Luật uống rượu cần của người Thái Nghệ An

Rượu cần là thứ rất quý trong gia đình người Thái miền Tây Nghệ An. Chỉ khi nào gia đình, họ hàng, làng bản có việc đại sự mới được mời rượu cần. Uống rượu cần cũng có luật riêng và rất quy củ.

Rượu cần ngon bởi nó được chưng cất từ những tinh túy của hương rừng, gió núi và dòng nước tinh khiết của suối và nó còn ngon ở văn hóa thưởng thức rượu cần. Rượu cần có tự bao giờ không còn ai nhớ nữa, chỉ biết người dân tộc Thái đã biết lấy trấu hông lên, biết cách chế biến men rượu bằng lá cây rừng... Bí quyết làm men rượu ngon đều được mẹ truyền cho con gái. Men được làm từ bột gạo nếp hoặc gạo tẻ, trộn với các loại lá cây như đu đủ, quế, lá cà, lá đào và một số lá khác tạo hương thơm, độ nồng ngọt của rượu.

Hội uống rượu cần của người Thái được tổ chức khá trang trọng.

Hội uống rượu cần cũng được tổ chức khá trang trọng, yêu cầu trước khi uống phải có một số lượng người nhất định. Thường là 6, 8 hoặc 10 người. Lượng rượu cần được tính bằng thể tích rượu trong một chiếc sừng trâu. Một “ông cham” (trọng tài) không tham gia uống rượu được cử rót rượu. Ông cham sẽ hỏi xem cả hội nên uống bao nhiêu sừng và thường thì sau khi đổ nước đầy bình và cúng cho tổ tiên uống trước, sau đó chọn những người cao tuổi nhất, uy tín nhất trong hội rượu cần uống trước.

Ông cham rót rượu từ sừng trâu cho đầy miệng chum và hô “cham mới”. Hội uống đồng loạt hô: “Mời cham” và bắt đầu ngậm cần hút rượu. Chỉ khi nào uống đủ số “sừng trâu” đã định sẽ nhường lại cho hội khác.

Vui nhộn nhất trong những hội rượu cần là các cuộc thi đấu giữa các hội với nhau. Thường là giữa nam và nữ, chủ và khách. Những cuộc thi “nảy lửa” thường diễn ra trong những đám cưới, ngày hội Đại đoàn kết (18-11), Tết Nguyên đán… Cuối cùng thì người thắng hay người thua đều không ai phải thiệt thòi. Những cuộc vui thường kết thúc bằng những tiếng cười vui vẻ.

Chỉ những người uống sai luật phải chịu phạt. Đó là trường hợp quên không nói “mời cham”, hút cần trước những người lớn tuổi hơn... Những ai uống không “đẹp” nghĩa là hút cần không nhiệt tình sẽ bị phạt uống gấp đôi số sừng rượu của cả hội.

Ông Bùi Văn Nhân (bản Piếng Điếm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết: “Luật uống rượu cần của người Thái rất độc đáo, thể hiện nét văn hóa lâu đời. Nếu để ý kỹ trong quá trình uống rượu cần thì sẽ thấy được ý nghĩa sâu xa, có trên, có dưới, có già có trẻ, có chủ có khách và có nam có nữ…”.

Còn ông Lữ Trọng Bằng, thầy giáo dạy tiếng Thái ở bản Cướm, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, cho biết thêm: “Rượu cần của người Thái không biết có tự bao giờ. Lớn lên đã thấy các cụ uống rượu cần trong những ngày lễ, tết hay có khách quý đến thăm. Luật uống rượu cần của người Thái cũng rất độc đáo vì thể hiện tinh thần đoàn kết, hiếu khách, thật thà của đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng truyền dạy cho thế hệ con cháu cách làm rượu cần cũng như hiểu rõ được luật uống loại rượu này để giữ gìn một nét đặc sắc của văn hóa Thái”.

Phạm Tuân

Top