Về làng Nủ
Làng Nủ và đường vào Làng Nủ (ngày 19-9-2024)
Thôn làng Nủ vốn bình yên đã hứng trọn một trận lũ quét vào ngày 10-9-2024. Hàng ngàn khối đất đá đã vùi lấp đi mấy chục ngôi nhà, là nơi sinh sống của gần 170 nhân khẩu. Mặc dù lũ quét đã qua hơn chục ngày nhưng không khí mất mát, đau thương vẫn bao trùm nơi đây: Tất cả bị san phẳng. Tất cả bị vùi sâu trong bùn đất. Thảm họa lũ quét không chỉ để lại những con số đau thương, mà còn in trong lòng mỗi người dân những vết thương tinh thần khó có thể sớm chữa lành. Rất nhiều gia đình chỉ trong phút chốc đã mất đi người thân, nhà cửa bị mất trắng. Người đau buồn vì mất người thân, người bồn chồn, lo lắng mong ngóng các lực lượng chức năng nhanh chóng tìm được những người mất tích còn lại. Tất cả đều chưa thoát khỏi sự ám ảnh bởi cơn lũ quét lịch sử. Nếu không đến tận nơi, chúng tôi không thể nghĩ rằng, nơi đây từng là tổ ấm yên bình của hàng trăm con người.
Trao đổi với trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp
Cùng Bí thư Chi bộ Làng Nủ Hoàng Ngọc Sử kiểm tra danh sách hỗ trợ
Chứng kiến đau thương của người dân làng Nủ, ông Trần Đăng Khoa - Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản xúc động: “Những ngày qua, chúng tôi đau lòng khi đọc thông tin, xem hình ảnh về làng Nủ. Khi đặt chân đến đây, chúng tôi càng cảm nhận được sự mất mát của bà con. Chúng tôi biết rằng, không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất người thân. Không món quà, lời sẻ chia nào có thể bù đắp. Những tình cảm, hỗ trợ nhỏ bé của chúng tôi không thấm vào đâu với nỗi đau thương, mất mát quá lớn này. Xin chia sẻ với bà con, mong bà con cố gắng vượt qua...”.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí chia sẻ với bà con Làng Nủ
Thay mặt Tạp chí Thế giới Di sản và Đặc san Harper’s Bazaar Việt Nam, đoàn công tác và đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Bảo Yên đã trực tiếp trao quà hỗ trợ cho thân nhân 6 cháu bị mồ côi, mỗi cháu 10 triệu đồng; hỗ trợ 10 gia đình có các cháu không may bị mất, mỗi gia đình 3 triệu đồng.
Trao hỗ trợ trực tiếp cho từng người dân
Con số “10 gia đình” cũng là câu chuyện ám ảnh chúng tôi ngay thời điểm đó và có lẽ cả quãng thời gian rất dài sau này. Dù đã chuẩn bị đầy đủ danh sách các gia đình có con bị mất, nhưng đếm đi đếm lại chỉ thấy 9 gia đình. Tất cả đã lặng người khi một đại diện nhận hỗ trợ giọng run run: “Nhà mình 2”...!
Đường vào xã Xuân Thượng (chụp ngày 19-9-2024)
Rời làng Nủ, đoàn công tác tiếp tục đến với người dân xã Xuân Thượng, cách làng Nủ khoảng 20km. Xuân Thượng là xã nằm dọc theo sông Chảy. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, mặc dù cơn bão số 3 đã đi qua hơn 10 ngày, những cung đường vào xã dù đã thông nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi qua lại. Dọc đường có rất nhiều biển cảnh báo màu đỏ về sạt lở núi. Lượng bùn đất còn sót lại sau khi lũ rút vẫn còn đậm đặc, từ ngoài đường cho đến trong nhà dân, nhất là vùng ven sông Chảy.
Cùng Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Bảo Yên trao hỗ trợ chi Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng 50 triệu
Hàng trăm người dân vẫn đang lưu trú lại tại UBND xã. Ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch xã cho biết: Từ hôm xảy ra trận lũ kinh hoàng đến nay, chính quyền, các đoàn thể xã gần như ăn, ở tại trụ sở để giúp người dân khắc phục hậu quả bão lũ, tiếp nhận hỗ trợ của cả nước dành cho bà con. Các bản trong xã đều bị thiệt hại nặng nề, nhà dân bị ngập sâu, sập nhà, nhiều gia đình mất hết tài sản, ngay cả nhà của Bí thư Đảng ủy xã cũng bị cuốn trôi hoàn toàn.
Trao 5 tạ gạo tại xã Xuân Thượng
Đoàn công tác Tạp chí Thế giới Di sản mang theo gạo và tiền mặt hỗ trợ các gia đình khó khăn tại xã gồm 05 tạ gạo và 50 triệu đồng tiền mặt. Dù đã thống nhất các phần quà hỗ trợ từ trước với địa phương nhưng khi nghe Bí thư và Chủ tịch xã kể về hoàn cảnh của anh Tráng A Hồng, chúng tôi ngỏ ý muốn trực tiếp gặp gỡ và trao phần hỗ trợ nhỏ cho anh, mong anh vượt qua cú sốc đau thương này để đối mặt với cả một chặng đường dài cô đơn và gian nan phía trước.
Trao hỗ trợ cho gia đình ông Tráng A Hồng có 3 người thiệt mạng 5 triệu đồng
Đón nhận phần quà hỗ trợ, anh Tráng A Hồng nghẹn ngào cảm ơn Tạp chí và chia sẻ, anh đã mất hết nhà cửa, đồ đạc, đặc biệt là 3 người trong gia đình anh không may mắn đã bị tử nạn do lũ cuốn.
Trao hỗ trợ tại Trường THCS Minh Tân
Cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã tới thăm và trao quà hỗ trợ 10 triệu đồng tiền mặt, 05 tạ gạo và 156 lít dầu ăn cho các thầy cô giáo và học sinh Trường THCS Minh Tân (xã Minh Tân), ngôi trường có 96% học sinh là người dân tộc thiểu số, cũng bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét vừa qua.
Sẽ còn mất rất nhiều thời gian để người dân nơi đây quên đi nỗi đau và dần tái thiết cuộc sống của mình. Dẫu biết thế nhưng chứng kiến cảnh bộ đội, công an về làng giúp dân tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả thiên tai, tình quân dân khăng khít, nghĩa tình; cả hệ thống chính trị vào cuộc. Rồi rất nhiều câu chuyện đẹp, cảm động, đó là tấm lòng của các nhà hảo tâm vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số đến đây.
Dọc hai bên đường có rất nhiều quán cơm, quán giải khát 0 đồng dành cho các đoàn đi cứu trợ
Khi chúng tôi viết những dòng này thì trên nhiều tờ báo, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh đồng bào Yên Bái chia tay những “người lính Cụ Hồ”. Những hình ảnh này lại làm chúng tôi nhớ đến ngày chúng tôi đi Lào Cai. Dọc quốc lộ bắt đầu từ địa phận huyện Bảo Thắng đến huyện Bảo Yên. Rồi từ huyện lỵ Bảo Yên dến các điểm mà đoàn chúng tôi đến trao hỗ trợ, dọc 2 bên đường có rất nhiều quán cơm 0 đồng, quán giải khát 0 đồng, những bếp ăn thiện nguyện tự phát... cùng bà con đứng bên đường vẫy cờ đỏ sao vàng mời khách phương xa đến Lào Cai chia sẻ với nạn nhân bão lũ vào ăn cơm, uống nước. Rất nhiều xe lớn, xe nhỏ mang biển số các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ; từ TP. Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên; từ miền Trung đến các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả những tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão lũ vừa qua như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Cao Bằng, Thái Nguyên... ùn ùn chở hàng hóa tỏa đi khắp các ngả đường vào vùng bị ngập lụt. Nghĩa cử đồng bào, nghĩa tình quân dân cho ta niềm tin vào tương lai: Cuộc sống bình yên sớm trở lại với những người dân hiền lành, chất phác nơi đây và bà con khắp các vùng bão bị lũ khác trên cả nước.
Huyện Bảo Yên là địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nhất tỉnh về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại về người là 111 người (trong đó 68 người chết, 13 người mất tích, 30 người bị thương); 4.115 ngôi nhà, 2.291ha cây trồng, 145,16ha nuôi thủy sản, 36.926 vật nuôi bị thiệt hại, tổng số công trình bị ảnh hưởng, thiệt hại: 264 công trình, ước tính thiệt hại trên 292,2 tỷ đồng. Tổng giá trị thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực ước tính khoảng 1.700 tỷ đồng (chưa gồm thiệt hại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các công trình viễn thông, điện...). Tổng số điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở 319 điểm gây ảnh hưởng tới 1.317 hộ, 5.748 nhân khẩu. (Số liệu thống kê từ Văn phòng Huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai)
|
Bài: Hoàng Quỳnh Hương;
Ảnh: Đặng Ngọc Quang