Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà

Nằm trên địa bàn hành chính huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng với diện tích 63.938ha, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp với nhiều thác nước có đủ điều kiện khai thác du lịch sinh thái.

Đa dạng sinh học

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là một trong hai mươi tám vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Khu vực Bidoup - Núi Bà thuộc địa giới hành chính huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chiếm gần trọn cao nguyên Langbiang (còn gọi là cao nguyên Lâm Viên). Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.

Trong chương trình bảo tồn hệ sinh thái dãy Trường Sơn, khu vực Bidoup - Núi Bà được xác định nằm trong khối núi chính thuộc Nam Trường Sơn và là khu vực ưu tiên số một trong công tác bảo tồn (khu vực SA3). 91% diện tích 64.800 ha của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là rừng và đất rừng, trong đó, chủ yếu là rừng nguyên sinh với rất nhiều loài động - thực vật khác nhau. Có 1933 loài thực vật có mặt ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, trong đó: 62 loài quý hiếm phân bố trong 29 họ thực vật khác nhau, nằm trong cấp đánh giá về mức độ quý hiếm của Sách Đỏ Việt Nam năm 2000 như Thông đỏ, Bách xanh, Pơ mu, Thông 5 lá Đà Lạt, Thông 2 lá dẹp. Riêng về đặc hữu hẹp, đã thống kê được 91 loài phân bố hẹp ở Lâm Đồng và các vùng phụ cận. Có 28 loài được la tinh hóa như mẫu chuẩn gồm: dalatensis có 9 loài, langbianensis có 14 loài, bidoupensis có 5 loài. Động vật có 56 loài được ghi trong danh mục các loài động vật quý hiếm, 47 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, 30 loài được ghi trong danh mục Sách Đỏ IUCN 2010. Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà còn được đánh giá là vương quốc của các loài lan rừng Việt Nam với trên 250 loài.

Di sản của rừng

Nếu như rừng Cúc Phương (Ninh Bình) tự hào với cây chò ngàn năm tuổi thì Bidoup cũng chẳng thua kém gì với cây pơmu 1.305 năm tuổi đã được các nhà khoa học Đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là “di sản”. Chu vi cây khoảng 13,5m, chiều cao hơn 40m. Cây pơ mu thuộc họ hoàng đàn (Cupressaceae), xuất hiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nhưng rừng Bidoup - Núi Bà có nhiều cây cổ thụ nhất, với chiều cao trên 30m, đường kính 2m trở lên.

Các chuyên viên của Vườn Quốc gia từng phối hợp với nhà khoa học Brendan Buckley dùng máy khoan vào thân của 36 cây pơ mu để lấy hơn 100 mẫu ruột phân tích tại Phòng Thí nghiệm vòng cây của Lamont-Doherty Earth Observatory (Mỹ) để biết độ tuổi của cây. Hầu hết các cây có tuổi đời trên dưới 1.000 năm. Điều kỳ diệu, từ các vòng trên thân cây pơ mu, các nhà khoa học có thể “giải mã” một số “sự kiện” biến đổi khí hậu trong quá khứ trong vùng.

Trở về với thiên nhiên để khám phá thế giới hùng vĩ của rừng Bidoup- Núi Bà là trải nghiệm thú vị và bất ngờ.

Thúy Hằng

 

 

Top