn Quốc gia Xuân Thủy được ví như một "ga" chim quốc tế với gần 40 ngàn loài. Vào mùa hoa sú vẹt, hương thơm tỏa mát là dịp hội tụ của những đàn ong mật.

Theo thống kê của các nhà khoa học, ở khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy có 219 loài chim (Ảnh: TL)

Vườn Quốc gia Xuân Thủy là điểm du lịch sinh thái lý thú cho những ai thích tìm hiểu đời sống những loài chim di trú và sống với thiên nhiên hoang dã.

         Trần Hoàng

Top