Về sự kiện Ty Công an Thừa Thiên được tặng chiếc áo bông và bức ảnh chân dung Bác Hồ

Đây là chiếc áo bông Bác đã trao cho đồng chí Hoàng Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên Khu ủy Liên khu IV, phụ trách chiến trường Bình Trị Thiên kiêm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên, để làm phần thưởng dành tặng đơn vị lập được nhiều chiến công của Bình Trị Thiên.

Chiếc áo bông bọc lụa màu nâu non của Hội Liên hiệp phụ nữ Khu III đã kính tặng Bác nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 59 ngày sinh của Người (19-5-1949), được Bác trân trọng và lấy làm phần thưởng tặng đơn vị lập nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến.

Từ năm 1948, công tác điệp báo của Ty Công an Thừa Thiên đã có bước phát triển. Trong năm 1949, Ban Điệp báo đã củng cố lại những đầu mối được xây dựng, phát triển cơ sở mới trong cơ quan quan trọng của địch và mạng lưới cơ sở quần chúng ngoài xã hội ở Thuận Hoá, nhằm theo dõi và giám sát các đối tượng nguy hiểm giúp các quận Công an bố trí kế hoạch đánh địch có hiệu quả hơn. Để trừng trị bọn Việt gian đầu sỏ ở cấp kỳ và cấp tỉnh, Ty Công an đã chỉ đạo Đội Công an xung phong tổ chức nhiều trận đánh vào sào huyệt địch ở thị xã Thuận Hoá thắng lợi, làm cho địch hết sức hoang mang.

Chiếc áo bông - phần thưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Ty Công an Thừa Thiên, năm 1950. Ảnh: Bảo tàng CAND

Điển hình là ngày 14-1-1949, hai đội viên Công an xung phong Nguyễn Xuân Thưởng và Lê Kỳ đã hoá trang đột nhập diệt tên Trần Đình Hạnh, Chánh Thanh tra Sở Liêm phóng Liên bang Trung Kỳ tại nhà riêng. Sau khi nổ súng, đồng chí Thưởng bị địch bao vây. Một mình với khẩu súng ngắn, đồng chí đã chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh.

Ngày 25-1-1949, Ban vận động Thi đua ái quốc tỉnh Thừa Thiên ra thông báo công nhận chiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng là “Anh hùng thi đua trừ gian” tỉnh Thừa Thiên. Trong bản tuyên dương công trạng ngày 26-3-1949 của Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có viết: “Hành động anh dũng của ông Nguyễn Xuân Thưởng đã làm cho đồng bào Thừa Thiên khâm phục và khiến cho bọn mật thám phải khiếp sợ không dám ra khỏi thành phố... Tổ quốc ghi nhớ người con yêu quý này. Tên ông Nguyễn Xuân Thưởng sẽ được ghi vào sổ vàng Bộ Nội vụ”. 

Noi gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của đồng chí Nguyễn Xuân Thưởng, những đội viên Công an xung phong của Ban Điệp báo tiếp tục tổ chức trừ diệt nhiều tên tay sai đầu sỏ như tên Cao Hữu Thưởng, Giám đốc Nha Thông tin Trung Việt; tên Bửu Hiệp, thủ lĩnh Đảng Đại Việt đang tranh cử chức Thủ hiến Trung Phần.    

Ty Công an Thừa Thiên không chỉ chủ trương trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ mà còn đặt ra yêu cầu gây thiệt hại cơ sở vật chất của địch, lấy phương tiện kỹ thuật của chúng trang bị cho kháng chiến. Ban Điệp báo đã bố trí cơ sở lấy được bộ đồ mổ và thuốc chữa bệnh tại Bệnh viện Huế đưa lên chiến khu. Đồng thời tổ chức những vụ vũ trang tuyên truyền trong nội thị Thuận Hoá nhằm uy hiếp tinh thần quân Pháp và tay sai.  

Đặc biệt, tháng 9-1949, cơ sở nội tuyến của Ban Điệp báo là Trần Xuân Hiến, Thư ký kiêm lái xe của Tỉnh trưởng bù nhìn Phan Đình Trấp bị lộ. Xét thấy không thể để cơ sở ở lại, phải rút ra chiến khu, Ty Công an chủ trương trước khi rút anh Hiến ra, bố trí cho anh lấy xe Jeep của Trấp để tổ chức một vụ tuyên truyền ở nội thị. Đúng kế hoạch, ngày 7-9-1949, anh Hiến đưa xe ra vùng Vĩ Dạ, sát trung tâm thành phố Huế. Một tổ Công an Xung phong đã dũng cảm dùng chiếc xe mang biển số VNT 146, cắm cờ đỏ sao vàng, căng khẩu hiệu “Chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” và lái xe chạy từ Đập Đá lên ngã tư cầu Tràng Tiền, vào đường Trần Cao Vân, ném lưu đạn vào Sở Mật thám Trung Kỳ (số 27-Trần Cao Vân ngày nay) vào giờ nhân viên bãi việc ra về. Xe vừa chạy vừa rải truyền đơn và rút về hướng chợ Cống an toàn.

Mạng lưới cơ sở điệp báo tương đối sâu rộng ở nội thị Thuận Hoá đã thu thập được nhiều tin tức chính xác phục vụ cho Ty Công an kịp thời đối phó với địch. Những hoạt động sáng tạo, mưu trí, gan dạ của lực lượng công an đã đóng góp vào thành tích chung, cùng dân quân, du kích, bộ đội địa phương liên tục quấy rối, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, làm cho chúng mất ăn mất ngủ.

Qua gần 2 năm thi đua “giết giặc, lập công” (1949-1950), Ban Điệp báo Ty Công an Thừa Thiên là đơn vị lập được nhiều chiến công xuất sắc, được Liên Khu ủy Liên khu IV trao tặng phần thưởng là chiếc áo bông của Bác Hồ.

Lễ trao tặng được Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thừa Thiên tổ chức vào dịp Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Bác Hồ (19-5-1950) tại vùng Thác Hộ, chiến khu Dương Hòa. Đồng chí Hoàng Anh, thay mặt Liên Khu ủy trao phần thưởng tặng Ban Điệp báo Ty Công an Thừa Thiên. Đồng chí Nguyễn Đình Bảy, Trưởng Ban Điệp báo thay mặt đơn vị đón nhận phần thưởng cao quý này.

Về bức chân dung của Bác Hồ tặng Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V năm 1950:

Từ ngày 8 đến ngày 15-8-1950, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V được tổ chức tại Tuyên Quang; lần đầu tiên có đông đủ đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam về dự. Hội nghị rất vinh dự nhận được Thư chúc mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm ảnh chân dung của Người có bút tích: “Cần, kiệm, liêm, chính - Tặng Hội nghị C.A Toàn quốc - 1.50” và có chữ ký của Người.

Bức ảnh chân dung - phần thưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Ty Công an Thừa Thiên, năm 1950. Ảnh: Bảo tàng CAND

Thư của Bác có đoạn viết: “Năm vừa qua, công an tiến bộ khá, nhất là công an ở Thừa Thiên, Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội đáng khen...”. Trong phần kiểm thảo thành tích công tác các Ty Công an tỉnh, đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Việt Nam Công an vụ đã “Đặc biệt khen ngợi Ty Công an Thừa Thiên: 

- Đã lập được nhiều thành tích vẻ vang về mọi mặt công tác, đặc biệt là công tác phản gián và điệp báo.

- Đã gây ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước.

- Đã tỏ rõ một sức chiến đấu mạnh mẽ và một tinh thần hy sinh cao quý”.

Công an tỉnh Thừa Thiên đã vinh dự được nhận phần thưởng là bức ảnh chân dung của Bác và Giấy khen của Nha Công an Trung ương.

Ngày 23-3-1950, đồng chí Lê Kim Giốc, Giám đốc Công an Liên khu IV đã ký Công văn số 945-VP/NS gửi Trưởng Ty Công an Thừa Thiên:

“Khu rất lấy làm sung sướng chuyển theo đây cho quý Ty:

- Trích từ Sắc lệnh số 149-SL ngày 30-12-49 của Chủ tịch Chính phủ thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho Ty Công an Thừa Thiên,

- Giấy khen số 60-NCA/P1 ngày 12-01-1950 của ông Tổng Giám đốc Việt Nam Công an vụ cấp cho Ty Công an Thừa Thiên,

- 1 ảnh Hồ Chủ tịch có bút ký.

Giấy khen và bức chân dung trên Khu đã được hân hạnh nhận trong dịp Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V vừa rồi.

Khu thành thật góp thêm lời khen ngợi nhiệt liệt của Khu.

Sau khi nhận được những giấy khen và tặng phẩm kể trên, yêu cầu Ty cho làm lễ phổ biến trọng thể để khích lệ tinh thần nhân viên lập thêm nhiều chiến công nữa”.

Phát huy những thành tích đã đạt được, hưởng ứng đợt phát động chào mừng Tuần lễ Hữu nghị Việt-Trung-Xô. Cán bộ nhân viên Ty Công an Thừa Thiên đã bảo vệ an toàn các cuộc mít tinh của quần chúng ở các thôn, xã, nhất là cuộc mít tinh ở chiến khu Dương Hoà do Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thừa Thiên tổ chức. Các tổ hành động của Ban Điệp báo, Ban Phản gián, Đội Công an xung phong của Ty đã lấy được bộ máy phóng thanh của Nha Thông tin Trung Việt mà Pháp chuẩn bị cấp cho Ty Thông tin tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, một tổ Công an xung phong đã mưu trí, dũng cảm tiến vào cột cờ Phu Văn Lâu, hạ cờ của Ngụy và kéo cờ đỏ sao vàng của ta lên... Với những thành tích đó, ngày 30-5-1950, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thừa Thiên gửi Công văn số 751/CT3 khen ngợi: “Trong Tuần lễ Hữu nghị Việt-Trung-Xô, chúng ta đã thu được những thắng lợi vẻ vang ở Thuận Hoá, trong đó Đội Công an xung phong đã lập được nhiều chiến công oanh liệt. Những chiến công ấy đã chứng tỏ tinh thần xung phong gan dạ của anh em và đã làm cho quân thù kinh hồn, đảm vía”.

Gần 70 năm đã trôi qua nhưng những phần thưởng của Bác vẫn là niềm tự hào của tất cả cán bộ, chiến sĩ các thế hệ Công an nhân dân. Giờ đây, mỗi khi đến Bảo tàng Công an nhân dân, được ngắm nhìn lại những phần thưởng của Bác, ai cũng xúc động trước những kỷ vật đầy ý nghĩa mà Bác đã để lại cho chúng ta.

ThS Đặng Xuân Tuyên

Top