Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một vườn quốc gia của Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở chuyển đổi và nâng cấp từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được mệnh danh là “nóc nhà của tỉnh Gia Lai”, nơi đây không chỉ được biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Không chỉ là báu vật của Việt Nam, Kon Ka Kinh còn được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường các nước Đông Nam Á công nhân là Vườn Di sản ASEAN.

Vườn Quốc gia Kông Ka King nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 50 km về phía Đông Bắc, phạm vi ranh giới hành chính phân bố ở các huyện: Kbang, Đak Đoa, Mang Yang. Đây là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku 1.748m, với diện tích 42.057,3 ha. Trong đó khoanh vùng du lịch 1.000 ha. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, khu vực và quốc tế mà trong tương lai nó còn là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Ngoài sự đa dạng và phong phú của hệ động thực vật rừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông như sông Ba và sông Đắk Pne, cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu, đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Phía Tây của Vườn Quốc gia là một phần lưu vực của Nhà máy Thủy điện Yaly.

Do đặc điểm đa dạng về địa hình, độ cao, khí hậu, đất đai và các nhân tố khác đã tạo cho Kon Ka Kinh sự phong phú về động - thực vật. Kết quả điều tra hệ thực vật rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã thống kê được 687 loài thực vật thuộc 459 chi và 140 họ. Trong đó ngành 2 lá mầm chiếm đa số (104 họ, 337 chi, 528 loài). Sau đó là ngành 1 lá mầm (15 họ, 82 chi, 111 loài). Các ngành khuyết thực vật có 16 họ, 32 chi và 40 loài. Thực vật hạt trần có 5 họ, 8 chi, 8 loài. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có hệ thực vật rất phong phú, đa dạng về thành phần loài. Đặc biệt có rất nhiều loài thực vật đặc hữu, quý hiếm cần phải bảo tồn nguồn gen như: 11 loài đặc hữu là: Thông Đà Lạt , hoa khế, gõ đỏ , trắc trung , xoay , bọ nẹt Trung Bộ, du moóc, song bột, lọng hiệp, hoàng thảo vạch đỏ. Hệ thực vật rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 34 loài quý, hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học, đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: TL

Trong tổng số 34 loài ghi trong Sách đỏ, có 24 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam, bao gồm 2 loài thuộc cấp E (đang nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng), 6 loài ở cấp V (sẽ nguy cấp, có thể bị đe dọa tuyệt chủng), 7 loài thuộc cấp R (hiếm), 1 loài thuộc cấp bị đe doạ (T), và 8 loài thuộc cấp K (không biết chính xác). Theo phân loại của IUCN năm 1997 có 141 loài nằm trong sách đỏ thế giới gồm 1 loài thuộc cấp E, 2 loài bị đe dọa ở cấp V, 12 loài thuộc cấp hiếm.

Voọc chà vá chân xám, loài thú đặc hữu của Việt Nam, hiện diện tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: TL

Về hệ động vật, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 428 loài động vật, trong đó có 223 loài động vật có xương sống sinh sống trên cạn (34 bộ, 74 họ) và 205 loài động vật không xương sống (như bướm) thuộc 10 họ trong bộ Cánh vẩy. Hệ động vật rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 16 loài đặc hữu là: Lớp Thú có 5 loài thú lớn đặc hữu cho Đông Dương và Việt Nam là: Vượn má hung, voọc chà vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn và mang Vũ Quang; Lớp Chim: Kon Ka Kinh nằm trong khu đặc hữu chim cao nguyên Kon Tum có 7 loài chim đặc hữu, trong đó có 3 loài đặc hữu của Việt Nam: Khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu Kon Ka Kinh , phát hiện năm 1999 và 4 loài đặc hữu cho Việt Nam và Lào: Khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ. Đặc biệt, khướu Kon Ka Kinh là một loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á. Vì các lý do này, Kon Ka Kinh được ghi nhận như là khu vực chim quan trọng (IBA). Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng là khu vực quan trọng toàn cầu về bảo tồn đa dạng động vật lưỡng cư. Kon Ka Kinh có một loạt các loài lưỡng cư đặc hữu trong khu vực rừng núi Tây Nguyên, bao gồm cả 4 loài được đánh giá là bị đe dọa ở cấp toàn cầu trong quá trình đánh giá lưỡng cư toàn cầu là Leptobrachium banae, L. xanthospilum, Rana attigua và Rhacophorus baliogaster. Có 4 loài đặc hữu cho vùng và cho Việt Nam là: thằn lằn Buôn Lưới, loài đặc hữu cho vùng Nam Trường Sơn và Lào. 3 loài đặc hữu cho Việt Nam bao gồm thằn lằn đuôi đỏ, chàng Sa Pa, ếch gai sần. Ngoài những loài mới phát hiện và những loài có giá trị đặc hữu nêu trên, hệ động vật rừng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn có 38 loài thú quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Không chỉ đa dạng về hệ động thực vật rừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn hấp dẫn giới nghiên cứu, khách du lịch bởi hệ thống sông, suối, thác… Điển hình là những ngọn thác như: Đak Pooc, Đak Kơ Bưng… Đặc biệt, với độ cao 1.748m, đỉnh Kon Ka Kinh- đỉnh cao nhất Gia Lai, quanh năm mây mù vừa mời gọi vừa thách thức sự khám phá của con người.

Sức hấp dẫn của khu Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp như: Thác Đak Pooc, suối Knia, Đak Kơ Bưng, thác Đak Pooc... Thác 95 nổi tiếng và đẹp nhất - có độ cao khoảng 40m. Nhìn từ xa Thác 95 giống như một dải lụa trắng lượn lờ theo những giai điệu của đại ngàn trên nền rừng xanh thẳm. Vào mùa hè, dòng nước mát lành của các thác nước làm không khí lúc nào cũng mát mẻ. Leo lên đỉnh Kon Ka Kinh nhìn xung quanh, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn: những ngọn núi cao bao phủ bởi mây mù, những dòng thác từ trên cao ào ào tung bọt trắng xóa, vọng lại tiếng gầm của thú rừng hoang dã xen lẫn tiếng hót gọi bạn, tìm nhau của loài chim...

Đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, du khách còn có những giờ phút thảnh thơi, nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên gắn với dãy Trường Sơn lịch sử. Chuyến đi không thể thiếu tiết mục vào thăm các làng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên để được tận mắt trông thấy những sinh hoạt văn hóa đặc sắc vốn có tự ngàn xưa ở Tây Nguyên như lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả, tục cưới hỏi, thưởng thức những giai điệu trầm hùng, thanh thoát vang vọng khắp đại ngàn của cồng chiêng.

Mạnh Hà

Top