Vườn nhãn cổ Bạc Liêu
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 6km về hướng biển. Vườn rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu.
Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước. Ngày trước, vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày... được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Chưa hết, người dân xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thấy giống nhãn này thơm ngon, nên cũng qua tìm giống mang về Vĩnh Châu trồng thử.
Ở vùng đất này, vườn nhãn cổ nhất có thể nói đến khu vườn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ 3 của ông Trương Hưng) tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành. Khu vườn do các cụ đời trước trồng để lại, đến nay tuổi thọ đã trên trăm năm. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không xuể.
Vườn nhãn Bạc Liêu đã đuợc trồng trên trăm năm trước (Ảnh: TL)
Trước đây, do lệ thuộc nhiều vào tự nhiên nên mỗi năm nhãn chỉ ra hoa và kết trái một lần từ tháng 5 đến tháng 9. Nhưng từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm hơn.
Xác định vườn nhãn là một lợi thế để khai thác du lịch sinh thái nên thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã kéo điện lưới quốc gia, đầu tư làm lộ nhựa chạy dọc về các khu vườn nhãn... Đi trên hương lộ nằm dọc theo vườn nhãn, du khách sẽ được thấy một bên là những ngôi biệt thự cổ kính nằm lẩn khuất trong vườn nhãn, một bên là cánh đồng rau màu chạy dài thẳng tắp hàng chục cây số. Người dân thành phố Bạc Liêu từ lâu đã xem vườn nhãn là một địa điểm đi chơi lý thú. Chiều chiều, họ chở vợ con hoặc trai gái đèo nhau ra đây đổi gió. Đông nhất là thứ bảy, chủ nhật. Đặc biệt là ngày rằm tháng 7-8 Âm lịch và lễ Quốc khánh 2-9, có thể nói là những dịp đại lễ ở vườn nhãn, giồng nhãn đón hàng chục ngàn du khách gần xa.
Những năm gần đây, trước sự biến động của giá cả thị trường và sự cạnh tranh của nhiều giống nhãn mới, vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu đã thu hẹp dần diện tích. Đầu năm 2009, diện tích vườn nhãn chỉ còn khoảng 100ha. Tuy nhiên, trong từng gốc nhãn cổ thụ ở Bạc Liêu ẩn chứa nhiều yếu tố văn hóa mà không nơi nào có được. Nó minh chứng cho lịch sử hình thành của đất giồng Bạc Liêu, sự gắn bó của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong quá trình phát triển. Sự liên kết bền lâu đó đã tạo nên bề dày văn hóa đất giồng. Bởi vậy, vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu không chỉ đơn thuần là hái trái mang ra chợ bán, mà là ẩn chứa giá trị lịch sử.
(Ảnh: TL)
Năm 2007, thị xã Bạc Liêu cùng Sở Du lịch tỉnh đã mời các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đến khảo sát để tính toán khả năng đầu tư, quy hoạch lại số diện tích vườn nhãn còn lại. Ngành du lịch cũng thiết kế một tam giác du lịch là vườn chim – vườn nhãn – biển Nhà Mát. Mục tiêu chính của dự án là quyết tâm bảo tồn và phát triển vườn nhãn cổ gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer cùng sinh sống tại vườn nhãn, đây được xem là nét đặc thù riêng của khu du lịch. Theo đó, người ta sẽ tiến hành quy hoạch lại khu vườn nhãn cổ thụ, có thể loại bỏ một số cây già cỗi bị nhiễm bệnh, cho năng suất thấp. Thay thế vào đó là các loại nhãn khác hoặc xen canh cùng xoài, sa pô, mãng cầu, cam, bưởi... và bố trí thêm cây cảnh, hoa kiểng tạo cảnh quan đẹp hơn. Về lâu dài, tại đây sẽ là nơi tổ chức các hội thi cây cảnh, cá cảnh, chim thú... vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân, vừa thu hút khách tham quan đến nhiều hơn. Đặc biệt, khu du lịch vườn nhãn còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống. Tại đây sẽ xây dựng nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật tóm lược lịch sử hình thành và phát triển của 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) từ ngày đầu về cư ngụ đến nay. Riêng các vườn nhãn sẽ xây dựng thêm nhà lá khung gỗ của người Kinh, nhà ngói ba gian của người Hoa, nhà sàn mái cong của người Khmer. Vừa là nhà mẫu truyền thống của dân tộc vừa là nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi...
(Ảnh: TL)
Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 08-2009, Khu Du lịch Vườn nhãn Bạc Liêu vẫn còn nằm trên giấy. Tại khu vực này chỉ có các quán ăn uống nằm dọc theo hai bên đường do người dân tự phát dựng lên buôn bán. Một số chủ vườn đã tự chuyển hướng kinh doanh vườn nhãn thành dịch vụ du lịch. Họ giữ lại vườn nhãn cổ thụ để làm bóng mát và mắc võng cho du khách vào quán giải khát. Một số chủ vườn khác đã đốn bỏ các gốc nhãn cổ hàng trăm năm tuổi để trồng trồng xen các loại nhãn hoặc cây ăn trái khác.
Hiện nay, lượng khách đến thăm vườn nhãn ngày càng nhiều do không khí thoáng mát cùng với hương thơm của nhãn. Đến vườn nhãn, khách tham quan có thể nghỉ ngơi dưới những tán cây rợp bóng, hít thở bầu không khí trong lành của một vùng quê yên tĩnh. Đến đây vào mùa nhãn chín, khách tham quan còn có thể thưởng thức những trái nhãn thơm ngon, đậm chất miệt vườn. Hương vị thơm ngon của từng trái nhãn khiến cho người ăn không thể nào quên….
Hoài Nam