“Mẹ không còn nhớ mình đã khóc bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày”

Chiến tranh đã đi qua, tiếng thét gào của bom đạn không còn nữa, những vết thương thịt da cũng lành theo năm tháng nhưng những hy sinh mất mát người thân vẫn còn đọng lại trong biết bao người mẹ Việt Nam có chồng, con ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mẹ Nguyễn Thị Lâm là một người như thế.

Chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lâm (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) vào những ngày đầu tháng 7 - thời điểm cả nước đang dấy lên nhiều hoạt động tri ân các gia đình thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.

Ở tuổi 88, đôi mắt đã mờ nhưng những kỷ niệm của mẹ về người chồng và con trai liệt sỹ không hề phai nhạt.

Sinh ra và lớn lên tại làng Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội), thời trẻ, cũng giống như bao người con gái khác trong làng, mẹ đảm đang việc nhà cửa, đồng áng. Đến tuổi lấy chồng, mẹ kết duyên cùng ông Nguyễn Quang Dung ở làng Dịch Vọng, Hà Nội.

Câu chuyện buồn đầu tiên đến với mẹ năm 1957. Mẹ Lâm nhớ lại: Lấy chồng, một chàng trai Hà Nội rất yêu thương vợ con, tham gia Việt Minh, rải truyền đơn ủng hộ kháng chiến từ ngoại thành vào nội thành Hà Nội. Một lần về thăm nhà, thăm đứa con trai còn nhỏ thì bị địch phát hiện, lính Pháp ở bốt Cầu Diễn đã vây bắt và bắn. Nguyễn Quang Dung bị thương nặng. Bọn địch lôi anh về đồn để tra hỏi. Bị thương quá nặng nên anh không qua khỏi. Và người chồng trẻ của mẹ đã ra đi không có nấm mồ để lại

Mẹ Lâm không giấu nổi những giọt nước mắt khi chia sẻ về người chồng và con liệt sỹ 

Mẹ thổn thức: “Năm ấy, khi nghe tin chồng hy sinh, tôi tưởng rằng mình sẽ không sống nổi, nhìn đứa con thơ dại chưa hiểu chuyện gì tôi chỉ biết khóc”.

Nuốt nước mắt vào lòng, mẹ một mình nuôi dạy đứa con trai duy nhất lúc đó mới 3-4 tuổi. Khi con 18 tuổi, cũng đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, con trai của mẹ là Nguyễn Duy Hưng tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, dù biết rằng mình là người con trai duy nhất của người cha đã hy sinh vì Tổ quốc, được miễn nghĩa vụ quân sự.

Rất yêu thương và hiểu nguyện vọng chính đáng của con trai, trước vận mệnh của đất nước, mẹ nghẹn ngào tiễn con đi dù biết ngày về là quá xa xôi. Biết con đóng quân ở Sơn Tây luyện tập để chuẩn bị vào Nam chiến đấu, mẹ một mình cơm nắm tìm đến đơn vị thăm con. Khống giấu nổi những giọt nước mắt, mẹ chia sẻ với chúng tôi: gặp con, nó nói mẹ không được kể hoàn cảnh gia đình cho đơn vị vì nếu biết có thể con sẽ phải ở lại. Và mẹ đã làm điều đó vì muốn con thực hiện được nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ đối với Tổ quốc. Ở hậu phương, cũng như bao người mẹ khác, mẹ luôn chắt chiu, chịu thương chịu khó làm ra hạt lúa, củ khoai, mong ngày đất nước thống nhất để mẹ con đoàn tụ. Cũng không biết bao lần, mẹ đứng đầu ngõ trông về phương xa.

Mẹ nhận được 2 bức thư khi con trai hành quân đến Quảng Bình, cầm thư trên tay mẹ vui mừng khôn xiết vì biết con mình vẫn bình an. Đó cũng là những bức thư cuối cùng của con vì càng vào sâu phía Nam càng không có điều kiện viết thư về cho mẹ. Tuy vậy, mẹ Lâm vẫn tin rằng, đứa con duy nhất của mẹ vẫn sống và chiến đấu, xứng đáng với người cha của mình. Chờ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng mẹ vẫn không thấy con trở về. Một ngày, mẹ nhận được giấy báo tử và biết con trai mình đã hy sinh tại mặt trận Quảng Nam năm 1969. “Tôi không còn nhớ mình đã khóc thế nào và khóc bao nhiêu ngày tháng khi hay tin con mình hy sinh. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười, ánh mắt nó” - Mẹ nghẹn ngào

Mẹ Lâm bên bàn thờ chồng và con trai

Nhìn tấm ảnh của con trai trên bàn thờ, mẹ Lâm rớm nước mắt. Đó là tấm ảnh duy nhất của con được tách ra từ một bức ảnh anh Hùng chụp chung với một số bạn bè của mình. Đối với mẹ, đó là một di vật vô giá về người chồng và người con thân yêu của mình.

Ghi nhận và tri ân những cống hiến thầm lặng của Mẹ, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Lâm vào năm 1994. Hiện mẹ đang sống đơn thân trong ngôi nhà tình nghĩa do chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội xây tặng tại phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Gần 90 tuổi nhưng mẹ vẫn tự chăm sóc bản thân, thi thoảng có cô cháu gái của người em ruột đến thăm, cơm nước và trò chuyện. Tận đáy lòng mẹ vẫn đọng lại những hồi ức đau thương nhưng cũng ánh lên niềm tự hào vì chồng và con của mẹ đã sống có lý tưởng, hy sinh thân mình cho quê hương đất nước và sự hy sinh đó không hề vô nghĩa.

Top