Vì sao Quần thể Di tích Cố đô Huế chậm trình UNESCO tái đề cử Di sản Văn hóa thế giới?

Từ năm 2004, UNESCO đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ tái đề cử cho hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế. Sau đó, qua một số lần làm việc tại địa phương này, đại diện của UNESCO cũng đã “nhắc lại” nội dung trên. Tuy nhiên, đến nay việc trình hồ sơ tái đề cử cho di sản Huế vẫn chưa được thực hiện như dự định. Nhiều chuyên gia lo ngại việc chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các điểm di tích được bổ sung sau này của Huế.

Năm 1993, khi xây dựng hồ sơ đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế trình lên UNESCO thì chỉ có 16 điểm di tích, chưa có di tích cảnh quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Di tích Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang quản lý với hơn 40 điểm/cụm di tích dưới Triều Nguyễn và một số di tích thời Chúa Nguyễn.

Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng hồ sơ tái đề cử cho di sản Huế là rất cấp thiết, nhằm có hướng bảo tồn và phát huy giá trị các điểm/cụm di tích được bổ sung sau này. Các chuyên gia còn đánh giá cao về giá trị của cảnh quan sông Hương và khuyến nghị địa phương cần đưa dòng sông này vào danh mục di tích cảnh quan cho hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Khu Di sản Hoàng cung Huế mỗi ngày đón khoảng 5.000 khách tham quan

Tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới vào năm 2004 tại Tô Châu (Trung Quốc), UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào Danh mục Di sản Văn hóa thế giới. Tuy nhiên Huế vẫn chưa thực hiện. Đến năm 2014, đoàn chuyên gia cao cấp của UNESCO khi đến khảo sát tại Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng đã lưu ý tỉnh Thừa Thiên - Huế nhanh chóng thực hiện vấn đề này.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết: Sau khi được công nhận là Di sản thế giới, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch xây dựng hồ sơ khoa bổ sung trình UNESCO công nhận giá trị cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương là bộ phận hữu cơ tạo nên sự toàn vẹn và thống nhất trong cấu trúc của Quần thể Di tích kiến trúc Cố đô Huế. Tuy nhiên, địa phương đã chậm thực hiện vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị về sau. Theo ông Bài, việc đưa dòng sông Hương vào hồ sơ tái đề cử cho di sản Huế không ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương; ngược lại, còn là yếu tố góp phần làm tăng giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản và tạo ra lực hấp dẫn trong tiềm năng du lịch của Huế nói chung.

Trong một hội thảo gần đây tại Thành phố Huế, ông Trần Đình Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) cũng bày tỏ ý kiến rằng: Việc tái đề cử cho hệ thống di sản Huế với sự bổ sung của cảnh quan đôi bờ sông Hương sẽ gia tăng giá trị của di sản. Phía Cục Di sản Văn hóa sẽ hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng hồ sơ này.

Sau lần “nhắc lại” của đoàn chuyên gia cao cấp UNESCO năm 2014, thì đến năm 2015; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch Quản lý di sản Huế giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030. Kế hoạch này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 9-6-2015. Tại quyết định này có nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, điều chỉnh khoanh vùng các điểm di tích và cụm di tích liên quan trong khu vực di sản để xây dựng hồ sơ mở rộng Quần thể Di tích Cố đô Huế trình UNESCO công nhận bổ sung nhưng không nhắc đến hồ sơ cảnh quan của đôi bờ sông Hương.

Cảnh quan đôi bờ sông Hương được UNESCO đề nghị Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ tái đề cử cho hệ thống di sản Huế

Một lãnh đạo UBND TP. Huế đã nói rằng: Chúng tôi không đưa sông Hương vào danh mục di sản, nhưng chúng tôi luôn đối xử với dòng sông này như một “dòng sông di sản” thực sự, vì nó mang giá trị cảnh quan, văn hóa lịch sử của địa phương. Theo vị lãnh đạo này, hồ sơ bổ sung sông Hương là di sản cảnh quan của hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế được trình UNESCO và nếu được công nhận thì sau này, việc quy hoạch chỉnh trang cảnh quan hai bờ sông Hương cũng như phát triển đô thị của địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn về quy trình, thủ tục.

Trước đó, năm 2005, khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định cho việc xây dựng khách sạn tại Đồi Vọng Cảnh ven sông Hương đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia cho đến các cấp có thẩm quyền. Bởi đó là thời điểm sau khi UNESCO chính thức đề nghị bổ sung hồ sơ cảnh quan sông Hương để tái đề cử cho hệ thống di sản Huế. Sau đó, việc xây dựng khách sạn tại đây đã phải dừng lại. Nhưng cho đến nay, sau hơn 13 năm, hồ sơ cảnh quan của sông Hương vẫn chưa được đệ trình.

Bài và ảnh: An Nhiên

Top